Lăng mộ vua Quang Trung ở Khuân Sơn

Ngày 8-2-2006 Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế đã tổ chức cuộc tọa đàm Hướng đi tìm lăng mộ hòang đế Quang Trung tại cơ quan Nhà xuất bản Thuận Hoá, Huế.

            Người tham dự là các hội viên của Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế trong đó có nhiều người đã từng có “công trình” nghiên cứu về lăng mộ vua Quang Trung. Hai thành viên chủ chốt của cuộc toạ đàm là hai nhà nghiên cứu Hồng Phi và Nương Nao đến từ Thanh Hoá.

Hai ông Hồng Phi và Nương Nao đã phát hiện được một “thông tin lịch sử” mới có liên quan đến lăng mộ vua Quang Trung ở Huế. Những thông tin nầy đã được Lê Duy Kha sử dụng viết bài Lóe lên tia hy vọng tìm thấy Đan Lăng(1) đã làm cho nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Vì thế mà Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã gợi ý cho Hội  Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế  tổ chức cuộc toạ đàm nầy để tìm hiểu.

Thông tin gì mới phát hiện có thể loé lên tia hy vọng tìm được lăng mộ vua Quang Trung?  Đó là hai chữ “Khuân Sơn” trong một bài thơ chữ Hán của một nhà Nho xứ Thanh.

Nhà Nho xứ Thanh ấy là ông Lê Triệu (1771-1846), người làng Lệ Trung, xã Đại Trung, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Lê Triệu tuy không đỗ đạt nhưng giỏi thơ văn. Ông từng là một trong hai nhân vật được dân gian ca tụng qua câu ca:

"Nghệ Hai Hành, Thanh Cả Triệu"

Nghĩa là xứ Nghệ có Hai Hành, xứ Thanh có Cả Triệu.

Tác phẩm ông để lại có tập Liên Khê Nam hành tạp vịnh (gồm 200 bài thơ). Vừa qua, hai ông Hồng Phi và Nương Nao tiếp cận được bản gốc chữ Hán tập thơ nầy. Hai ông phát hiện thấy trong tập thơ quý hiếm Liên Khê Nam hành tạp vịnh có bài Kiến Quang Trung linh cữu như sau:

  - Nguyên văn chữ Hán bài Kiến Quang Trung Linh Cửu

        

       Phiên âm:

Trấp niên sất sá tẩu phong vân
Như thử anh hùng cổ hãn văn
Hàm Dã độc lưu thiên vạn cốt
"Khuân Sơn" họa tại bách niên phần
Không hàm chỉ chỉ thiên thu hận
Cô phụ đường đường bách xích thân
Quang cảnh nhất ban thành phấn mị
Linh nhân chung cổ tiếu Doanh Tần

                                                               Dịch nghĩa

                                                           Nhìn thấy linh cữu vua Quang Trung
 

 Hai mươi năm tiếng thét át cả gió mây
Chỉ chừng ấy cũng đủ thấy là bậc anh hùng hiếm có!
Trên chiến trường Hàm Đan hận vùi muôn vạn xác thù
Núi Khuân không ngờ lại để mối họa liên lụy đến phần mộ

nơi yên giấc ngàn năm
Bỗng phải chịu sự chỉ trích của mối hận muôn đời
Nỡ phụ đến tấm thân tám thước của bậc anh hùng
Quang cảnh nói chung tất cả đã trở thành cát bụi
Khiến cho người đời muôn thuở cười Tần Doanh bạo chúa.

 

Qua bài thơ, ta thấy tác giả Lê Triệu cho biết, ông đã từng đến viếng lăng mộ vua Quang Trung và tỏ lòng đau xót, phẫn nộ khi lăng mộ Quang Trung bị Nguyễn Ánh- Gia Long phá hủy (Quang cảnh nhất ban thành phấn mị). Thông tin quan trọng hấp dẫn nhất là câu thơ thứ tư cho biết vị trí lăng mộ vua Quang Trung được tác giả xác định cụ thể là ở trên một ngọn núi có tên là Khuân Sơn. Hai tác giả Hồng Phi, Hương Nao cũng như một vài nhà báo nghi rằng, Khuân Sơn là Thương Sơn (tức núi Kim Phụng ở phía tây Huế ngày nay).

Qua cuộc toạ đàm, các nhà Hán Nôm đã khẳng định ở Huế không có một núi nào mang tên Khuân Sơn cả. Chữ "Khuân" được các nhà nghiên cứu Thanh Hoá đọc là "Khuân" cũng không đúng.

Đối với tôi thì bài thơ Kiến Quang Trung linh cữu (Nhìn thấy linh cữu vua Quang Trung)  và “thông tin mới” (núi Khuân) không có giá trị.

Từ điển Hán Việt giải nghĩa linh cữu là cái quan đựng thây người chết (cercueil). Sách Đại Nam thực lục ghi rõ việc Nguyễn Ánh- Gia Long “quật mồ, bổ săng” hòang đế Quang Trung vào cuối năm 1801 đầu năm 1802 tức là linh cữu của hòang đế Quang Trung đã bị hủy hoại từ đầu năm 1802 sau đó không còn gì nữa. Nếu không chứng minh được ông Lê Triệu có mặt ở Huế đầu năm 1802 thì không thể tin ông đã thấy được “linh cữu” của hòang đế Quang Trung. Cuối năm 1801 đầu năm 1802 chiến tranh “giải phóng” Phú Xuân của Nguyễn Ánh- Gia Long rất ác liệt. Nếu không phải là người của phong trào Tây Sơn còn trốn tránh được ở Huế hoặc người trong đoàn quân từ Gia Định ra thì khó có người thích ngao du sơn thủy như Lê Triệu để có thể có mặt ở Huế và thấy được sự kiện “quật mồ” lịch sử ấy. Mà không chứng minh được sự có mặt của Lê Triệu ở Huế lúc ấy thì có thể xem  bài thơ Kiến Quang Trung linh cữu (Nhìn thấy linh cữu vua Quang Trung) là một sản phẩm tưởng tượng?

Giả như Khuân Sơn là Thương Sơn (tức núi Kim Phụng ngày nay) đi nữa thì thử hỏi nó có phù hợp với tư liệu lịch sử (Đại Nam liệt truyện) khẳng định “mộ Huệ ở bờ nam sông Hương (Hương Giang chi nam) hay không?

Đi tìm lăng vua Quang Trung ở Khuân Sơn (hay Thương Sơn) trong một bài thơ chưa được khảo chứng. Tại sao không đi tìm lăng vua Quang Trung ở “Hương giang chi nam”? Vùng núi Khuân Sơn (hay Thương Sơn) nó còn mông lung hơn nhiều so với bờ nam sông Hương chứ?  

Tại cuộc toạ đàm tôi có hỏi các nhà nghiên cứu: lăng vua Quang Trung hay Lăng Đan Dương (theo Ngô Thời Nhậm) nằm trong cung điện Đan Dương. Vùng cung điện có nhiều người ở, ít nhất phải có vài ba cái giếng. Liệu ta có thể tìm được ở Khuân Sơn (hay Thương Sơn) dấu tích của một vùng cung điện và nhiều giếng nước không?

Chỉ một từ "Khuân" trong một bài thơ chưa được khảo chứng mà báo chí, các nhà nghiên cứu tổ chức viết, toạ đàm xôm tụ như thế chứng tỏ xã hội ta đang quá tha thiết với việc tìm kiếm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung. Nhưng cũng qua sự nhiệt tình ấy thấy các nhà nghiên cứu của chúng ta quá thiếu tài liệu và thông tin lịch sử. Với sự thiếu thốn như thế thì làm sao các vị có thể tìm được dấu tích lăng mộ vua Quang Trung? Nghiên cứu dấu tích lăng mộ vua Quang Trung trong hoàn cảnh triều Nguyễn đã huỷ diệt, bôi xoá, thay hình đổi dạng thì những gì có liên quan đến lăng mộ vua Quang Trung đâu có dễ dàng như thế?       

                                                           

                                                                                                  Huế, ngày  20-2-2006

Chú thích:

 (1): An ninh Thế giới, số 519, ngày 7-1-2006.

 

(Nguồn:  Nguyễn Đắc Xuân Đi Tìm Dấu Tích Cung Điện Đan Dương sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nxb Thuận Hóa 2007,  từ tr.362 đến tr. 366)

 

Bình luận: Bài nầy đã được Hội thảo tổ chức tại Nxb Thuận Hóa vào tháng 2-2006 góp ý là thiếu cơ sở khoa học không tin được. Chúng tôi đăng lại bài nầy để đọc giả gần xa muốn biết có thể tiếp cận được. NĐX


 

 

 

 

 

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia