Suy nghĩ về hướng bảo tồn, phát huy giá trị cung điện Đan Dương

Tại hội thảo này, theo tôi, chúng ta không phải mất thời gian cho việc giải quyết vấn đề có hay không cung điện Đan Dương trong lịch sử. Nhiều tư liệu lịch sử, tư liệu văn học, ký sự, ghi chép của người đương thời, kể cả chính sử triều Nguyễn đã mô tả về cung điện Đan Dương ở Phủ Dương Xuân. Điều chúng ta cần tập trung làm sáng tỏ là:

Nhà báo Thanh Tùng

1. Bổ sung thêm tư liệu về Cung điện Đan Dương.

2. Xác định tọa độ chính xác của Cung điện Đan Dương.

Để xác định được vị trí chính xác của Cung điện Đan Dương, chính quyền sở tại, cụ thể là UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND thành phố Huế, phải có những hỗ trợ cần thiết.

3. Phản biện công trình nghiên cứu về Cung điện Đan Dương đã được công bố.

4. Đề xuất ngành Du lịch nghiên cứu đưa Cung điện Đan Dương trở thành một điểm đến mới. Liên kết các công trình kiến trúc cổ trong khu vực Phủ Dương Xuân ngày xưa, chủ yếu là các ngôi cổ tự như chùa Thiền Lâm, chùa Từ Đàm, chùa Báo Quốc, chùa Kim Tiên, chùa Diệu Đức... thành một tour du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn.       

Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung là thao thức và trăn trở của nhiều nhà sử học, đặc biệt là các nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá đang sống và làm việc ở Huế, cố đô của hai triều đại: triều Tây Sơn và triều Nguyễn. Một ngày đầu mùa đông năm 1988 nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (NĐX) rủ tôi lên chùa Vạn Phước với lời dặn: Mang theo máy ảnh và hai cuốn phim. Thời điểm đó tôi là phóng viên báo Bình Trị Thiên, lại vừa mới viết xong cuốn Thăm chùa Huế, nghe nói “lên chùa” tôi nhận lời ngay. Dọc đường anh NĐX rỉ tai tôi: “Bọn mình sẽ đào thám sát một chỗ, có khả năng đó là lăng mộ vua Quang Trung (?)”.

Trước đó chưa lâu Tạp chí Sông Hương đăng tải công trình nghiên cứu của anh Trần Viết Điền về Lăng Ba Vành ở trên đồi Thiên An, thuộc xã Thuỷ Bằng, huyện (nay là thị xã) Hương Thuỷ với cái tên khá ấn tượng: “Lời giải phương trình nửa thế kỷ”. Công trình của anh Trần Viết Điền có kế thừa kết quả của các bậc tiền bối, đã chứng minh Lăng Ba Vành là lăng mộ vua Quang Trung (?)

Khi giả thiết Lăng Ba Vành là lăng mộ vua Quang Trung đang bế tắc, thiếu tính thuyết phục, chúng tôi ủng hộ hướng nghiên cứu mới của anh NĐX. Quá trình nghiên cứu những gì có liên quan đến Huế trong sử học, địa lý, lịch sử, văn học cổ, khảo cổ học... anh NĐX phát hiện được nhiều chỉ dẫn quan trọng, tiết lộ lăng mộ vua Quang Trung có tên là lăng Đan Dương với những yếu tố mà thực tế lăng Ba Vành không hội đủ được như sau: Lăng mộ vua Quang Trung ở gần bờ nam sông Hương (Hương Giang chi nam). Lăng mộ đặt ngay trong cung điện Đan Dương (Cung điện Đan Dương là nơi phụng chúa bảo y tiên hoàng ta - Ngô Thì Nhậm). Trong Cung điện của vua chúa có hàng trăm người, thậm chí cả ngàn người, phải có nhiều công trình phụ, giếng nước để phục vụ ăn ở, sinh hoạt; sau khi Đan Lăng bị vua Gia Long triệt phá ít nhất cũng còn lại dấu vết của thành quách kiến trúc bị chôn vùi xuống đất, các giếng nước.v.v... Trong khi đó lăng Ba Vành quá nhỏ, ở trong vùng núi hoang vu, không hề có một cái giếng nào, một mảnh vỡ kiến trúc thành quách nào khả dĩ còn có thể tìm được nên không thể đặt giả thuyết đó là dấu tích của lăng Đan Dương.

Một chỉ dẫn quan trọng khác là khi Phan Huy Ích vào làm việc với Bùi Đắc Tuyên (sau năm 1792) ở chùa Thiền Lâm. Ông Bùi Đắc Tuyên có thói ban đêm thức làm việc ban ngày ngủ. Phan Huy Ích cho biết ông không quen ngủ ngày, nên ngồi trong dịch quán (cũng là một ngôi chùa) giải buồn bèn bày uống rượu và ông cho biết những người khách thân giữ lăng thường đến uống rượu với ông. Như vậy lăng Đan Dương phải ở gần chùa Thiền Lâm, là nơi ở và nơi làm việc của vị Thái sư triều Tây Sơn mà rất nhiều ghi chép, sử ký đã khẳng định.

v.v...

Những ngày đầu đi điền dã ở khu vực trong và ngoài chùa Thiền Lâm, chùa Vạn Phước, chúng tôi đã tìm thấy những dấu tích của một quần thể kiến trúc cổ mà từ lâu đã trở thành phế tích. Người dân sở tại cho biết, trong quá trình xây dựng nhà ở, trồng cây ăn quả, thậm chí cả khi trồng rau màu, thường gặp dưới mặt đất những nền móng, có cả khuôn tĩnh, xây bằng gạch, đá, chất kết dính là vôi. Theo chỉ dẫn của ông Nguyễn Hữu Oánh, chúng tôi đã mục kích và ghi lại bằng hình ảnh một số gạch vỡ, những tấm đá thanh, đá táng đỡ chân cột nhà, đang nằm rải rác khắp nơi.

Được sự đồng ý của gia đình ông Nguyễn Hữu Oánh, chúng tôi đào phía trước sân nhà ông Oánh, cạnh tường nhà bà Liên, thì bắt gặp một đoạn móng dài, đào sâu hơn 1 mét vẫn chưa đến chân móng. Công việc phải dừng lại, vì đào thêm ngôi nhà bà Liên sẽ bị sập đổ. Ông Oánh cho biết đây chỉ là một phần bên ngoài của một công trình. Phía trong, ở dưới nền nhà bà Liên, giống như một cái quách, ngày trước gia đình ông đã sử dụng làm hầm tránh bom.

Hồi đó, cũng như bây giờ đối với anh NĐX, công trình nghiên cứu là tự phát của một vài cá nhân nên chúng tôi không thể đào thám sát nếu như không được sự cho phép của các chủ sở hữu, chủ sử dụng đất ở trong khu vực này. Cho nên rất nhiều điều bí ẩn vẫn đang nằm sâu dưới lòng đất. Bây giờ thì công việc thám sát sẽ gặp khó khăn, trở ngại hơn rất nhiều lần bởi nhà cửa, lăng mộ đã mọc lên san sát ở khu vực này.

Sau khoảng 15 năm nghiên cứu anh NĐX đã công bố công trình "Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương - sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung" (NXB Thuận Hóa in lần thứ nhất năm 2007, in lần thứ hai năm 2015). Tác giả công trình khẳng định Cung điện Đan Dương nằm trong khu vực chùa Thiền Lâm, Vạn Phước hiện nay.

Chúng tôi nhận thấy, cho đến thời điểm này, trên phạm vi cả nước, chưa có công trình nào nghiên cứu về lăng mộ của Hoàng đế Quang Trung có tính thuyết phục cao hơn công trình của anh NĐX.

Tiếp tục công trình tìm kiếm Cung điện Đan Dương, và vị trí chính xác của lăng mộ vua Quang Trung, trước khi bị vua Gia Long triệt giải, bên cạnh việc bổ sung tư liệu, phản biện công trình đã công bố, chúng tôi đề nghị chính quyền cần có những hỗ trợ thiết thực cho các tác giả, nhóm tác giả. Kể cả việc khẳng định chủ nhân của Lăng Ba Vành đích thực là ai?

Ủng hộ kết quả nghiên cứu bước đầu của anh NĐX tôi đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND thành phố Huế xem xét khu vực xung quanh chùa Thiền Lâm, chùa Vạn Phước là những khu vực nhạy cảm trong quá trình làm quy hoạch các khu dân cư cũng như trong cấp phép xây dựng từng công trình cụ thể.

Theo chúng tôi, UBND tỉnh có thể cho phép đào thám sát ở một số vị trí.

Trong quá trình xây dựng hạ tầng giao thông ở khu vực này; hay là xây dựng các khu tái định cư ở gần đó có thể kết hợp với việc thám sát khảo cổ học. Biết đâu chúng ta sẽ tìm được những bí ẩn dưới lòng đất, như ở thủ đô Hà Nội đã tìm thấy di tích Hoàng thành Thăng Long khi thi công công trình nhà Quốc hội.

Về đề xuất nghiên cứu đưa Cung điện Đan Dương trở thành một điểm đến mới chúng tôi thấy tính khả thi rất cao. Liên kết các công trình kiến trúc cổ trong khu vực này thì Huế sẽ có thêm một tour du lịch văn hóa - tâm linh hấp dẫn; giúp cho dân ta hiểu biết sâu sắc hơn về sử ta trên nhiều lĩnh vực như: Lịch sử khai mở xứ Đàng Trong, lịch sử Phật giáo, các giá trị về văn hóa, tư tưởng, mỹ thuật... từ trong lòng những ngôi chùa cổ.

Riêng tại khu vực chùa Thiền Lâm, Vạn Phước vẫn còn lưu dấu nhiều hình ảnh, bút tích của các danh nhân như: Thiền sư Thích Đại Sán, Thượng thư Nguyễn Đình Hòe, Thượng thư Phạm Liệu, Thượng thư Phạm Quỳnh, nhà thơ Phạm Hầu... Ba năm trở lại đây phần mộ nhà văn hóa Phạm Quỳnh và mộ thi sĩ Phạm Hầu đã trở thành hai địa chỉ trong chương trình "Ngày thơ viếng mộ thi nhân" của Hội nhà văn Thừa Thiên Huế.

 

 

 

 

 

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia