Những thông tin vô giá về thời Quang Toản qua mấy bài thơ cổ của Phan Huy Ích

Vài lời của người viết: Cuối những năm tám mươi của thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu nỗ lực đi tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung ở Huế để hy vọng sẽ công bố kết quả vào dịp kỷ niệm 200 năm (1792-1992) ngày mất của Hoàng đế Quang Trung.

Tôi nhận thấy các nhà nghiên cứu đều tập trung vào chứng minh lăng Ba Vành là lăng mộ vua Quang Trung, vừa thiếu cơ sở khoa học, vừa tốn kém tiền bạc và công sức nên tôi nhắc nhở họ bằng một vài thông tin quý giá về lăng mộ vua Quang Trung ở khu vực gần chùa Thiền Lâm đăng trên báo Bình Trị Thiên (số ra ngày 14.1.1989, tr.3). Nhưng rất tiếc các nhà nghiên cứu lăng Ba Vành đã “lún” quá sâu vào chuyện nghiên cứu của mình nên không quan tâm đến những thông tin vô giá do tôi tìm được và cung cấp cho giới nghiên cứu. Nay tôi đăng lại bài viết nầy đánh để dấu cái mốc thời gian tôi khám ra địa điểm lăng mộ vua Quang Trung ở ấp Bình An trên gò Dương Xuân (sau cắt một phần làm gò Phú Xuân) gần khu vực chùa Thiền Lâm. Cái mốc đó là vào đầu năm 1989 - đúng hai trăm năm Hoàng đế Quang Trung chiến thắng 29 vạn quân Thanh trên đất Bắc. (NĐX).

Có lẽ độc giả đã đọc: Dụ Am ngâm lục của Phan Huy Ích do Ban Hán Nôm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam dịch thuật và xuất bản thành ba tập Thơ văn Phan Huy Ích (1978). Với tư cách là một người nghiên cứu Huế, nghiên cứu giai đoạn lịch sử Phong trào Tây Sơn ở Huế, tôi đã đọc ba tập sách này (cũng như tất cả thơ văn cổ khác có quan hệ đến thành phố Huế) với đôi mắt tò mò hơn. Nhờ thế tôi đã tìm được những thông tin vô giá về triều đình Quang Toản qua hai bài thơ cổ này, tôi xin chép lại nguyên văn bản dịch và những nguyên chú của tác giả đã được in thành sách như đã trình bày trên.

Bài thứ nhất (gọi tắt là A)

Mùa xuân ở công quán ghi việc

(Nguyên dẫn: Nhà của quan Thái sư (Bùi Đắc Tuyên) là chùa Thiền Lâm cũ, nằm phía nam sông Hương, nha thuộc cũng đến ở chung quanh chùa. Giữa tháng ba, tôi tới nhà trọ Kinh đô, cũng gần nơi ông ở. Chỗ này vườn tược rộng rãi, cây cối xanh um, bốn bề những núi cùng mây, mắt nhìn lòng nghĩ cũng khá thoải mái, trừ những đêm họp bàn việc công ra, còn thì tha hồ ngâm thơ uống rượu, kể cũng thú, duy nỗi lòng thương nhớ người nhà vẫn không nguôi).

Trời mở ra dinh tòa ở chốn đồng quê,

Xe ngựa tụ họp đến sân ngôi chùa cũ,

Trên tòa đêm khuya, cuộc họp bàn chưa giải tán,

Chỗ trọ nơi nhà chùa, giấc ngủ quá trưa mới tỉnh [A]

Hoa và chim ở đồi trước mặt giúp ý thơ

Sách vở đầy giá, di dưỡng tính thiêng sẵn có.

Làm quan nơi xa hễ được nhàn là nhiều hứng thú

Bên cửa sổ phía đông nào rượu, nào quả lại có bình trà.”

Nguyên chú bài A của Phan Huy Ích:

[A] Quan Thái sư vì việc quan, đêm thường ra ngoài tòa làm việc, canh tư mới tan, đã thành lệ, những người giúp việc ứng trực đã quen. [1]

Bài thứ hai (gọi tắt là B)

Bỏ khôn, trốn danh, tự coi mình như kẻ bất tài

Đồi nương nơi làm quan xa như gọi cảnh nhàn đến

Lầu sớm nắng hoe, mây khói lượn quanh

Gió thu mát mẻ, cửa ngõ rộng mở

Rảnh việc, đầy tớ lười ngủ dưới bóng cây,

Đa tình người khách thân cùng ta nâng chén [B]

Ra vào nơi cơ mật, thẹn mình không có công trạng,

May nhờ ông biết cho, chỉ rõ ràng ta muốn về.[C] 

Nguyên chú bài B của Phan Huy Ích:

[B] “Lúc bấy giờ bọn tiểu giám giữ lăng thường đến hầu rượu”

[C] “Ông Thái sư cười ta vương vấn vào tình cảm gia đình, chỉ vào bụng ta nói: chỉ có hai chữ “muốn về” sờ vào thì thấy”. [2]

Qua nội dung hai bài thơ cùng với những nguyên dẫn, nguyên chú kèm theo tôi “lấy” ra được những thông tin như sau:

1) Con người Thái sư Bùi Đắc Tuyên (người cầm quyền thực sự ở Phú Xuân sau ngày vua Quang Trung băng hà - 1792):

Nơi ở và làm việc của Bùi Đắc Tuyên tại chùa Thiền Lâm (nguyên dẫn bài A).

Bùi Đắc Tuyên thường làm việc vào ban đêm, đến canh tư (gần sáng) mới xong (nguyên chú A của bài A).

Bùi Đắc Tuyên rất giỏi tâm lý, biết Phan Huy Ích muốn xin về, ông vỗ bụng Phan Huy Ích và bảo (sờ vào thấy” hai chữ “muốn về”. Phan Huy Ích rất kính nể Bùi Đắc Tuyên (câu thơ cuối bài B).

2) Kinh đô Phú Xuân về nội dung đóng ở vùng quê chung quanh chùa Thiền Lâm:

“Thời mở ra dinh tòa ở chốn đồng quê” (bài A) hoặc “đồi nương nơi làm quan” (bài B).

“Nhà trọ kinh đô” (nguyên dẫn bài A) đóng ở gần đó.

Dinh tòa chính là một ngôi chùa cũ “xe ngựa (của các quan đại thần) tụ họp ở sân ngôi chùa cũ (câu 2, bài A).

3) Triều Quang Toản đã sử dụng chùa để làm dinh sở của mình:

Chùa Thiền Lâm làm dinh cơ chính của Bùi Đắc Tuyên như trên đã nói (nguyên dẫn bài A).

Chùa làm nơi hội họp của triều đình, xe ngựa tụ họp đến đông đảo (câu thơ thứ 2, bài A)

Chùa làm nhà trọ “chỗ trọ nơi nhà chùa” (câu 4, bài A).

4) Chung quanh chùa Thiền Lâm là một trung tâm sinh hoạt văn hóa “có lầu sớm nắng hoe” (câu 3, bài B, “sách vở đầy giá” (câu 6 bài A), có những sinh hoạt của những thành phần trưởng giả: "Bên cửa sổ phía đông nào rượu, nào quả lại có bình trà "(câu 8, bài A).

5) Thông tin quan trọng bậc nhất góp phần xác định vị trí lăng mộ vua Quang Trung: Nguyên chú (A) bài B cho biết: “Lúc bấy giờ bọn tiểu giám giữ lăng thường đến hầu rượu”. “Bọn tiểu giám giữ lăng có nghĩa là những người lính giữ lăng. Lăng ở đây chỉ có thể hiểu là lăng Quang Trung (không có lăng nào thời ấy có được người giữ lăng cả). Lăng có ở gần chùa Thiền Lâm (nơi có nhà trọ kinh đô mà Phan Huy Ích đã đến ở) thì “bọn tiểu giám” mới “thường” đến hầu rượu Phan Huy Ích được. Qua thông tin này ta biết được lăng mộ vua Quang Trung xưa đã ở gần chùa Thiền Lâm (phía bên phải trước mặt chùa Từ Đàm ngày nay).

Những thông tin vô giá trên lấy từ hai bài thơ cổ chứ không phải trong tài liệu sử học. Tuy vậy nó rất chính xác vì mấy lý do sau:

- Phan Huy Ích đã chứng kiến cuộc trả thù nghiệt ngã của triều Nguyễn đối với Phong trào Tây Sơn, một đồng xu của Tây Sơn cũng phải nấu chảy, một chữ trong văn tự cũng phải xóa nên ông và người bạn đồng triều Ngô Thì Nhậm đã rất công phu gởi gắm một số thông tin về triều Quang Trung qua thơ văn của mình (chúng tôi sẽ trình bày cặn kẽ trong một bài khác).

- Nhờ sự hướng dẫn của ông Nguyễn Hữu Oánh (một người dân địa phương ở Bình An, nhà ở cạnh chùa Thiền Lâm, chúng tôi (Phan Thuận An, Phạm Thanh Tùng, Võ Xuân Trang, Nguyễn Đắc Xuân) đã khảo sát khu vực chung quanh chùa Thiền Lâm. Chúng tôi đã tìm được thành quách, dấu tích dinh thự và nhiều dấu hiệu khác chứng tỏ những thông tin Phan Huy Ích viết trong bài thơ trên là đúng.

Những điều chúng tôi đang nghiên cứu không phải chỉ dừng ở đó. Trong nhiều bài khác đọng lại sẽ được thông tin thêm về những vấn đề sau: Cung điện Đan Dương gần chùa Thiền Lâm là lăng mộ Hoàng đế Quang Trung, cung điện của công chúa Ngọc Hân đặt tại chùa Kim Tiên, gò Dương Xuân là căn cứ địa của Phong trào Tây Sơn ở Huế.

Những dấu giếm của triều Nguyễn về các di tích có liên quan đến Phong trào Tây Sơn ở Huế đã bị khám phá.                                 

 

                                                                                                   Huế 1-1-1989.

 (Báo Bình Trị Thiên, ngày 14-1-1989, tr.3)

 

Chú thích

[1]. Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Ban Hán Nôm, Thơ văn Phan Huy Ích, tập II, "Dụ Am ngâm lục", KHXH, H. 1978, tr. 86-87.

[2]. Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Ban Hán Nôm, Thơ văn Phan Huy Ích, tập II, "Dụ Am ngâm lục", KHXH, H. 1978, tr. 124.

(Nguồn:  Nguyễn Đắc Xuân Đi Tìm Dấu Tích Cung Điện Đan Dương sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nxb Thuận Hóa 2007,  từ tr.214 đến tr.218)

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia