Hội thảo Khoa học Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế

NGÀY 30 – 10 – 2015, TẠI HỘI TRƯỜNG ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN - HUẾ ĐÃ DIỄN RA HỘI THẢO: “CUNG ĐIỆN ĐAN DƯƠNG THỜI TÂY SƠN TẠI HUẾ”. CHỦ TRÌ HỘI THẢO CÓ GS PHAN HUY LÊ, CHỦ TỊCH HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ VIỆT NAM; PGS.TS ĐỖ BANG, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ VIỆT NAM – CHỦ TỊCH HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ TỈNH THỪA THIÊN – HUẾ; TS PHAN TIẾN DŨNG, GIÁM ĐỐC SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH THỪA THIÊN – HUẾ. HỘI THẢO ĐÃ NHẬN ĐƯỢC 9 BÀI THAM LUẬN (KỂ CẢ BÀI TỔNG THUẬT HỘI THẢO) VỚI NHỮNG CÁCH ĐÁNH GIÁ VÀ TIẾP CẬN KHÁC NHAU.

   I.Các ý kiến đồng ý có cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế.

  Nhóm những tham luận thừa nhận có cung điện Đan Dương là tác giả Nguyễn Đắc Xuân, người đã dày công nghiên cứu công trình này đã gần 30 năm, Nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều chứng cứ cả thành văn và hiện vật; về các tư liệu thành văn, ông đã dẫn chứng các tư liệu của Cố đạo Jean Koffer là một người được chúa Nguyễn Phúc Khoát mời làm ngự y và được tin dùng; L.Cadière; John Barrow, trong chuyến du hành vào năm 1792 – 1793 có ghé lại Đà Nẵng; Pierre Poivre; giáo sĩ La Bateette… là những ghi chép của mình.

- “Chúa Nguyễn Phúc Khoát có xây dựng cung điện Mùa đông ở Nam sông Hương; tức phủ Dương Xuân, theo Jean Koffer (1740 - 1755)”.

- Nhân chứng Pierre Poivre đã được chúa Nguyễn Phúc Khoát tiếp đón ở cung điện này vào năm 1749.

- John Barrow (1792), cho là trong thời gian 1786 – 1788, Nguyễn Huệ không ở trong thành Phú Xuân và có khả năng ở trong cung điện này.

- La Bateette (1788) cho rằng: Nguyễn Huệ có xây dựng một bức tường cao 6,48m, quanh dinh của ông vào năm 1788. Dinh đó ở nam sông Hương.

- Tư liệu trong nước có Bùi Dương Lịch trong sách Lê quý dật sử cho là sau chiến thắng quân Thanh (1789),vua Quang Trung có đắp thêm thành quách, mở rộng cung điện. Tác giả Nguyễn Đắc Xuân cho là “cung điện này nằm ở phía nam sông Hương và gần chùa Thiền Lâm”.

Từ các chứng cứ của các “học giả” nước ngoài trên, Nguyễn Đắc Xuân cho rằng Phủ Dương Xuân hay còn gọi là Cung điện Mùa đông, nơi mà dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Khoát dùng để làm việc trong những tháng mưa lũ của Huế. Cung điện Mùa đông đó, theo ông thì nó nằm bờ nam của sông Hương. Và Nguyễn Huệ sau khi đưa quân Tây Sơn từ Bình Định ra giải phóng Đô thành Phú Xuân vào tháng 6 năm 1786, đã không ở trong Đô thành Phú Xuân mà ở “Cung điện Mùa đông” với ba lý do: thứ nhất là Đô thành Phú Xuân mới bị tấn công, xác chết thối tha nên chưa vào được; thứ hai là bắt nguồn từ vị thế bất lợi của Đô thành Phú Xuân là dễ bị tấn công, thì một thiên tài quân sự như Nguyễn Huệ sẽ không ở đó; thứ ba là quân đội Tây Sơn phần lớn là người Thượng du quen sống với núi rừng nên ở Đô thành Phú Xuân không hợp.

Ngoài ra tác giả Nguyễn Đắc Xuân và tác giả Hồ Vĩnh còn lấy dẫn chứng từ chú thích của bài thơ Cảm hoài của Ngô Thời Nhậm “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta” và một bài thơ của Phan Huy Ích “Lúc bấy giờ bọn tiểu giám giữ lăng thường đến hầu rượu”, bài Văn tế vua Quang Trung, bà Ngọc Hân cũng nhắc đến điện Đan Dương. Từ đó các tác giả khẳng định có cung điện Đan Dương và vị trí của nó là nằm ngay chùa Thiền Lâm và những khu vực quanh đó.

Về mặt tư liệu hiện vật, tác giả Nguyễn Đắc Xuân đã đưa ra các chứng cứ như các tảng đá, gạch… hiện còn lưu giữ ở chùa Thiền Lâm – địa chỉ hiện này là 150 đường Điện Biên Phủ, thành phố Huế; cùng với những địa điểm gần chùa Thiền Lâm như “giếng loạn” ở chùa Diệu Đức hiện nay là 184/4 Điện Biên Phủ - thành phố Huế; cùng với những di tích khác, nhưng hiện nay đã bị nằm dưới tường rào, đường đi, nhà ở, nghĩa địa (nơi chôn cất người chết)…. Sáng ngày 30 - 10 – 2015, tác giả Nguyễn Đắc Xuân đã làm hướng dẫn cho các tác giả và đại biểu đi tham quan tìm hiểu tất cả những địa điểm mà theo ông thì đó là những nơi chứng minh có sự tồn tại của cung điện Đan Dương và lăng Đan Dương.

   II.Các ý kiến không đồng ý có cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế.

   Các bài tham luận phản bác không có cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế của tác giả Nguyễn Anh Huy, Võ Vinh Quang, Trần Đại Vinh. Tác giả Nguyễn Anh Huy đã phân tích các chứng cứ mà tác giả Nguyễn Đắc Xuân(2) đưa ra là chưa thuyết phục và mang tính chất suy diễn. Do các tài liệu đó chưa tự nó nói lên được ví như các bài thơ thì do người đời sau lại chứ không phải văn bản gốc “Hai chứng cứ vừa dẫn về nguyên tắc chữ Hán, cho thấy đây không phải là thủ bút của Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích mà có thể là do người sau này chép lại và như thế các chú thích ấy có thể đã bị sao chép sai! Và không có giá trị như chứng cứ khoa học!”(3); còn các tài liệu hiện vật thì nó mới chỉ là những hòn đá, cục gạch chưa “có tiếng nói” chưa thể chứng minh, tác giả Nguyễn Anh Huy viết: “Để hỗ trợ cho sự suy diễn của mình về Phủ Dương Xuân thời chúa Nguyễn bị Nguyễn Văn Huệ biến thành cung điện Đan Dương, sau đó điện Đan Dương của Tây Sơn bị Nguyễn Vương Phúc Ánh phá bỏ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng gạch đá ở chùa Thiền Lâm chính là cung điện Đan Dương của Tây Sơn bị vua Gia Long triệt hạ. Tìm hiểu lại chùa Thiền Lâm, ta được biết: “Ở xã An Cựu, Tương truyền Hòa thượng Thích Thạch Liêm lập nên, cảnh trí u tịch. Khi trước, Thái sư Tây Sơn là Bùi Đắc Tuyên chiếm ở, sau Tuyên bại, người trong ấp nhân đó sửa lợp lại. Trong niên hiệu Gia Long, Thừa Thiên Cao hoàng hậu quyên tiền trùng tu…”(4).

Sự trùng tu này, năm 1845, Tùng Thiện Vương đến thăm chùa, đã được nghe một cụ già ở chùa kể lại sự trùng tu 40 năm trước và cảm tác thành bài thơ trong đó kể sự trùng tu mệt nhọc, tốn kém như sau: “Ngày trước khai sơn lo kiến thiết/ Khuân đá, chở cây, lắm nhọc mệt/ Tốn vạn nhân công mới hoàn thành…”(5).

Cuối thể kỉ XIX, do mở Nam Giao tân lộ, chùa đã bị phá nên ngày nay mới còn gạch đá rất nhiều và như vậy chúng ta không thể biết được quy mô toàn thể công trình, khuôn viên chùa Thiền Lâm trước khi Nam Giao tân lộ là ở chỗ nào và như thế nào?!

Vả lại, nếu khu vực chùa Thiền Lâm là cung điện Đan Dương, là lăng Quang Trung như nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân khẳng định thì lẽ nào Thừa Thiên Cao hoàng hậu, nguyên phối của vua Gia Long lại đi quyên tiền xây mộ cho kẻ thù không đội trời chung với chồng mình…?”(6).

Xét về mặt khía cạnh của văn bản học, ý kiến phản bác của tác giả Võ Vinh Q uang cho rằng cần xem xét lại khía cạnh của văn bản học các tư liệu trích dẫn; dựa trên cách tiếp cận về tên gọi “Đan lăng”, “Đan Dương”, “Đan Dương lăng”, “Đan Dương cung điện” sau những phân tích về mặt Hán tự học, tác giả Võ Vinh Quang kết luận rằng: “Từ lý giải trên, chúng tôi cho rằng “Đan Dương”, “Đan Dương cung điện”, “Đan Dương lăng” là những từ dùng để phiếm chỉ lăng mộ của bậc quân vương (cụ thể ở đây là cách chỉ lăng mộ của Hoàng đế Quang Trung) chứ không thể là một địa danh cụ thể tên gọi “Đan Dương” được”(7). Tác giả Trần Đại Vinh sau khi phân tích các bài thơ của Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích đã đưa ra kết luận rằng: “Tất cả đều ghi chép ấy đều góp phần khẳng định rằng có lăng Đan Dương, gọi tắt là Đan lăng, là nơi án táng tử cung của hoàng đế Quang Trung… Nói tóm lại, không thật sự có cung điện Đan Dương (nơi phải có hệ thống cung, điện, nơi mà hoàng đế ở và thiết triều các dịp thường triều và làm việc hàng ngày với cận thần) mà chỉ có một lăng Đan Dương, nơi an táng tử cung Thái Tổ Võ hoàng đế Quang Trung. Đó là một sơn lăng, lăng tẩm ở sơn phần, và là một nơi có cây cối, cảnh trí (viên lăng). Có thể ở đây có một điện thờ, chứ không có cung nào khác”. Tiếp đó là tác giả phân tích các chứng cứ hiện vật do Nguyễn Đắc Xuân đưa ra khẳng định rằng đó chỉ là cách suy diễn thiếu chứng cứ.

   III. Các ý kiến khác trong Hội thảo.

   Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan, thì cho rằng: “Không có tư liệu nào trực tiếp để chỉ đích danh rằng có cung điện Đan Dương tồn tại” và cho rằng tác giả Nguyễn Đắc Xuân đã suy diễn các chứng cứ của mình. Ngoài ra là các ý kiến góp thêm để làm sáng rõ vấn đề như tìm hiểu thêm về địa bạ, khảo cổ học để xác định niên đại và giá trị của các chứng cứ vật thật… Do thời gian không đủ để các nhà nghiên cứu bàn thêm nên các vấn đề xung quanh về cung điện Đan Dương vẫn chưa được làm rõ.

GS Phan Huy Lê, người thay mặt đoàn chủ trì tổng kết Hội thảo, đã có những kết luận ban đầu, mà theo GS thì đó là ý kiến của cá nhân mình:

-Về cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế: GS Phan Huy Lê khẳng định có cung điện Đan Dương và lăng Đan Dương tại Huế, về địa điểm chùa Thiền Lâm thì đã rõ, còn các địa điểm khác GS cho biết cần phải có các nhà khảo cổ học vào cuộc khai quật mới có những chứng cứ thuyết phục để xác định. GS giải thích vì sao Nguyễn Huệ lại chọn phủ Dương Xuân để làm cung cho mình, vì rằng với tài nghệ của mình thì sau khi chiếm Phú Xuân, Nguyễn Huệ thấy được sự bất lợi của Đô thành Phú Xuân, nơi dễ dàng bị tấn công và thất bại nên Nguyễn Huệ đã dựa vào sự bất lợi đó để chiếm Phú Xuân, nên không dại gì Nguyễn Huệ lại ở tại đây. Và hơn nữa địa thế của phủ Dương Xuân là hợp lí nhất vì nó ở bờ nam sông Hương nơi có vị trí cao nên tránh được thời tiết ở Huế vào các tháng 10, 11, 12 mưa dầm dễ gây ngập lũ.

-Đồng thời GS đề xuất bước đầu nên tiến hành bảo vệ các chứng cứ mà các nhà nghiên cứu đã cung cấp để tránh hư hỏng và mất mát để có thêm thời gian cho các nhà khoa học vào cuộc nghiên cứu rõ thêm.

-Nên xem xét lại văn bản học; tìm xem các tư liệu thành văn, tư liệu nào là gốc và gần gốc nhất, tránh bị tam sao thất bản rồi dẫn đến hiểu nhầm.

-GS đề xuất sự vào cuộc của các công ty du lịch: Để khai thác phát triển du lịch luôn “biết đến đâu khai thác đến đó”.

Hội thảo kết thúc với bao nhiêu điều còn chưa được giải quyết hết, nhưng đã mở ra hướng tiếp cận mới, hứa hẹn sắp tới sẽ có những luận chứng, chứng minh rõ hơn khi có sự vào cuộc của Khảo cổ học xung quanh vấn đề về cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế và kể cả lăng Đan Dương nơi chôn cất thi hài của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ.

Đoàn Anh Thái

 

CHÚ THÍCH:

 


(1) Đỗ Bang, Kỷ yếu Hội thảo: cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế, tr.8-9.

(2) Trước khi Hội thảo diễn ra, các tác giả được mời viết bài tham luận đều được gửi kèm cuốn sách Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương – Sơn lăng hoàng đế Quang Trung, do NNC.Nguyễn Đắc Xuân viết, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2015. Để trên cơ sở đó các tác giả có thể phản biện hoặc đồng ý và đưa ra luận chứng riêng của mình về vấn đề cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế.

(3) Nguyễn Anh Duy, Kỷ yếu Hội thảo: Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế, tr.91

(4) Quốc sự quán triều Nguyễn (Tu Trai Nguyễn Tạo dịch), Đại Nam nhất thống chí, Nhà Văn hóa Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, 1961, Thừa Thiên phủ, tr.88.

(5) Trần Như Uyên, “chùa Thiền Lâm qua hai bài thơ của Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương”, Nghiên cứu Huế, Tập 5, 2003.

(6) Nguyễn Anh Huy, Tlđd, tr.93.

(7) Võ Vinh Quang, Kỷ yếu Hội thảo: Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế, tr.112.

(8) Trần Đại Vinh, Kỷ yếu Hội thảo: Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế, tr.85-86.

 

(Nguồn: Tạp chí Xưa và Nay – Cơ quan Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam số 465 tháng 11 – 2015, tr.61-63).

 

 

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia