Vietravel tài trợ hội thảo khoa học 'Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế'

Chiều ngày 30/10/2015, Hội thảo khoa học “Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế” đã diễn ra tại Hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (16 Lê Lợi, TP.Huế). Hội thảo do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế và Công ty Du lịch Vietravel phối hợp tổ chức.

Đến dự và chủ trì Hội thảo có GS.NGND Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; PGS.TS Đỗ Bang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế; TS Phan Tiến Dũng - TUV, Giám đốc Sở VHTT&DL. Về phía đại diện Lãnh đạo tỉnh có đồng chí Nguyễn Dung - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện Lãnh đạo các Sở, Ban Ngành, các nhà giáo, nhà nghiên cứu lịch sử về thời kỳ Tây Sơn và các cơ quan truyền thông. Đại diện nhà tài trợ là ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel.

Nhiều năm gần đây, qua những điều tra, khảo sát nghiên cứu thư tịch cổ, nhiều nhà nghiên cứu giả định Huế là nơi tọa lạc lăng mộ của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ. Một số nhà nghiên cứu, nhà sử học trong và ngoài nước đã đưa ra những giả thiết khác nhau về địa điểm đặt Lăng mộ của Hoàng đế Quang Trung, trong đó nổi bật là cuốn sách "Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương" của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân - người được người dân xứ Huế biết đến như một nhà Huế học, chuyên cung cấp cho độc giả những thông tin tư liệu quý về Huế và các triều đại nhà Nguyễn.

Hội thảo đã có những tranh luận, kiến giải cũng như đưa ra các ý kiến phản biện cho các vấn đề như: Có hay không cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế? Nếu có thì cung điện đó nằm ở đâu, đặc điểm như thế nào, chức năng và thời gian tồn tại, nhân vật nào và sự kiện gì xảy ra tại đó? Những câu hỏi này đã được giới nghiên cứu trong nước và thế giới đặt ra từ hơn nửa thế kỷ trước, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu công phu và tâm huyết, nhưng vẫn chưa thể tìm ra câu trả lời thuyết phục trước thách thức và cũng là đòi hỏi ráo riết của lịch sử.

Theo diễn tiến của buổi Hội thảo, 09 bài tham luận tham gia được đánh giá có góc nhìn đa chiều với 05 tác giả thừa nhận có Cung điện Đan Dương và đề xuất hướng bảo tồn phát triển du lịch là Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Nhã, Thanh Tùng, Hồ Vĩnh, Lê Tân; 02 tác giả đưa ra cứ liệu phản biện là Nguyễn Anh Huy và Võ Vinh Quang, 02 tác giả thừa nhận lăng Đan Dương nhưng đề nghị cần bổ sung, minh chứng là Đỗ Bang (thể hiện trong bài Đề dẫn) và Trần Đại Vinh. Điều này cho thấy, tuy quan điểm của ông Nguyễn Đắc Xuân nhận được sự ủng hộ của không ít nhà nghiên cứu, nhưng cũng có nhiều ý kiến chưa đồng tình, thậm chí phản bác kịch liệt.

GS Phan Huy Lê - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN cho rằng: có thể kết luận được một số mấu chốt quan trọng. Thứ nhất, đã xác định chùa Thiền Lâm chính là nơi mà Thái sư Bùi Đắc Tuyên từng chiếm dụng làm nơi làm việc. Thứ hai, các tư liệu của Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích hiện là những tài liệu quý giá bậc nhất trong việc nghiên cứu về cung điện Đan Dương, và lăng mộ vua Quang Trung mà hiện chúng ta có được. Những tranh luận quyết liệt của các nhà nghiên cứu cũng chỉ dựa chủ yếu trên tư liệu thơ văn thời Tây Sơn và ghi chép của người Pháp bấy giờ. Vì vậy, câu trả lời không gì cụ thể và thuyết phục hơn là kết quả khai quật khảo cổ. Cần phải thực hiện khai quật khảo cổ học, ở khu vực mà các nhà nghiên cứu cho rằng có thể có cung điện Đan Dương. Đó là khu vực hiện đang tọa lạc chùa Thuyền Lâm và khu dân cư chung quanh, thuộc ấp Bình An trước đây và bây giờ là phường Trường An, TP Huế.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Dung - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tin tưởng qua sự kiện lần này sẽ làm sáng tỏ hơn những giá trị di sản tiêu biểu gắn liền với vua Quang Trung - Nguyễn Huệ, trong đó có Cung điện Đan Dương, góp phần làm cho vùng đất Cố đô có thêm những điểm di tích hấp dẫn đối với du khách. Đại diện nhà tài trợ, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel chia sẻ: Trong bối cảnh việc dạy sử, học sử, cũng như kiến thức về lịch sử của thế hệ trẻ… đang có nhiều vấn đề như hiện nay, việc làm thế nào để “dân ta phải biết sử ta” là điều hết sức cần thiết. Lịch sử cần được nghiên cứu, học hỏi để đút kết kinh nghiệm từ quá khứ và áp dụng vào thực tiễn.

Là đơn vị kinh doanh du lịch, Vietravel luôn ủng hộ các chương trình nghiên cứu khoa học chân chính, góp phần tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, và nhà sử học có phương tiện để tiếp cận, khai thác triệt để các nguồn tư liệu cũng như có cái nhìn hệ thống, toàn diện, càng ngày càng tiệm cận chân lý lịch sử. Cụ thể trong trường hợp này là chứng cứ có sức thuyết phục, để tìm ra giá trị đích thực của một di tích quan trọng thời Tây Sơn. Dựa trên những khám phá của Hội thảo, Công ty Du lịch Vietravel sẽ thực hiện bộ phim tài liệu: "Hành trình khám phá Cung điện Đan Dương" theo đúng dòng chảy lịch sử về Cung điện này.

             Một số hình ảnh buổi hội thảo:

 

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia