Lê Tân
Hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phú Đạt Gia
Khơi nguồn điền dã Tín hiệu từ quá khứ thông qua Sử liệu và phế tích...! Cảnh báo tương lai
Cung điện Đan Dương ưu thế và cơ hội cho ngành Văn hóa Du lịch thêm nhiều sự kiện, sử thi để tổ chức lễ hội, thăm quan và tăng thêm thời gian lưu trú của du khách tại Huế.
I. KHƠI NGUỒN ĐIỀN DÃ.
Hạnh ngộ trong một cuộc gặp mặt, phát nguồn từ tình yêu xứ Huế và đam mê tìm hiểu sự diệu kỳ của Lịch sử. Những con người và những tấm lòng đến từ Hà Nội (Đạo diễn Điện ảnh Đặng Nhật Minh); TP Hồ Chí Minh (Nguyễn Quốc Kỳ - TGĐ Vietravel) và tại Huế (Lê Tân – TGĐ công ty Phú Đạt Gia) đã có một điểm chung sau khi đọc cuốn sách nghiên cứu lịch sử của NCN Nguyễn Đắc Xuân đều nhất trí phải thực hiện một chuyến dã ngoại và khảo sát thực tế (hành trình theo cuốn sách) để đề nghị tổ chức một hội thảo khoa học, tiến tới thực hiện một phim tài liệu khoa học lịch sử “DẤU TÍCH CUNG ĐIỆN ĐAN DƯƠNG THỜI TÂY SƠN Ở HUẾ”
Bản thân tôi chỉ là một doanh nhân hoạt động về du lịch và tổ chức sự kiện, có nghiên cứu về các lễ hội lịch sử. May mắn thay đã từng được làm học trò của các vị thầy về lịch sử và nghiên cứu tổ chức lễ hội lịch sử, vì vậy khi có hạnh duyên tháp tùng trong hành trình khảo sát thực tế, cầm trên tay cuốn sách của NCN Nguyễn Đắc Xuân trao tặng; công trình nghiên cứu đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương kiên trì ròng rã mấy chục năm trời với những tài liệu được hệ thống một cách ngăn nắp và khoa học; chúng tôi lật từng trang sách để đối chiếu và cảm nhận tận mắt từng khu vực liên quan, nào “mã loạn” nào “giếng loạn”; từng viên gạch, từng phiến đá vuông vắn được khắc chạm cắt gọt công phu nằm rải rác trong một khu đất rộng lớn như được sống lại qua những lời trình bày và mô tả của NNC Nguyễn Đắc Xuân. Trang sử và dấu tích cung điện Đan Dương ngày nào như sống lại, địa cuộc này, phế tích này đã dần vén lên bức màn bí ẩn... Những người bình thường như chúng tôi có cảm nhận rằng: “Vẫn chưa muộn nếu từ bây giờ các ngành, các giới, nhất là các nhà nghiên cứu lịch sử cùng nhất tề quan tâm và chứng thực thì cung điện Đan Dương là một di tích lịch sử sẽ hiện hữu như chưa hề mất đi...”
Đi tìm dấu tích lịch sử phát xuất từ sự đam mê, ngưỡng vọng và nhất là có một tấm lòng, một tình yêu quê hương mãnh liệt, công việc khó khăn thầm lặng và hết sức chính xác cẩn trọng mà lịch sử mong chờ và cũng không phải trách nhiệm của riêng ai; chính những nhà Lãnh đạo địa phương cũng đã từng lưu tâm và đồng tình ủng hộ; Tại lễ công bố “Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên Huế là Hội Đặc thù”. Ông Nguyễn Ngọc Thiện - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế đã khẳng định như một mệnh lệnh: .. “Với bề dày lịch sử và nhiều giá trị đặc sắc về văn hóa, Thừa Thiên Huế mang trong mình nhiều vấn đề, nhiều “khoảng trống” về lịch sử, đòi hỏi nỗ lực nghiên cứu không chỉ của giới sử học trong tỉnh mà cả trong nước và nước ngoài; nhất là các vấn đề có tính chất dòng chảy, kế thừa, truyền nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai như: vai trò của phong trào Tây Sơn, của nhà Nguyễn trong lịch sử dân tộc; vị thế của Cố đô Huế, những đóng góp của Thừa Thiên Huế trong lịch sử; mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển di sản lịch sử văn hóa Huế; khai thác thế mạnh về lịch sử, văn hóa để phát triển kinh tế du lịch hiện nay...[1]
Trong cuốn sách Huế và triều Nguyễn; Viện sĩ Thông tấn, Giáo sư Sử học Phan Huy Lê cũng đã khẳng định một cách hùng hồn về đóng góp và vai trò lịch sử to lớn của triều đại Tây Sơn “...phong trào Tây Sơn đã đi vào lịch sử như biểu thị tập trung sức sống phi thường và bản lĩnh ngoan cường của dân tộc trong một thời kỳ đầy biến động và thử thách của đất nước, lập nên những kỳ tích oai hùng. Đó là sự nghiệp lật đổ chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng trong, chính quyền chúa Trịnh cùng chế độ vua Lê - chúa Trịnh ở Đàng ngoài, đánh tan quân xâm lược Xiêm ở phía Nam, quân xâm lược Thanh ở phía Bắc, bảo vệ vững chắc nền độc lập, xóa bỏ tình trạng chia cắt đất nước kéo dài trên hai thế kỷ, bước đầu lập lại nền thống nhất quốc gia, xây dựng vương triều Tây Sơn, trong đó triều Quang Trung đã đề ra và thực thi nhiều chính sách tích cực. Tất cả những thành tựu đó diễn ra trong 21 năm kể từ khi cuộc khởi nghĩa bùng nổ năm 1771 cho đến lúc Quang Trung - Nguyễn Huệ từ trần năm 1792. Từ khi lãnh thổ Việt Nam mở rộng vào tận đồng bằng sông Cửu Long thì đây là lần đầu tiên trong lịch sử, phong trào Tây Sơn đã dấy lên một cuộc đấu tranh rộng lớn trên quy mô cả nước gần như tương đương với lãnh thổ Việt Nam hiện đại, làm lay chuyển toàn bộ xã hội và chứng tỏ tinh thần nhân dân, tính dân tộc sâu sắc của phong trào, cứu vãn đất nước khỏi họa xâm lược của nước ngoài...”[2].
Liên quan đến địa danh nơi đóng đô của vua Quang Trung và cội nguồn về sự mất đi của một cung điện một thời vàng son oanh liệt VSTT,GS Sử học Phan Huy Lê cũng đã viết: “...Trên cơ sở thắng lợi của phong trào Tây Sơn, vương triều Tây Sơn được thành lập với ba chính quyền: Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ đóng đô ở Phú Xuân, Hoàng đế Trung ương Nguyễn Nhạc đóng đô ở Quy Nhơn, Đông Định Vương Nguyễn Lữ đóng đô ở Gia Định. Ngoài sự chia rẽ lực lượng và mâu thuẫn nội bộ của ba chính quyền, vương triều Tây Sơn còn đứng trước mối đe dọa của những thế lực thù địch bên trong và bên ngoài...”[3].
Dấu tích cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế..! khơi nguồn từ thế mạnh, sự quan tâm hỗ trợ của Lãnh đạo địa phương và những công trình dày công sưu tầm, tâm huyết của những nhà Sử học, những nhà nghiên cứu trong hàng mấy chục năm qua.. đã đến lúc chúng ta những con người yêu Huế và “Vì Huế” cần chung tay đồng lòng đầu tư nhân tài vật lực để trả lại tên tuổi, di tích, và nhất là sự công bằng cho một triều đại dù trị vì không lâu (vỏn vẹn có 12 năm) nhưng đã thực sự làm rạng danh cho lịch sử không những trong nước mà còn cả trên trường Quốc tế.
II. TÍN HIỆU TỪ QUÁ KHỨ THÔNG QUA SỬ LIỆU VÀ PHẾ TÍCH...! CẢNH BÁO TƯƠNG LAI.
Thử nhìn lại thực tế từ nhiều địa phương khi làm những lễ hội hoặc thậm chí xây dựng truyền thuyết, địa danh lịch sử; không thiếu những trích đoạn, những địa chí chắp vá khiên cưỡng nhưng người ta cũng đã ít nhiều thành công – điển hình như hình thành khu du lịch văn hóa tâm linh “Đền Huyền Trân” tại phường An Tây thành phố Huế; “Lễ hội Cần Vương” tại xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị... (tác giả không bàn sâu vào những sự kiện này, thiết nghĩ mọi người ít nhiều cũng đã được nghe được biết...). Nhưng với Huế, với địa phương chúng ta không những tạo hóa đã ban tặng một vùng đất sơn thủy hửu tình mà lịch sử và tiền nhân đã để lại quá nhiều chứng tích, quá nhiều những sự kiện lịch sử và cũng quá nhiều di tích. Trộm nghỉ phải chăng vì chúng ta đã quá “giàu” về di tích và lịch sử vì vậy mãi cho đến hôm nay vẫn còn đó những di tích mang tính nhân chứng lịch sử cho một cuộc đất đã và đang làm cho những nhà nghiên cứu, những người tâm huyết và yêu thương mãnh đất này đau đáu một nỗi niềm như mang một mối nợ với tiền nhân.
Tín hiệu từ quá khứ thông qua sử liệu và phế tích!
Những luận cứ, những dẫn chứng áp dụng triệt để thuật phong thủy, ngũ hành, tài liệu, thư mục, văn thơ, chuyện kể một cách logic, bài bản và khoa học cọng thêm những phế tích được đào bới lên (tự phát của dân địa phương, của các nhà chùa tận dụng vật liệu lúc xây dựng...) trong một khu vực rộng lớn nhưng hầu như quy tụ về một mối; chúng ta hãy thử suy ngẫm và nghiên cứu thêm để đánh giá về sự dày công sưu tầm của NNC Nguyễn Đắc Xuân...
Cảm nhận từ “Sử liệu”
...Sau năm 1738, Nguyễn Phúc Hoạt (hay Khoát) lên ngôi vương (Võ Vương), ông ra lệnh sửa sang đô ấp, tất cả các cung phủ đều được ông cho đại trùng tu, hoặc phá đi làm lại to lớn hơn. Phủ Dương Xuân - theo Phan Huy Ích - được chúa Võ Vương xây dựng lại rất to lớn. Võ Vương đã tiếp nhà buôn Pháp Pierre Poivre ở đây.
Khi Phú Xuân lọt vào tay quân Trịnh (1775) được một thời gian, Hiệp trấn Lê Quý Đôn đã đến Phủ Dương Xuân và hết lời ca ngợi sự to lớn, đẹp đẽ của kiến trúc ở đây. Phủ Dương Xuân lại được sử dụng làm dinh thất cho bộ tướng của chúa Trịnh từ Thăng Long vào.
Mùa hè năm 1786, Nguyễn Huệ thống suất quân đội Tây Sơn từ Quy Nhơn ra bất thần vượt sông Hương và sông Kim Long từ hai mặt nam và bắc, lợi dụng lúc nước lũ nâng thuyền lên cao, kê súng lớn trên thuyền bắn thẳng vào bên trong thành Phú Xuân, quân Trịnh bị giết, xác chết nằm kín cả mặt đất. Quân Tây Sơn toàn thắng.
Thủy quân Nguyễn Huệ dàn ra dọc bờ sông Hương và sông Kim Long (chảy bọc sau Đô thành Phú Xuân), bộ binh (đặc biệt là bộ phận người sơn cước) đóng ở bờ Nam sông Hương, lấy phủ Dương Xuân làm trung tâm. Từ đó tất cả các chùa chung quanh Phủ Dương Xuân như Ấn Tôn (Từ Đàm), Thiền Lâm, Huệ Lâm, Viên Giác, Kim Tiên và kể cả chùa Báo Quốc đều bị trưng dụng vào việc công. Thành Phú Xuân là niềm tự hào của chúa Nguyễn Phúc Hoạt (hay Khoát), được thầy thuốc Koffler chú ý, được Lê Quý Đôn ca ngợi... nhưng có lẽ dưới con mắt thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ - thành Phú Xuân có nhiều nhược điểm, ngoài nhược điểm bị lũ lụt đe dọa hằng năm còn có nhược điểm là nó bị cô lập giữa hai con sông (sông Hương phía trước, sông Kim long phía sau) rất khó phòng ngự trước đối phương có ưu thế về thủy quân. Ngược lại, Phủ Dương Xuân ở trên gò Dương Xuân, đối với một quân đội có nhiều người sơn cước của Tây Sơn, thì nó có nhiều ưu điểm hơn. Cảnh trí núi rừng thích hợp với người sơn cước, thích hợp với đội tượng binh có hàng trăm con voi chiến, lại là nơi đầu mối tiết giáp với những thượng đạo ra Bắc và Nam, ưu thế về độ cao trong việc phòng ngự, đặc biệt các chùa chung quanh phủ có đủ sức thu nhận bộ tướng đông đảo của quan quân nhà Tây Sơn.
Sử sách đã ghi Nguyễn Huệ - Quang Trung đã có chủ trương xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An; tại Huế lúc ấy, đối với ông cũng phải thực hiện những xây dựng tối thiểu đủ để bảo vệ tính mạng tài sản của ông trong lúc chờ hoàn tất việc xây dựng Đô ở Nghệ An. Đô thành Phú Xuân ở Bắc đã có thành cao rồi, không cần phải xây cao hơn nữa. Nhưng Phủ Dương Xuân ở bờ nam chưa có gì bảo đảm. Trong một lá thư viết ngày 23/7/1778, tại Phú Xuân, giáo sĩ La Bartette cho biết:
“Từ khi Tân Vương (Nguyễn Huệ) về Phú Xuân, ông ấy bận phòng ngự: Ông đã cho xây cất một bức tường cao 20 pied chung quanh dinh ông. Hình như ông gấp lắm, ông bắt mọi người làm việc sáng đêm không nghỉ. Người ta nói rằng ông cho đặt súng đại bác chung quanh. Người ta còn nói, ông sắp xây tường hai bên sông chảy qua Phú Xuân và đặt súng đại bác ở đó. Người ta tin rằng ông làm như vậy vì ông sợ thủy quân (địch). Chính tại thành này ông đã cất số vàng bạc kiếm được ở Bắc Kỳ”.
Chung quanh nơi ở của Nguyễn Huệ Quang – Trung, Phủ Dương Xuân, ông cho xây dựng thành bao bọc. Bên trong, các kiến trúc của Phủ được sửa chữa khang trang. Sau ngày ông lên ngôi hoàng đế, Phủ cũ Dương Xuân được đổi tên là Cung điện Đan Dương.
Cung điện Đan Dương không hẳn là một hành cung, mà thực chất là một cung điện thứ hai của vua Quang Trung. Chỉ có những người thân mới được đến bệ kiến ông tại cung điện thứ hai ấy.
Năm 1791, sau khi nghe tin cấp báo thủy quân của Nguyễn Ánh đã phá hủy phần lớn lực lượng thủy binh Tây Sơn ở Quy Nhơn, Nguyễn Huệ - Quang Trung lại càng thấy những nhược điểm của thành Phú Xuân. Thành Phú Xuân có thể bị tấn công bất ngờ, nhất là vào buổi “tháng bảy nước nhảy lên bờ”. Vì thế, từ đó vua Quang Trung thường ngự ở Cung điện Đan Dương nhiều hơn là ở Kinh thành Phú Xuân.
Trong những ngày ấy, vua Quang Trung làm việc rất khẩn trương. Ông xây dựng một kế hoạch sẳn sàng đánh Tàu, nếu sứ đoàn Võ Văn Dũng thất bại trong việc cầu hôn và lấy lại Lưỡng Quảng. Ông đặt kế hoạch đối phó với sự trỗi dậy của dòng họ Nguyễn ở Gia Định. Ông thảo Hịch củng cố tinh thần quân dân hai địa phương Quảng Ngãi – Quy Nhơn sau trận đánh chớp nhoáng của thủy quân Nguyễn Ánh vào cửa Thị Nại, ông lập mưu kế chế ngự ông anh Nguyễn Nhạc “tuổi già ham lo dật lạc, không lo hậu họa”. Ông lập kế hoạch hạn chế sự dòm ngó của các giáo sĩ Tây phương vào công cuộc giữ nước của ông... Và sau những giờ làm việc căng thẳng, ông trở lại hậu cung, nỗi nhớ tiếc bà Phạm Hoàng hậu lại dâng lên...Tim óc ông luôn bị siết chặt giữa hai cực toan tính và nhớ tiếc. Cuối cùng chứng “huyễn vựng” đã cướp ông đi (có lẽ do tai biến mạch máu não) lúc ông đang độ tuổi sung mãn bốn mươi...[4]
Liên hệ lại trang sử tuy ngắn ngủi nhưng cũng xác lập được mối tương quan, nguyên nhân bắt đầu sự thoái trào của triều đại Tây Sơn; Dẫn đến sự biến mất cung điện Đan Dương vàng son vang bóng một thời!
“Phế tích”! Những vật chứng quý giá
Trời càng trưa, nắng càng oi bức; Không vì thế mà làm cho đoàn khảo sát lùi bước, bởi lẽ những phế tích thông qua những câu chuyện kể lại, lời bình, lời dẫn của NNC Nguyễn Đắc Xuân và nhất là những người có ít nhiều liên quan và thông thạo địa danh như Thầy Thích Chơn Trí (Trụ trì chùa Thiền Lâm), Ông Nguyễn Hửu Oánh (người dân - hậu duệ đời thứ 5; có ngôi nhà đang cư ngụ nằm trong khu đất được xem là khu vực của Cung điện Đan Dương).. thì mọi mỏi mệt của những thành viên trong đoàn dường như tiêu tan và càng hào hứng nóng lòng muốn đi xem tất cả...
1. Giếng loạn.
Ngay khi nghe đến hai từ “Giếng loạn?!” mọi người có mặt (có lẽ kể cả những người được nghe nhắc đến) đều nao nức và tò mò muốn xem tận mắt. Ngay trong khu đất được xem là “Cát địa”; đi qua khỏi khu vực chùa Thiền Lâm đến một khu đất cây cỏ ngổn ngang, mồ chôn lôn xộn; Sau một lùm cây gai, chúng tôi tận mắt nhìn thấy quả thực một cái giếng cổ mặc dù đá xây chồng lên nhau không còn nguyên vẹn, giếng đường kính khá lớn (khoảng 1,6m); vén cây nhìn xuống chỉ tối om, ném viên gạch nghe phản hồi tiếng vọng lại khả năng giếng cón khá sâu và nước nhiều... Chúng tôi còn tận mắt nhìn thấy thêm một giếng nữa nằm trong khuôn viên chùa Diệu Đức; được sư bà kể lại, khi đến đây (1934) giếng này đã có được dân chúng loan truyền gọi là “giếng loạn” và đã có tự bao giờ; kích thước tương tự như giếng “hoang” chúng tôi vừa xem; Giếng được tu bổ xây tô lại rất sạch và đẹp, giếng rất sâu ước chừng trên 10m, nước trong vắt mát lạnh..
Chúng tôi được Ông Nguyễn Hửu Oánh giới thiệu ít nhất củng còn hai cái nữa được cho là “giếng loạn” nằm ngay trong khu vực “cồn bông sứ” (gần các chùa Kim Tiên, Vạn Phước, Thiền Lâm...);
2. Mã loạn
... “Con đường từ tháp ngài Tĩnh Công đi ngang qua “giếng cổ” (“giếng loạn”) chùa Tuệ Lâm sẽ dẫn đến nhập vào con đường bao quanh phía tây bắc chùa Vạn Phước...Ở phía trái con đường nầy có nhiều ngôi mộ tập thể, mỗi ngôi vun cao và dài như vồng khoai lớn. Một số mộ hoang này đã có ở đó từ xưa, một số mới dời vào khi Pháp làm đường Nam Giao tân lộ (Điện Biên Phủ ngày nay). Số mộ này có tên gọi là “mã loạn...Nếu hiểu chữ “loạn” theo nghĩa loạn của “giếng loạn” ..thì những người được chôn dưới các ngôi “mã loạn” vô danh đó là người của phong trào Tây Sơn”.[5]
Khi được tận mắt nhìn thấy những nầm mồ hoang với nhiều hình thù (dài, ngắn, tròn, méo..không còn nguyên vẹn) khác nhau trong một khu nghĩa địa tâp trung không ngăn bờ không rào dậu, lại nằm ngay trong một vị trí được cho là “Cát địa” Cung điện Đan Dương; Qua lời kể của Ông Nguyễn Hửu Oánh, lời dẫn của NNC Nguyễn Đắc Xuân và tận mắt nhìn những nấm mồ hoang chúng tôi cũng không tránh khỏi nao lòng!
3. Suối tiên
Nhìn một khe nước nhỏ (nước đang chảy) được xây hai bờ bằng kè đá chạy nép dọc sau chùa Diệu Đức và vùng gò đồi trước chùa Kim Tiên; nhiều đoan đã bị lấp đất làm nền vườn, nhà... chỉ được thông ngầm bằng lỗ cống.. nếu không được mô tả, dẫn chứng thì không ai có thể tưởng tượng ra và nghĩ rằng đây từng là một con suối quanh năm nước chảy thành dòng nên thơ và Lãng mạn...
Khi con nước băng qua khỏi cống liền nhập với dòng suối chảy men theo đường ở phía tây rồi chảy thẳng góc với đường Điện Biên Phủ ra cánh đồng Bàu Vá của làng Dương Xuân Hạ. Con suối này mùa mưa lũ nước chảy rất mạnh. Những người lớn tuổi cho biết lúc nhân dân chưa được đến “khai phá” vùng nầy, hai bên bờ suối cây cối rậm rạp, dòng suối chảy mạnh ngay cả những tháng nắng hạn. Con suối được gọi bằng một cái tên rất đẹp “suối Tiên”. Không phải vì nó đẹp mà được đặt tên Tiên, sự thực vì ở khúc cuối, dòng suối chảy dưới bóng chùa Kim Tiên. Con suối này cắt ngang “Dương Xuân Hạ đại lộ” (một đoạn đường Thiên lý từ bến đò rường Súng lên đàn Nam Giao - song song với Nam Giao tân lộ - Điện Biên Phủ, L. Cadière gọi là Paralèlle Ouest). Chiếc cầu nối hai bờ suối trên “Dương Xuân Hạ đại lộ” mang tên con suối “Cầu Tiên”.
Tên chữ trong Đại Nam nhất thống chí gọi là “Cầu ván Dương Xuân Hạ”, cầu dài 51 thước 5 tấc, ngang 6 thước 4 tấc, do một đầu (phía bắc) thuộc địa phận xã Phú Xuân, một đầu (phía nam) thuộc Dương Xuân Hạ.[6]
4. Phiến đá lạ dưới lòng đất.
Khách quan mà nói rằng “Phiến đá” nhìn thấy tại chùa Thiền Lâm trong chuyến khảo sát thực địa “cồn Bông Sứ” đã mang lại cho chúng một sự ngạc nhiên thú vị; tự chất vấn tự trả lời... phiến đá ở dưới đất được đào lên với vô số gạch vồ kích thước không bình thường và nhất là những tấm đá lát nền, những tảng đá kê cột nhà, những tảng đá có cắt gọt đục viền, hoa văn này ở đâu ra, do ai làm? Và chắc chắn không thể là dân thường, thế của quan lại hoặc của nhà Nguyễn thì sao mà vùi lấp hết vậy!? Liên hệ với dòng lịch sử và qua lời phân tích, lời bình, lời dẫn của NNC Nguyễn Đắc Xuân, của thầy Thích Chơn Trí... Chúng tôi nghĩ rằng con đường nghiên cứu và đi tìm Cung điện Đan Dương của NNC Nguyễn Đắc Xuân đã đến thật gần...
Với cảm thụ thường tình của những người được tham gia đoàn khảo sát, không có chuyên môn, không chuyên sâu nghiên cứu, chỉ muốn được giới thiệu những phế tích mắt thấy, tay sờ, tai nghe, góp phần thêm từ những nhìn nhận thực tế để các nhà nghiên cứu, nhà sử học, nhà khảo cổ tham khảo bổ sung cho một hành trình xác thực một di tích đang bị lãng quên...
Cảnh báo tương lai
Vạn vật luôn thay đổi, thời gian không ngừng trôi, con người ngày một già đi và đến lúc cũng phải trở về cát bụi. Một bài toán đặt ra vài ba chục năm nữa liệu có còn tấm lòng vì sử học để thừa kế những trầm tích quý giá của lịch sử tại vùng đất giàu sử thi đang bị vùi lấp đâu đó nữa không. Nghĩ đến câu phương ngôn “Hiền tài là nguyên khí Quốc gia” Tôi liên tưởng đến vị Anh hùng Dân tộc áo vãi cờ đào Quang Trung – Nguyễn Huệ. Với những công lao hiễn hách đến thế, với một pho lịch sử hiễn hiện nhãn tiền đến thế; Mà nay không còn có một nơi để đặt lư hương cho hậu thế tưởng niệm! Tôi không phải là một học giả cũng không phải là nhà nghiên cứu lịch sử, chỉ là một doanh nhân, nhưng khi nghĩ đến cũng thật sự giật mình...
III. CUNG ĐIỆN ĐAN DƯƠNG! ƯU THẾ CHO NGÀNH VĂN HÓA DU LỊCH THÊM NHIỀU SỰ KIỆN, SỬ THI ĐỂ TỔ CHỨC LỄ HỘI, THĂM QUAN TẠO CƠ HỘI TĂNG THÊM THỜI GIAN LƯU TRÚ CỦA KHÁCH TẠI HUẾ.
Nâng cao và thường xuyên đổi mới chất lượng dịch vụ để phục vụ và thu hút du khách là mục tiêu và phương châm sống còn của người làm du lịch. Chính vì vậy! Khi nghe công trình nghiên cứu về Cung điện Đan Dương được mọi ngành mọi giới quan tâm tôi thực sự vui mừng và tin tưởng rằng đây chính là cơ hội để tạo nên một điểm đến cho du khách thăm quan và khám phá; Liên quan đến việc tìm và xác thực có cung điện Đan Dương; Tôi liên tưởng và ấn tượng với lời phát biểu của Ông Nguyễn Dung Phó Chủ tịch UBND tỉnh trong dịp gặp mặt BCH Hiệp hội Khách sạn nhân ngày Doanh nhân Việt Nam: “... Ở Trung Quốc người ta hình thành hai điểm du lịch về di tích lịch sử thú vị và thu hút khách rất đông; Lăng mộ của hoàng đế Tần Thủy Hoàng và của hoàng đế Tào Tháo có chính xác tìm ra đâu.. chỉ là một khu vực với các phế tích được cho là dưới triều đại hai vị hoàng đế ấy... thế mà người ta đã thành công, đem về một nguồn thu lớn cho ngành du lịch mà hơn hết là việc làm cho cộng đồng và lợi nhuận cho doanh nghiệp doanh nhân...”! Càng chú ý và ấn tượng đặc biệt hơn với lá thư của học giả Hoàng Xuân Hãn (từ Paris, Pháp ngày 15/12/1991) gửi NNC Nguyễn Đắc Xuân (tác giả, nghiên cứu đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương): “...Sau đây tôi khuyên chú mấy điều: 1.1 Đề nghị với các giới Thừa Thiên theo thủ tục xếp hai khu “mộ Quang Trung và dinh Dương Xuân” vào loại di tích lịch sử mà nhà nước phải bảo tồn và tu bổ, rồi biến nó ra những điểm du lịch, khiến nó sẽ đem lợi cho thành phố Huế về chính sách du lịch nhiều, vì Tây Sơn là một vấn đề rất thu hút; 1.2 Lúc những di tích ấy đã quốc hửu hóa, thì chú nên khai quật rộng ra, vì tôi chắc chắn còn có những di vật khác chung quanh hay ở sâu, thêm chứng và hấp dẫn. Nên hô hào những nơi như Bình Định, Sài Gòn để họ hỗ trợ vào phí tổn. Chính những kẻ muốn đầu tư vào du lịch ở Huế, họ sẽ có lợi trong việc khảo sát này. 1.3 Nên tìm lại ba tảng đá xưa là quách của quan tài, xây lại hai khu này, trồng rừng, cây cỏ, đắp đường qua lại dễ dàng, để biến thành những điểm du ngoạn lịch sử cạnh di tích các vua nguyễn...”[7]
Vì vậy hãy tin tưởng rằng, Huế sẽ có thêm một khu du lịch văn hóa, di tích lịch sử Quang Trung; tại sao không? Hiệu ứng của hội thảo sẽ khơi nguồn cho những ý tưởng, định hướng kế hoạch sau khi xác lập địa cuộc về cung điện Đan Dương của triều Tây Sơn ở Huế tiến tới kêu gọi con cháu nhà Nguyễn (Bình Định), doanh nhân, doanh nghiệp Du lịch, Lữ hành tham gia đóng góp “tài, lực..” tiến tới thúc đẩy việc xin chủ trương phục dựng di tích cung điện Đan Dương, trước mắt cần nên có một khu trưng bày, lưu giữ những phế tích, tài liệu, hình ảnh và bài viết bài nghiên cứu ngay trên vùng đất lịch sử (cồn Bông Sứ - phủ Dương Xuân); đồng thời tạo nên cơ hội đặc thù nhằm xây dựng kịch bản các sự kiện nối liền, liên kết giữa tượng đài Quang Trung ở núi Bân với cung điện Đan Dương (phường Trường An, thành phố Huế) để tổ chức lễ hội trong các ngày kỷ niệm về Quang Trung – Nguyễn Huệ trên tinh thần “Xã hội hóa” góp phần tôn vinh vị Anh hùng Dân tộc và dành sự ưu ái xứng đáng cho một địa danh vang bóng một thời.
Chú thích
[1] Nghiên cứu Huế - VSTT, Gs Sử học Phan Huy Lê (trang 9).
[2] Nghiên cứu Huế - VSTT, Gs Sử học Phan Huy Lê (trang 45).
[3] Nghiên cứu Huế - VSTT, Gs Sử học Phan Huy Lê (trang 52).
[4] Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương - NNC Nguyễn Đắc Xuân (trang123).
[5] Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương - NNC Nguyễn Đắc Xuân (trang111).
[6] Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương - NNC Nguyễn Đắc Xuân (trang 89).
[7] Theo thư Hoàng Xuân Hãn – 60Av. Théophile Gautier 75016 Paris, France..