Khuôn viên chùa Thiền Lâm -
“mảnh đất có nhiều dấu hiệu bị trừng phạt”
(Hỏi chuyện Thượng tọa Thích Chơn Trí về những thông tin
lịch sử chung quanh chùa Thiền Lâm)
TT Thích Chơn Trí: - Vào khoảng tháng 7 năm Canh Ngọ (1990), thừa lệnh Tỉnh Giáo hội, tôi cùng với 6 đệ tử từ tổ đình Tường Vân ra phục hồi ngôi cổ tự danh tiếng này.
Như anh đã biết, thời các chúa Nguyễn và thời đầu triều Nguyễn, chùa Thiền Lâm rất nổi tiếng. Đến cuối thế kỷ XIX (triều vua Thành Thái), người Pháp cho mở đường Nam Giao Tân Lộ đi thẳng từ bờ sông Hương lên đàn Nam Giao (tức Điện Biên Phủ ngày nay) băng ngang qua khuôn viên chùa Thiền Lâm, vì thế chùa phải dời vào mé phía tây khuôn viên cũ, và chỉ dựng được một chánh điện và một điện thờ Mẫu. Hơn sáu mươi năm trở lại đây, chùa trở thành chùa tư, các thầy bán thế trụ trì, truyền tử lưu tôn, nên danh tiếng Thiền Lâm ngày càng mai một. Mãi đến năm 1957, thừa lệnh Hoà thượng Thích Tịnh Khiết, cư sĩ Tôn Thất Tùng (một nhà thầu), đã đôn đốc trùng tu chánh điện; rồi đến năm 1964, với cương vị Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hoà thượng lại quan tâm cho người trùng tu một lần nữa. Tuy vậy, việc quản lý vẫn còn do các thầy bán thế, không đủ điều kiện duy trì, nên cảnh chùa ngày càng suy thoái cho đến lúc thầy trò tôi ra đây.
NĐX: - Kính nhờ thầy nói rõ cho hoàn cảnh của thầy và các đệ tử lúc đó.
TT Thích Chơn Trí: - Khi thầy trò tôi ra đây thì chùa chỉ có một chánh điện và một điện thờ mẫu mục nát. Không có nơi ăn ở, không đủ lương thực để ăn mà tu, thậm chí rau cũng không có, thầy trò phải xới đất vườn chùa trồng rau mà ăn; không ngờ đào ở đâu cũng trúng các hố gạch vồ, đá cổ. Nhân đó thầy trò tận dụng lấy gạch đá dưới lòng đất lên rửa sạch, gạch lành thì xây tường, gạch bể thì đập ra đúc táp-lô, lấy đá xây hồ nước hay làm đôn để kê các chậu hoa.
NĐX: - Lúc đó các thầy có đặt câu hỏi là những gạch đá đủ loại đó của một kiến trúc cổ nào không ? Và vì sao những gạch đá đó tốt như vậy mà người xưa không dùng lại chôn sâu xuống đất ?
TT Thích Chơn Trí: - Trước hiện tượng đó tôi cũng hơi khó hiểu, nhưng rồi cũng không tìm hiểu làm gì. Chùa nghèo, đào được đá và gạch dưới đất lên thì mừng vì có vật liệu xây dựng cho có chỗ ăn, chỗ ở để mà tu thôi. Đâu có tìm hiểu làm gì. Về sau thì các nhà nghiên cứu đến, mà người chủ chốt là anh nói cho biết ở vùng nầy ngày xưa có liên quan đến nhiều kiến trúc lịch sử quan trọng. Đó là việc của các anh, còn nhà chùa thì chỉ lo tu tập thôi.
NĐX: - Kính bạch thầy, thầy có nhận xét gì về những gạch đá khai thác dưới lòng đất chùa Thiền Lâm ?
TT Thích Chơn Trí: - Những viên đá táng cột lớn, một số gạch vồ có khuôn dấu, chất gạch, chất đá rất tốt. Đúng như các anh nói: gạch, đá đó phải là của những kiến trúc lịch sử quan trọng có liên quan đến vua chúa. Còn dân thường ta ngày xưa làm gì có được những thứ vật liệu tốt rất quý hiếm đó !
NĐX: - Ngoài chuyện gạch vồ đá táng cột chôn vùi trong khuôn viên chùa Thiền Lâm, thầy còn thấy có sự việc gì khác thường trong và chung quanh chùa Thiền Lâm nữa không ?
TT Thích Chơn Trí: - Có nhiều: Theo các bài vị thờ trong chùa và bia tháp trong khuôn viên chùa thì người khai sơn chùa Thiền Lâm là Ngài Khắc Huyền, nhưng sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn thời Duy Tân thì viết là Ngài Thạch Liêm Thích Đại Sán; hầu hết các tấm bia cổ của chùa Thiền Lâm đều bị mài nhẵn, hoặc đục hết chữ, hoặc mài hết nội dung cũ viết nên nội dung mới (ví dụ như bia Ngài Khắc Huyền); vùng chung quanh chùa có nhiều mồ chôn trùng nhau...., nhà chùa chưa nghiên cứu kỹ nên cũng chưa thấy hết.
NĐX: - Những gạch đá nhà chùa khai thác được lúc đó tôi có chụp ảnh được. Nhiều lắm. May mắn là tôi còn giữ được một số phim (ảnh thì hư gần hết). Rồi sau đó các “cổ vật” đó được nhà chùa sử dụng lại như thầy vừa cho biết ở trên. Ngày nay có cổ vật nào còn sót lại nữa không, thưa thầy ?
TT Thích Chơn Trí: - Gạch bể chắc còn ở chung quanh chùa, gạch lành thì đã sử dụng hết, nhưng rải rác vẫn còn. Và các anh cũng đã “xin” đi nhiều. Duy đá thì nhiều viên không đúng kích cỡ không dùng được nên vẫn còn. Các thầy họ dùng những viên đá táng cột nhà rường cổ đó làm đôn để các chậu hoa..., anh có thể nhờ các thầy, các điệu ở đây hướng dẫn tìm lại xem.... trước chánh điện ...
NĐX: - Những đá và gạch cổ thì như thế rồi, nhưng còn những tấm bia của chùa hồi đó nằm lăn lóc trong sân nay đi đâu hết rồi ?
TT Thích Chơn Trí: - Những tấm bia nằm lăn lóc trong vườn chùa sau đó ai xin, hay chôn lại dưới các bể nước tôi không nhớ. Còn tấm bia lớn đứng trên lưng rùa trước đây bị di ra dựng trước chùa Vạn Phước (sau lưng chùa Thiền Lâm) người ta đưa về Nhà Bảo tàng Thành phố Huế. Sau đó chùa Thiền Lâm đã ổn định nơi ăn chốn ở, nhà chùa xin lại đem về đặt trước chùa đây, hiện đang còn đó. Nhưng mà chỉ giữ làm kỷ vật chớ nội dung bia đã bị mài nhẵn từ thuở nào nào.
NĐX: - Ngoài những bài vị, tượng Phật, đồ tự khí thờ trong chùa, chùa Thiền Lâm còn có những kỷ vật gì gọi là “gốc”(gine) nữa không, thưa thầy ?
TT Thích Chơn Trí: - Chùa Thiền Lâm có nhiều thời kỳ: buổi đầu khai sơn, thời chúa Nguyễn Phúc Chu trở thành một Viện Phật giáo lớn do Hoà thượng Thích Đại Sán đứng đầu; thời Tây Sơn, Bùi Đắc Tuyên chiếm ở; thời bị chiến tranh hư hại nặng được Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu quyên tiền trùng tu xây dựng lại; thời người ta làm Nam Giao Tân Lộ phải dời chùa từ ngoài đường vào đây..., cho nên nói cái gì là gốc rất khó. Theo tôi có thể xem là gốc là mộ tháp Ngài Khắc Huyền - vị tổ khai sơn chùa Thiền Lâm còn ở bên kia đường Điện Biên Phủ, mộ tháp (cụt) của Ngài Thanh Trì Quả Hoằng Quốc Sư nằm bên phải con đường dẫn vào chùa Vạn Phước. Và, đặc biệt hai cây thị, một cây đứng cạnh mộ tháp Ngài Khắc Huyền ở bên kia đường và một cây dứng bên phải trước sân chánh điện bên nầy. Hai cây thị đó là hai cái mốc tả, hữu của ngôi chùa Thiền Lâm gốc trước khi có Nam Giao Tân Lộ.
NĐX: - Thầy có nhận xét gì đối với những điều khó hiểu xảy ra với chùa Thiên Lâm không ?
TT Thích Chơn Trí: - Gần hai mươi năm nay, từ khi các anh đến đây nghiên cứu tôi đã được nghe các anh nói sở dĩ có những điều khó hiểu đó là vì chùa Thiền Lâm có quan hệ với Phủ Dương Xuân, lăng mộ vua Quang Trung, việc trả thù của nhà Nguyễn. Đó là chuyện của các anh, tôi chờ nghe kết quả xác nhận của nhà nước. Riêng tôi, với lịch sử ngôi chùa nầy, là một ngôi chùa đã được chúa Nguyễn Phúc Chu mời Hoà thượng Thích Đại Sán đến ở và tiến hành nhiều lễ truyền giới sa di và tỳ kheo, với 1500 giới tử. Chính chúa Nguyễn Phúc Chu và hoàng gia cùng quan lại cũng như sư tăng đã thọ giới tại đây. Ngôi chùa đó về sau là một cơ sở chủ chốt của triều Quang Toản dành cho Bùi Đắc Tuyên ở...Về sau chùa lại được Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu quyên tiền trùng tu...Chứng tỏ chùa Thiền Lâm là một ngôi chùa thuộc loại quan trọng, ngoài chùa Thiên Mụ, nó không thua bất cứ một ngôi chùa tổ nào ở Thuận Hoá - Phú Xuân. Vậy mà cho đến nay Giáo hội Phật giáo cũng như Nhà nước chưa quan tâm gì đến chùa Thiền Lâm cả. Đối với các nhà nghiên cứu, các nhà khảo cổ học, với lịch sử chùa Thiền Lâm như thế, với những gạch đá “khai quật” được từ dưới lòng đất lên nhiều và quan trọng như thế mà chỉ ngoài anh ra, chưa một người nào đến nghiên cứu giải thích những gạch đá đó là của kiến trúc nào ? Vì sao nó đã bị chôn vùi xuống đất như thế như anh đã hỏi tôi từ đầu câu chuyện hôm nay. Tôi mong những bí ẩn, những khó hiểu chung quanh chùa Thiền Lâm sẽ được làm sáng tỏ trong thời gian tới.
NĐX: - Đó là mong muốn của thầy và cũng là hoài bão của giới nghiên cứu Huế chúng tôi và của cả người dân Huế, dân Việt Nam ở trong nước và ngoài nước hiện nay. Xin cám ơn thầy.
Ngày 9-8-2006.
(Nguồn: Nguyễn Đắc Xuân Đi Tìm Dấu Tích Cung Điện Đan Dương =sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nxb
Thuận Hóa 2007, từ tr.136 đến tr. 141)