Cảm nhận Huế

Ngoài những buổi tham quan Thành nội và các lăng tẩm, chùa chiền... tôi có may mắn được nhà khảo cổ và sử học Nguyễn Đắc Xuân đưa đi...tìm dấu vết ngôi mộ vua Quang Trung.

 

 Cảm nhận Huế

Tiến sĩ Thu Trang

Báo Sài Gòn Giải phóng, Chủ nhật, 26-9-1999

         

            Tôi vừa đi vừa lắng nghe lời thuyết giảng say mê lẫn tự tin của anh Nguyễn Đắc Xuân, mặc dù tôi đã đọc quyển sách về công trình này anh đã tặng dạo gặp gỡ tại Paris mấy tháng trước. Phải nói là tôi đã đọc một mạch vì đề tài hấp dẫn mà nội dung vừa ly kỳ gần như huyền thoại về nhà anh hùng tài ba đã từng đánh đuổi quân Thanh và ...đã lăm le đòi hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Châu...về Việt Nam. Lịch sử không cho phép ta đặt câu: giá như nhà vua không từ trần quá trẻ, vào tuổi bốn mươi (Nguyễn Huệ lên ngôi lấy hiệu là Quang Trung vào năm 1788) thì...Việt Nam biết đâu lại không có một bước tiến quan trọng vào cuối thế kỷ XVIII ấy? Và Tổ quốc... sẽ có cơ may là ta có thể tránh được hoạ bị lệ thuộc gần một trăm năm... Ngẫm nghĩ gần xa càng thấy cảm hoài nỗi thăng trầm của đất nước... và không tránh được nỗi thao thức khi nhìn về tương lai. Tôi không khỏi ngậm ngùi cúi xuống nhặt một miếng đá nhỏ, nơi người anh hùng đã từng nằm xuống: Phủ Dương Xuân hay Đan Dương Lăng. Rồi chúng tôi vào ngôi chùa gần đó để ngắm một tấm đá khá to và dài đến hơn hai thước mà anh Xuân tiên đoán đó chính là một trong bốn mảnh quan tài của vua Quang Trung. Tôi chợt nhớ những câu này:

            - Lăng Đan Dương đã bị quật phá, bổ săng, lấy đầu lâu Quang Trung và xương cốt ra nhục hình. Đầu lâu bỏ vào vò rồi cho lính tiểu tiện vào và cho giam vào ngục thất, xương cốt giã nhỏ với thuốc súng bắn tan vào không trung. Vật liệu của Lăng Đan Dương bị chôn sâu vào lòng đất, mọi dấu tích được phi tang. Cấm dân chúng không được đến sinh sống ở vùng đất bị trừng phạt này.(1)

 

 

“Tiến sĩ Thu Trang tham quan vùng Cồn Bông Sứ,

ấp Bình An, nơi có dấu tích đang được chứng minh liên quan

đến lăng mộ vua Quang Trung”.

          Đọc những câu như trên chắc đa số chúng ta mấy ai khỏi buồn bực và đánh giá thời phong kiến lạc hậu của triều nhà Nguyễn. Nhưng khi đọc sử Đông Tây trên thế giới thì có nhan nhản những sự kiện tương tự. Tôi vừa đi nghỉ hè ở đảo Malte, và xem trong tập lịch sử đảo này vào năm 1565 các hiệp sĩ Thiên Chúa giáo (les chevaliers) đã cắt đầu quân Hồi giáo bỏ vào súng ca nông bắn ra biển để trả thù quân Turc đã đóng đinh trên cây Thánh giá những người theo đạo... và thả chìm trong nước. Ngẫm nghĩ cho cùng, thiên hạ có văn minh hơn và tình người có đẹp đẽ hơn không ngay cả trong thế kỷ này, khi ta chứng kiến biết bao là thảm hoạ. Đã có bao ý thức hệ trong thế kỷ này dùng để tiêu diệt lẫn nhau, hy sinh hàng triệu sinh linh trong máu lửa. Và người ta còn đang chém giết nhau dã man hơn loài thú dữ diễn ra trong hiện tại. (Chiến tranh ở Kosovo là một thí dụ).

          Nhưng thôi, chúng ta nên trở về với Huế thơ mộng, Huế Kinh thành còn đầy di tích vừa thanh lịch vừa hào hùng lẫn đắng cay. Đi theo một trong nhiều dấu vết của người anh hùng áo vải, đó là một chuyến tham quan du lịch văn hoá đầy ý nghĩa đối với bất cứ một người Việt Nam nào còn gắn bó với lịch sử và quê hương. Nhắc đến vua Quang Trung mà thiếu Ngọc Hân công chúa thì thật là thiếu sót. Bà đã viết bài Ai tư vãn mà cho đến nay, người đọc vẫn còn rung cảm qua những vần thơ não nùng nhưng không kém phần mơ mộng tao nhã.

          Chúng tôi được tham quan chùa Kim Tiên, nơi bà đến ở thủ tiết thờ chồng đến trọn đời. Có phải trong tâm mình đã gây nỗi hoài tưởng về người đẹp bạc phận, hay là cảnh chùa Kim Tiên có một vẻ trầm tư, làm tôi cảm thấy không khí phảng phất như mơ như thực. Đối với tôi, đó là một trong những ngôi chùa có nhiều nét Thiền với phong cảnh đẹp mà tôi đã được tham quan ở Việt Nam trong những năm qua. Tóm lại, một chuyến như vậy, Công ty Du lịch Huế có đủ chất liệu để xây dựng thành một tour du lịch văn hoá.

                                                    

Chú thích:

(1): Trích quyển Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung, trang 94, Nguyễn Đắc Xuân biên soạn.

(Nguồn:  Nguyễn Đắc Xuân Đi Tìm Dấu Tích Cung Điện Đan Dương sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nxb Thuận Hóa 2007,  từ tr.277 đến tr. 279)

 

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia