Lăng mộ Quang Trung bị vua quan nhà Nguyễn quật phá vào tháng 11 Tân Dậu (1801), 6 tháng sau khi Nguyễn Anh lấy lại được Phú Xuân. Từ đó , lăng mộ của ông ở đâu, không một ai biết. Việc tìm lại được địa điểm lăng mộ của Quang Trung là sự quan tâm trăn trở của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu. Có người đã bỏ ra 15- 20 năm, thậm chí có người đã bỏ ra cả đời để theo đuổi một giả thuyết về lăng mộ Quang Trung, nhưng kết quả thì còn rất hạn chế. Theo thời gian, đã có nhiều giả thuyết được đặt ra , làm cơ sở cho việc tìm kiếm lăng mộ Quang Trung : lăng Ba Vành ở làng Cư Chánh giả thuyết của L.Cadiere và Nguyễn Thiêụ Lâu từ những năm 30 , 40 của thế kỷ trước ; cung điện Đan Dương, giả thuyết của Nguyễn Đắc Xuân từ những năm 1980 ; núi Ngọc Trản ( Hòn Chén) , theo một bài thơ của Ngô Thì Hoàng ; Khuân Sơn , theo một bài thơ của Lê Triệu , mới được phát hiện gần đây v.v. . .O đây chúng tôi chỉ phân tích về những giả thuyết được đầu tư nghiên cứư công phu nhất .
1. Giả thuyết lăng Ba Vành của L.Cadiere- Nguyễn Thiệu Lâu- Trần Viết Điền :
Lăng có ba vòng thành hình bầu dục lồng vào nhau , bao bọc lấy phần mộ, vì vậy dân gian gọi là lăng Ba Vành , thuộc địa phận làng Cư Chánh xã Thuỷ Bằng trên đồi Thiên An ngoại thành Huế . Sở dĩ lăng Ba Vành được người ta cho là lăng Quang Trung vì quy mô kiến trúc của lăng khá lớn . Các vòng thành có hình bầu dục , vòng thành ngoài cùng có kích thước : trục nhỏ 40 m , trục lớn đến 60m .
Xưa nay , lăng mộ của các quan lại trong triều dù là quan nhất phẩm cũng không lớn như thế . Lăng kiến trúc theo kiểu thời Tây Sơn , các vật liệu được cho là từ thời Tây Sơn . Tuy nhiên , sau đó người ta tìm ra rằng , đây là lăng mộ của Hộ bộ kiêm Binh bộ Thượng thư Lê Quang Đại , một ông quan thời các chúa Nguyễn , mất vào năm 1746 ( trước khi Quang Trung mất tới 46 năm ! ) . Sự việc tưởng chừng như dừng lại ở đây . Tuy nhiên vẫn có những người kiên trì theo đuổi giả thuyết này đến cùng . Tiêu biểu trong số những người này là ông Trần Viết Điền, một nhà nghiên cứu Huế .Ông Điền đã kế thừa những kết quả của L. Cadiere, Nguyễn Thiệu Lâu trước đây . Và trong hơn 20 năm , từ 1986 tới nay , ông đã có những bước tiến mới trong việc khẳng định lăng Ba Vành là lăng mộ Quang Trung. Luận chứng của
Trần Viết Điền có thể tóm tắt trong 5 điểm :
1 – Lăng Ba Vành không phải là lăng Lê Quang Đại . Mộ Lê Quang Đại nằm trong khuôn viên miếu Khai canh làng Xuân Hoà chứ không phải ở lăng Ba Vành .
2 – Toà Khâm sứ Pháp đã làm giả hồ sơ để hợp thức hoá chủ nhân của lăng Ba Vành là Lê Quang Đại .
3- Kiểu thức , mô típ trang trí , quy mô kiến trúc của lăng Ba Vành đủ để kết luận là lăng mộ của một nhà vua. Chứ một vị quan lại ( dù là nhất phẩm) cũng không thể có quy mô, kiểu thức như thế .
4 -Vật liệu xây dựng lăng giống như ở Giao Đàn – Văn Miếu và một số công trình kiến trúc thời Tây Sơn ở Huế .
5- Gia Long sau khi đã đào lấy hài cốt vua Quang Trung để “trừng trị” , đã không san thành bình địa lăng này để lấy làm bằng chứng tố cáo về “ tội” của Tây Sơn.
Chúng tôi không có tham vọng góp ý về tất cả các điểm trong luận chứng của Trần Viết Điền , chỉ xin góp mấy ý kiến nhỏ :
Đầu tiên trong luận điểm điểm thứ 2, ông cho rằng : Toà Khâm sứ Pháp đã làm giả hồ sơ để hợp thức hoá chủ nhân của lăng Ba Vành là Lê Quang Đại . Y kiến đó rất khó thuyết phục. Vì động cơ gì mà nhà cầm quyền Pháp lại làm như thế , họ có liên quan gì ở đây ? Mặt khác, trong một kết quả sưu tầm trước đây của L.Cadiere , đã từng công bố một đoạn trong gia phả họ Lê ghi về Lê Quang Đại : “ Đời thứ 3. Con của Tham nghị, Chánh dinh Hộ bộ kiêm Binh bộ tặng Tá lý công thần đặc tấn Trụ quốc Kim tử Vinh lộc Đại phu Chánh trị Thượng khanh ý Đức hầu Lê quý công , mộ gọi là Ba Vành ở làng Cư Chánh “ ( Trích bài của Bửu Kế- được dẫn lại trong Nguyễn Huệ- Phú Xuân , NXB Thuận Hoá 1986) . Dù sao thì gia phả họ Lê ghi chép về Lê Quang Đại cũng đáng tin cậy hơn so với gia phả họ Nguyễn của Nguyễn Cư Trinh , con rể của Lê Quang Đại mà ông Điền đã trích dẫn có ghi rằng : mộ Lê Quang Đại trong khuôn viên miếu Khai canh làng Xuân Hoà . Về điểm thứ 3 của luận chứng , kiểu thức ,mô típ trang trí , quy mô kiến trúc của lăng đủ điều kiện để kết luận đây là lăng của một vị vua . Điều này chúng tôi vẫn thấy chưa đủ . Từ các dẫn chứng của L.Cadiere – Nguyễn Thiệu Lâu trước đây cho đến Trần Viết Điền hiện nay , chúng ta thấy các ông vẫn chưa làm rõ quy mô, kiểu thức của một lăng vua . Điều kiện cần và đủ của một lăng vua là phải có lăng ( mộ) và tẩm ( thờ) . Lăng vua không thể chỉ có một ngôi mộ độc lập dù ngôi mộ đó có quy mô to lớn . Để tạo thành một ngôi lăng vua phải có hệ thống lầu ,các, miếu thờ , làm nơi bày các đồ thờ cúng nhà vua , các đồ đạc nhà vua thường dùng lúc sinh thời ( ý nghĩa như một nhà lưu niệm ) . Đó là những công trình cần phải có, để cho các quan lại tổ chức nghi lễ thờ cúng vua vào những ngày “huý nhật”,kể cả nhà ở cho những người trông nom . Những công trình đó , đến nay không thể còn , nhưng nếu có thì phải còn dấu tích nền móng . Trong các công trình nghiên cứu về lăng Ba Vành , chúng ta chưa thấy một ai đề cập đến vấn đề này . Mà nếu không có thì không thể kết luận đây là lăng vua được . Trong công trình của ông Trần Viết Điền , có nhắc đến một căn hầm có nắp đậy là môt phiến đá , nằm giữa vòng thành thứ hai và thứ ba ,và ông cho rằng đây là nơi chứa các đồ thờ và đồ tuỳ thân của chủ nhân ngôi lăng, là không có lý. Đồ thờ và đồ tuỳ thân của vua phải được để ( trưng bày) trong miếu thờ , tẩm thờ , chứ sao lại có thể để trong hầm ở dưới đất, chẳng mấy chốc mà hỏng vì ẩm ướt .Trong luận điểm của ông Trần Viết Điền có nhắc tới một cái hồ bán nguyệt (Tân nguyệt trì) và ông cho rằng chiếc hồ này có hình chữ nguyệt ( ),kết hợp với bữu thành hình chữ nhật ( ), để tạo thành chữ minh ( ),ý nói người nằm trong lăng là một minh quân, đây chỉ là một tưởng tượng đi quá xa thực tế và không có cơ sở .
Tóm lại , những luận chứng của ông Trần Viết Điền để chứng minh rằng lăng Ba Vành chính là lăng vua Quang Trung là chưa đủ sức thuyết phục. Dù sao chúng ta cũng rất trân trọng công phu của ông ( và cả nhóm của ông) đã bỏ ra trong 20 năm nay , kiên trì , bền bỉ theo đuổi giả thuyết này . Chúng ta mong chờ ở luận thuyết của ông những phát hiện mới , với những chứng lý có sức thuyết phục hơn .
2- Giả thuyết về lăng Đan Dương của Nguyễn Đắc Xuân :
Cách làm việc của ông Nguyễn Đắc Xuân có phần khoa học hơn . Trước hết ông tìm trong thư tịch của những người cùng thời có ghi về lăng Quang Trung. Và ông đã tìm ra những đoạn ghi chép đăc biệt của Ngô Thì Nhậm , Phan Huy Ich là các đại thần của Quang Trung . Trong văn thơ của Ngô Thì Nhậm , ông Xuân đã tìm được một dòng quan trọng ghi: “ Cung địen Đan Dương là Sơn lăng phụng chứa bảo y Tiên hoàng ta” , và trong văn thơ Phan Huy Ich , ông cũng tìm thấy một lời chú rằng : Phan Huy Ich trong những lúc đến chờ để được vào gặp Bùi Đắc Tuyên, “ Lúc bấy giờ bọn tiểu giám giữ Lăng thường đến hầu rượu”. Chúng ta biết rằng, dinh Bùi Đắc Tuyên đóng ở chùa Thiền Lâm ( ông Bùi lấy chùa làm dinh ở). Và như vậy thì lăng Quang Trung tức Đan Dương lăng phải ở gần chùa Thiền Lâm. Nguyễn Đắc Xuân qua tìm tòi trong thư tịch đã chứng minh được rằng chùa Thiền Lâm và Cung điện Đan Dương lúc bấy giờ ở gần nhau , và toạ lạc vào phạm vi khu vực gò Bình An( khu vực có đường Điện Biên Phủ cắt qua ngày nay).
Qua tìm hiểu, nghiên cứu và cả khai quật thực địa , nhóm Nguyễn Đắc Xuân đã xác định được vị trí Huyền cung ( nơi đặt quan tài) của vua Quang Trung toạ lạc ở khu vực nay là nhà ở của căn hộ ông Nguyễn Hữu Oánh, bà Nguyễn Thị Liên, có địa chỉ cụ thể 63/ 13/ 12A Điện Biên Phủ (Theo kết quả khai quật thám sát ngày 17.12.1988 ). Phát hiện của Nguyễn Đắc Xuân đã gây bất ngờ lớn trong dư luận những năm 1980 -1990 .Những luận chứng của Nguyễn Đắc Xuân và quá trình tìm tòi của nhóm ông đã được ghi lại trong cuốn Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung (Viện Sử học ,1992 ) .Mới đây ,ông lại cho xuất bản cuốn: Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương-Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung (NXB Thuận Hoá , Huế 2007 ) , với nội dung phong phú hơn . Nhiều người đã tưởng rằng, chúng ta đã tìm được địa điểm lăng mộ Quang Trung , trả lời được câu hỏi bức xúc của giới nghiên cứu đặt ra từ hàng trăm năm nay. Tuy nhiên , càng nghiên cứu kỹ thì chúng ta càng thấy , dường như không phải , lăng Quang Trung không thể ở đây .
Đã là lăng mộ (nhất lại là lăng mộ nhà vua) thì càng phải ở nơi tôn nghiêm , tĩnh lặng .Việc phát hiện ra ở khu vực này có nhiều “mả loạn”, “giếng loạn”, chứng tỏ rằng từ trước ở đây đã có rất nhiều người sinh sống. (một cái giếng có thể cung cấp nước ăn uống, sinh hoạt cho vài ba hộ). Từ “loạn” có thể liên quan đến một giai đoạn xã hội có nhiều biến động, không ổn định . Ông Nguyễn Đắc Xuân cho rằng, đó là chỉ vào thời kỳ Tây Sơn. Chúng ta tạm đồng tình như thế (thực ra thì từ loạn liên quan đến một cuộc nổi dậy thì chính xác hơn). Nhưng, là lăng mộ của nhà vua thì người ta không bao giờ chọn ở một khu vực đông dân cư. Còn nếu trước đây đã có một ít dân cư thì trước khi đặt lăng mộ, số dân cư này cũng phải di dời đi nơi khác. Các công trình phục vụ dân sinh (nếu có, như giếng nước chẳng hạn) cũng phải san phẳng đi, để theo quy hoạch của một lăng mộ. Vậy nhưng , ở đây, ngay sau nhà ông Oánh, được cho là nơi đặt Huyền cung của Quang Trung , gần đây vẫn còn một “ giếng loạn”. Giếng đóng vai trò gì ở khu vực gần Huyền cung ? Mặt khác , trong khu vực này có rất nhiều “ mả loạn”, thậm chí , có người khi làm nhà , còn phát hiện được 27 bộ hài cốt xếp chồng lên nhau . Từ thực tế ấy, chúng tôi cho rằng , ở khu vực này trước đây từng có một đơn vị quân nổi dậy đồn trú và sau đó đã bị tiêu diệt .Vì vậy mà ở đây mới gặp nhiều hài cốt , được gọi là “mả loạn” như thế,có nhiều hài cốt được táng tập thể như thế. Còn có phải là quân Tây Sơn như Nguyễn Đắc Xuân phỏng đoán hay không thì không có căn cứ khẳng định . Mà dù những “mả loan” này là của quân Tây Sơn thì cũng không thể dựa vào đó mà kết luận ở đây có lăng Quang Trung.
Việc ở đây có nhiều hòn đá tảng ( kích thước 0,45x 0,45 , đá kê chân cột) nhiều đống vôi vữa cũ vun ở bờ rào phía sau chùa Vạn Phúc, chứng tỏ khu vực này trước đây từng có công trình kiến trúc (cung điện, đền chùa). Điều đó cũng không lấy gì làm căn cứ để chứng minh rằng trước đây đã từng là lăng Quang Trung
Điều làm cho ông Nguyễn Đắc Xuân (và nhóm nghiên cứu của ông) tin nhất, đó là bốn tấm đá lớn và một đường hầm phía trước nhà ông Oánh .Vào năm 1925, bố ông Oánh trong khi làm nhà có đào được 4 tấm đá có kích thước 2,7x 0,67 m dày 3,5 cm ; được ông Xuân cho là 4 tấm đá bọc quan tài. Nhưng, nếu dùng để bọc quan tài thì chiều dài các tấm đá đó chỉ 2,1-2,3m chứ cần gì phải đến 2,7m , thừa ra như thế để làm gì ? Và nếu đá bọc quan tài, sao không có hai tấm đá vuông ở hai đầu .Bởi vì , so với các tấm đá dài 2,7m thì hai tấm đá vuông có kích thước khoảng 0,7x 0,7m (để phù hợp với chiều rộng của 4 tấm dài ) sẽ rất tiện sử dụng ( ví dụ làm mặt bàn ăn gia đình chẳng hạn ). Nếu có hai tấm đá vuông đó thì người ta sẽ sử dụng , và sẽ còn lại đến ngày nay. Mà dù có đem cho ai , tặng ai, người ta vẫn còn nhớ (như đối với trường hợp với 4 tấm đá dài đã nói ở trên). Mặt khác , nếu dùng để bọc quan tài thì các tấm đá đó phải có “ lỗ”hay “ mộng” để lắp ghép với nhau và lắp ghép với tấm đá vuông , chứ không thể là tấm đá bình thường như mặt phản được .
Đối với đường hầm mà ông Nguyễn Đắc Xuân cho rằng đây là “ Huyền cung” (nơi đặt quan tài) của vua Quang Trung cũng không có căn cứ . Trong khi các tấm đá được cho là dùng để bọc quan tài chỉ có độ dài là 2,7m , vậy mà cái đường hầm này đào theo chiều dọc đến trên 3m , vẫn chưa thấy đầu và cuối. Sao kích thước “ Huyền cung” lại không phù hợp với độ dài của tấm đá bọc quan tài ?
Tóm lại , việc chứng minh ở đây có nhiều “ giếng loạn”,“ mả loạn” thì cũng không thể chứng minh rằng, lăng Quang Trung đã từng ở nơi này. Tất nhiên, trong việc đề ra các giả thuyết khoa học, cần phải có đầu óc tưởng tượng. Nhưng những tưởng tượng này là quá xa thực tế .
Mặt khác ,khu vực gò Bình An, nơi Nguyễn Đắc Xuân cho rằng có lăng mộ của Quang Trung nằm rất gần trung tâm Kinh đô Phú Xuân (gần như đối diện qua sông Hương). Tháng 5 Tân Dậu (1801) sau khi chiếm được Phú Xuân, lăng Quang Trung (nếu ở gò Bình An) sẽ như một cái gai chọc vào mắt Gia Long. Có lẽ nào Gia Long lại để cho “cái gai” đó tồn tại đến 6 tháng trời, ngày ngày chọc vào mắt mình ? Chúng tôi cho rằng, lăng Quang Trung phải ở một địa điểm nào đó ,ở ngoại vi thành phố Huế, một vị trí khuất nẻo, nằm trong vùng tranh chấp giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn. Mãi đến tháng 11 Tân Dậu (1801), sau khi bình định được toàn bộ vùng ngoại vi Kinh thành, Gia Long mới có điều kiện quật phá lăng mộ Quang Trung. Cùng với việc quật phá lăng mộ Quang Trung, Gia Long còn ra thông cáo cho thiên hạ biết về việc khôi phục lại Kinh đô cũ (Đại Nam thực lục chính biên -Nxb Giáo dục .2004 – Tập 1 .Trang 473 ).Như vậy ta có thể thấy, việc chiếm được Kinh đô Phú Xuân vào ngày 3-5 Tân Dậu ,nhưng việc bình định được toàn bộ Kinh thành, kể cả vùng ngoại vi phải 6 tháng sau đó (tức tháng 11 Tân Dậu). Với suy luận trên ,chúng ta có thể ước đoán, lăng Quang Trung phải ở ngoại vi phía Nam Kinh thành và cách trung tâm Kinh đô khoảng từ 10 -20 km; không loại trừ khả năng có thể ở khu vực núi Kim Phụng (nơi có lăng mộ Phạm Hoàng hậu ,mât trước Quang Trung 1 năm ) hay khu vực đồi Thiên An, nơi có lăng Ba Vành, nằm trong vành đai đó hay là núi Ngọc Trản (Hòn Chén), như trong bài thơ của Ngô Thì Hoàng . . .
Giả thuyết về lăng mộ Quang Trung ở Bình Thuận
Gần đây trên báo Bình Định điện tử có bài viết : “Người 16 năm theo đuổi một giả thuyết” (Cập nhật ngày 18-2-2008 ) cho biết ,có cô giáo tên là Võ Thị Minh Liêm suốt 16 năm trời tìm tòi tư liệu khảo sát thực địa để chứng minh rằng lăng mộ Quang Trung ở vùng Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận). Theo giả thuyết của Minh Liêm thì ,sau khi Quang Trung mất, Hoàng hậu Ngọc Hân đã bàn bạc với các tướng thân cận đưa di hài chồng mình vào chôn ở Bình Thuận nhằm tránh việc triều Nguyễn trả thù . Giả thuyết này rât khó có thể chấp nhận . Bởi vì trước khi Quang Trung mất ,cả vùng Bình Khang, Bình Thuận đã thuộc về nhà Nguyễn .Đại Nam liệt truyện (q. 30 ) viết : “ Từ đấy bệnh chuyển nặng lên ,bèn triệu Trấn thủ Nghệ An là Nguyễn Quang Diệu để bàn việc dời kinh đô đến Nghệ An .Việc bàn ấy chưa nhất định thì khi ấy Thế tổ ta (tức Nguyễn ánh ) đã lấy được Gia Định ,thu phục lại Bình Khang, Bình Thuận, Diên Khánh ,thanh thế lừng lẫy lên . Huệ nghe thấy lo buồn ,bệnh càng nặng thêm . . .Ngày 29-9, Huệ chết ”. Mặt khác, khi Quang Trung mất (1792) Đường thuỷ ,đường bộ từ Phú Xuân vào Bình Thuận đều trắc trở .Đất Quy Nhơn – Bình Định thuộc phạm vi kiểm soát của Nguyễn Nhạc. Triều đình Nguyễn Nhạc và triều đình Quang Toản bất hoà. Nguyễn Nhạc muốn ra Phú Xuân viếng tang, mới đi đến Quảng Ngãi đã bị quân của Quang Toản chặn lại ,vậy thì quan tài Quang Trung làm sao có thể đi qua Quy Nhơn ? Đường thuỷ thì cửa biển Thị Nại đang bị Nguyễn ánh chiếm đóng , phong toả .Xem như thế thì việc đem thi hài vua Quang Trung vào chôn ở Bình Thuận là không thể có được .Không ai dại dột đưa thi hài vị Hoàng đế của mình vào chôn ở vùng đất đang tranh chấp , huống chi đây đã là đất của kẻ thù . Giả thuyết lăng mộ Quang Trung ở Bình Thuận là không có cơ sở .
3- Tạm kết
Qua những giả thuyết được dư luận quan tâm , được nghiên cứư công phu nhất, chúng ta thấy rằng vẫn chưa đủ thuyết phục để chứng minh rằng , đây là địa điểm lăng vua Quang Trung, chứ không phải ở nơi nào khác . Đối với các công trình nghiên cứu khoa học , chúng ta cần phải hết sức khách quan . Chúng ta rất cảm phục tinh thần tìm tòi nghiên cứu của các tác gỉa và các nhóm nghiên cứu, nhưng không thể lấy tình cảm mà thay cho căn cứ khoa học được . Chúng tôi viết bài này không có ý “dội gáo nước lạnh” vào nhiệt tình của các nhóm tác giả, mà chỉ góp một cái nhìn phản biện, mong rằng các công trình được hoàn thiện hơn , có những chứng lý thuyết phục hơn . Và cũng mong rằng, sẽ được đọc những công trình khác , được thấy những hướng đi khác trên con đường tìm kiếm lăng mộ Quang Trung
Phan Duy Kha ( Bài đăng lần đầu tiên trên Giaodiem Online)