Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (cầm gậy) trong chuyến khảo sát
thực địa khu vực gò Dương Xuân. Ảnh: Đ.K
Theo đó, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành đào 5 hố thăm dò khảo cổ với diện tích 22m2 tại khu vực gò Dương Xuân. Thời gian thăm dò khảo cổ học được tiến hành từ ngày 30.9 – 15.10.
Ông Cao Huy Hùng – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên – Huế - cho biết, việc thăm dò khảo cổ được tiến hành trên cơ sở sở đề tài nghiên cứu của tác giả Nguyễn Đắc Xuân và đã được tổ chức hội thảo, nhưng chưa kết luận được dứt khoát, tâm phục khẩu phục, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
“Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên – Huế được giao nhiệm vụ phối hợp, công việc chính của Viện khảo cổ học là làm sáng tỏ Cung điện Đan Dương là như thế nào. Các chuyên gia sẽ tiến hành thăm dò khảo cổ, phân tích, nghiên cứu, đánh giá mới có kết quả. Bộ VHTTDL sẽ công bố kết luận chính thức”, ông Hùng cho hay.
Từ năm 1985, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân dựa trên các cứ liệu lịch sử, văn học thời Tây Sơn đã cho rằng vua Quang Trung được an táng tại gò Dương Xuân. Đây là nơi ông Xuân khẳng định từng tồn tại phủ Dương Xuân.
|
Hai tảng đá kê cột vừa được tìm thấy mà theo ông Xuân là chỉ được dùng để xây dựng các phủ đệ của các quan lại, vua chúa. Ảnh nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cung cấp. |
Vào năm 1786, Nguyễn Huệ sau khi thúc quân ra giải phóng Phú Xuân đã lập hành dinh ở phủ này. Đến cuối năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, phủ Dương Xuân được xây dựng lại và đặt tên là cung điện Đan Dương.
Vua Quang Trung ngã bệnh và mất vào ngày 29.7.1792. Để giữ kín sự kiện này với những lực lượng thù địch, triều Quang Toản (vua Cảnh Thịnh, 1792 - 1795) đã quyết định bí mật táng vua Quang Trung ngay trong khuôn viên cung điện Đan Dương. Từ đó, cung điện Đan Dương trở thành lăng Đan Dương của vua Quang Trung. Vào năm 1801, lăng mộ của vua Quang Trung đã bị Gia Long phá hủy, do đó việc xác định lăng mộ của vị vua này rất phức tạp.
Mấu chốt nghiên cứu của ông Xuân dựa vào câu: “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta” - câu nguyên chú trong tác phẩm Cảm hoài, tập Hoàng hoa đồ phả của Ngô Thì Nhậm - một trọng thần của vua Quang Trung cùng với nhiều nguồn tài liệu trong và ngoài nước, kết hợp với những phát hiện thực địa tìm thấy nhiều di tích kiến trúc cũ, giếng nước cổ, rất nhiều di vật từ bia đá đến các vật liệu như gạch, ngói, đá kê chân cột, một số đồ gốm, đá cỡ lớn… tại khu vực chùa Thuyền Lâm, Vạn Phước và nhà dân.
Công trình nghiên cứu lăng mộ vua Quang Trung của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã được in thành sách dày hàng trăm trang.