Cung điện Đan Dương – sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung là một công trình nghiên cứu phối hợp với nhiều ngành khoa học, trên cơ sở phân tích, so sánh, đối chiếu, liên hệ các tư liệu, tài liệu liên quan. Trước hết là tài liệu sử học (Đại Nam Liệt truyện cho biết lăng mộ vua Quang Trung ở bờ Nam sông Hương); tài liệu văn học với các nguyên dẫn, nguyên chú trong văn học cổ của Phan Huy Ích, Ngô Thời Nhậm (cho biết lăng mộ vua Quang Trung trong Cung điện Đan Dương và ở gần chùa Thiền Lâm xã Dương Xuân). Thích Đại Sán viết trong Hải Ngoại Kỷ Sự cho biết chùa Thiền Lâm ở rất gần Phủ Dương Xuân. Tư liệu địa lý lịch sử từ Đại Nam Nhất Thống Chí cho biết Phủ Dương Xuân trên gò Dương Xuân, phía nam có Đàn Nam Giao, nhưng cũng chính Đại Nam Nhất Thống Chí lại viết chùa Thiền Lâm ở xã An Cựu. Sự khó hiểu nầy hé lộ cho thấy các sử thần triều Nguyễn không muốn cho bá tánh biết mối quan hệ của chùa Thiền Lâm với Phủ Dương Xuân. Còn Phủ Dương Xuân thì “từ khi binh loạn Phủ Dương Xuân đã mất tich”. Binh loạn khi nào? Trong Phương Đình Địa Dư Chí, một tài liệu địa lý lịch sử của Nguyễn Văn Siêu viết “binh loạn năm Bính Ngọ (1786), Tây Sơn chiếm giữ” ở phần Thừa Thiên Phủ. Tức là Phủ Dương Xuân mất tích sau sự kiện Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ giải phóng Phú Xuân khỏi tay Trịnh quân năm Bính Ngọ (1786). Không thể tìm được thông tin về Phủ Dương Xuân từ các nguồn tư liệu VN. May sao, nhà buôn Pháp Pièrre Poivre – người đầu tiên đến Huế được chúa Nguyễn Phúc Khoát tiếp ở Phủ Dương Xuân và ông đã kể lại trong hành trình (Voyage) đến Huế năm 1749 của ông. Nhờ thế ta có thể biết Phủ Dương Xuân từng tọa lạc trên khuôn viên Tổ đình Vạn Phước ngày nay. Khảo sát khu vực chung quanh chùa Thiền Lâm và chùa Vạn Phước ngày nay, với tính chất lịch sử của ngôn ngữ, đã giải thích cách nhà Nguyễn đặt tên các địa danh đã từng xuất hiện thời Tây Sơn (Tây Sơn thành An Tây, Qui Nhơn thành Bình Định nên Long Sơn/Dương Xuân thành Bình An; giếng loạn, mã loạn, núi loạn (gò Dương Xuân) có quan hệ với Tây Sơn/Quang Trung. Với văn hóa học, có những kiến giải về cồn Bông Sứ trước chùa Vạn Phước, chứng tỏ khu vực này từng là nơi thờ cúng, nơi gần lăng mộ, phong tục địa phương học cho biết không được lấp giếng, nên dù Phủ Dương Xuân mất tích nhưng những cái giếng cung cấp nước cho người trong Phủ vẫn còn. Ngành khảo cổ học góp phần xác định những gạch, đá, ngói đào được ở vùng này là vật liệu kiến trúc thời chúa Nguyễn, tức của Phủ Dương Xuân đã bị xem là “mất tích”. Mặt khác qua thông tin tư liệu lịch sử của John Barrow A voyage to Cochinchina in the years 1792-1793 (Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà trong các năm 1792-1793). Thông tin của giáo sĩ La Bartette, Lê Quý Dật Sử của Bùi Dương Lịch, Ngô Thời Nhậm ta biết được Nguyễn Huệ/Quang Trung đã chiếm Phủ Dương Xuân làm dinh Bắc Bình Vương, sau khi Nguyễn Huệ lên ngôi đổi dinh thành Cung điện Đan Dương. Mùa thu năm 1792, vua Quang Trung qua đời. Để giữ bí mật tuyệt đối thi hài ông được táng ngay trong Cung điện Đan Dương. Từ đó Cung điện Đan Dương thành lăng Đan Dương. Cuối năm 1801, Nguyễn Vương trở lại Phú Xuân, lăng Đan Dương bị phá hủy, vật liệu xây dựng Phủ Dương Xuân tiền thân của Cung điện Đan Dương bị chôn sâu dưới đất. Cung điện Đan Dương không còn nên Phủ Dương Xuân tiền thân của nó tất nhiên cũng không còn nữa và nhà Nguyễn không muốn ai biết đến “di tích” liên quan đến vua Quang Trung nữa nên một mặt nhà Nguyễn cấm dân chúng đến sinh sống trên nền Phủ/Cung cũ và viết Đại Nam Nhất Thống Chí rằng “từ khi binh loạn (với Tây Sơn) Phủ Dương Xuân đã mất tích”.
Trong nghiên cứu VN hiếm có một công trình thực hiện trong một thời gian khá lâu (trên 30 năm) và liên hệ đến nhiều ngành khoa học đến vậy. Do đó góp ý, phản biện công trình không chỉ nhờ các nhà sử học mà còn phải được các chuyên gia ngành khảo cổ học, văn học cổ, địa lý lịch sử, địa phương học, thảo mộc học, các nhà dịch thuật Hán Nôm, Pháp ngữ, Anh ngữ giúp sức. Công trình liên quan mật thiết với lịch sử các chùa Thiền Lâm, Vạn Phước, Kim Tiên, Diệu Đức nên kính mong được các Chư tôn Thiền đức chỉ giáo cho những chỗ bất cập.
Việc phản biện, góp ý sẽ không cùng. Chúng tôi tha thiết được các bậc thức giả chỉ giáo cho những trích dẫn của chúng tôi có chỗ nào sai nguồn, dịch sai, hiểu sai, suy luận thiếu căn cứ, cắt xén tài liệu, xuyên tạc lịch sử, chỗ nào không cần thiết phải loại bỏ, chỗ nào chưa rõ, chưa đủ sức thuyết phục cần phải bổ sung, phát huy tác dụng công trình nầy như thế nào.v.v. Nếu có những phản biện ngược với công trình này xin cung cấp cho đầy đủ tư liệu khoa học để tham khảo, tiếp thu. Trong hơn 30 năm qua cũng đã có rất nhiều phản biện. Nếu các tác giả đã phản biện mà
chưa đúng nay có thể rút lui hoặc bổ sung tài liệu cho đúng, không nên mỗi thời gian mỗi nơi phản biện một cách và có khi phản biện lần sau trái ngược với phản biện lần trước. Điều đáng tiếc là chưa phủ nhận sai lầm lần trước đã phát ý kiến mới như lần đầu đề cập đến vấn đề này. Chúng tôi mong các phản biện trong thời gian tới của các nhà nghiên cứu, những người quan tâm sẽ tập trung được đầy đủ và rõ ràng, về phương diện trích dẫn tư liệu lẫn lập luận.
Kính mong được chỉ giáo, được đồng hành cùng khát vọng làm rõ thời đại Quang Trung ở Huế.
Huế tháng 7- 2016
Nguyễn Đắc Xuân