Sự đóng góp của nhân dân Thuận Hóa - Phú Xuân cho phong trào Tây Sơn Nguyễn Huệ qua một số tư liệu

Từ sau ngày trở về với đại gia đình Việt Nam (đầu thế kỷ XIV), mảnh đất Thuận Hóa-Phú Xuân là cái đầu cầu nối liền vùng đất tổ ở miền Bắc với vùng đất mới ở phía Nam. Đất Thuận Hóa Phú Xuân là nơi diễn ra các cuộc tranh giành quyền lợi giữa các tập đoàn phong kiến. Thiên nhiên ở TH-PX lại vô cùng ác liệt (Ô châu ác địa). Nhân Dân TH-PX vừa phải chống chọi với thiên nhiên vừa chống với các thế lực thù địch.

Bản Kinh Kim Cương thêu trên gấm thời Quang Toản (Cảnh Thịnh) hiện được lưu giữ tại chùa Trúc Lâm (Huế)

Nhân dân TH-PX qua quá trình tranh đấu đã có được sự nhạy bén trước xu thế chính trị phản động và dân tộc. Do đó, từ sau ngày phong trào Tây Sơn (PTTS) nổ ra ở Quy Nhơn (1771) nhiều người TH-PX đã trốn vào gia nhập nghĩa quân Tây Sơn, như trường hợp ‘’Đại tư mã Lê Văn Thanh’’.

Nhưng không phải mối quan hệ giữa nhân dân TH-PX với phong trào Tây Sơn, đặc biệt với ngườìi anh hùng dân tộc vĩ đại Nguyễn Huệ, chỉ mới bắt đầu từ sau ngày phong trào Tây Sơn phát khởi (1771) mà thực sự nó đã bắt rễ từ lúc những người đứng đầu PTTS còn cắp sách đi học. Hoa Bằng, tác giả một công trình về Quang Trung Nguyễn Huệ đã cho biết:” Anh em Nguyễn Huệ từ trẻ đi học, đã được giáo Hiến đặc biệt chú ý. Giáo Hiến nguyên là môn khách nhà Trương Văn Hạnh, ngoại hữu dưới triều Định Vương (1765-1778). Vì sợ vạ lây sau khi Hạnh bị Phúc Loan giết, Hiến phải trốn vào Quy Nhơn, mở trường dạy học ở ấp Yên Thái.

Thấy Nguyễn Huệ nhanh nhẹn, khỏe mạnh, can đảm, mắt như chớp sáng, tiếng như chuông vang, Hiến biết ngay là một thanh niên lỗi lạc có cái tương lai phi thường.

Hằng ngày, chắc Huệ cũng được nghe những lời giáo Hiến thúc dục Nguyễn Nhạc bằng câu sấm:” Tây khởi nghĩa, Bắc thu công’’. Rồi Hiến lại khuyên Nhạc:” Anh là người Tây Sơn cứ cố đi.’’

Có lẽ những lời giáo Hiến kích thích Nguyễn Nhạc đó đã ảnh hưởng đến Nguyễn Huệ không ít”[1]

 Linh Mục Nguyễn Phương , một sử gia có nhiều công trình, đã cố tình xuyên tạc sự nghiệp vĩ đại của Nguyễn Huệ - Tây Sơn, ở vùng tạm chiếm miền Nam trước đây cũng phải công nhận rằng: ...’’ Ba anh em theo học với một ông đồ ở Huế mới vào, tại ấp Yên Thái, là giáo Hiến. Trường giáo Hiến mở vừa dạy văn vừa dạy võ. Trình độ học ở đây không đến nỗi thấp kém gì, vì thầy chắc chắn là một bậc thông minh chí sĩ. Chúng ta biết được điều đó vì giáo Hiến có môt người bạn làm đến chức quan Nội hữu (Trương Văn Hạnh)’’[1]

Trong những ngày còn ngồi trong lớp học, không nhiều thì ít Nguyễn Huệ đã được nghe thầy ‘’giáo Hiến’’ nói chuyện về tội ác của bọn thống trị ở TH-PX, đã kể cho Nguyễn Huệ nghe về ‘’đất nước và con người TH-PX’’, và có lẽ Nguyễn Huệ đã nắm được những dữ kiện cần thiết cho công việc xây dựng kế hoạch giải phóng TH-PX sau này (1786). Mặc dù chưa tìm được tài liệu, chúng tôi đã ước đoán rằng: khi Nguyễn Huệ đã lọt mắt xanh của thầy giáo Hiến, chắc chắn thầy giáo đã viết thư thông báo cho người thân của ông ở TH-PX biết về người học trò đặc biệt của ông. Và niềm tin của ngưòi TH-PX cũng có thể đã nhen nhóm từ đó. Khi PTTS nổ ra, thầy giáo Hiến cũng có mặt dưới ngọn cờ đào của Nguyễn Nhạc - Nguyễn Huệ. Thầy giáo Hiến và những người TH-PX may mắn có mặt ở đó đã không ngừng báo tin vui này  về cho nhân dân TH-PX biết. Theo lo-gíc thì phải có sựî chuẩn bị trước nên khi nghĩa quân Tây Sơn kéo ra đánh TH-PX thì nhân dân lao động và trí thức ở đây mới có đủ điều kiện tinh thần hưởng ứng môt cách rầm rộ, quyết liệt và cấp thời như lịch sử đã diễn ra.

 Theo các thư tịch cổ đã tìm được (cả Đông lẫn Tây) thì đều ghi sự đóng góp quan trọng của nhân dân TH-PX ngay khi nghĩa quân Tây Sơn dưới quyền tổng chỉ huy của Nguyễn Huệ nổ súng đánh chiếm TH-PX.

Lúc quân Trịnh ở bên ngoài thành Phú Xuân bị tiêu diệt, tác giả Hoàng Lê Nhất Thống Chí cho biết:

‘’ Đại tướng Tạo quận công truyền mở cổng thành, xe quan tài ra hàng, Bình thả quân vào thành chém giết bừa bãi. Đốc thị Nguyễn Trọng Đang chết trận đó. Còn bao nhiêu lính tráng trong thành trốn ra ngoài, đều bị thổ dân giết sạch’’

 Ngô Cao Lãng, tác giả Lịch triều Tạp ký - một bộ sử chép các sự việc cuối đời Lê (cả việc chúa Trịnh ở miền Bắc và chúa Nguyễn ở miền Nam), nhiều sự kiện không có trong chính sử như các bộ Toàn thư, Cương mục, cũng xác nhận như thế:

‘’ Các lính thú chạy đi các xóm làng để xin trú ngụ đều bị thổ dân giết sạch (có chỗ chép: các tướng sĩ đóng ở Thuận Hóa bị thua, chết trong trận này và bị thổ dân (tức đồng bào TH-PX) giết hại tất cả đến vài vạn người, chỉ còn vài trăm qua được sông Gianh trở về Bắc Hà thôi”[1]

 Nguyễn Thu - Sử gia làm việc cho các vua đầu triều Nguyễn có quan điểm hằng học, đối lập với triều Tây Sơn, khi viết cuốn ‘’Lê Qúy kỷ sự’’ cũng không dấu được vai trò của nhân dân TH-PX trong chiến dịch Nguyễn Huệ giải phóng thành Phú Xuân. Nguyễn Thu đã viết:

‘’Giặc (tức quân Tây Sơn) tung quân ra chém giết không để sót lại một người. Còn tên lính nào chạy trốn vào làng mạc cũng bị người dân bản thổ giết chết hết cả.

Trận này hơn vài vạn tướng sĩ đóng ở Phú Xuân, chỉ còn vài trăm người sống sót vượt sông về Bắc Hà được mà thôi’’.[1]

Thể hiện quan điểm sử học chính thống của triều Nguyễn, tập trung nhất là Quốc Sử Quán, thành lập dưới triều Minh Mạng, các tác giả của Đại Nam Liệt truyện, mặc dù có cách nói từ tốn và đúng đắïn hơn Nguyễn Thu song nội dung có liên quan đến sự kiện này cũng không có gì khác hơn tác giả Lê Qúy Kỷ sự. Liệt Truyện của Quốc Sử Quán viết:

‘’Nguyễn Huệ xua quân vào thành Phú Xuân chém giết. Quân miền Bắc của chúa Trịnh mấy vạn người đều chết cả. Kẻ nào chạy ra ngoài thành cũng bị dân chúng tranh nhau giết chết”[1]

Chiến dịch giải phóng TH-PX diễn ra từ đèo Hải Vân đến sông Gianh - nghĩa là gần trọn tỉnh BTT ngày nay. Nhưng các nhà chép sử Việt Nam thường chỉ lưu ý ở Phú Xuân - đầu não của vùng Thuận Hóa. May thay, ở các nơi xa PX ấy có những chứng nhân từ châu Âu sang truyền đạo đã mục kích được sự kiện trọng đại này. Điều hiển nhiên là các vị thừa sai này không có ý định viết sử, và cách nhìn tình hình Việt Nam của họ mang nhãn quan đối nghịch, rất phản động, song qua thư từ liên lạc nội bộ của họ chúng ta cũng tìm được một vài sự thực. Giám mục Doussaint, lúc ấy đang truyền giáo ở Bố Chính, trong một lá thư gửi cho Blandi đã viết:

‘’Được tin Phú Xuân thất thủ’’ tất cả binh lính (thành Cát tức Dinh Cát ở Quảng Trị cũ) chạy trốn, giữa đường họ bị dân một làng quấy phá và đòi treo cổ họ. Thấy vậy bọn chúng bảo nhau:” Nếu dân chúng tới đòi xử tử chúng ta  thì chém họ, nếu là lính địch thì chịu đầu hàng.’’

Người ta (tức nhân dân Bố Chính) tới báo tin ấy cho quân giặc (tức quân Tây Sơn) lúc đó đã tới Bố Chính bằng đường bể ‘’Giặc nhận 200 người và 5 voi trận’’[1]

Trích đoạn thư ngắn này cho ta hai điều đáng lưu ý:

1. Nhân dân Bố Chính cũng cương quyết ủng hộ PTTS, cụ thể là trong chiến dịch giải phóng TH-PX năm 1786, giống như nhân dân Phú Xuân. Điều này cho chúng ta khẳng định rằng: bất cứ nơi đâu trên đất Thuận Hóa, nghĩa quân TS đều được nhân dân ủng hộ, tiếp tay diệt địch, quân Trịnh rất khiếp sợ quân TS

2. Quân Trịnh, dù đã đến bước đường cùng vẫn không bỏ thái tài ác, quân phiệt đối với nhân dân TH-PX. Đến lúc sắp bị ‘’treo cổ’’ vẫn còn hung hăng như thế huống chi khi chúng còn nắm toàn quyền sinh sát trong tay. Đó là lý do vì sao mà khi quân Trịnh bị nghĩa quân đánh, chạy vô nhà dân nếu không bị giết cũng bị bắt trói đem nạp cho nghĩa quân. Đúng như lời trong thư của Doussaint ở một đoạn khác:

 ‘’Các binh lính ở đồn Leo Heo (Quảng Bình) cũng chạy trốn như ở đồn Dinh Cát, nhưng chạy đến trung tâm Bố Chánh thì bị dân chúng giữ lại mang nộp cho Tây Sơn”[1]

Từ ngày khởi nghĩa cho đến ngày giải phóng Phú Xuân, suốt 15 năm, nghĩa quân TS đã quy tụ được nhiều tướng tá võ nghệ cao cường, nhưng có thể nói chưa có một văn thần nào khác ngoài Nguyễn Hữu Chỉnh. Chỉnh rất giỏi nhưng có tính giảo hoạt, nên Nguyễn Huệ dùng mà không yên tâm. Sau ngày giải phóng PX, Nguyễn Huệ mới tìm được một vị văn thần tín cẩn ở bên cạnh, từ lúc ông mới đến PX cho đến lúc ông trút hơi thở cuối cùng, cũng tại PX. Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Gia Văn Phái, cho biết:

 ‘’Kỷ người Thuận Hóa (xã Vân Trình, Phong Điền. NĐX), vốn có văn học, là bậc danh sĩ ở Nam Hà. Năm Đinh Dậu (1777), niên hiệu Cảnh Hưng, Kỷ thi ở trấn đậu Giải Nguyên. Năm Mậu Tuất (1778), Kỷ tới Kinh thi Hội. Sĩ phu ở Bắc Hà, Kỷ có giao thiệp, quen biết ít nhiều. Năm Bính Ngọ (1788), Bắc Bình Vương đánh lấy thành Phú Xuân, sai người tìm Kỷ hỏi việc Nam, Bắc. Kỷ đối đáp rất nhanh và rất hợp ý, nên Bắc Bình Vương rất trọng, cho ở vào chỗ ‘’màn trướn’’ việc gì cũng bàn với Kỷ, không mấy khi xa rời.’’[1]

Trần Văn Kỷ giúp Nguyễn Huệ hiểu biết tình hình Bắc Hà, mời La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp giúp Nguyễn Huệ, tiến cử Ngô Thời Nhậm, thay mặtb Nguyễn Huệ đưa vua Lê đến nơi an nghỉ cuối cùng...Từ ngày chúa sáng tôi hiền gặp nhau, Trần Văn Kỷ đã đem  hết tài kinh luân ra giúp Nguyễn Huệ giải phóng đất nước và bảo vệ đất nước.

Trước khi mất - theo Liệt truyện - Vua Quang Trung bị một cơn mê sảng. Lúc tỉnh dậy, nhà vua kể lại (cơn mê) với quan Trung thư Trần Văn Kỷ (Liệt truyện, q.30, tr.41a)

Tài liệu cho biết không văn thần nào được Nguyễn Huệ tín cẩn đến như vậy.

Trong các khảo sát của Khoa Sử Đại học Tổng hợp và khảo sát của chúng tôi, khi tìm hiểu gia phả của các họ Nguyễn Đình làng Dã Lê - Hương Thủy TTH), họ Võ Đại (Nong, Lộc Bổn), họ Nguyễn (ở Xuân Hòa - Huế), họ Ngô (Phò Trạch - Hương Điền), họ Nguyễn (Đại Hào, Triệu Hải).v.v. Chúng tôi được biết trong một họ có nhiều người cùng đi theo nghĩa quân Tây Sơn. Nhiều người trong hàng ngũ nghĩa quân quê ở TH-PX đã trở thành những tướng tá có nhiều võ công oanh liệt. TS Đỗ Bang là sinh viên Khoa Sử Đại Học Tổng Hợp Huế đã lập được một danh sách khá đông. Hai người nổi tiếng là Hoàng Kim Hùng (chức Trung lang tướng) và Nguyễn Văn Phú (chức Đô chỉ huy sứ)

Giải phóng được TH-PX, nghĩa quân TS nắm thêm được nhiều thuận lợi để phát triển nhanh chóng lực lượng:

1. TH-PX nổi tiếng là một trung tâm có nhiều lò rèn tốt. Điển hình nhất là làng Hiền Lương. Theo khảo sát bước đầu, chúng tôi biết được thợ rèn làng Hiền Lương đã sản xuất ra nhiều vũ khí trang bị cho quân đội TS

2. TH-PX có Phường Đúc ở ngay trên bờ Nam sông Hương - Nơi đây có một kỷ thuật đúc kết hợp được cả hai truyền thống của dân tộc và tây phương giúp cho thợ rèn Huế nổi tiếng từ đầu thế kỷ XVII là Jean de Lacroix về đúc súng. Có lẽ Phường Đúc đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đúc súng trang bị cho nghĩa quân Tây Sơn.

3. Phú Xuân có con sông Hương nổi tiếng là sông có nhiều nơi đóng tàu và thuận lợi cho việc huấn luyện thủy binh. Thủy binh của Đàng Trong, lực lượng chính đóng ở PX.

Lực lượng thủy binh ở Phú Xuân không những nhiều lần làm cho quân Trịnh khiếp vía, mà ngay cả quân thủy của tư bản phương Tây cũng phải kính nể. Trận thủy chiến của chúa Nguyễn đánh tan một đội tàu của giặc Ô-lan (1644) ngoài khơi Thuận An là một thí dụ cho sự hùng mạnh này. Phần lớn tàu thuyền và thủy binh của Đàng Trong đã lọt vào tay quân Trịnh sau khi TH-PX bị lính Đàng Ngoài chiếm đóng (1774). Khi nghĩa quân TS diệt được quân Trịnh lấy được toàn bộ binh khí của Trịnh quân cũng có nghĩa là nghĩa quân TS đã lấy lại được tất cả những gì Trịnh quân đã cướp của quân Nguyễn trước đó 12 năm. Những người sử dụng khí tài này là quân Trịnh đã bị tiêu diệt sạch và gọn. Người TH-PX được Nguyễn Huệ giao cho khai thác số chiến lợi phẩm lợi hại này để phục vụ nghĩa quân.

Từ sau ngày được Nguyễn Huệ giải phóng, TH-PX trở thành một trung tâm sục sôi cách mạng. Một giáo sĩ Tây phương thuật rằng:

‘’Ở đây, mọi người từ 15 tuổi đều ra trận, các ông già, đàn bà góa và các cô con gái thì đi chửa cầu, hoặc chữa các con đường lớn, hay xay thóc, giã gạo’’ (Thư của La Bartette gửi cho Blandin ở Paris, trích lại của L.Cadière trong bài những Tư liệu liên quan đến thời Gia Long, B.B.F.E.O, XII/7, 1912)

V. Imbert khi viết Thời gian cư trú ở Đông Dương của lãnh sự Lord Maccarthy (1793) đến PX sau khi vua Quang Trung đã qua đời ít lâu, ông hãy còn mục kích được cái không khí sục sôi cách mạng ở đây:

 ‘’ Ở Phú Xuân, hàng ngày có đến 30 ngàn binh sĩ luyện tập được trang bị bằng dao găm, giáo mác, súng tiểu thương và rất nhiều súng ngắn có miệng loa’’[1]

Các lãnh tụ Tây Sơn - đứng đầu là Nguyễn Huệ - Quang Trung đã không ngừng khai thác thế mạnh của TH-PX. Song song với việc phát triển lực lượng quân sự có một công tác cùng diễn ra không kém phần rầm rộ là việc đóng tàu chiến. Ông Thừa sai Sérard ở Bố Chánh ta thán việc đóng tàu của nghĩa quân Tây Sơn làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của giáo dân dưới quyền ông. Sự ta thán nầy thể hiện trongmột lá thư gửi lên cấp trên. Qua lá thư nầy, ta thấy được cái không khí làm việc khẩn trương của nhân dân TH-PX trong công tác đóng tàu như thế nào, Sérard viết:

 ‘’ Riêng huyện Bố Trạch nơi tôi cư ngụ từ 15 ngày nay đã đóng hơn 100 ghe (ghe sai hay thuyền chiến, NĐX). Số ván gỗ phải cung cấp cho việc này là 2500 tấn, mỗi tấm phải dài từ 30 đến 35 thước và rộng vài pouce (l pouce cũng gọi là thốn bằng khoảng 2,7cm) và nếu phải đi mua thì mỗi tấm giá khoảng 15 quan...’’ (Thư viết tại một làng ở Bố Chánh (Lư Đăng) của ông Sérard gửi ông Létondal ngày 17.7.1791, trích lại từ Tập san Sử Địa số 13, tr.272)

Đóng tàu chiến là một công nghiệp lớn của Việt Nam thời ấy. Số tàu này đã giúp cho nghĩa quân TS vào Nam ra Bắc nhanh chóng thuận lợi. Về kỹ thuật tàu thuyền Viện Nam thời Nguyễn Huệ - Quang Trung có một trình độ cao. Barrow là một người Anh sang nước ta vào thời điểm đó phải công nhận rằng:

 ‘’Có một nghề đặc biệt trong các nghề mà xứ Đàng trong hiện có thể tự hào đó là nghề đóng thuyền biển. Thuyền biển của họ đi không nhanh nhưng rất an toàn, trong được chia thành nhiều khoan. Loại này rất chắc, có thể va vào đá ngầm mà không chìm, vì nước chỉ vào được một ngoan mà thôi. Hiện ở Anh đã bắt chước cách đó để đóng tàu’’[1]

Lực lượng quân sự Nguyễn Huệ xây dựng  ở PX rất lớn, giữ vai trò chủ chốt torng các cuộc tấn công quân thù. Trong chiến dịch giải phóng cố đô Thăng Long trong tay 29 vạn quân Thanh (1789), lực lượng đông đảo của vua Quang Trung lấy ở Nghệ An, nhưng đội quân chủ lực gọi là ‘’thân quân’’ vẫn là quân của Thuận Hóa và Quảng Nam. Tác giả ‘’’Hoàng Lê Nhất Thống Chí’’ cho biết rõ hơn điều đó:

‘’ Vua Quang Trung liền sai Đại tướng là Hám Hổ kén lính ở Nghệ An, cứ ba suất đinh thì lấy một người... Hồi nhà vua cho mở cuộc duyệt binh lớn ở Doanh Trấn, đem số thân quân ở Thuận Hóa, Quảng Nam chia làm 4 doanh: Tiền, Hậu, Tả, Hữu còn số lính mới lấy ở Nghệ An thì làm Trung quân’’ (Ngô Gia Văn Phái, Sđđ. Q.II, tr.179)

Đó là lực lượng ‘’viễn chinh’’, ngoài ra Nguyễn Huệ còn sử dụng một số quân TH-PX quan trọng để xây dựng phòng tuyến bảo vệ đầu não của trung tâm cách mạng là PX. Giáo sĩ La Bartette, với con mắt ‘’mật thám’’ trong môt lá thư mang tính chất báo cáo đã tường thuật rằng:

‘’Khi tân vương về Phú Xuân, ông ấy bận phòng ngự: ông đã cho xây dựng một bức tường cao 20 pied chung quanh dinh ông. Hình như ông gấp lắm. Ông bắt mọi người làm việc sáng đêm không nghỉ. Người ta nói rằng ông cho đặt súng đại bác chung quanh. Người ta còn nói ông sắp xây tường hai bên sông chảy qua Phú Xuân và đặt súng đại bác ở đó. Người ta tin rằng ông làm như vậy vì ông sợ thủy quân địch’’ (Thư của Đức Ông La Bartette viết tại An Đô ngày 23.7.1788, không thấy ghi tên người nhận, đăng trong tập Cochinchine 746, Đặng Phương Nghi dịch, tập san Sử Địa số 9-10, SG)

Số tư liệu vừa trích dẫn trên là tư liệu gốc, tuy chưa được khai thác đầy đủ, song cũng cho phép chúng ta có đủ cơ sở để xác tín về sự đóng góp của nhân dân TH-PX cho PTTS là rất lớn, có hiệu quả cả chiều sâu lẫn chiều rộng. Nhân dân TH-PX tỏ ra trung thành vô hạn với PTTS, đặc biệt với Nguyễn Huệ. Quân lính TH-PX thì được Nguyễn Huệ xem là ;;Thân quân’’ - đội quân chủ lực luôn luôn được ở gần chủ tướng, quan văn - như Trần Văn Kỷ - được giao chức ‘’Trung thư lịnh’’ ở chỗ ‘’màn trướng’’ của Nguyễn Huệ.

Từ lúc gặp nhau (1786) cho đến lúc Nguyễn Huệ mất (1792) suốt bảy năm trời, chưa bao giờ vị danh sĩ TH-PX Trần Văn Kỷ rời xa Nguyễn Huệ ‘’một bước’’. Với sự có mặt của Trần Văn Kỷ bên cạnh Nguyễn Huệ, chắc chắn ý kiến của Trần Văn Kỷ giữ một phần khá quan trọng trong các quyết định đối nội và đối ngoại, trong các kế hoạch chiến tranh giữ nước và xây dựng đất nước của Nguyễn Huệ.

Nhân dân Thuận Hóa - Phú Xuân đã giúp Nguyễn Huệ hoàn thành được sứ mệnh cứu nước một cách vẻ vang, đồng thời với sự lãnh đạo thiên tài của Nguyễn Huệ, cho đến lúc ấy (từ 1786 đến 1792) chưa bao giờ nhân dân TH-PX viết được một trang lịch sử anh hùng sáng chói như thế!

                              Huế, 6.1986

Nguyễn Đắc Xuân

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia