Sau khi đột ngột tạ thế (năm 1792), vua Quang Trung được an táng ngay trong cung điện Đan Dương. Sau này, nhà Nguyễn trả thù bằng cách quật mộ vua Quang Trung và triệt hạ hoàn toàn cung điện này.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã khẳng định như vậy tại cuộc tọa đàm Đi tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung, góp một giải pháp, tổ chức tại thành phố Huế ngày 2-3. Cơ sở để đưa ra khẳng định trên, ông Xuân cho biết, ông đã phát hiện được nhiều tàn tích quan trọng của cung điện Đan Dương, như 4 tấm đá lớn và 1 đường hầm dưới nền nhà của một số nhà dân. Đường hầm đó có thể là huyệt mộ của vua Quang Trung và những tấm đá được dùng để bọc chung quanh huyệt mộ, bảo vệ quan tài.
(K. Oanh X. Hồng)
Hành trình đi tìm lăng mộ vua Quang Trung
của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân
Kim Oanh
Tập san Văn hóa Huế, số 1-2007, tr.74-7)
Ở tuổi 70, nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân đã dành gần nửa đời người để giải mã những bí ẩn về lăng mộ vua Quang Trung. Tuy nhiên cho đến nay, số phận của công trình nghiên cứu chất chứa mấy mươi năm tâm huyết ấy vẫn chưa được định đoạt.
Năm 1991, giả thiết mới của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân về lăng mộ vua Quang Trung đã gây bất ngờ đối với các nhà sử học và giới nghiên cứu Huế. Trước ông, trong vòng 3 thập kỷ (từ 1961-1991), có không dưới 10 tác giả và nhóm tác giả đã nhập cuộc. Trong khi tất cả đều hướng về một di tích có tên là lăng Ba Vành tại xã Thuỷ Xuân thì công trình của Nguyễn Đắc Xuân lại đề xuất một giả thiết hoàn toàn mới. Ông cho biết, ban đầu, như nhiều nhà nghiên cứu tiền bối, ông cũng cố tập trung tư liệu và lý lẽ để chứng minh lăng Ba Vành là lăng mộ vua Quang Trung. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, qua tất cả những gì liên quan đến Huế trong sử học, địa lý, văn học cổ, khảo cổ…ông đã phát hiện được nhiều thông tin mới hé lộ.
Từ một bài thơ của Ngô Thì Nhậm
Về vị trí phần mộ vua Quang Trung hầu như không có một tư liệu, chứng cớ xác thực nào. Sử cũ chỉ cho biết năm 1802, vua Gia Long đã tiến hành một cuộc trả thù tàn khốc đối với nhà Tây Sơn. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện, sơ tập của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi lại: “Mùa đông năm ấy (1802), vua Gia Long về kinh, cáo tế ở miếu, dâng những tù bắt được, đem hết phép trừng trị, đào mộ Nhạc, mộ Huệ, đem giã hài cốt vất đi, giam đầu lâu ở nhà ngục, đổi ấp Tây Sơn gọi là ấp Bình An Tây…”. Như vậy là lăng mộ của vua Quang Trung đã bị triệt hạ và cho đến nay dấu tích hầu như không còn. Với chủ trương ‘‘tận pháp trừng trị”, nhà Nguyễn đã xoá đi mọi dấu tích liên quan đến sự nghiệp của hoàng đế Quang Trung và triều đại Tây Sơn. Độc nhất chỉ có sách Đại Nam liệt truyện còn lưu lại một thông tin mờ nhạt về vị trí lăng mộ Quang Trung: ‘‘Táng vu Hương giang chi nam” (Táng ở bờ nam sông Hương). Tuy nhiên, qua nghiên cứu, Nguyễn Đắc Xuân đã phát hiện thêm một số chỉ dẫn quan trọng trong sáng tác của Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích-hai đại thần triều Tây Sơn. Theo Ngô Thì Nhậm, sinh thời Quang Trung có một hành cung có tên là cung điện Đan Dương. Sau khi băng hà (1792), lăng mộ Quang Trung được táng ngay tại cung điện này. Điều đó được ông chú trong bài thơ Cảm hoài trong tập thơ đi sứ (1873): “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta…”. Một tư liệu khác của Phan Huy Ích trong tập Dật thi lược toản cho biết, khi ông vào làm việc với Bùi Đắc Tuyên (1792) ở chùa Thiền Lâm (khu vực trước chùa Từ Đàm ngày nay), ban ngày ngủ không được, ông thường bày rượu giải buồn với ‘‘những khách thân”. Sợ người đọc không hiểu, “những khách thân” của ông là ai, ông đã cẩn thận ghi thêm một ghi chú: “Lúc bấy giờ bọn tiểu giám giữ lăng thường đến hầu rượu”. Phan Huy Ích viết bài thơ này trong thời gian ông làm quan dưới trướng Bùi Đắc Tuyên. Lúc ấy, lăng của ai mà có đủ tiêu chuẩn để cử tiểu giám đến giữ? Lăng mà bọn tiểu giám giữ ấy ở đâu? Nếu xa thì chúng có thường đến hầu rượu Phan Huy Ích trong một ngôi chùa gần Thiền Lâm được không? Từ những chỉ dẫn trên, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng: Có khả năng lăng vua Quang Trung (Đan Lăng) nằm cạnh chùa Thiền Lâm, được táng trong một cung điện có tên là Đan Dương. Dù chính sử không có một dòng nào đề cập, sử biên niên của nhà Nguyễn tìm mọi cách làm cho người ta lãng quên nhưng với những trí thức nằm ngoài ảnh hưởng của nhà Nguyễn như Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích, họ có thể đã vô tình để lại cho hậu thế những thông tin quí giá về dấu tích lăng mộ vua Quang Trung. Với nhận định ấy, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã mất gần 20 năm cất công mày mò tìm kiếm, thu thập tư liệu, đeo đuổi đến cùng để làm sáng rõ những chỉ dẫn của người xưa với nhiều bí ẩn lịch sử lần đầu tiên được phát hiện và giải mã.
Hành trình tìm kiếm cung điện Đan Dương
Quá trình nghiên cứu, tác giả đặc biệt đặt nghi vấn vào một di tích có tên là Phủ Dương Xuân nằm ở gò Dương Xuân. Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quí Đôn, công trình này được xây năm 1680 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần, dùng làm nơi tránh lụt và trú đông cho các chúa Nguyễn. Theo Phan Huy Chú trong cuốn Dư địa Chí, cùng với những cung điện ở bờ nam sông Hương như điện Trường Lạc, hiên Duyệt Võ, Phủ Dương Xuân là những toà nhà nguy nga, mái đao rực rỡ, có hành lang bao quanh, tường thành vây bọc, cửa ngõ mở thông ra tứ phía, được chạm trổ và trang sức rất công phu…Thế nhưng sau đó, sách Đại Nam nhất thống chí cho biết, từ sau khi chiến tranh với Tây Sơn, Phủ Dương Xuân bị mất tích (Tự kinh binh loạn kim thất kỳ xứ) và sau này sử nhà Nguyễn từ thời Minh Mạng đến Thiệu Trị, Thành Thái, Duy tân…tuyệt nhiên không hề thấy đả động gì đến Phủ Dương Xuân nữa. Chẳng hạn sách Đại Nam thực lục tiền biên soạn từ năm Minh Mạng thứ 2 (1821) đến năm Thiệu Trị Thứ tư, khi nói về các cung điện ở bờ nam sông Hương thì có đoạn viết tương tự như Phan Huy Ích nhưng các sử gia lại không hề nhắc đến Phủ Dương Xuân. Có sự khác biệt khó hiểu này phải chăng vì Phủ Dương Xuân có liên quan đến cung điện Đan Dương-nơi có phần mộ vua Quang Trung? Từ nghi vấn này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng, có khả năng sau khi chiếm Kinh thành Phú Xuân, nhà Tây Sơn đã sử dụng Phủ Dương Xuân để làm hành cung, về sau sửa chữa thành cung điện Đan Dương và dùng làm nơi an táng vua Quang Trung sau khi băng hà (1792). Với chủ trương “tận pháp trừng trị”, sau khi cho quật phá Đan Lăng, san bằng bình địa, nhà Nguyễn cố tình cho Phủ Dương Xuân mất tích. Trong khi đó, một tài liệu của giáo sĩ phương Tây cùng thời với Nguyễn Huệ là La Bartte cho biết sau khi về Phú Xuân, Nguyễn Huệ ở trong một cái dinh và để phòng ngự, vua Quang Trung đã xây một bức thành cao 20 pi-e xung quanh cái dinh này.
Một điều khó hiểu nữa là không biết vì lý do gì, các bia lăng mộ tháp của các vị tổ chùa Thiền Lâm đều bị đục phá, mài cho hết chữ, riêng địa chỉ chùa thì bị đánh tráo.Trong Đại Nam nhất thống chí đời Tự Đức, chùa Thiền Lâm cùng với chùa Từ Đàm, Tuệ Lâm, Viên Giác đều nằm trên gò ấp Bình An nhưng đến Đại Nam nhất thống chí thời Duy Tân, không biết vô tình hay cố ý, chùa Thiền Lâm lại bị đánh tráo về xã An Cựu. Phải chăng đó là một trong những biện pháp của nhà Nguyễn để đánh lạc hướng sự chú ý của dân chúng đối với Thiền Lâm bởi ngôi chùa này nằm gần cung điện Đan Dương, tức cạnh lăng vua Quang Trung (như chỉ dẫn của Phan Huy Ích)? Phải chăng các sử thần triều Nguyễn sợ đời sau biết rõ địa điểm của chùa Thiền Lâm sẽ biết được địa điểm Phủ Dương Xuân nên cố tình đánh tráo?
Những dấu hiệu của một huyệt mộ đã bị quật phá?
Điều nghi vấn nữa là khu vực chùa Thiền Lâm thuộc ấp Bình An có rất nhiều hiện vật cổ. Năm 1987, khi xới đất vườn chùa trồng rau, các nhà sư ở chùa Thiền Lâm đã đào được hàng ngàn viên gạch vồ, hàng trăm viên đá tảng và đá khối trong đó có một số gạch vồ có khuôn dấu mà sau này đựơc nhà chùa sử dụng để xây chỗ ăn, ở. Phải chăng gạch đá đó là một bộ phận kiến trúc nào đó của Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn “bị mất tích”, tức là cung điện Đan Dương thời Tây Sơn đã bị triệt hạ, chôn vùi xuống lòng đất? Theo Tỳ kheo Thích Chơn Trí, người trực tiếp thu nhặt số vật liệu lạ thì những gạch đá cổ đó phải là của những kiến trúc lịch sử quan trọng có liên quan đến vua chúa còn dân thường ngày xưa thì không thể có được. Đặc biệt, năm 1938, trong lúc đào đất làm vườn, gia đình ông Nguyễn Hữu Oánh ở gần khu vực chùa Thiền Lâm đã bắt gặp 4 tấm đá lớn thuộc loại đá granít, mỗi tấm dài gần 3m, rộng hơn 0,5m và một số tượng đá. Hiện một tấm trong số này đang được bảo quản tại chùa Vạn Phước. Ngoài ra, trước năm 1945, khi đào hầm trú ẩn trong vườn, gia đình ông Oánh đã bắt gặp một đường hầm bê tông. Để làm rõ thêm vấn đề, tháng 12-1987, tác giả cùng một số nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá Huế đã tiến hành tại đây một cuộc khai quật thăm dò bước đầu và bắt gặp một lớp thành dày cao trên 1,5m, nằm sâu dưới lòng đất. Khi đem phân tích, vôi vữa bám trên bức tường này giống như vôi vữa còn bám trên tấm đá lớn đựơc cất giữ tại chùa Vạn Phước. Đó là loại vật liệu truyền thống được làm từ mật mía, vôi nung từ vỏ sò, hến và cát. Những vỏ sò đựơc giã bằng tay vẫn còn nguyên mày lấm tấm trong vôi. Khi đối chiếu, các nhà nghiên cứu nhận thấy chất liệu này đồng dạng với chất liệu ở lăng Ba Vành. Từ những dấu hiệu trên, các nhà nghiên cứu tạm kết luận, đó có thể là dấu vết của một cái huyệt mộ với khuôn tỉnh (đường hầm) và 4 tấm đá bọc chung quanh huyệt đã bị quật phá. Ngoài ra, trên thực địa, quanh khu vực chùa Thiền Lâm ngày nay người ta vẫn còn bắt gặp những chiếc giếng “loạn” bỏ hoang (có khả năng từng phục vụ cho sinh hoạt của quan quân Tây Sơn lúc ở cung điện Đan Dương) và một mố thành vôi dày mà theo Tiến sĩ Đỗ Bang-Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thi ên Huế, rất có thể đó chính là bức thành cao 20 pi-e quanh dinh của Quang Trung như giáo sĩ Pháp La Barttet từng đề cập.
Mòn mỏi chờ đợi một cuộc khai quật khảo cổ
Sau khi giới thiệu từng phần hành trình nghiên cứu, năm 1991, Nguyễn Đắc Xuân chính thức công bố toàn bộ những khám phá và nghi vấn của ông về địa điểm và dấu tích lăng mộ vua Quang Trung. Ngay lập tức, đề tài này đã gây một cuộc tranh luận sôi nổi với một số ý kiến phản biện trên diễn đàn khoa học Thừa Thiên Huế lúc bấy giờ. Trước đó, để thẩm định lại công trình, tác giả đã gửi toàn bộ hồ sơ nghiên cứu của ông cho cố học giả Hoàng Xuân Hãn tại Paris. Trong một bức thư hồi đáp, cố Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đánh giá cao tính chân thực của công trình này và đề nghị nên cho khai quật rộng khu vực nghi vấn để thu nhặt thêm di vật; xác định, xếp hạng di tích lịch sử cho Phủ Dương Xuân và phục hồi, bảo tồn thành điểm di tích phục vụ du lịch. Với sự ủng hộ của hai nhà sử học Dương Trung Quốc (Tổng Thư ký Hội sử học Việt Nam) và Nguyễn Quang Ân phụ trách phòng tư liệu Viện Sử học), năm 1992, công trình nghiên cứu Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã được Viện Sử học Việt Nam xuất bản dưới dạng tài liệu tham khảo lịch sử học Việt Nam. Theo tác giả, cùng thời điểm đó, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Huế, Sở Văn hoá Thông tin Thừa Thiên Huế đã đề nghị lập kế hoạch tiến hành khai quật khảo cổ để khẳng định địa điểm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung ở Huế với sự ủng hộ của Viện Khảo cổ học. Tuy nhiên, từ bấy đến nay, không biết vì sao, lời hứa ấy vẫn chưa được thực hiện.
Sau hơn 15 năm mỏi mòn chờ đợi các cơ quan chức năng giải quyết khâu cuối cùng là tổ chức khai quật để đi đến kết luận chính thức, mới đây, một lần nữa tác giả lại tổ chức một cuộc toạ đàm tại Huế để công bố lần hai công trình nghiên cứu suốt ¼ thế kỷ của ông. Trao đổi với chúng tôi tại nhà riêng có tên là Gác Thọ Lộc ngoảnh ra Đập Đá, với mái đầu bạc trắng, Nguyễn Đắc Xuân có vẻ trầm ngâm. Cầm trên tay bộ hồ sơ tư liệu dày 70 trang chất chứa mấy mươi năm tâm huyết, ông nói: “Đây là tất cả công sức ông đã bỏ ra với trách nhiệm của một người cầm bút trước một câu hỏi lớn của lịch sử”. Trong phần mở đầu tập hồ sơ, ông viết: “Năm nay tôi đã vào tuổi 70-cái tuổi mà người xưa xem là “cổ lai hy”, cái tuổi mà con người có thể trở về với cát bụi bất cứ lúc nào. Bởi vậy tôi phải hoàn tất công trình nghiên cứu liên quan đến địa điểm và dấu tích lăng mộ vua Quang Trung ở ấp Bình An (phường Trường An, T.P Huế) để gửi đến những người quan tâm đến lịch sử dân tộc. Được như thế thì sau này, những người muốn kế tục công việc của tôi đời này và đời sau khỏi tiếc là đã bỏ qua một cơ hội...”.
(Nguồn: Nguyễn Đắc Xuân Đi Tìm Dấu Tích Cung Điện Đan Dương sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nxb Thuận Hóa 2007, từ tr.322 đến tr. 329)