Cần khôi phục dấu tích triều Tây Sơn ở Huế

Vừa qua, nhân chuyến du khảo lịch sử ở một số tỉnh miền trung, tôi có dịp thăm lại Huế lần thứ hai. Dù đã qua 15 năm song ấn tượng của tôi về Huế vẫn nguyên vẹn trong ký ức đẹp đẽ buổi đầu tới Huế: Khu hoàng thành với các cung điện, lăng Minh Mệnh, Tự Đức, Khải Định với nghệ thuật kiến trúc tuyệt vời, tất cả là một di sản văn hóa to lớn, quý giá của đất nước, và kinh thành Huế hoàn toàn xứng danh là di sản văn hóa của nhân loại.

          Tôi đã đến Bắc Kinh, đã phải sửng sốt trước quy mô hùng tráng, vĩ đại của Cố cung; rồi tôi nghĩ về cố đô Huế. So với quy mô Cố cung Bắc Kinh, đô thành Huế nhỏ, gọn hơn. Kho văn vật của đô thành Huế nghèo hơn kho văn vật được tàng trữ tại Cố cung Bắc Kinh. Nhưng, trong hoàng thành Huế lại có một thứ quý giá khác mà Cố cung Bắc Kinh không có. Đó là cả trời cây xanh bóng mát, là sự che chở của thiên nhiên. Ngắm nhìn các di tích trên đất đế đô nhà Nguyễn được bảo vệ và tu bổ lại dưới sự tài trợ của Nhà nước ta cũng như UNESCO..., tôi hiểu rằng những người công tác tại Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã phải cố gắng rất nhiều trong quá trình làm sống lại một di sản của của dân tộc trong thế kỷ 19. Và tôi cũng hiểu rằng, chúng ta nói chung, trong đó có những cán bộ ngành văn hóa, những người chuyên môn làm về bảo tồn, bảo tàng, chưa phải đã sành sỏi, thuần thục lắm trong nghệ thuật hưởng thụ văn hóa, dẫu trong tay có một gia tài văn hóa hết sức quý giá, đặc sắc. Đến thăm Huế, khi vào chiêm bái miếu đường thờ các vua nhà Nguyễn, khách thăm có am hiểu lịch sử, văn hóa, hẳn sẽ không hài lòng, vì tông miếu của nhà Nguyễn sao lại "xuềnh xoàng" như vậy? ở chính giữa nhà tông miếu là án thờ vua Gia Long có tấm biển gỗ đề ba chữ "Thế tổ miếu". Hai bên tả, hữu là án thờ các vua kế vị sau, được sắp xếp thứ tự theo điển lệ phong kiến xưa. Trên án thờ Thế tổ, ngoài giá ảnh Gia Long, một cái đỉnh đồng tròn với hai cây nến đồng (đều là đồng khí hạng bình thường, gặp nhiều trong dân gian) còn có đôi lọ mới sản xuất, cao khoảng 60 - 70 cm, bổ ô, vẽ mầu lòe loẹt và đôi đĩa để hoa quả cao chân xanh trắng, cũng là gốm mới làm bây giờ, hàng rẻ tiền được dân cung tiến. Những chiếc bình và đĩa gốm kiểu này người ta bán rong trên xe đạp thồ khắp đường phố Hà Nội. Vậy mà trên đất đô thành Huế nổi tiếng hiếu cổ, trong tông miếu giữa hoàng thành cung điện nguy nga - di sản văn hóa thế giới, mấy thứ đồ gốm mới nung, hàng chợ, lại được đặt ở chỗ tôn nghiêm nhất, trong đền thờ tổ tiên nhà Nguyễn. Phải chăng vì sợ các đồ thờ cổ, quý đem bày biện ra sẽ không bảo vệ được trước những kẻ chuyên lấy trộm cổ vật?

          Theo tôi nghĩ, nhà tông miếu ở Huế, tức là nơi thờ các vua triều Nguyễn, phải được giữ nguyên bản như nó vốn có với đầy đủ toàn bộ các đồ thờ cúng sắp đặt theo đúng quy định của lễ chế nhà Nguyễn. Khách thăm chỉ đứng ngoài cửa nhìn xem qua một bức tường kính có hệ thống chuông báo động, chứ không được vào trong đi lại lộn xộn.

          Tôi được nghe nói Nhà nước đã phê duyệt cấp 750 tỷ đồng cho dự án làm lại điện Cần Chánh (nơi hằng ngày vua Nguyễn ra thiết triều làm việc). Nhìn những cung điện đã được tu sửa, hiện đang mở cửa mời đón khách thăm, tôi thấy trong các cung điện này nổi bật nhất là những hàng cột gỗ, cánh cửa sơn son, thếp vàng hình rồng phượng, còn đồ vật cổ với nhiều loại hình, chất liệu quý giá của hoàng cung nhà Nguyễn - những thứ mà khách thăm muốn được chiêm ngưỡng - thì lại nghèo nàn. Và những thứ hiện được trưng bày hình như chưa phải là những thứ thuộc hạng nhất, nhì, loại quốc bảo. Nếu Nhà nước phải bỏ ra số tiền ngót nghìn tỷ đồng để cho làm điện Cần Chánh mới, rồi trong đó lại bày biện mấy thứ bàn, sập sơn son thếp vàng cũ, mới lẫn lộn, đục chạm rối rắm kiểu đời Nguyễn muộn, thì tôi trộm nghĩ rằng chúng ta quá lãng phí, chúng ta không biết tiêu tiền.

          Nhưng vấn đề chính tôi muốn nói ở bài viết này là: trong khi đổ tiền của ra để bảo tồn toàn bộ các di tích lịch sử, văn hóa thời Nguyễn ở Huế, chúng ta không được quên Huế, tức là Phú Xuân, vốn là, và cần được tôn vinh mãi mãi, kinh đô của vương triều Tây Sơn, một vương triều đã làm nên võ công hiển hách trong sự nghiệp giữ nước và thống nhất đất nước cuối thế kỷ 18. Chúng ta không thể xem nhẹ, trái lại cần có kế hoạch nhanh chóng giữ gìn, sưu tầm, khôi phục những gì của vương triều Tây Sơn tại Phú Xuân - Huế, không thể để vương triều Tây Sơn bị xóa sạch dấu tích ở Huế.

          Chúng ta đều biết vào năm 1786, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ, quân Tây Sơn đã đánh tan quân Trịnh, chiếm thành Phú Xuân (thời Nguyễn thế kỷ 19 gọi là Huế) và từ Phú Xuân, Nguyễn Huệ tiến thẳng quân ra bắc, diệt Trịnh, giúp Lê lấy lại quyền hành. Cuối năm 1788, khi quân đội nước ngoài chiếm được Thăng Long (Hà Nội), thì Nguyễn Huệ đang ở Phú Xuân. Nhận được tin cấp báo đó, Nguyễn Huệ sai lập đàn Nam Giao ở núi Bàn, phía nam núi Ngự Bình, làm lễ tế trời đất rồi tuyên bố lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung. Ngay ngày hôm ấy (25-11 năm Mậu Thân), Quang Trung Nguyễn Huệ dẫn đại binh ra bắc. Sau chiến thắng, giao công việc ở Bắc Hà cho Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy ích, vị Hoàng đế anh hùng trở về kinh đô Phú Xuân. Từ đó (1789) tới nhà Tây Sơn bị Nguyễn Phúc ánh (Gia Long) đánh bại (1802), Phú Xuân là kinh đô của triều Tây Sơn. Chính từ kinh đô Phú Xuân, triều Tây Sơn, đặc biệt trong những năm tháng Quang Trung trị vì, đã hoạch định nhiều kế sách quan trọng về bang giao, về nội trị: tổ chức chính quyền, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, coi trọng việc học hành, thi cử, trọng dụng nhân tài... Dưới triều Tây Sơn, đất Phú Xuân là nơi hội tụ nhiều nhân vật kiệt xuất về quân sự, chính trị, ngoại giao, văn học... Năm 1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời tại kinh đô Phú Xuân ở tuổi 39 và tại nơi đây, công chúa Lê Ngọc Hân đã viết khúc văn Nôm Ai tư vãn, thương nhớ, ca ngợi Quang Trung, trở thành một tác phẩm bất hủ trong lịch sử văn học nước nhà.

          Dưới triều Nguyễn, trên đất Phú Xuân, cố đô của triều Tây Sơn, đổi là Huế, kinh đô nhà Nguyễn, mọi thứ thuộc về Tây Sơn bị xóa sạch dấu vết.

          Cung điện, nhà cửa trong hoàng thành thời Tây Sơn ở Huế tuy đã bị hủy hoại hết từ đầu thế kỷ 19, song hình ảnh của chúng ít nhiều vẫn còn được ghi lại qua thơ văn của các danh sĩ triều Tây Sơn, như Phan Huy ích, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Gia Phan... Đi trên những con đường Huế, tôi bỗng nhớ tới bốn bài thơ Nôm của Nguyễn Gia Phan (tiến sĩ đời Lê, sau làm quan với Tây Sơn) ứng khẩu sáng tác theo yêu cầu của vua Quang Trung để viết lên bộ tứ bình bày trong cung điện nhà Tây Sơn, hoặc những bài thơ của Phan Huy ích tả cảnh nhà thái sư Bùi Đắc Tuyên là chùa Thiền Lâm cũ, nằm ở phía nam sông Hương, tả Văn Miếu, chùa Thiên Mụ, nơi vào ngày hạ chí, vua Tây Sơn ra tế thần đất ... Tôi suy nghĩ, tại sao khi ra sức bảo vệ, tu sửa các cung điện, lăng tẩm của nhà Nguyễn, ta không hề nhớ tới triều Tây Sơn, tới công lao vĩ đại cứu nước và thống nhất đất nước của vua Quang Trung, một công lao hiển hách mà các vua chúa sau đó không bao giờ có được.

           Trên đất Huế ngày nay, tức là đất thành Phú Xuân thế kỷ 18, nơi đóng đô của vương triều Tây Sơn, nếu chúng ta không xây dựng lại được một cung điện chính của triều Tây Sơn, thì cũng nên xây một nhà bảo tàng về triều đại Tây Sơn. Và tại Bàn Sơn, nơi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế rồi xuất quân ra bắc, nên dựng tượng đài Quang Trung để tưởng niệm vị Hoàng đế anh hùng áo vải, vị cứu tinh của dân tộc.

           Nếu không làm được như vậy, chúng ta thật bất công với lịch sử. Và con cháu chúng ta, do đó, cũng hiểu sai về lịch sử dân tộc.

                                            

Tạ Ngọc Liễn

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia