Tượng đài vua Quang Trung tại gò Đống Đa
Từ những chỉ dẫn của người xưa
Hồi đó tôi vừa mới in cuốn Thăm chùa Huế, nghe nói “lên chùa” tôi nhận lời ngay. Dọc đường anh rỉ tai tôi: “Bọn mình sẽ đào thám sát một chỗ, có khả năng đó là lăng mộ vua Quang Trung (?)”. Trước đó chưa lâu Tạp chí Sông Hương đăng tải công trình nghiên cứu của anh Trần Viết Điền về lăng Ba Vành ở trên đồi Thiên An, thuộc xã Thuỷ Bằng, huyện Hương Thuỷ với cái tít ấn tượng khá mạnh: Lời giải phương trình nửa thế kỷ. Công trình của Trần Viết Điền có kế thừa kết quả của các bậc tiền bối, đã chứng minh lăng Ba Vành là lăng mộ vua Quang Trung (?) Nguyễn Đắc Xuân không mất nhiều thời gian với lăng Ba Vành. Trong quá trình nghiên cứu những gì có liên quan đến Huế qua sử học, địa lý lịch sử, văn học cổ, khảo cổ học... anh phát hiện được nhiều chỉ dẫn quan trọng. Anh tiết lộ lăng mộ vua Quang Trung có tên là Lăng Đan Dương với những yếu tố mà thực tế lăng Ba Vành không hội đủ được như sau: lăng mộ vua Quang Trung ở bờ nam sông Hương (Hương giang chi nam); lăng mộ đặt ngay trong cung điện Đan Dương (cung điện Đan Dương là nơi phụng chúa bảo y tiên hoàng ta - Ngô Thời Nhậm). Trong cung điện của vua chúa có hàng trăm người, phải có nhiều công trình phụ, giếng nước để phục vụ ăn ở, sinh hoạt. Sau khi Đan Lăng bị Nguyễn Ánh triệt phá ít nhất cũng còn lại dấu vết của thành quách kiến trúc bị chôn vùi xuống đất, các giếng nước.v.v... Lăng Ba Vành quá nhỏ, ở trong vùng núi hoang vu, không hề có một cái giếng nào, một mảnh vỡ kiến trúc thành quách nào khả dĩ còn có thể tìm được nên không thể đặt giả thuyết đó là dấu tích của lăng mộ vua Quang Trung (Lăng Đan Dương).
Một chỉ dẫn quan trọng khác là khi Phan Huy Ích vào làm việc với Bùi Đắc Tuyên (sau năm 1792) ở chùa Thiền Lâm. Ông Bùi Đắc Tuyên có thói ban đêm thức làm việc, ban ngày ngủ. Phan Huy Ích cho biết ông không quen ngủ ngày, nên ngồi trong nhà trọ (cũng là một ngôi chùa) giải buồn bằng cách bày uống rượu và ông cho biết những người khách thân giữ lăng thường đến uống rượu với ông. Như vậy Lăng Đan Dương phải ở gần chùa Thiền Lâm – nơi ở và nơi làm việc của vị Thái sư triều Tây Sơn.
Ngược dòng lịch sử, vua Quang Trung mất đột ngột, triều đình phải đối phó với tình hình chính trị phức tạp: thù trong, giặc ngoài, nội bộ anh em nhà Tây Sơn đang mất đoàn kết. Xây lăng, đắp mộ cho ông là một việc lớn, nhưng phải giải quyết trong điều kiện hoàn toàn bí mật, nếu không giữ được bí mật thì khó tránh được những đột biến khôn lường. Trong tình cảnh ấy mộ vua Quang Trung phải được đặt ngay trong cung điện Đan Dương. Ngày 29-7 năm Nhâm Tý (1792), Ngô Thì Nhậm được cử sang Thanh triều báo tang và cầu phong cho Cảnh Thịnh (Quang Toản). Từ Trung Hoa ông đã viết bài Cảm hoài. Câu 8 bài thơ: “Đan Dương cung điện nhật tam thu”. Lời chú ở dưới: “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta”. Bài thơ và lời chú cho biết vua Quang Trung có một cung điện tên là Đan Dương, cung điện này ở vùng núi, sau đó được sử dụng làm lăng cho vua Quang Trung (Sơn Lăng). Vì thế cung điện Đan Dương rất có thể là hành cung của vua Quang Trung?
Ngoài Cảm hoài, trong nhiều bài thơ khác Ngô Thì Nhậm cũng nhắc đến Đan Dương Lăng, Đan Lăng như bài thơ Đạo ý có "Vọng Đan Dương”; bài Khâm vãn Đan Dương Lăng. Bài Sóc vọng thị tấu nhạc, Thái Tổ miếu, cung ký có câu: “Đan Lăng thức mục tử vân thâm” (Chốn Đan Lăng ngước mắt, áng tử vân âm u). Bài Tòng giá bái tảo Đan Lăng, cung ký có câu: “Sơn Lăng vạn cổ điện Thần kinh”. Phan Huy Ích cũng đã nhiều lần đề cập đến Đan Lăng. Trong một bài thơ xướng họa với ông anh vợ đồng triều (tức Ngô Thời Nhậm), Phan Huy Ích tâm sự về nỗi nhớ tiếc cuộc gặp gỡ của hai người với vua Quang Trung, khó lòng tìm được một cuộc gặp gỡ như thế nữa. Trước khi viết bài thơ mang số 282, ông đã viết một nguyên dẫn với câu: “Khúc Đan Dương ở trước mặt, muôn nỗi cảm hoài". Năm 1799, khi Thái Vũ Hoàng hậu Lê Ngọc Hân qua đời, Phan Huy Ích viết điếu văn cho vua Quang Toản, tác giả cho biết triều Quang Toản, để thỏa mãn nguyện vọng muốn được mãi mãi ở cạnh Quang Trung của bà Ngọc Hân, triều đình đã cho táng bà bên cạnh lăng vua Quang Trung: “Nguyện cũ hẳn nay lọn vẹn - Bên Đan Lăng quanh quất mạch liên châu” .v.v...
Qua những “chỉ dẫn” của hai cận thần triều Tây Sơn, chúng ta biết lăng mộ của vua Quang Trung (Đan Lăng, Đan Dương Lăng, Sơn Lăng) nằm trên vùng núi phía nam Kinh đô Phú Xuân lúc bấy giờ. Hai chữ Sơn Lăng khẳng định lăng ở vùng núi. Căn cứ vào cách đặt tên địa danh của vua chúa xưa và địa hình xứ Huế, gần 20 năm qua Nguyễn Đắc Xuân đã cất công đi tìm toạ độ của cung điện Đan Dương.
Phủ Dương Xuân và cung điện Đan Dương trong sử sách
Nguyễn Đắc Xuân đã huy động được khá nhiều tư liệu. Anh đã đặt các thông tin tư liệu cùng một nguồn, một ngành với nhau (Đại Nam nhất thống chí thời Tự Đức và thời Thành Thái, Duy Tân) để xem thử có gì khác biệt không và nếu có thì tự đặt các câu hỏi phản biện? Và, cũng làm như thế, đặt các thông tin từ các nguồn tư liệu khác nhau như Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn và Đại Nam nhất thống chí. Cuối cùng đặt các thông tin lịch sử đã được chỉnh lý vào thực địa của Thuận Hoá - Phú Xuân để xem thử những gì còn, những gì đã mất. Còn thì hiện trạng như thế nào? Mất thì vì sao mất? Ví dụ Phủ Dương Xuân trên gò Dương Xuân từ sau khi chiến tranh với Tây Sơn, Đại Nam nhất thống chí cho biết là đã mất tích. Kiến trúc Phủ Dương Xuân vì binh hoả có thể đã bị sụp đổ nhưng địa điểm xây dựng kiến trúc ấy làm sao có thể mất tích được? Người ta cho địa điểm ấy mất tích vì lý do gì? Vì sao các bia lăng chùa Thiền Lâm đều bị mài, đục hết chữ? Vì sao các nhà sư ở chùa Thiền Lâm bây giờ đào bới đất trong khuôn viên chùa phát hiện thấy hàng ngàn gạch vồ, hàng trăm viên đá tảng dưới lòng đất? Đó là những di tích gì đã bị triệt phá? Địa điểm từng xây dựng Phủ Dương Xuân có liên quan gì đến chùa Thiền Lâm không? Vì lăng mộ vua Quang Trung đã bị triều Nguyễn “tận pháp trừng trị” và cấm thần dân nhắc đến; cho nên những nhà nghiên cứu thời Nguyễn không dám đả động đến lăng mộ vua Quang Trung, nếu vô tình gặp phải thì tránh, thậm chí có người còn làm nhiễu thông tin, đánh lạc hướng đi. Tất cả những điều khó hiểu đó tập trung lại quanh chùa Thiền Lâm trên gò Dương Xuân. Nguyễn Đắc Xuân phát hiện ra những điều bí ẩn ấy và đã đi đến cùng để giải mã nó. Việc nghiên cứu của anh dò dẫm và công bố từng bước.
Thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, ngoài Kinh thành Phú Xuân có điện Trường Lạc, có Phủ Dương Xuân. Vua Quang Trung chắc chắn cũng có hành cung ở ngoài Kinh thành Phú Xuân. Các di tích có liên quan đến nhà Tây Sơn đều bị quan quân nhà Nguyễn tàn phá sạch. Những hành cung ngoài Kinh thành Phú Xuân của vua Quang Trung cũng phải chịu chung số phận. Một trong những hành cung ấy của vua Quang có phải tên là Đan Dương. Sau ngày vua Quang Trung mất, cung điện Đan Dương được chuyển làm lăng vua Quang Trung với tên gọi Đan Lăng, Đan Dương Lăng hay Sơn Lăng, (lăng đỏ)? Đại Nam nhất thống chí viết về gò Dương Xuân cho biết hai thông tin: Phía nam gò có đàn Nam Giao; trên gò có dựng Phủ Dương Xuân (thời quốc sơ). Như vậy là Phủ Dương Xuân nằm ở phía bắc đàn Nam Giao. Trên bản đồ giải thửa ấp Bình An lập đầu thế kỷ XX, và trên thực tế hiện nay, chùa Thiền Lâm cũng tọa lạc ở phía bắc đàn Nam Giao. Đan Dương Lăng nằm gần chùa Thiền Lâm, có nghĩa là cũng nằm gần Phủ Dương Xuân. Theo Phủ biên tạp lục thì Phủ Dương Xuân được xây dựng từ “năm Canh Thân (1680)”. Thời Nguyễn Phúc Chu, năm Canh Thìn (1700), Phủ Dương Xuân lại được trùng tu. Lý do xây dựng và trùng tu Phủ Dương Xuân được các sử gia giải thích là để các Chúa ở trong mùa lũ lụt và trong mùa đông, cho nên còn có tên gọi là cung điện Mùa Đông. Nhà buôn người Pháp Pierre Poivre đã đến Đàng Trong vào cuối năm 1749, ông được chúa Võ Vương tiếp đón tử tế tại cung điện Mùa Đông (tức Phủ Dương Xuân) vào ngày 29-11-1749. Theo Pierre Poivre thì cung điện Mùa Đông được xây dựng trên cái gò hơi xa sông một chút và chỉ có một cánh nhìn ra phía sông. Chúa thường ngự ở đó vào mùa đông hay mùa mưa kéo dài đến bốn tháng. Trong Phủ biên tạp lục Lê Quý Đôn cho biết: “Ở về mạn thượng lưu bờ nam ngạn, có Phủ Dương Xuân, Phủ Cam. Đi lên phía trên nữa có phủ Tập Tượng...” Hơn 20 năm sau, Phan Huy Ích vào Thuận Hóa làm quan dưới triều Tây Sơn, ông ở Huế lâu và ghi chép được nhiều tài liệu về Huế. Những tài liệu đó ông lưu trữ lại, được con ông là Phan Huy Chú tham khảo trong lúc viết cuốn Dư địa chí trong bộ bách khoa Lịch triều hiến chương loại chí. Sách Dư địa chí có một đọan viết về những cung điện ở bờ nam sông Hương: “Nam ngạn con sông và trên mạng thượng lưu, lại có Phủ Dương Xuân, điện Trường Lạc, hiên Duyệt Võ; ấy là những tòa nhà nguy nga, mái đao rực rỡ, có hành lang bao quanh, tường thành vây bọc; cửa ngõ mở thông ra tứ phía, được chạm trổ và trang sức rất công phu...” Sách Đại Nam thực lục tiền biên soạn từ năm Minh Mạng thứ hai (1821) đến năm Thiệu Trị thứ tư (1844), các sử thần triều Nguyễn có đọan viết tương tự như của Phan Huy Chú, nhưng không thấy nói gì đến Phủ Dương Xuân. Điều đó chứng tỏ rằng đến thời Minh Mạng - thời viết Đại Nam thực lục tiền biên - Phủ Dương Xuân không còn nữa. Theo Nguyễn Đắc Xuân Đại Nam thực lục tiền biên không nhắc đến Phủ Dương Xuân vì hai lẽ: 1. Phủ Dương Xuân bị xoá vết tích từ đầu triều Gia Long nên không còn nữa. 2. Không nhắc đến Phủ Dương Xuân để cho thống nhất với chủ trương Phủ Dương Xuân bị mất tích từ sau khi binh loạn như Đại Nam nhất thống chí đã viết.
Phủ Dương Xuân qua sử sách Đông Tây là như vậy. Những nét chính của Phủ Dương Xuân mà Nguyễn Đắc Xuân tìm kiếm trong thực tế gồm: 1. Tìm thấy được những biểu hiện của một vùng kiến trúc cổ đặc biệt đã bị triệt hạ chôn sâu dưới đất nằm giữa chùa Từ Đàm (Ấn Tôn) và chùa Tuệ Lâm đúng vào vị trí “phía thượng lưu và hơi xa bờ sông Hương một chút”. 2. Khu vực nằm trên gò Bình An (một phần cắt của gò Dương Xuân cũ) đúng vào vị trí bắc đàn Nam Giao. 3. Địa thế chỗ cao (đỉnh gò) còn nhiều dấu vết móng tường thành, chỗ thấp có hồ bán nguyệt, suối Tiên. 4. Khu vực có biểu hiện nhiều kiến trúc khác nhau như giếng nước, móng tường thành, đá táng cột biểu hiện các cung thất bị triệt hạ, giải hạ rải rác nhiều nơi. Khu vực đó đã bị cấm. Cho mãi tới đầu thế kỷ XX quan lại và dân chúng mới được đến sinh sống.
Ngoài những nét chính này, qua khảo sát của Nguyễn Đắc Xuân còn cho thấy các yếu tố cát địa khẳng định cơ sở chính của phủ có hướng tây bắc - đông nam, phù hợp với tập quán xây dựng cung thất của vua chúa phương Đông. Vì thế có thể yên tâm về địa điểm của Phủ Dương Xuân. Địa điểm Phủ Dương Xuân cũng không đến nỗi khó tìm, thế tại sao những người viết Đại Nam nhất thống chí đời Tự Đức cũng như đời Thành Thái - Duy Tân đều muốn cho người đọc sử quên đi (Tự kinh binh loạn kim thất kỳ xứ). Phải chăng Phủ Dương Xuân mất tích vì có liên quan đến cung điện Đan Dương, Đan Dương Lăng của vua Quang Trung? Từ các cơ sở này, tác giả đưa ra ý tưởng của một giải pháp: Phủ Dương Xuân trên gò Dương Xuân là nơi ở của các chúa Nguyễn vào những tháng mùa đông. Sau khi đánh chiếm Phú Xuân, nhà Tây Sơn đã sử dụng Phủ Dương Xuân để làm Hành cung. Về sau sửa chữa trở thành cung điện Đan Dương rồi Lăng Đan Dương. Khi Nguyễn Ánh đập phá và chôn sâu Lăng Đan Dương xuống đất, tức Phủ Dương Xuân cũ cũng phải mất tích. Chùa Thiền Lâm là một bộ phận của Đan Dương nên bị chuyển địa chỉ trong sử sách, bị mài đục bia tháp để đánh lạc hướng người đi tìm dấu vết lăng mộ vua Quang Trung.
Đi tìm Phủ Dương Xuân trên địa bàn ấp Bình An Thành phố Huế
Bên cạnh chùa Thiền Lâm, phía trước chùa Vạn Phước có hai ngôi nhà của chị em bà Nguyễn Thị Liên và ông Nguyễn Hữu Oánh. Nhà bà Liên mang số 10/17 kiệt 120 Điện Biên Phủ, nhà ông Nguyễn Hữu Oánh lùi ra phía tây một chút, mang số 9/17 kiệt 120 đường Điện Biên Phủ. Khu vực chung quanh nhà bà Liên và nhà ông Oánh có rất nhiều hiện vật cổ. Khi đào đất làm vườn hay dựng nhà, cụ nội và thân sinh ông Oánh đã bắt gặp ở dưới đất hàng ngàn viên gạch vồ, hàng trăm viên đá lát khổ 30 x 30 cm, dày 4 cm. Những gạch đá này, cụ thân sinh ông Oánh đã dùng để xây tường và lát sàn một ngôi nhà to. Đó là ngôi nhà ông Oánh đã ra đời. Nhưng trong gia đình nhận thấy ở trong ngôi nhà đó không được may mắn, đã có nhiều người "chết bất đắc kỳ tử", nên sau này ông Oánh đã phá bỏ nhà cũ, toàn bộ đá lát và gạch vồ tặng cho chùa Vạn Phước ở trên đỉnh gò (xế phía tây bắc một chút so với nhà anh Oánh). Chùa Vạn Phước đã sử dụng số đá lát đó lát con đường vào nhà trai phía bên phải chùa. Sau lưng nhà anh Nguyễn Hữu Oánh và sau lưng nhà anh Nguyễn Hữu Oanh, ở phía sát với hàng rào chùa Thiền Lâm cũng còn nhiều tảng bê-tông vôi; có nhiều viên đá lót đường thu nhặt từ những công trình kiến trúc cũ đã bị chôn vùi xuống đất từ xưa. Người dân địa phương cho biết ở vùng này trước kia người ta đã đào được hàng trăm viên đá táng cột như thế và trải qua hàng chục năm, họ bán dần hồi cho những người thợ làm bia, làm cối. Những viên còn lại, thợ làm bia chê xấu không mua mới đem lát đường. Con đường bọc sau lưng chùa Vạn Phước để đi ra phía tây bắc có nhiều đống giải hạ được vun thành bờ rào phía sau chùa Vạn Phước và phía trước chùa Tịnh Độ. Những đống giải hạ này chứng tỏ nơi đây đã từng có những kiến trúc cổ đã bị triệt hạ. Nhiều bia mộ của các vị sư chùa Thiền Lâm bị mài đục, có tháp về sau được sửa chữa viết lại. Có rất nhiều lăng xây bằng đá tận dụng ở khu vực Cồn Bông Sứ - ngay trước chùa Vạn Phước. Ở Huế xưa bông sứ chỉ được trồng ở các cung điện, lăng mộ hoặc nơi thờ tự lớn. Cái cồn nầy có nhiều gốc bông sứ cổ chứng tỏ ở khu vực nầy từng có các cung điện hoặc là lăng mộ hay một nơi thờ cúng quan trọng nào đó? Trước năm 1990, ở Cồn Bông Sứ có một ngôi lăng với một tấm bia lớn dựng trên lưng một con rùa bằng đá trắng. Tấm bia đá granít đã bị “mài” nhẵn mất hết chữ. Hiện tấm bia lớn và rùa đá còn dựng ở sân sau chùa Thiền Lâm. Ở phía tây nam tấm bia và rùa đá chừng ba bốn chục mét có một ngôi lăng hướng về phương nam, rộng 3m, dài 4m, tấm bia lăng (1,1m x 1,1m) ghép bằng ba phiến đá mỏng. Phía trước lăng có hai cái trụ đá hình chóp thấp, một cái bàn đá nhỏ giống như một cái ghế đá vuông chôn sâu dưới đất (xem A.063, A.064, A.065). Phía sau lăng có hai khối đá khác, một khối 55 x 35cm, chiều cao có hai cấp, cấp thấp khoảng 30cm, cấp cao khoảng 34 cm (xem A.067); một khối đá táng cột 45 x 45cm, dày 25cm. Viên đá táng cột này rất đặc biệt, phần khoét giữa mặt đá để kê cột có một hình tròn bị cắt một khúc và đục rộng ra. Chỗ khoét sâu ấy chứng tỏ mặt cắt ngang cây cột kê vào viên đá ấy có một hình tròn và một hình tam giác ghép vào nhau. Ở hai đầu góc nhọn của tam giác có hai đường hoa văn cuốn lên (xem A.068). Cỡ viên đá táng 45 x 45cm, lỗ kê chân cột lớn và có hình khối đặc biệt, chứng tỏ nó có xuất xứ từ một cung điện lớn hiếm có. Ngôi lăng này của bà thân mẫu Thượng thư bộ Binh - Tiến sĩ Phạm Liệu. Nhờ quyền thế Thượng thư bộ Binh, ông Tiến sĩ Phạm Liệu mới dám góp nhặt “phế liệu đá” tận dụng trong khu vực nầy để xây dựng lăng cho thân mẫu mình. Vì tận dụng nên có nhiều chỗ không đúng kích cỡ cho nên phải trát thêm vôi vữa, ngược lại một số viên đá quy tập về nhưng không sử dụng hết nên còn để lăn lóc phía sau. Dân địa phương và các nhà sư trong chùa Vạn Phước cho biết những viên đá còn lại nêu trên chỉ là một phần rất nhỏ, phần lớn dân đã đưa đi bán trong nhiều năm. Như vậy những viên đá đó của cung điện nào? Vì sao nó lại tập trung vào khu vực nầy? Có liên quan gì đến Phủ Dương Xuân “đã bị mất tích” hay Lăng Đan Dương “đã bị quật phá” không?
Về phương diện “cát địa”, lấy địa điểm đào được hàng trăm viên đá lát làm gốc (khu vực nhà anh Oánh và nhà bà Liên làm trung tâm) bác sĩ Dương Văn Sinh - một nhà nghiên cứu dịch học, một thầy địa được nhiều người ở Huế biết tiếng, đo đạc, tính tóan và cho biết khái quát: Trục chính ở địa điểm này ở vị thế “tọa càn hướng tốn”, nghĩa là kiến trúc được đặt vào hướng tây bắc - đông nam. Phía trước có suối Tiên chảy từ trái sang phải, xa hơn nữa (khoảng 3km) có núi Thiên Thai (cũng có tên là núi Hỏa Diệm) làm án. Phái bên tay trái là dãy gò đồi bị đường Nam Giao Tân Lộ (Điện Biên Phủ) cắt ngang thuộc hành mộc (dài) - Tay long. Phía bên tay phải là Cồn Bông Sứ, thuộc hành kim (tròn) - Tay hổ. Phía sau là đỉnh gò chạy thẳng xuống bờ sông thuộc hành thủy - Hậu chẩm. Địa điểm này có đủ yếu tố để xây dựng một cơ sở cho các bậc đế vương.
Qua tư liệu, hiện vật, địa điểm “cát địa”, những biểu hiện khác thường ở khu vực này, Nguyễn Đắc Xuân tin rằng ông đã tìm ra được Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn “bị mất tích” (tức là cung điện Đan Dương thời Tây Sơn) trong khu vực bên bờ bắc suối Tiên, phía đông giáp chùa Thiền Lâm, phía tây giáp ruộng Trường Bia, phía bắc giáp chùa Tịnh Độ trên đỉnh gò Phú Xuân.
Khu vực cung điện Đan Dương đã rõ ràng. Câu hỏi: “Đan Lăng - lăng mộ vua Quang Trung ở đâu?” Có thể xác định nằm trong khu vực Phủ Dương Xuân, cung điện Đan Dương ấy. Nhưng địa điểm huyệt mộ táng vua Quang Trung đã bị quật phá cụ thể ở vào chỗ nào trong khu vực cung điện Đan Dương ấy? Giải pháp cơ bản để trả lời câu hỏi nầy Nguyễn Đắc Xuân đã đưa ra cách đây 14 năm nhưng các cơ quan khảo cổ học của Nhà nước chưa vào cuộc nên ông chỉ dám đặt tên công trình nghiên cứu nầy là Góp một giải pháp vào việc tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung. Câu trả lời cuối cùng còn đợi kết quả khai quật khảo cổ học.
Hỏi chuyện tác giả
PV Tiền phong: Vấn đề dấu tích lăng mộ vua Quang Trung đã được các nhà sử học Pháp-Việt, những người có đủ các điều kiện chuyên môn, thời gian, phương tiện, tiền bạc... hơn ông nghiên cứu từ hơn nửa thế kỷ qua nhưng vì sao họ bế tắc, còn ông thì....
Nguyễn Đắc Xuân: Sử triều Nguyễn viết lăng mộ vua Quang Trung tại “Hương Giang chi nam” (bờ nam sông Hương) - một vùng đất tương đối rộng. Nhưng hơn nửa thế kỷ qua các nhà nghiên cứu tập trung vào cái lăng Ba Vành, toạ lạc tại rừng thông phía sau Tu viện Thiên An, thuộc xã Thủy Bằng. Những người có chuyên môn nghiên cứu, có tài liệu, có điều kiện nghiên cứu như Bửu Kế, Lê Văn Hoàng, Đỗ Bang, Phan Thuận An, Mai Khắc Ứng, Trần Đại Vinh, đều chứng chứng minh lăng Ba Vành là của Lê Quang Đại chứ không thể là lăng mộ Quang Trung. Những người “ngoài nghề” nhưng đầy nhiệt tình như cụ Nguyễn Hữu Đính, thầy giáo dạy Vật lý Trần Viết Điền cố gắng chứng minh lăng Ba Vành là lăng Quang Trung theo cách lý giải riêng của mình. Vì thế các công trình nghiên cứu đã gởi đến các cơ quan Nhà nước ở Trung ương (của cụ Nguyễn Hữu Đính) hay đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố Huế tài trợ để nghiên cứu (như công trình của Trần Viết Điền) đều được hồi âm bằng sự yên lặng. Sự thực chỉ có vậy. Với nhiều nguồn tư liệu, tôi sớm tiếp cận được những thông tin về cung điện Đan Dương và Lăng Đan Dương trong văn học cổ của Ngô Thời Nhậm và Phan Huy Ích nên không mất công với việc nghiên cứu lăng Ba Vành. Và, một mình một ngựa tôi đi theo con đường tôi tự mở dành riêng cho mình.
PV Tiền phong: Anh có thừa kế được gì của những người đi trước?
Nguyễn Đắc Xuân: Có chứ. Thừa kế tài liệu và các cách lý giải chứng minh lăng Ba Vành không thể là lăng mộ Quang Trung của các bậc thầy tôi là cụ Bửu Kế, thầy Lê Văn Hoàng và cả của các bạn tôi. Nhờ họ mà tôi khỏi mất thì giờ vào chuyện lăng Ba Vành để tập trung vào con đường của mình.
PV Tiền phong: Con đường của ông như thế nào?
Nguyễn Đắc Xuân: Một sinh viên mới học sử cũng phải biết không có tư liệu thì đừng viết sử. Tôi đã học phương pháp sử trên 40 năm. Con đường của tôi được vạch ra từ tư liệu lịch sử rút ra trong kho tư liệu học Huế của tôi gồm: tư liệu lịch sử, các nguyên chú, chú thích gốc trong văn học cổ thời Quang Trung, địa lý lịch sử, thảo mộc học, ngôn ngữ học, khảo cổ học, tư liệu điền dã và cả thuật phong thủy. Tư liệu đặt ra cho tôi: Một nơi được xem là lăng mộ vua Quang Trung phải có ít nhất 4 yếu tố: 1. Ở bờ nam sông Hương (theo Liệt truyện và nhiều tư liệu khác). 2. Ở gần chùa Thiền Lâm tại ấp Bình An (để các tiểu giám giữ lăng hằng ngày đến chùa Thiền Lâm uống rượu với Phan Huy ích). 3. Phải có biểu hiện là một vùng cung điện (Ngô Thì Nhậm viết: “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta). 4. Lăng mộ đó đã bị “tận pháp trừng trị”, đập phá tan nát, chôn sâu dưới đất (theo Đại Nam thực lục chính biên và Đại Nam liệt truyện sơ tập). Tôi không đi tìm bất cứ nơi nào không thoả mãn được 4 yêu cầu trên. Đó là con đường của tôi.
PV Tiền phong: Ý tưởng dấu tích lăng mộ vua Quang Trung của anh đã xuất hiện trên Báo Bình Trị Thiên từ năm 1988, đã in thành sách năm 1992, nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận, phải chăng anh cũng đang rơi vào bế tắc?
Nguyễn Đắc Xuân: Việc công nhận hay không là của các ngành chức năng. Với tư cách một người nghiên cứu, tôi phải không ngừng hoàn thiện công trình nghiên cứu của mình. Trước đây, tôi đề cập đến lăng mộ vua Quang Trung, nhưng tôi lại không có quyền khai quật nên phải chờ các cơ quan chức năng của Nhà nước. Tôi chờ đến hơn 15 năm vẫn không thấy động tĩnh gì. Chuyện đó có thể hiểu là bế tắc. Vì thế, để thoát ra khỏi bế tắc, năm nay (2007) tôi tự giới hạn đề tài trong khả năng của mình: Tôi công bố đã tìm thấy dấu tích cung điện Đan Dương ở ấp Bình An thuộc phường Trường An hiện nay. Khi dấu tích cung điện Đan Dương được công nhận thì chuyện khai quật để xác định được lăng mộ vua Quang Trung ở đâu là chuyện dễ dàng. Công trình này tôi đã báo cáo ở địa phương và một số nơi; đồng thời nhận được ý kiến của các nhà khoa học gần xa trong 15 năm qua cũng đủ để tôi tin mình đã thành công, đã xác định được khu vực cung điện Đan Dương thời Quang Trung.
Thanh Tùng
Báo Bình Định Online,16-3-2007
(Nguồn: Nguyễn Đắc Xuân Đi Tìm Dấu Tích Cung Điện Đan Dương sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nxb Thuận Hóa 2007, từ tr.300 đến tr. 312)