Công chúa Ngọc Hân ở chùa Kim Tiên (10): Trở lại một lần nữa trong cái chết của bà Ngọc Hân Công chúa

Quách Tấn (1910-1992), là một nhà thơ “Mùa cổ điển” nổi tiếng. Ngoài ra ông cũng được biết là một học giả uyên thâm thông thạo Pháp ngữ và Hán ngữ. Quê ông ở thôn Truờng Định, huyện Bình Khê (nay là xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn) tỉnh Bình Định. Buổi đầu tìm hiểu về lịch sử Phong trào Tây Sơn, các danh nhân Bình Định, các nhà thơ mới xuất thân ở Nghĩa Bình không ai biết rõ bằng ông. Cuối những năm 50 đầu những năm 60 thế kỷ trước, trên báo Lành Mạnh của Bác sĩ Lê Khắc Quyến ở Huế, ông là một bỉnh bút với các bút hiệu Trường Xuyên, Cổ Bàn Nhân, Thi Nại Thị, Lão giữ vườn. Ông viết nhiều phản biện giải cho Công chúa Ngọc Hân – Bắc cung Hoàng hậu của vua Quang Trung nhiều oan trái. Những bài phản biện đó đã ảnh hưởng lớn đến nhận thức của thế hệ chúng tôi.

Về cá nhân, tôi rất hân hạnh được ông xem là một người bạn vong niên, nhưng thực sự tôi là học trò của ông khi tìm hiểu nghiên cứu về Phong trào Tây Sơn, về Bích Khê, về Hát Bội và đặc biệt về việc viết sách giới thiệu các di tích lịch sử văn hóa Huế với khách du lịch. Năm nay biên soạn cuốn sách Công chúa Ngọc Hân ở chùa Kim Tiên, tôi không thể không nhớ đến người thầy của mình là thi sĩ Quách Tấn. Anh Quách Giao – con trai trưởng của nhà thơ, nhiệt tình giúp tôi đưa vào cuốn sách nầy ba bài viết cũ của thân sinh anh. Thực hiện công việc nầy vừa có ý nghĩa học trò tiếp nối công việc của thầy và cũng có thể hiểu công việc của học trò đang được thầy và các bậc trưởng thượng nâng đỡ sau lưng. Quý hóa lắm thay. Xin đa tạ. NĐX.

Công chúa Ngọc Hân ở chùa Kim Tiên: Trở lại một lần nữa trong cái chết của bà Ngọc Hân Công chúa

Nhà văn Pháp BOSSUET nói rằng: “Từ ngày có những nhà viết sử thì không còn sử nữa” (De puis qu’il y a des historiens, il n’y a plus d’histoire). Không có sử nữa tức là chỉ còn có những chuyện hoang đường do trí tưởng tượng của các nhà viết sử tạo nên. Chuyện bà NGỌC HÂN CÔNG CHÚA là một bằng chứng.

Chắc cũng có đôi bạn chưa biết rõ tiểu sử bà NGỌC HÂN.

Tôi – vốn không phải một sử gia, nhưng dường như lâu nay bị lây bệnh “hoang đường” của các ông ấy- xin lược kể:

NGỌC HÂN mỹ hiệu là CHÚA TIÊN, là một vị công chúa đứng hàng thứ 21 của vua Lê Hiển Tông (Lê Cảnh Hưng – 1740 -1786). Mẹ là bà Phù Ninh Từ cung họ Nguyễn ở làng Phù Ninh, phủ Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh.

Năm Bính Ngọ (1786) nhà anh hùng NGUYỄN HUỆ  từ Phú Xuân đem binh ra Thăng Long diệt họ Trịnh, phù nhà Lê, được vua Lê Hiến Tông phong tước công và gả công chúa NGỌC HÂN. Công chúa lúc bấy giờ mới 16 tuổi song nhan sắc kiều diễm, học vấn uyên thâm.

NGUYỄN HUỆ rước về Phú Xuân.

Năm Kỷ Dậu (1789) NGUYỄN HUỆ lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là  Quang Trung. Sau khi vua Quang Trung dẹp xong quân xâm lăng Mãn Thanh, NGỌC HÂN công chúa được lập làm Bắc Cung hoàng hậu. Bà có cùng nhà vua một hoàng tử và một công chúa.

Đến năm Nhâm Tý (1792) vua Quang Trung quy thần bà có bài văn tế và bài Ai Tư Vãn, tỏ lòng đau thương nhớ tiếc, lời văn bi thiết lâm ly.

Cuộc đời của công chúa từ khi về cùng nhà Tây Sơn đến khi vua Quang Trung thăng hà, xưa nay lời chép trong sử sách và lời truyền ngoài dân gian đều không sai khác nhau. Duy chung cục của bà thì lại có nhiều thuyết:

Một thuyết nói rằng: Năm Nhâm Tuất (1802) nhà Tây Sơn bị diệt, vua Gia Long bắt được NGỌC HÂN công chúa, trông thấy nhan sắc kiều diễm, bèn truyền đem nạp vào cung. Tả quân Lê Văn Duyệt can “không nên lấy vợ thừa của giặc”. Nhà vua không nghe đáp: “Tất cả giang san này, cái gì mình không lấy từ trong tay giặc, cứ gì một người đàn bà?”. Vào cung công chúa sinh cùng vua Gia Long 2 hoàng tử là Thường Tín và Quảng Oai.

Thuyết này thấy có đăng trong một số Bulletin des Amis du Vieux Huế, thời Pháp thuộc.

Thuyết thứ hai lại nói rằng: Năm Tân Dậu (1801) Kinh thành Phú Xuân thất thủ, vua Tây Sơn là Cảnh Thịnh chạy ra Bắc Hà, còn NGỌC HÂN  công chúa thì cùng hai con cải dạng bình dân chạy vào Quảng Nam lánh nạn Được ít lâu tung tích bại lộ ba mẹ con bị bắt giải về Phú Xuân và bị triều nhà Nguyễn gia hình bằng cách “tam ban triều điển”.

Thuyết thứ hai này đã được tác giả tập “Nhân Vật Triều Tây Sơn” xuất bản thời Pháp thuộc, dùng để viết về NGỌC HÂN.

Như thế là cả hai thuyết đều đã được “sách vở hóa”. Bạn đọc, người đọc sách này thì tin theo thuyết này, người đọc sách kia thì tin theo thuyết kia.

Do đó vừa rồi trong tạp chí Bách Khoa, số 49 giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu đã dựa vào thuyết thứ nhất để bảo rằng “NGỌC HÂN công chúa đã lấy vua Gia Long” trong bài (Lăng Hoàng Đế Quang Trung).

Nhà khảo cổ Nguyễn Triệu bèn cải chính trong tạp chí Phổ Thông số 56. Ông Nguyễn Triệu đưa ra nhiều bằng chứng để cho bạn đọc thấy rõ rằng việc NGỌC HÂN công chúa lấy vua Gia Long là chuyện bịa chứ sự thật là công chúa đã bị triều đình Nguyễn giết cùng với hai con. Như thế là ông Nguyễn Triệu đã theo thuyết thứ hai trên kia mà cải chính.

Trong tạp chí Lành Mạnh số 56, ông Nguyễn Toại cũng bác cái thuyết của giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu, ông Nguyễn Toại đem DỤ AM VĂN TẬP của Phan Huy Ích để chứng minh là giáo sư đã lầm lớn. Vì “NGỌC HÂN công chúa” đã mất năm Kỷ Vị (1799) thì còn sống đâu đến niên hiệu Gia Long mà lấy vua Gia Long được.”

Bài của ông Nguyễn Toại cũng đã cải chính luôn bài của ông Nguyễn Triệu một cách gián tiếp.

Nhưng có lẽ không đọc PHỔ THÔNG và đọc không được kỹ bài của ông Nguyễn Toại nên khi viết bài “Giúp thêm về Ngọc Hân công chúa” đăng ở Lành Mạnh số 58 vừa rồi bạn Thanh Huy đã vấp nhằm dấu bánh xe của ông Nguyễn Triệu.

Thuyết của ông Nguyễn Triệu đã dùng cũng như thuyết của ông Nguyễn Thiệu Lâu đã dùng đều là những thuyết hoang đường. Những lời ông Nguyễn Toại cải chính mới đáng tin vì ông đã dựa vào một cuốn sách do một người đồng thời cùng NGỌC HÂN công chúa viết để lại: DỤ AM VĂN TẬP của Phan Huy Ích.

Trong quí bạn đọc Lành Mạnh chắc cũng có bạn chưa đọc DỤ AM và có lẽ cũng chưa biết Phan Huy Ích. Vậy tôi xin mách lẻo:

Phan Huy Ích hiệu là Dụ Am, đậu tiến sĩ đời Lê Cảnh Hưng (1740-1786). Trước làm quan cùng nhà Lê sau ra phò nhà Tây Sơn, trải hai triều Quang Trung và Cảnh Thịnh, rất được trọng vọng. Ông là một đại gia văn chương, trước tác rất nhiều và còn truyền lại DỤ AM NGÂM LỤC chép thi ca và DỤ AM VĂN TẬP chép văn. Những văn thơ trong hai tập xếp đặt theo thứ tự thời gian và đều có ghi năm có chú rõ nguyên nhân sáng tác.

Trong DỤ AM VĂN TẬP có chép 5 bài văn tế bằng chữ Nôm, có chú rõ là văn tế Vũ Hoàng Hậu.

-  1 bài soạn cho vua Cảnh Thịnh đứng tế

-  1 bài cho các công chúa vua Quang Trung

-  1 bài cho bà thân sinh hoàng hậu là Phù Ninh từ cung.

-  1 bài cho các tôn thất nhà Lê

-  1 bài cho bà con bên ngoại hoàng hậu ở Phù Ninh

Và có ghi rõ là soạn năm Kỷ Vị tức 1799.

Thế thì Vũ hoàng hậu tức NGỌC HÂN công chúa mất năm Kỷ Vị (1799)  đúng như lời ông Nguyễn Toại đã nói.

Nhưng không khỏi có bạn thắc mắc: Vua Quang Trung có hai hoàng hậu: một người họ Bùi người đất Qui Nhơn, mẹ vua Cảnh Thịnh và NGỌC HÂN công chúa. Biết đâu Vũ hoàng hậu lại không phải là bà họ Bùi?

Xin thưa: Tuy rằng hai bà nhưng không thể lộn được.

Bà họ Bùi chết trước và được suy tôn miếu hiệu là Nhân Cung Đoan Tĩnh Nhân Thục Nhu Thuần Vũ Hoàng Chính Hậu, gọi tắc là Vũ Hoàng Chính Hậu. Còn NGỌC HÂN  công chúa thì được suy tôn miếu hiệu là Như Ý Trang Thận Trinh Nhất Vũ Hoàng Hậu, gọi tắc là Vũ Hoàng Hậu.

Đối với việc ghi danh hiệu, người xưa rất cẩn thận, không thể lầm lẫn được. Huống nữa trong 5 bài văn tế mà đến 3 bài làm cho người bên phía công chúa NGỌC HÂN đứng tế, còn trong các bài kia lại có nhiều câu, nhiều chữ nói rõ về NGỌC HÂN. Như:

-  Trong bài vua Cảnh Thịnh đứng tế có những câu:

“ Giọt Ngân pháí câu nên vẻ quí, duyên hảo cầu thêm giúp mỗi tu tề; Khuc Thư Châu thổi sánh tiếng hòa, khuôn nội tắc đã gây nền nhân nhượng”[1]

“ Hồ đỉnh ngậm ngùi cung nọ, sắp rắp chìm châu nát ngọc đã từng nguyền; Cung Khôn bận bịu gối nao, ấp vì vun quế quến lan nên phải gượng” [2] v.v..

- Trong bài các công chúa con vua Quang Trung đứng tế có những câu:

“Nẻo thuở doành Hoàng phô vẻ, trau vàng chuốt ngọc vẹn mười phân; Trải phen bến Vị đưa duyên phiếm sắc xoang cầm vầy một thể”[3]

“Dầu gót ngọc vui miền Tịnh Độ, nỡ nào quên hai chồi lan quế còn thơ; Dẫu xiêm nghê mến cảnh Thanh Đô, nỡ nào lảng một bóng tang du hầu xế”[4]   v.v…

Trong bài các cựu hoàng tộc nhà Lê đứng tế có câu:

“  Hẳn non Lam [5] khí vượng đã tàn rồi; nên vườn Lãng cảnh khơi mà vội thế” v.v…

Những câu trích dẫn trên đây không thể dùng vào trường hợp bà hoàng hậu họ Bùi được vì bà vốn là người bình dân đất Qui Nhơn, những chữ “Ngân phái” (hoàng phái) “doành hoàng” (dòng vua) “bến Vị đưa duyên”(sông Vị hoàng ở Bắc Việt) không hợp cảnh.

Những câu ấy rõ là những câu nói về bà NGỌC HÂN. Nhưng chữ “lan quế” nói về hai người con bà NGỌC HÂN “một bóng tang du hầu xế” chỉ bà Phù Ninh từ cung. “Non Lam nhắc lại nơi phát tích nhà Lê mà NGỌC HÂN là dòng dõi v.v…

Như vậy thì chúng ta còn ngần ngại gì mà không quả quyết rằng những bài văn tế ấy là những bài văn tế bà NGỌC HÂN.

Trong DỤ AM VĂN TẬP ghi rõ ràng những bài ấy làm năm Kỷ Mùi (1799) [6] . Như thế thì nhất định bà NGỌC HÂN mất năm ấy.

Bà NGỌC HÂN mất năm Kỷ Mùi (1799) như chúng ta đã thấy rõ, còn kinh thành Phú Xuân thất thủ năm Tân Dậu (1801) và nhà Tây Sơn bị nhà Nguyễn diệt năm Nhâm Tuất (1802). Như vậy là bà NGỌC HÂN đã mất ba năm trước khi vua Gia Long thống nhất sơn hà, thì còn có thể nào bị “bắt nạp vào cung vua Gia Long” hoặc bị triều Nguyễn gia hình bằng cách “tam ban triều điển” được nữa.

Như thế là dứt khoát bà NGỌC HÂN công chúa không hề bị vua Gia Long làm nhục.

Và các bạn mến tài bà NGỌC HÂN khi đọc lại bài văn tế vua Quang Trung và bài Ai Tư Vãn, chắc khoan khoái mà nói rằng:

-  Ừ, văn chương trong đẹp như thế này thì đời tác giả, lòng tác giả cũng phải trong đẹp chứ.

CỔ BÀN NHÂN (Quách Tấn)

 (Quách Giao sưu tập từ Báo Lành Mạnh (Huế) số 59, 1-8-1961, tr. 8- 9)


[1] Giọt Ngân phái: Giọt nước trên nhánh sông Ngân Hán, chỉ dòng cao sang, cũng như Hoàng phái.

[2] Hồ Đỉnh…..Cung Khôn: Ý nói: Cũng muốn chết theo vua như đã cùng nhau thề nguyện, nhưng vì có con nhỏ nên phải gượng sống nuôi con.

[3] Doành Hoàng: Dòng vua. Vế trước ca tụng bà NGỌC HÂN, Vế sau nói cảnh hòa thuận giữa bà họ Bùi và bà NGỌC HÂN.

[4] Hai chồi lan quế còn thơ: hai người con của NGỌC HÂN

-  Một bóng tang du gần xế: bà Phù Ninh từ cung mẹ NGỌC HÂN

[5] Non Lam ….vườn Lãng : Vua Lê Lợi khởi nghĩa tại Lam Sơn. Lãng uyễn là nơi tiên cảnh. Ý nói có lẽ vương khí của nhà Lê đã hết rồi nên công chúa mới sớm qui tiên như vậy (bà mất mới trên 30 tuổi)

[6] Bài của vua Cảnh Thịnh đề là: Kỷ Mùi Đông, nghĩ ngự điện Vũ Hoàng hậu tang.

 

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia