Sự nghiệp của Quang Trung để lại cho lịch sử to lớn bao nhiêu thì những dấu tích liên quan đến con người của Ông để lại cho hậu thế trở nên hiếm hoi bấy nhiêu. Đó là do triều Nguyễn đã chủ trương "tận pháp trừng trị" hòng xóa bỏ mọi dấu tích về sự nghiệp của Quang Trung và triều đại Tây Sơn. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi lại : "Mùa đông năm ấy (1802), vua (Gia Long) về kinh, cáo tế ở miếu, dâng những tù bắt được, đem hết phép trừng trị, đào mộ Nhạc, mộ Huệ, đem giã hài cốt vất đi, giam đầu lâu ở nhà ngục, đổi ấp Tây Sơn gọi là ấp An Tây" (q.30, t.54).
Như vậy lăng mộ của vua Quang Trung đã bị phá và điều đáng tiếc là cho đến nay dấu tích hầu như không còn. Cũng trong sách Đại Nam liệt truyện chỉ còn lưu lại một thông tin rất mờ nhạt về vị trí lăng mộ vua Quang Trung : "Táng vu Hương Giang chi nam".
Tìm lại dấu vết lăng mộ của vua Quang Trung đương nhiên đã trở thành một mối quan tâm của hậu thế. Nó vừa là một đề tài khó nhưng rất hấp dẫn đối với những nhà khảo cứu lịch sử, vừa là một việc làm đáp ứng nhu cầu tình cảm của nhân dân muốn sớm tìm ra địa điểm đã từng là nơi an nghỉ của người anh hùng dân tộc.
Cuộc truy tìm dấu vết lăng mộ vua Quang Trung khởi đầu bằng một bài khảo cứu của Nguyễn Thiệu Lâu công bố cách đây đã ba thập kỷ (1961) và ngày càng thu hút được đông đảo những người nhiệt tâm tham gia : Bửu Kế (1961), Lê Văn Hòang (1974), Đỗ Bang (1982), Mai Khắc Ứng-Phan Thuận An (1985), Nguyễn Hữu Đính (1986), Trần Viết Điền (1988), Trần Đại Vinh (1988), Lê Nguyễn Lưu (1991), Hồ Tấn Phan (1991).v.v (xem phụ lục XVI ở cuối sách).
Hướng tìm kiếm ban đầu đều định vị ở xã Thủy Xuân, Huế quanh một di tích có tên là lăng Ba Vành.
Cuối năm 1991, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã nhập cuộc và đề xuất ra một giả thiết mới về địa điểm lăng mộ vua Quang Trung ở một hướng tìm khác. Giả thiết này mới được công bố một phần (trên Kiến thức Ngày nay số 66 và 71 năm 1991) cũng đã khơi tiếp cuộc tranh luận sôi nổi trên diễn đàn khoa học ở Thừa Thiên Huế (xem Thông tin Khoa học và Công nghệ của Ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế, số 2 -1991 và số 1-1992)
Công bố đầy đủ công trình của tác giả Nguyễn Đắc Xuân trong khuôn khổ của loại sách "Tài liệu tham khảo lịch sử Việt Nam", chúng tôi muốn giới thiệu với đông đảo bạn đọc về một giả thiết trong việc tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung. Bằng việc xuất bản này, chúng tôi trân trọng ghi nhận những nỗ lực nghiêm túc của Nguyễn Đắc Xuân cũng như nhiều tác giả khác hơn ba thập kỷ qua đã kiên trì nghiên cứu, tìm kiếm. Chúng tôi cũng mong muốn rằng đề tài nghiên cứu này ngày càng được đông đảo các nhà nghiên cứu trong cả nước quan tâm. Đó cũng là việc làm thiết thực nhân kỷ niệm 200 năm ngày giỗ Anh hùng dân tộc Quang Trung-Nguyễn Huệ.
Hà Nội, tháng 9-1992
Viện Sử học Việt Nam
Chú thích :
(1) : Nxb. Sử học, HN,1992
(Nguồn: Nguyễn Đắc Xuân Đi Tìm Dấu Tích Cung Điện Đan Dương sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nxb Thuận Hóa 2007, từ tr.251 đến tr.253)