Lại hỏi chuyện Nguyễn Hữu Oánh

Nguyễn Đắc Xuân: - Thưa anh Nguyễn Hữu Oánh, sau 15 năm tôi lại trở lại đây, so với thời ấy nhà anh và nhà chị Nguyễn Thị Liên có gì thay đổi không anh?

                

Lại hỏi chuyện Ông Nguyễn Hữu Oánh

Nguyễn Hữu Oánh: - Sau khi khai quật ở đầu hè nhà chị Liên năm ấy, chúng tôi nghĩ là thế nào nhà nước cũng sẽ trở lại làm hồ sơ, khai quật tiếp để khẳng định đây là nơi có dấu tích lăng mộ vua Quang Trung nên toàn bộ chung quanh đây đều thay đổi hết, riêng nhà hai chị em tôi thì vẫn giữ nguyên vẹn như cũ và chờ nhà nước. Tuy nhiên toàn bộ  số nhà ở thành phố Huế đã thay đổi hết, nhà chúng tôi trước đây mang số 62/12/13 Điện Biên Phủ, bây giờ là nhà số 9/17 kiệt 120 Điện Biên Phủ và nhà của bà Liên là cũng số 10/17 kiệt 120 Điện Biên Phủ. Thế thôi.

 Nguyễn Đắc Xuân: - Hơn mười lăm năm rồi mà hai nhà  vẫn giữ như cũ? Còn sức khoẻ chị Liên thì sao anh?

Nguyễn Hữu Oánh: - Hai nhà thì hoàn toàn không thay đổi, chỉ có lợp mái hoặc là sửa sang chút đỉnh thôi. Còn chị Liên gần 90 tuổi rồi nhưng sức khỏe vẫn còn tốt.

Nguyễn Đắc Xuân.- Thưa anh, những chỗ khai quật thử, những viên đá táng, những hầm gạch, những chân tường vôi vữa cũ chúng ta tìm được năm ấy, bây giờ thì ... ?

Nguyễn Hữu Oánh: - Hơn mười lăm năm qua, đất đai đã trở thành món rất quý của thành phố này, nơi nào nhà cửa cũng mọc lên, nên hầu hết những thứ các anh quan tâm hầu như không còn gì nữa. Ngay những viên đá táng để chung quanh lăng mộ bà thân mẫu cụ Thượng thư Phạm Liệu trên Cồn Bông Sứ cũng bị thất lạc và di chuyển khỏi chỗ cũ. Tuy nhiên, những vật liệu cổ ở chùa Thiền Lâm, ở chùa Vạn Phước và một số nơi rải rác trong khu vực chung quanh nhà tôi nếu tìm cũng có thể tìm được dấu vết, ví dụ như cái móng bờ tường bên trái nhà chị Liên của tôi. Hồ rau răm trước nhà chị Liên có 2,5 sào, bây giờ người ta đã đổ đất làm nhà mất một sào rồi, còn lại 1,5 sào còn trồng rau răm. Nhưng theo tôi biết phần hồ còn lại sắp tới đây cũng sẽ mất luôn vì địa phương cũng muốn sở đất đó không trồng rau răm nữa mà biến thành thổ cư.

Nguyễn Đắc Xuân: - Còn dòng suối Tiên và các cây cầu bắc qua suối Tiên?

Nguyễn Hữu Oánh: - Sau trận lụt năm 1999, hai bên bờ suối Tiên được xây lại bằng đá, xây kiên cố và chiếc cầu bắc qua suối Tiên cũng làm lại. 

Nguyễn Đắc Xuân: - Trên Cồn Bông  Sứ hiện nay ra sao? Gốc bông sứ cổ có còn không ?

Nguyễn Hữu Oánh: - Trên Cồn Bông Sứ bây giờ mồ mả dày đặc. Phần lớn các ngôi mộ cũ đều đã xây lại. Lăng bà thân mẫu Thượng thư Phạm Liệu thì bây giờ được xây thành tứ phía để tránh bị lấn chiếm. Còn bông sứ trong thời gian qua là món hàng quý đối với Trung Quốc nên người ta đã bới và chuyển đi Trung Quốc từ lâu rồi. Bông sứ càng già, càng cổ, càng quý, càng có giá. Tôi không hiểu vì sao nhà nước lại thờ ơ trước những dấu tích và hiện vật tìm thấy năm ấy, lịch sử đã rõ ràng đến như vậy mà bỏ qua đến gần 15 năm đến bây giờ mới trở lại. Đến nay vật đổi sao dời thiệt hại biết bao nhiêu. Suốt 15 năm qua bà chị tôi và tôi cũng có ý đợi các anh trở lại. 

Nguyễn Đắc Xuân: - Thưa anh Oánh. Tôi thật có lỗi với chị Liên, với gia đình anh. Nhưng như anh biết, tôi chỉ là một người cầm bút, tôi chỉ có thể làm cái phần nghiên cứu cung cấp tư liệu, chứng minh khoa học, còn chuyện đền bù, khai quật là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Tôi đã trình bày khắp nơi, ai cũng hứa giúp nhưng chưa có ai ra tay, trong lúc đó có nhiều người  có ý phá nữa.  Tôi cũng chờ và đến nay không thể chờ được nữa nên mới lại phải ra tay, vì năm nay tôi đã 70 tuổi rồi. Thế còn anh, cũng như chị Liên nghĩ gì về những phát hiện của tôi ở chung quanh khu vực nhà anh đây?

Nguyễn Hữu Oánh: - Tôi xin thưa với anh như thế này: chị em tôi tuy không có chuyên môn nhưng biết được việc làm của anh là việc đại sự của quốc gia, dân tộc, nên đã nhiệt tình ủng hộ anh từ đầu, tuy trách anh nhưng cũng hiểu anh “lực bất tòng tâm”. Như tôi đã nói, đã viết thành nhiều văn bản đưa cho anh: bản thân chị em tôi thuộc dòng họ khai canh, khai hoang phá thạch cái làng này, chúng tôi sinh ra và lớn lên tại đây, là chứng nhân những biểu hiện lạ của khu đất lịch sử này. Tất cả những gì tôi biết, tôi còn nhớ, tôi đều đã cung cấp cho anh. Chị em tôi cũng mong sao việc làm của anh có kết quả. Việc nghiên cứu của anh được công nhận, có kết quả thì dòng họ tôi, chị em tôi cũng được kết quả, vì chúng tôi đã đóng góp làm nên kết quả đó. Đó cũng là sự đóng góp có ý nghĩa lịch sử của gia đình, dòng họ tôi và của đời tôi. Tôi cũng như anh, bây giờ tôi cũng đã già rồi...Nếu chẳng may...thì tiếc lắm !

Nguyễn Đắc Xuân: - Vâng, tôi hiểu sự đóng góp rất có ý nghĩa của gia đình anh trong công trình lịch sử nầy. Sau năm 1992, tôi đi Đà Nẵng làm Báo Lao động ít có dịp gặp anh. Vậy trong thời gian vừa qua anh có phát hiện được gì thêm chứng tỏ khu vực nầy và vùng chung quanh đã từng xảy ra cuộc chém giết, quật phá dữ dội như những biểu hiện trước đây chúng ta đã tìm thấy không ?

Nguyễn Hữu Oánh: - Rất nhiều. Tôi kể cho anh vài sự việc thôi: Ở bên trái chùa Thiền Lâm (hướng nhìn ra đường Điện Biên Phủ) có gia đình cô Nết. Cô có cái nhà lầu hai tầng dựng trên mảnh đất do ông già bà già đã mua từ lâu để lại. Nhưng trong gia đình cứ xảy ra hết chuyện nầy đến chuyện kia, ăn ở không yên. Tìm hiểu nguyên do không sao tìm được, may sao phát hiện dưới nền nhà có hài cốt người chết. Vừa rồi cô Nết phải triệt hạ cả cái nhà lầu 2 tầng, tìm thấy một cái hầm chôn người chồng lên nhau uớc chừng mười mấy người dưới nền nhà. Nay cô đã làm lại nhà và ăn yên, ở yên.

Một sự việc tương tự xảy ra trong nhà của Nguyễn Văn Minh - cháu kêu tôi bằng chú ruột. Nhà cháu Minh ở sát chùa Sư nữ, sau lưng chùa Kim Tiên. Nhà nầy có từ lâu đời. Đến mấy năm gần đây nó phá để làm lại thì phát hiện dưới nền nhà có 27 cái đầu lâu chồng chất lên nhau, nó sợ quá bèn chuyển 27 đầu lâu ra táng ở Cồn Bàn. Không ngờ vừa rồi Cồn Bàn cũng bị qui hoạch, cháu Minh lại phải dời 27 đầu lâu về lại trong vườn nhà của mình.

Đó là những việc vô tình mà phát hiện được. Nếu khai quật vùng nầy thì chắc còn nhiều mộ chôn tập thể nữa. Vì sao có những mộ chôn tập thể như thế ? Chỉ có chiến tranh thôi. Mà chiến tranh chỉ có những người thua trận mới bị chôn tập thể như thế. Anh nên khảo sát lại và thuyết minh những sự việc bất thường ấy.

Nguyễn Đắc Xuân: - Xin cám ơn anh. Trước khi hoàn thành công trình nghiên cứu nầy, chắc chắn tôi còn phải nhờ anh giúp nhiều việc nữa. Chào anh.

 

(Nguồn:  Nguyễn Đắc Xuân Đi Tìm Dấu Tích Cung Điện Đan Dương sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nxb Thuận Hóa 2007,  từ tr.148  Đến tr.152)

 

 

 

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia