Ý kiến Giáo sư Phan Huy Lê
(Chủ tịch Hồi KHLS Việt Nam, )
Vấn đề gây tranh cải nhiều nhất chung quanh lăng Hoàng đế Quang Trung. Như các đồng chí nói đó, trước đây có hai ý kiến là Lăng Ba Vành, lăng Đan Dương, gần đây có ý kiến là lăng Quang Trung còn đâu đấy...Nhưng ý kiến thứ nhất và ý kiến thứ hai của hai nhóm của anh Nguyễn Đắc Xuân và anh Trần Viết Điền thực ra đã đặt ra từ lâu. Theo tôi, vấn đề nầy chúng ta trong cuộc hội thảo nầy chắc chắn chưa giải quyết được. Cá nhân tôi là tôi tin rằng là lăng Hoàng đế Quang Trung ở trong Cung Đan Dương. Vì đến nay chúng ta đã có ba căn cứ của những người đương tời rất đáng tin cậy: Thứ nhất là Ngô Thì Nhậm, thứ hai là Phan Huy Ích, thứ ba là bài thơ của Công chúa Ngọc Hân. Có người cho rằng cũng của Phan Huy Ích cả, nhưng tác giả đến nay đã ghi là Công chúa Ngọc Hân. Ba tư liệu đó đáng tin cậy vô cùng. Theo tôi nghĩ không ai có thể chối cải được. Lăng mộ vua Quang Trung ở ngay trong Cung Đan Dương. Nhưng vấn đề đặt ra là Cung Đan Dương ở đâu, Phạm vi như thế nào ... Với cương vị Hội Khoa học Lịch sử sắp tới đây chúng tôi sẽ bàn rất kỹ: Tỉnh Thừa Thiên và Thành phố Huế sẽ phối hợp tổ chức một hội thảo chuyên đề. Có thể ở Huế, có thể ở Hà Nội. Nếu Huế đăng ký thì chúng ta vào đây làm, sẽ mời các chuyên gia hàng đầu tham luận, chúng ta sẽ nghe một cách hết sức khách quan tất cả các luận chứng và sẽ kết luận Điện Đan Dương va lăng Đan Dương ở đâu”.
[Trích lời kết luận của GS Phan Huy Lê : Hội thảo khoa học Tây Sơn Thuận Hóa và anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ Quang Trung tổ chức tại Huế ngày 6-6-2008]
Vài Cảm Nghĩ
Về NNC Nguyễn Đắc Xuân
....Người cầm bút cần có “văn tài”. “Văn tài” ở đây, nội dung gồm nhiều yếu tố: ngón nghề cầm bút phải nhuyễn; kiến thức - nhất là kiến thức đề tài mình chọn viết - phải đủ; lại nữa phải có một nguồn cảm xúc mạnh mẽ trong khi viết .v.v.....
Những yếu tố “văn tài” hình như chưa đủ quyết định giá trị của tác phẩm. " Cái-đằng-sau" cái "văn tài", ít nhất theo tôi, là cái "thái độ" của người cầm bút, nhất là trường hợp của người cầm bút viết về lịch sử. Ví dụ như với Nguyễn Đắc Xuân chẳng hạn.
Nguyễn Đắc Xuân trong quãng đường dài cầm bút - anh chọn các đề tài lịch sử; như vậy yếu tố “thái độ” lại quan trọng hơn nữa. Vì đó là phẩm chất chính của các tác phẩm của mình.
"Thái độ" chính là một kiểu "bi danh " của trình độ và tư cách.. Và tư cách của người cầm bút viết về những đề tài lịch sử là, hơn ai hết, phải thể hiện, phải khẳng định một thái độ nghiêm túc, trọng thị sự thật, xem sự thật là trên tất cả - trên cả, nhiều khi, mạng sống của mình. Tóm lại đó là một thái độ can đảm, một thái độ anh hùng - loại anh hùng nầy thường cô độc giữa trùng vây của hận thù, ngộ nhận và đố kỵ!
Nhà viết sử mà không có thái độ trọng thị sự thật thì tác phẩm của ông ta không có giá trị đích thực, chỉ là đồ dỏm, chỉ là bạc giả! Xem thế, có thể nói thái độ của người cầm bút viết về lịch sử, gần như quyết định tất cả - nó chính là kim-bản-vị của tác phẩm; và sau tác phẩm là chính tác giả!
Nguyễn Đắc Xuân qua những công trình đã xuất bản, qua những tham luận đã phát biểu, luôn chứng tỏ một thái độ nghiêm túc, trọng thị sự thực. Muốn viết được điều gì phải dấn thân tìm hiểu, đã hiểu thì phải viết những gì mình cho là đúng, không o bế dư luận, bất chấp hiểm nguy....
Thái độ ấy là nền tảng chính cho giá trị của nhiều tác phẩm của anh: từ một bài tham luận ngắn, đến một công trình dài trên 20 năm, như công trình “Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung”.
TP HCM, 5 Décembre 2007
KTS Nguyễn Hữu Đống (Đx qua đời năm 2015 tại Huế).
Vài cảm nhận về quyển “Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương, sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung”
NNC Phan Thuận An
Để trả thù cho việc lăng mộ các chúa Nguyễn bị đào bới, các vua Nguyễn sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, đã thi hành một chính sách hết sức tàn khốc đối với triều đại vừa bị bại vong. Chính sách “nhổ cỏ tận gốc” của các vua đầu triều Nguyễn đã để lại một khoảng trống lớn lao và tai hại về triều đại Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam.
Trong gần một thế kỷ vừa qua, nhiều nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác nhau đã cố gắng lấp đầy khoảng trống đó, nhưng thành quả vẫn chưa đạt được một cách đầy đủ như mọi người mong đợi.
Riêng việc tìm tòi địa điểm của cung điện Đan Dương và của lăng một vua Quang Trung đã được nhiều người quan tâm, đặc biệt là một số nhà nghiên cứu lịch sử và văn hoá ở Huế, trong đó có Nguyễn Đắc Xuân.
Bằng phương pháp đa ngành, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã đầu tư nhiều thời gian, công sức và kinh phí của chính mình để tìm cách giải quyết vấn đề khó khăn này và đã đưa ra một hướng tìm để tiến đến mục tiêu cuối cùng.
Quyển “đi tìm dấu tích Cung điện đan Dương, sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung” vừa mới xuất bản là một công trình nghiên cứu dài hơi, phản ánh cụ thể nhiệt tình và trình độ học thuật của tác giả.
Một nhà sử học Pháp đã từng nói rằng không có tư liệu thì không có lịch sử. Trong công trình nghiên cứu khoa học ấy của mình, tác giả Nguyễn Đắc Xuân đã miệt mài sưu tầm từ mọi nguồn mọi loại tư liệu có thể có được cho đến hiện nay liên quan đến vấn đề để “nói có sách, mách có chứng”. Giá trị cao nhất của công trình khoa học này là ở chỗ đó. Lẽ dĩ nhiên, khi thủ đắc tư liệu cũng như tìm thấy vật chứng rồi, còn một vấn đề cần đặt ra, là giải thích và hiểu ý nghĩa của chúng như thế nào nữa.
Dù sao, ngay khi đặt nhan đề cho quyển sách của mình, tác giả cũng đã tỏ ra khiêm tốn bằng cách vạch ra hai giới hạn về nội dung. Một là vẫn còn ở trên đường “đi tìm dấu tích”, chứ chưa xác quyết 100% là đã tìm ra đối tượng. Thứ hai, nội dung chính của sách là đi tìm “toạ độ” của Cung điện Đan Dương, hậu thân của Phủ Dương xuân, cho nên ở bìa sách, tác giả đã nhấn mạnh bằng cách cho in thêm 4 chữ Hán “Đan Dương Cung điện”. Tất nhiên, theo luận cứ của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, đó cũng là “sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung”, nơi mà tác giả “ước mong trong một ngày không xa, tôi được đi trong dòng người đến thắp hương cho Hoàng đế Quang Trung”.
Nhìn chung, Nguyễn Đắc Xuân là một trong những nhà nghiên cứu đầy nghị lực và rất can đảm, dám tự nguyện đương đầu với một thách thức cực kỳ nan giải do lịch sử để lại. Và đây là hướng “đi tìm” có sức thuyết phục nhất so với những lộ trình dẫn đến các địa điểm khác.
Huế, 26-11-2007
Phan Thuận An
Bình luận của Trần Xuân An
(Nhà thơ, nhà văn, nhà sử học)
Về công trình nghiên cứu “Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương - sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung” của Nguyễn Đắc Xuân
(Nxb Thuận Hoá, tháng 10-2007)
“Một công trình nghiên cứu có giá trị, có khi chỉ ở phương pháp nghiên cứu, công phu nghiên cứu được kết tinh, thể hiện, chứ không phải gồm cả kết luận. Cho dù chưa có sự nhất trí cao về kết luận cuối cùng, nhưng cuốn sách của Nnc. Nguyễn Đắc Xuân vẫn có một giá trị xứng đáng để học tập, lưu truyền cho hậu thế đến nghìn năm sau; cuốn sách sẽ được đi vào lịch sử đề tài như một đỉnh cao chói sáng. ---- WebTgTXA.
Trân trọng,
Kính thư,
TXA”. (Đọc trên Web tgTXA, tối 1-12-2007)
Cảm nhận Phòng trưng bày
Quan hệ chùa Thiền Lâm với Phủ Dương Xuân
thời các chúa Nguyễn và Cung điện Đan Dương thời Quang Trung . Huế, ngày 2-6-2008
1. Tôi vui mừng đến chia sẻ với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân những hình ảnh, hiện vật, cảnh quan quý báu của chùa Thiền Lâm, được ghi nhận như Khu vực cung điện Đan Dương của vua Quang Trung và cũng là nơi an nghĩ của nhà vua anh hùng dân tộc.
Cố gắng của anh Nguyễn Đắc Xuân và nhà chùa để giới thiệu rộng rãi những hình ảnh đầu tiên một di tích lịch sử quan trọng này rất đáng khích lệ.
Hy vọng, cùng với thời gian, việc nghiên cứu, phát hiện và giới thiệu càng đầy đủ hơn, xứng đáng tầm vóc vị anh hùng của nước ta trong lịch sử.
Chúc nhà nghiên cứu đạt nhiều thành tựu mới
Mùa Festival 2008 Huế
Nguyễn Khoa Điềm (Vỹ Dạ, Huế)
2. Hôm nay, chúng tôi rất hân hạnh đến thăm chùa Thuyền Lâm, một ngôi chùa cổ kính từ đời Sư Thích Đại Sản
Chúng tôi được ngắm nhìn ngôi nhà cổ ba căn hai chái của xứ Huế, tuyệt đẹp.
Chúng tôi được tiếp cận với các tư liệu cổ do nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân sưu tập chứng minh Cung Điện Đan Dương xưa đã là nơi chôn cất vua Quang Trung sau khi mất năm 1792. Các tư liệu cổ dẫn chứng đã vừa gồm các tư liệu thư tịch cũng như các vật thể đã chứng minh rõ ràng hơn trong trí tôi tầm quan trọng của công trình nghiên cứu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân về lăng mộ Đan Dương của vua Quang Trung. Rất khâm phục trí khám phá và sự nhẫn nại của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và mong rằng di tích một thời đã qua của vua Quang Trung sẽ còn được người dân Huế nhớ đến trong những thế hệ sắp tới.
Ông bà BS Bùi Minh Đức (Cali-USA)
3. Lịch sử đã đi qua nơi này, trãi qua nhiều thời đại, đặc biệt là 34 năm trị vì của Chúa Nguyễn Phúc Chu, xuyên qua triều đại của Vua của Vua Quang Trung, Thái sư Bùi Đắc Tuyên, thời vua Nguyễn Quang Toản,v.v... đã để lại nhiều vết tích, di chỉ, vật liệu xây dựng,...đến nay vẫn còn.
Muốn viết lại lịch sử nước ta một cách trung thực, không gì hay hơn là đi sâu vào lòng đất tại đồi Đan Dương, tức chùa Thiền Lâm hiện nay, để thu lượm thêm các chứng tích biện minh cho sự hiện hữu của các cung điện ngày xưa.
Chính nhờ những hòn đá vô tư “trơ gan cùng tuế nguyệt” mới có thể diễn tả lại cuộc kí trường của dân tộc Việt Nam.
Nhà văn Nguyễn Đắc Xuân đã có công thu lượm, sưu tập và bắt các viên đá sỏi nói lên vai trò lịch sử của nó./.
Bảo Hội (Houston - Texas, USA) (đã qua đời)
4. Hôm nay thật hân hạnh đến dự buổi thuyết giảng về phủ Đan Dương của vua Quang Trung, do anh Nguyễn Đắc Xuân.
Hồi tưởng lại 65 năm về trước gia đình ở bên kia đường Nam Giao (Điện Biên Phủ bây giờ) đối diện ngay trước cổng chùa Thuyền Lâm tức tư gia của Nhạc sỉ Bửu Bác. Hằng năm vào mùa hè khi ve sầu kêu van khắp nơi thì lủ trẻ chúng tôi thường vào chùa đi thẳng ra phía sau để hái me và lượm trái trị rụng rơi vãi trên sân sau.
Nhớ lại hồi xưa với thời thơ ấu đã qua thế mà bây giờ nhờ công trình của anh Nguyễn Đắc Xuân mới biết đây là nơi toạ lạc gia đình của anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ.
Ước mong sao các nhà khảo cứu khác trên nơi ở Việt Nam và thế giới cùng tiếp tay, để tiềm tòi thêm tài liệu cũng như sử liệu để, làm giàu thêm về những trang sử vẻ vang một thời mà người anh hùng áo vải đất Qui Nhơn đã vì đất nước này đã đóng góp và xây dựng nên.
Ước mong thay.
Nay kinh ghi
BS. Hà Công Lương (Nam California - USA)
5. Hôm nay, tôi rất vui mừng khi được đến đây xem một số tư liệu và hiện vật lịch sử liên qua đến chùa Thiền Lâm và có thể là cung điện Đan Dương một thời.
Đây là một phần tư liệu trong hướng tìm địa chỉ cung điện ấy của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân. Tôi cho rằng đây là hướng tìm đầy sức thuyết phục nhất cho đến ngày nay.
Anh Xuân đã đầu tư rất nhiều tâm trí và công sức để làm một việc hữu ích cho lịch sử. Có điều quí nữa là anh Xuân đã làm việc này hoàn toàn vô vị lợi.
Huế, 2-6-08
Phan Thuận An (Huế)
6. Tôi rất xúc động khi tận mắt chứng kiến những hình ảnh, tư liệu lịch sử về mối quan hệ của chùa Thiền Lâm với Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn, cũng như cung điện Đan Dương của vua Quang Trung do nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân sưu tầm, công bố. Hi vọng những triển lãm như thế này sẽ giúp chúng ta có những cái nhìn rõ ràng, chính xác hơn về một gia đoạn lịch sử liên quan đến anh hùng dân tộc Quang Trung Nguyễn Huệ.
Huế, 3-6-06
Hoàng Văn Minh (Báo Lao Động)
7.Xem những tư liệu nghiên cứu của Nguyễn Đắc Xuân về cung điện Đan Dương, đầu tiên tôi rất cảm phục về nổ lực tìm kiếm, sưu tầm của tác giả.
Hy vọng những cuộc triễn lãm, công bố tư liệu như thế này sẽ được tổ chức nhiều hơn để người dân hiểu hơn lịch sử của một vùng đất một dấu mốc trong sự phát triển của đất nước.
Huế, 3.6.08
Dương Quang Tiến (Báo Văn Hoá)
8. Tôi theo anh Nguyễn Đắc Xuân từ ngày đầu “lò dò” cho đến “khai quật” và xử lý một số thông tin về công trình “Đi tìm lăng mộ Quang Trung”. Bởi tôi thấy vào cách lập luận và phương pháp của anh. Có cả miền tin vào sự say mê của anh - say mê như vì có cả sự tự tin và “điềm” báo một chập chờn ngày này qua ngày khác. Miền tin, tự tin ở thành tâm phía trước có khi trở thành huyền thoại, thành “truyền thuyết” đối với lớp trẻ vài thế hệ sau đó.
Tôi càng rất vui khi thấy bên anh Xuân luôn luôn có sự cổ vũ và sự ủng hộ qúp báu của rất nhiều bạn bè, đồng sự, kể cả nhiều người rất xa lạ chỉ biết phần nhỏ thông tin về “công cuộc tìm kiếm” của anh trên những trang nhật báo. Phòng trưng bày này là một bằng chứng sinh động, thuyết phục nhất. Có lẽ chưa có ai ủng hộ anh Xuân lớn như thầy Chơn Trí. Dù xuất... nhưng thầy đã không đứng ngoài cuộc. Thầy đã nhập cuộc, “nhập...” với anh em, nghiên cứu lịch sử văn hoá Huế, với anh hùng áo vải Quang Trung mà một thời trong giới xuất gia không mặn mà như với các chúa Nguyễn, vua Nguyễn.
Tôi càng phục anh vì các công trình của anh xuất phát từ tâm thảnh, từ tiềm thức chứ không phải từ ngân sách nhà nước. Đúng là “sức ...mạnh như nước” nếu biết hy động, khai thác đúng.
Thanh Tùng (Báo Tiền Phong)
9. Đã đọc tác phẩm của anh rất kỹ
Rất trân quý công trình của anh Nguyễn Đắc Xuân
Cám ơn anh nhiều.
Bùi Đắc Đức - Ngọc Trinh (1 Ngự Bình, Huế)
Ngày Khai mạc Festival Huế 2008 (3-6-2008)
(Nguồn: Nguyễn Đắc Xuân, Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương – Sơn lăng Hoàng đế Quang Trung( tái bản lần thứ 1), Nhà xuất bản Thuận hóa Huế - 2015, từ tr.380 đến tr.395)