Trong thư có mấy đoạn như sau: “Tôi ở xa Huế, đã có những suy nghĩ trên nhưng không thể suy biết hơn nữa. Chỉ có người khảo sát thực địa mới có thể tiến một bước nữa. Trước có Cadière đoán chỗ Dinh Võ Vương (số 8 trên bản đồ BAVH). Nay chú đã dựa vào những di tích trang trọng khác thường mà đoán chắc hơn. Rồi chú dùng những tập tục tín ngưỡng xưa, tuy cho là dị đoan, nhưng có tính cách định đoạt trong xã hội xưa, như thuật phong thuỷ, như sợ quỹ thần trừng phạt kẻ phỉ báng, để đoán được chỗ huyệt của lăng; rồi thí nghiệm cuối cùng bằng kĩ thuật khai quật. Những di tích như dấu thành mộ lớn, quan trọng khác thường, tảng đá lớn có thể là quách quan tài, vân vân, khiến chú nhận chỗ này là chính mộ Quang Trung. Tôi rất đồng mọi ý.
[...] Sau đây, tôi xin khuyên chú mấy điều:
1. Đề nghị với các giới Thừa Thiên theo thủ tục xếp hai khu “mộ Quang Trung và dinh Dương Xuân” vào loại di tích lịch sử mà Nhà nước phải bảo tồn, tu bổ, rồi biến nó ra những điểm du lịch, khiến sẽ đem lợi cho thành phố Huế và chính sách du lịch nhiều. Tây Sơn là một vấn đề rất thu hút.
2. Lúc những di tích ấy đã quốc hữu hoá, thì chú nên khai quật rộng ra, vì tôi chắc còn có những di vật khác chung quanh hay ở sâu, thêm chứng cứ hấp dẫn..."
Theo ông Nguyễn Đắc Xuân, lá thư nói trên đã động viên ông rất nhiều trên bước đường đi tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung đầy chông gai và lắm nỗi cô đơn. Tiếc là Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã đi xa mà những gì mong muốn của Giáo sư lại chưa được bắt đầu...