Thái độ đó có lẽ bắt nguồn từ ý đồ của vua quan nhà Nguyễn muốn xóa nhòa triều đại Tây Sơn trong ký ức nhân dân. Trong các bộ sử và địa chí của mình, Quốc sử Quán triều Nguyễn hầu như đã làm lơ đối với những đấu vết của triều đại mà cơ quan trước tác ấy gọi là “Ngụy Tây”.
Sau khi thực dân Pháp áp đặt xong nền đô hộ trên toàn cõi nước ta, các nhà nghiên cứu của “mẫu quốc” tại thuộc địa này cũng không chú ý mấy đến di tích nhà Tây Sơn. Điều này cũng dễ hiểu, trước hết họ phủ định sự nghiệp, công trạng Tây Sơn và dù là quan thầy, họ cũng phải tỏ ra có đôi chút tế nhị dối với đám vua quan mất nước.
Chỉ có H.D.Pirey, Nguyễn Đình Hòe và L.Cadière là những trường hợp đặc biệt. Vào năm 1914, trên tập san Đô Thành Hiếu cổ, H.D.Pirey đã nói đến núi Ba Tầng, tức là Hòn Thiên, nơi Nguyễn Huệ lập đàn tế trời để lên ngôi Hoàng đế [1], và Nguyễn Đình Hòe đã viết về hài cốt nhà Tây Sơn bị triều Nguyễn giam giữ trong Khám đường [2]. Cũng trên tập san ấy, vào năm 1920 L.Cadière đã viết về một cái khuôn dấu quân sự cùng một vài di tích di vật khác của nhà Tây Sơn ở Bình Định, Quy Nhơn [3]. Rồi vào khoảng năm 1940, ông đã tìm hiểu về mộ Quang Trung và lăng Ba vành ở Huế, nhưng sau khi nêu lên vấn đề, học giả ấy đã giao cho Nguyễn Thiệu Lâu nghiên cứu và công bố kết quả theo cái nhìn chủ quan của mình.
Thái độ chung chung của các sử thần triều Nguyễn và các tác giả Pháp trước kia là thế.
Thấy như vậy là bất công đối với lịch sử, cho nên gần nửa thế kỷ nay, một số nhà nghiên cứu trong nước đã càng ngày càng quan tâm đến vấn đề này.
Quan tâm là phải, vì không những trong cái nhìn chung, Tây Sơn là một thời đại có những cống hiến to lớn trong lịch sử nước nhà, mà trong cái nhìn riêng, Huế là nơi Nguyễn Huệ đã chiến đấu và chiến thắng, đã lên ngôi, đóng đô, rồi là nơi chết, nơi chôn, nơi an giấc nghìn thu không trọn vẹn vì bị trả thù...
Chính nhà Nguyễn đã trả thù nhà Tây Sơn một cách dã man, triệt để, cho nên triều đại gắn liền với người anh hùng dân tộc ấy chỉ mới cách đây chưa đầy hai thế kỷ, mà ngày nay trong khi đi tìm di tích Tây Sơn ở Huế, người ta phải gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cố gắng đi tìm - tìm trong sử sách, trong báo chí, tìm trong thực địa, trong ký ức của nhân dân.
I - VIỆC TRẢ THÙ CỦA TRIỀU NGUYỄN ĐỐI VỚI NHÀ TÂY SƠN :
Trong lịch sử các triều đại phong kiến, việc một dòng họ mới lên cầm quyền quyết tâm tiêu diệt tất cả những gì còn sót lại của một dòng họ vừa bị hạ bệ là một việc tương đối bình thường. Nhưng khi thực hiện tín điều “nhổ cỏ phải nhổ tận gốc”, triều Nguyễn, nhất là Gia Long đã làm một cách nghiệt ngã hơn thời nào hết trong lịch sử Việt Nam.
Chính trong bộ Đại Nam thực lục, các sử quán triều Nguyễn đã ghi rõ rằng vào ngày Giáp Tuất tháng 11 năm Nhâm Tuất (năm Gia Long thứ nhất) tức là ngày 30-11-1802, Gia Long đã tổ chức cuộc lễ “Hiến phù ở Thái miếu”:
“Sai Nguyễn Văn Khiêm là đô thống Chế dinh Túc trực, và Nguyễn Đăng Hựu làm tham tri hình bộ áp dẫn Nguyễn Quang Toản và em là Quang Duy, Quang Thiệu, Quang Bàn ra ngoài cửa thành, xử án lăng trì cho 5 voi xé xác (dùng 5 con voi chia buộc vào đầu và hai tay hai chân, rồi cho voi xé, đó là một thứ cực hình), đẹm hài cốt của Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ giả nát rồi vất đi, còn xương đầu lâu của Nhạc, Huệ, Toản và mộc chủ của vợ chồng Huệ thì đều giam ở Nhà đồ ngoại (năm Minh Mệnh thứ 2 đổi giam vào ngục thất cấm cố mãi mãi). Còn đồ đảng là bọn Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đều xử trị hết phép bêu đầu cho mọi người biết”[4]. Trong tờ chiếu ban bố nhân dịp ấy. Gia Long đã xác định “trả thù là nghĩa lớn” và cho rằng mình làm như vậy là “để trả thù cho Miếu xã”[5].
Bấy giờ, có nhiều giáo sĩ Tây phương đang ở tại Việt Nam để truvền đạo Thiên Chúa. Họ đã ghi lại về sự kiện Gia Long xử lý nhà Tây Sơn, như giám mục Longer [6] giáo sĩ Guérard [7] giám mục Eyot [8], giáo sĩ Bissachèrc, v.v...
Ta hãy nghe giáo sĩ Bissachèrc lượt thuật về vụ trả thù này.
“Tôi xin khởi sự với các việc về vua trẻ Tây Sơn, (tức là Quang Toản). Trước hết người ta đã bắt vua đó mục kích một cảnh tượng đau lòng. Hài cốt của cha mẹ vua chết đã mười, mười hai năm nay, cùng hài cốt những người bà con gần của vua đều bị quật lên. Người ta sắp các xương của Quang Trung, cha vua đó, và các xương của mẹ vua... rồi người ta theo lệ bề ngoài chém cổ để làm sĩ nhục, và nhất là để các xương đó không còn sinh phúc cho con cháu, theo tục mê tín của người trong xứ. Rồi tất cả xương được dồn vào trong một cái giỏ lớn để binh sĩ đến tiểu tiện vào. Xong, người ta nghiền xương thành bột, bỏ vào mội giỏ khác đặt trước mặt vua trẻ Tây Sơn để làm cho vua đó đau khổ.
“Bấy giờ người ta dọn cho vua một bữa tiệc khá long trọng, chiếu theo tục trong xử đối với những kẻ sắp bị tử hình. Em vua (tức Quang Thiệu) can đảm hơn vua, thấy vua ăn thì trách, và bởi vì mâm người tạ dọn đồ ăn bưng tới đó có những đặc điểm có ý tôn trọng chức vua, nên ông nói: “Nhà mình thiếu gì mâm, cần gì phải ăn mâm mướn”.
“Ăn xong, người ta nhét giẻ vào miệng vua và nhiều người khác để họ khỏi chửi mắng vua mới, đoạn trói chân tay vào bốn voi để cho voi xé. Một con voi đã kéo nát đùi và lòi gân vua ra, nhưng vua còn quay về cái giỏ chứa xương cha mẹ vua. Lý Hình dùng một con dao để phanh các phần còn dính lại với nhau ra làm bốn phần, cộng với cái đùi đã xé ra nữa là năm. Người ta đem bêu các phần đó lên, ở đầu một cọc cao, tại năm chợ đông người hơn trong đô thành. Các cọc đó được canh giữ ngày đêm và người ta dọa phạt nặng những ai làm mất đi; nhưng phải để vậy cho thối ra hoặc chó quạ ăn.
“Còn về quan thiếu phó (Trần Quang Diệu) là kẻ được người trong gia đình cùng tất cả những kẻ quen thuộc yêu kính, quan đã làm một việc hiếu trong ngày quan bị xử hay là ngày trước đó. Quan đã tâu được thấu đến vua rằng, mẹ quan già đã tám mươi tuổi, không thể nào làm hại cho xã tắc được nữa, nên xin vua tha chết cho bà, vì bà mang tội cũng là tại quan. Quan được như ý. Phần quan, chỉ bị chém thôi.
“Quan có một cô gái 15 tuổi, đầy đủ các vẻ đẹp của một thiếu nữ. Khi cô thấy một con voi tiến về phía cô để rồi tung cô lên trời, cô thét lên một tiếng não ruột. Cô kêu mẹ, nói: “Mẹ ơi, cứu con với”. Mẹ cô, là vị nữ tướng, trả lời rằng: “Con đòi mẹ cứu làm sao, vì mẹ cũng không cứu được chính mình mẹ, và con nên chết đi với cha mẹ còn hơn là sống với bọn người kia…” Nhiều người muốn cứu cô, và họ quay mặt đi chỗ khác, khi voi, bị đánh đập, đã tung cô lên trời hai lần, rồi lấy ngà đỡ cô.
“Đến luợt bà Thiếu phó (Bùi Thị Xuân), bà hiên ngang tiến đến trước mặt voi để khiêu khích nó. Khi bà đến gần người ta bảo bà quỳ xuống cho voi dễ cuốn, nhưng bà không nghe, cứ đi thẳng đến voi. Người ta còn kể rằng đầu voi đã bị kích thích nhiều, cũng còn phải giục ép lắm, nó mới tung bà lên, dường như nó còn nhận được bà là người chủ cũ của nỏ…
“Quan trấn thủ xứ Nghệ, một người vào hạng cao chức nhất, bị phanh thây ra nghìn miếng, vì người ta ghét ông hơn cả...”[9].
Như vậy, trong những ngày tháng đầu tiên của triều đại mình, Gia Lọng đã ra lệnh thi hành bản án tru di tam tộc chẳng những đối với các dòng họ Nguyễn Tây Sơn, mà còn đối với những gia đình các đại thần, các tướng lãnh đã góp công vào cuộc khởi nghĩa nữa. Ông vua đầu triều Nguyễn ấy đã cố giết sạch. Tuy nhiên, dưới sự che chở của nhân dân một số con cháu của nhà Tây Sơn vẫn còn sống sót. Mãi đến 30 năm sau, Minh Mạng mới làm nốt công việc mà Gia Long còn bỏ sót ngoài ý muốn của mình. Đại Nam chính biên liệt truyện cho biết rõ :
“Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) bắt, thêm được con của Nguyễn Nhạc là Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Lương, cháu nội của Nguyễn Nhạc là Nguyễn Văn Đâu (con của Nguyễn Văn Đức), đều xử chém ngang lưng.
“Do đó dòng dõi của Tây Sơn không còn sót người nào cả”[10].
Có người cho rằng sở dĩ Gia Long đã bôi xóa nhà Tây Sơn một cách “cạn tàu ráo máng” như thế là vì có óc mê tín dị đoan, sợ hài cốt của những người đã chết có sức thần thiêng sẽ ủng hộ cho dòng dõi về sau, nên Gia Long cho lính tiểu tiện vào các hài cốt ấy để cố làm mất tính cách thần thiêng đi; điều đó có thể hiểu được, nhưng tại sao lại bắt những người sắp chết phải chứng kiến cảnh đó ?[11]. Chắc hẳn Gia Long đã muốn cho nỗi đau lòng của họ đi đến chỗ cùng cực trước khi thể xác của họ bị voi chà ngựa xé giữa pháp trường.
Tóm lại, đối với những người trong dòng họ Tây Sơn đã mất hay còn sống, Gia Long đã trả thù một cách quá dã man, hèn hạ.
Giữa con người với con người, và nhất là giữa con người đang sống và con người đã chết, mà còn xử sự như thế, huống hồ đối với các sản phẩm văn hóa mà đối phương đã tạo dựng nên. Chúng tôi muốn nói đến các công trình văn hóa nghệ thuật do triều Tây Sơn để lại. Tất cả sử sách, khi mảnh, cung điện, thành trì, lăng mộ... của thời Tây Sơn đều đã bị Gia Long và các đời vua kế liếp chủ trương tiêu hủy hết.
Cho nên, một thời kỳ lịch sử mới cách chúng ta chưa đầy hai thế kỷ nhưng ngày nay, các nhà nghiên cứu về triều đại Tây Sơn đã phải gặp rất nhiều khó khăn. Khó khăn nhất là trong việc tìm hiểu về các di tích lịch sử, đặc biệt là các di tích tại Huế, nơi mà triều Nguyễn đã cho san thành bình địa để xây dựng nên kinh đô mới của mình.
II - ĐI TÌM DI TÍCH TÂY SƠN TẠI HUẾ
Nhà Tây Sơn làm chủ Phú Xuân từ năm 1786 đến năm 1801. Phú Xuân được chính thức dùng làm kinh đô của cả nước Đại Việt kể từ 1788 là năm Nguyễn Huệ xưng đế hiệu Quang Trung kéo dài đến năm 1801 là năm Quang Toản và triều đình nhà Tâv Sơn bỏ Phú Xuân chạy ra Bắc trước áp lực quân sự của Nguyễn Ánh. Trong thời gian 15 năm ấy (1786 — 1801), với tư thế là trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa... của cả nước, Phú Xuân đương nhiên đã được kiến tạo ra nhiều công trình kiến trúc văn hóa và lịch sử của triều đại: thành trì, cung diện, lăng tẩm... Nhưng như trên đã nói, sự hận thù tàn bạo và óc thiển cận hẹp hòi của triều Nguyễn đã xóa bỏ tất cả để giữ địa vị độc tôn. Tuy nhiên, hình ảnh một số công trình kiến trúc của thời Tây Sơn vẫn còn trong sử sách, và trên thực tế.
Ở đây, chúng tôi sẽ lần lượt đề cập đến một số di tích và di vật liên quan đến thời đại ấy tại Huế mà chúng tôi biết được qua các tư liệu và trên thực địa, như thành trì, cung điện, đàn tế, bia mộ, gia phả. Khám đường (nơi nhà Nguyễn giam giữ hài cốt nhà Tây Sơn), v.v ..
A - Thành trì và cung điện tại Phú Xuân do nhà Tây Sơn xây dựng.
Theo các sử thần triều Nguyễn thì từ khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế cho đến phút giây hấp hối, bao giờ ông cũng nghĩ đến việc xây dựng Phượng hoàng Trung đô ở Nghệ An mà thôi[12]. Cho nên việc xây dựng thành trì cung điện tại Phú Xuân không thấy sử cũ của ta đề cập đến.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà có thể bảo rằng thời Tây Sơn đã không thực hiện mọi kiến trúc thành lũy dinh thự nào tại Huế cả. Thật vậy, chúng ta có thể biết được một ít chi tiết về việc kiến trúc ấy qua một số đoạn trong các bức thư của mấy giáo sĩ Tây phương bấy giờ sống và viết tại chỗ.
Trong lá thư viết ngày 23-7-1788 tại Thuận Hóa, giáo sĩ La Bartette ghi lại rằng:
“Từ khi Tân vương (Nguyễn Huệ) về Phú Xuân, ông ấy bận phòng ngự: ông đã cho xây cất một bức tường cao 20 piê (6,48m) chung quanh dinh ông. Hình như ông gấp lắm; ông bắt mọi người làm việc sáng đêm không nghỉ, người ta nói rằng ông đặt súng đại bác chung quanh. Người ta còn nói, ông sắp xây tường hai bên sông chảy qua Phú Xuân và đặt súng đại bác ở đó. Người ta tin rằng ông làm như vậy vì ông sợ thủy quân (địch)[13].
Lá thư của Breton viết ngày 16- 8 - 1788 tại Nghệ An đã cho chúng ta biết một nội dung tương tự như trên[14].
Và trong quyển “Càn long chinh vũ An nam ký”, một sử gia Trung Quốc đời Thanh là Ngụy Nguyên, cũng xác nhận rằng Nguyễn Huệ đã cho xây dựng lại thành trì ở Phú Xuân[15].
Còn về các kiến trúc cung điện bên trong vòng tường thành đó, theo tinh thần lá thư đề ngày 16-6-1801 của Barisy viết từ Phú Xuân, thì bấy giờ tại đây, triều Tây Sơn đã xây dựng một số cung điện, nhà cửa, có những tòa nhà tuy xây cất theo lối Trung Hoa nhưng nếu ở Paris thì có lẽ được coi là những lâu đài tráng lệ, nhiềụ vườn đẹp trồng nhiều dị thảo và nhiều bình chóe Nhật Bản[16].
Như vậy, chúng ta có thể biết được rằng sau khi Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai (4 - 1788) để diệt tên phản bội Võ Văn Nhậm trở về, ông đã cho kiến trúc một vòng tường chung quanh quân dinh ông ở. Thành cao gần 6.50m, quanh thành bố trí nhiều khẩu đại bác bằng đồng. Có thể quan niệm đó là một pháo đài cỡ trung bình. Ít lâu sau, hình như ông đă cho xây thêm một dãy thành khác nữa ở tả ngạn sông Hương và đặt súng đại bác dọc theo trên mặt thành đó, để phòng ngự sự tấn công bất thần bằng thủy binh của địch. Còn cung điện, dinh thự, nhà cửa thì lần lượt mọc lên trong suốt thời Quang Trung (1788 - 1792) và thời Cảnh Thịnh (1793 - 1801).
Tuy nhiên, Barisy cho biết rằng khi Nguyễn Ánh tái chiếm Phú Xuân vào năm 1801 thì ông này đã để cho binh lính của mình đập phá tất cả những gì của Tây Sơn lọt vào tay họ[17]. Rồi sau đó lại cho san thành bình địa những - công trình kiến trúc cũ còn lại để xây dựng kinh thành mới của triều đại mình.
B - Đàn tế trời ở núi Ba tầng, nơi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế.
Vào những ngày cuối năm 1788, sau khi nghe tin cấp báo có 29 vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị dẫn đầu kéo sang xâm lược nước ta, Nguyễn Huệ bấy giờ đang ở lại Phú Xuân liền tổ chức một cuộc hành quân ra Bắc tiêu diệt kẻ thù.
Mở đầu cho kế hoạch ấy là việc lên ngôi Hoàng đế để kết chặt nhân tâm và cổ vũ các tướng sĩ. Về sự kiện lịch sử này, các sử quan của Quốc sử quán triều Nguyễn đã ghi lại trong một câu văn vắn gọn: “Huệ bèn xây đàn ở phía nam núi Ngự Bình, lấy ngày 25 tháng 11, tự lập làm Hoàng đế, đổi niên hiệu là Quang Trung (tức là triều trung ương rực rỡ) dẫn tướng sĩ thủy bộ đều tiến”[18].
Về sự kiện lịch sử Nguyễn Huệ cho xây đàn ở Phú Xuân để tế trời đất mà lên ngôi Hoàng đế thì đã quá rõ ràng, không có gì phải bàn đến. Nhưng về vị trí và địa danh của đàn tế ấy thì các sử sách xưa nay ghi lại chưa được đồng nhất.
Một số tài liệu cho rằng, đàn tế ấy đã được đắp ở phía nam núi Ngự Bình như trên chúng ta đã thấy. Một số tài liệu khác lại ghi một cách mơ hồ rằng đàn tế đã được lập ở một địa điểm dưới chân núi Ngự Bình[19].
Còn cần tên của nơi xây đàn thì các tác giả trước đây cũng chưa nhất trí với nhau. Người này gọi đó là Bân Sơn[20] người khác gọi là Bàn Sơn[21], có sách gọi là núi Sam[22], có tài liệu lại gọi đó là Hòn Thiên[23].
Tuy nhiên, có một điều không ai chối cãi là, Nguyễn Huệ đã cho xây đàn tế trên một ngọn đồi, mà từ đó đến nay, nhân dân ở vùng Ngự Bình nói riêng và nhân dân Huế nói chung, gọi là “độn” Tầng hoặc núi Ba Tầng. Sở dĩ thế là vì phần trên của ngọn đồi ấy đã được xẻ ban, xây đắp thành ba tầng đất hình nón cụt chồng lên nhau. Đến nghiên cứu tại chỗ, chúng tôi thấy dấu vết của ba tàng đất ấy hiện nay vẫn còn rất rõ. Một khi đã đến đây để quan sát rồi thì không còn ai nghi ngờ gì về vị trí hay địa điểm của đàn lễ ấy nữa.
Dựa vào sự khảo sát thực địa và sự đo đạc trên các bản đồ của Đỗ Bang[24] cũng như của Yũ Minh[25], chúng ta cỏ thể biết được một số chi tiết cụ thể về đàn tế trời Quang Trung như sau:
Núi Ba Tầng có cao độ là 41m, độ nghiêng khoảng 25° so với mặt đất, diện tích mặt bằng 80.956m2. Đấy là một ngọn đồi trọc, cấu tạo bằng sa phiến thạch, hiện thuộc thôn Tứ Tây, xã Thủy An, thành phố Huế, tỉnh Bình Trị Thiên. Nó nằm ở phía tây núi Ngự Bình, cách đỉnh núi ấy 620m, và cách thành Phú Xuân thời Quang Trung chừng 3.200m về phía Nam.
Gần 200 năm đã trôi qua với bao lần mưa tan gió tạt, dĩ nhiên, mặt đồi đã bị xói mòn nhiều, nhưng hiện nay chúng ta vẫn còn nhận ra được ba tầng nền của đàn tế:
- Tầng thứ nhất, tức là tầng dưới cùng, cao 37m, chu vi 220m, bề rộng không đều nhau, ở phía bắc 19m, phía nam 16,8m, đông tây khoảng 12m.
- Tầng thứ hai cao l,65m, chu vi 122,5m, bề rộng không đều nhau, ở phía bắc 4,8m, phía nam 10,3m, đông tây khoảng 11,5m.
- Tầng thứ ba đắp thành một hình nón cụt rất tròn trịa và đều đặn, cao 1,20m, đường kính mặt bằng 18,60m và chu vi 52,70m. Mặt của tầng nằm trên đỉnh đồi này rất phẳng. Đây chính là nơi thiết ngự tọa cho Hoàng đế Quang Trung ngồi để làm lễ.
Các tầng nối với nhau bằng bốn con đường dốc thoai thoải để lên xuống tỏa ra bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Quanh dưới chân núi xưa kia là những bãi đất trống rất rộng và tương đối bằng phẳng có thể tập kết được hàng vạn binh sĩ cùng nhiều voi ngựa và đại pháo.
Đứng trên tầng cao nhất của ngọn đồi lịch sử này để nhìn ra khắp chung quanh, chúng ta thấy người xưa đã dùng mắt thẩm mỹ khéo chọn một vị trí bao bọc bởi núi đồi nằm kề tiếp nhau tạo thành một không gian bao la hoành tráng. Ngoại cảnh hùng vĩ uy nghiêm ấy chắc hẳn đã cùng với tiếng chiêng trống vang rền trong giờ phút thiêng liêng cao cả của buổi lễ làm nức lòng các tượng sĩ áo vải cờ đào.
Như vậy, trong thời điểm hiện nay, chúng ta đã xác định được một cách rõ ràng và dứt khoát di tích lịch sử nơi Nguyễn Huệ đã cho xây đàn tế cáo trời đất và lên ngôi Hoàng đế vào cuối năm 1788.
C - Vấn đề lăng Ba vành và mộ Quang Trung ở Huế.
Trong khoảng bốn mươi năm trở lại đây, vấn đề lăng Hoàng đế Quang Trung ở Huế đã được khơi dậy, nghiên cứu, khảo sát, tranh luận, nhưng vẫn chưa ngã ngũ, còn nằm trong vòng “tồn nghi”.
Sở dĩ thế là vì hiện nay ở một vùng đồi núi cách bờ nam sông Hương chảy qua trước mặt cố đô Huế khoảng mười ki-lô-mét, có một công trình kiến trúc lăng mộ rất đáng chú ý, được nhân dân địa phương gọi là lăng Ba vành. Các nhà nghiên cứu sau khi tìm hiểu, đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí phủ định lẫn nhau.
Chúng tôi sẽ xin đưa ra kiến giải riêng.
1. Mô tả lăng Ba vành:
Lăng Ba vành ở trong địa phận thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, thành phố Huế, nằm ở tây nam chân đồi Thiên An. Đây là một ngôi lớn, có ba vòng thành xây bằng đá bao bọc, bên ngoài còn có nhiều ngọn đồi vây quanh, nghĩa là khu vực mộ ở giữa một vùng gò đồi hình lòng chảo có bụi bờ, cây cối mọc xanh tươi[26].
Lăng hình bầu dục. Vòng thành ngoài có đường kính khoảng 42m, cao 1,60m, dày 1,40m, xây bằng đá trái. Cửa rộng 5m, hai bên có cột trụ đá đã bị phá một phần. Ngay trước cửa này, đào một cái hồ hình bán nguyệt nay không còn nước. Chính giữa lăng là nấm mồ xây bằng đá nhỏ và vôi. Huyệt đã bị đào một phần, chỉ đủ lấy thi hài lên. Giữa cửa thành ngoài và nấm mộ mà thi hài đã dời đi nơi khác, lại có mộ của một người nào đem vào chôn về sau.
Bia và bệ bia đều làm bằng đá thường (vì làm vào thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, chưa có thể lấy đá thanh từ Thanh Hóa vào để sử dụng được), dựng ở trước mặt vòng thành trong cùng. Bia cao 1,29m, rộng 0,72m, dày 0,24m. Mặt trước và mặt sau đều có khắc mấy dòng chữ Hán; đã bị đục để xóa đi, nhưng nét chữ vẫn còn lờ mờ, có thể đọc được một phần nào. Ví dụ:
- Nhâm Tuất mạnh đông (?)
- Phủ quân chi mộ (?)
- Cảnh Hưng thất niên tứ nguyệt
- Tự tôn Võ Bá Đạm phụng lập (?)
Giữa vòng thành ngoài và vòng thành thứ hai có một cái bàn thờ thổ công xây bằng gạch, để lộ thiên, nơi đây dựng một tấm bia nhỏ đề bốn chữ “Sơn nhạc chung linh” (khí thiêng của núi non hun đúc lại).
Nhìn chung, kiến trúc lăng Ba vành mãi đến ngày nay vẫn còn tương đối nguyên vẹn, chỉ có tấm bia bị đục và nấm mồ bị đào một lỗ đề lấy thi hài đi mà thôi.
2. Ý kiến của các nhà nghiên cứu về lăng Ba vành:
Trong vòng nửa thể kỷ nay, kể từ khi L.Cadière khơi dậy vấn đề lăng Ba vành và mộ Quang Trung ở Huế, một số nhà nghiên cứu địa phương đã quan tâm tìm hiểu khá kỹ về vấn đề. Chúng tôi xin tóm tắt những ý kiến chính của mấy học giả tiêu biểu nhất, như L.Cadière, Nguyễn Thiệu Lâu, Bửu Kế, v.v...
L.Cadière: Trong thời gian làm chủ bút tập san Đô thành Hiếu cổ (Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1914-1944), chuyến nghiên cứu về các di tích lịch sử và văn hóa Huế, L.Cadière đã tìm hiểu về lăng Ba Vành mà chúng tôi vừa mô tả ở trên, ông nghi rằng đây là mộ của Quang Trung, ông đã gửi thư cho Richard Orband bây giờ đang giữ chức Hội lý Hộ tại Huế để nhờ ông này dùng quyền hạn của mình nói các bộ và các cơ quan hành chánh địa phương các cấp điều tra giúp xem thử cái lăng ấy là của ai.
Sau khi nhờ phủ Thừa Thiên hỏi làng Cư Chánh bộ lễ trả lời rằng lăng Ba Vành là lăng của một người họ Lê lúc sinh thời đã giữ một chức quan rất lớn. Gia phả của họ Lê ghi ông là “chánh dính Hộ bộ kiêm Binh bộ tặng Tá lý công thần, đặc tấn Trụ quốc kim tử Vinh Lộc Đại phu, chánh trị Thượng khanh, ý đức hầu Lê quý công, mộ gọi là Ba Vành ở tại làng Cư Chánh[27].
Cuộc điều tra cho biết thêm rằng vào năm 1895, con cháu của ngôi mộ ấy tên là Lê Xuân đã dời hài cốt trong mộ đem sang chôn ở núi Ngự Bình, rồi vào làm ăn ở Đà Nẵng và chết trong đó[28]. Thế là họ Lê ấy bắt đầu thất tung.
Kết quả của cuộc điều tra vẫn không đánh tan được mối hoài nghi trong óc L.Cadière, cho nên, vào khoảng năm 1940, học giả người Pháp này khuyên Nguyễn Thiệu Lâu nên khảo cứu về lăng Ba Vành.
Nguyễn Thiệu Lâu: vào năm 1941,trong khi đang dạy môn sử địa tại trường Quốc Học Huế, ông Nguyễn Thiệu Lâu đã theo lời gợi ý của L.Cadière, mở mấy cuộc khảo sát thực địa. Ông cho rằng lăng Ba Vành là lăng kiến trúc theo kiểu thời Tây Sơn, “đây là mộ của một vị cấp cao chứ không phải là một ông quan thường, dù là nhất phẩm, văn hay võ”[29]. Cuối cùng, ông nói có vẻ dứt khoát: “ Đây là lăng Hoàng đế Quang Trung”[30].
Nhưng bài khảo cứu của ông mãi đến hai mươi năm sau (1961) mới đăng trên Tạp chí Bách khoa. Khi nó vừa xuất hiện thì gặp ngay bài nghiên cứu bác bỏ (rất nhẹ nhàng) của Bửu Kế cũng trên báo ấy.
Bửu Kế: học giả địa phương nghiên cứu khá kỹ về các di tích lịch sử văn hóa Huế. Về lăng Ba Vành, để phủ nhận điều xác tín của Nguyễn Thiệu Lâu, ông đã đưa ra những bằng chứng dựa vào thực tế di tích, và nhất là dựa vào tài liệu điều tra trước đó mấy mươi năm của L.Cadière mà ông đã may mắn tìm ra được tại thư viện dòng tu Thiên An[31] quan trọng nhất hẳn là đoạn gia phả của họ Lê và các lời khai của những nhân vật liên hệ được chép lại trong phúc thư của bộ Lễ, như chúng tôi đã trình bày tóm lược ở trên.
Cách đây gần 10 năm, khi viết bài “Những vụ đào mả lịch sử” Bửu Kế cũng đã kết luận về vấn đề như sau: “Theo những tài liệu trên đây, người làng ở ngôi mộ Ba Vành là Trụ quốc Kim tử Vinh lộc đời thứ ba trong gia phả của Lê Xuân chứ không phải của vua Quang Trung như nhiều người đã lầm tưởng”[32].
3. Ý kiến riêng của chúng tôi:
Đại Nam liệt truyện đã ghi rằng vua Quang Trung chết ngày 29-9 năm Nhâm Tý (13-10-1792), và qua tháng sau thì chôn lại phía nam sông Hương chữ Hán “táng vu Hương Giang chi nam”[33]. Sách không xác định về vị trí cụ thể của lăng Quang Trung. Hơn nữa, tài liệu này lại cho biết rõ rằng vào cuối tháng 11-1802, Gia Long đã ra lệnh “quật phá Nhạc Huệ mộ, đào khí hài cốt, u kỳ đầu vu ngục thất” [34] (nghĩa là đào phá mộ của Nhạc và Huệ, lấy hài cốt giả nát, vứt di, đem đầu lâu giam vào ngục tối). Chúng tôi để ý kỹ đến hai chữ “quật phá”, tức là đào hài cốt lên rồi phá tan ngôi mộ đi. Với lối trả thù “tận pháp trừng trị (trị tội hết phép)” của Gia Long, nếu lăng mộ của Quang Trung không bị san thành bình địa hoặc đào thành hố sâu như mồ của tổ tiên nhà Tây Sơn [35] thì chắc hẳn cũng không thể còn lại một cách tương đối nguyên vẹn như lăng Ba Vành ngày nay. Vả lại, những hàng chữ ghi trên bia cũng làm cho người ta dễ nghi ngờ hơn. Nhất là dòng chữ chính lớn nhất khắc ngay giữa bia, tuy đã bị đục xóa, nhưng vẫn còn đọc được: “Cảnh Hưng thất niên tứ nguyệt”, “Cảnh Hưng, năm thứ 7, tháng 4”. Năm thứ 7 thời vua Cảnh Hưng là năm 1746. Nhưng, như chúng ta đều biết. Quang Trung mãi đến năm 1792 mới chết, tức là sai số đến 46 năm.
Đến nay có lẽ chúng ta nên để cho chính lịch sử nói về lịch sử. Thật vậy, Đại Nam thực lục tiền biên và Đại Nam Nhất thống chí đã cho chúng la biết một số chi tiết khá rõ về vấn đề này.
Trước hết, chúng lôi xin trích sao 7 đoạn văn ngắn gọn trong phần Tiền biên của Đại Nam thực lực nói về hai nhân vật Lê Quang Hiến và Lê Quang Đại (hai cha con) là những người đã từng làm quan, giữ những chức vụ cao cấp dưới thời các chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725), Nguyễn Phúc Chú (1725 - 1738) và Nguyễn Phúc Khoát (1738 - 1765).
1. “Tháng 12 (năm Tân Mão, 1711), chúa (Nguyễn phúc Chu) muốn dời phủ sang bãi phù sa (xã) Bác Vọng. Sai Ký Lục Lê Quang Hiến vẽ bản đồ để tiến”[36].
2. “Tháng 9 (năm Giáp Ngọ, 1714), sai Ký lục Lê Quang Hiến bàn định thể lệ vận tải và hiện trữ của các thuyền chở”[37].
3. “Tháng 11 (năm Giáp Ngọ, 1714), lấy... ký lục chính dinh là Lê Quang Hiến làm nha úy...”[38].
4. “Mùa đông tháng 11 (năm Kỷ Dậu, 1729),... Lấy văn chức Lê Quang Đại (con thám nghị Lê Quang Hiến) làm tham mưu dinh Bình Thuận”[39].
5. Mùa thu, tháng 9 (năm Ất Mão, 1735)... Lấy Tham mưu dinh Bình Thuận là Lê Quang Đại làm cai bạ dinh Quảng Nam[40].
6. “Tháng giêng (năm Mậu Ngọ, 1738)... Lấy cai bạ Quảng Nam là Lê Quang Đại làm cai bạ phó đoán sự chính dinh[41].
7. “Tháng 12 (năm Ất Sửu, 1745). Hộ bộ kiêm Binh bộ Lê Quang Đại chết. Tặng Chính trị Thượng khanh, thụy là Trung thành[42].
Chúng tôi nghĩ rằng trong phần tiền biên của Đại Nam Liệt truyện có nói kỹ hơn về tiểu sử của Lê Quang Đại, nhưng hiện nay trong tay chúng tôi không có được phần đó để sử dụng, thật đáng tiếc. Ở đây, chúng tôi Chỉ xin chép lại phần tiểu sử tóm tắt về nhân vật ấy trong Đại Nam nhất thống chí: “Lê Quang Đại, người huyện Phú Vang, có văn học, sau ra làm chức tham mưu dinh Bình Thuận. Đời vua Tục Tôn năm thứ 10 (1735) thăng cai bộ Quảng Nam, ít lúc triệu về thăng chính dinh cai bộ phó đoán sự. Đời vua Thế Tôn năm thử 6 (1744), khi vua chính vương vị, thăng làm Hộ bộ, kiêm Binh bộ sau mất (1745), được tặng chính trị Thượng khanh, thụy là Trung thành” [43].
Đến đây, chúng ta cần đọc đoạn gia phả của họ Lê, mà vào khoảng năm 1940 L.Cadière đã có công sưu tầm, tàng trữ lại, và vào năm 1961 Bửu Kế đã có công phát hiện ra như trên chúng tôi đã nói qua. Gia phả ấy viết:
“Đời thứ nhất:
“Chính dinh Ký lục tặng Đại lý Tự khanh, gia tặng Thị giảng Quốc sư Doan túc Duệ bảo Trung hưng Tuần đức hầu Lê quý công, mộ tại làng Lương Văn.
“Đời thứ hai:
“Con của Quốc sư: Chánh dinh Tham nghị tặng Đôn Hậu Công thần đặc tán Trụ quốc Kim tử Vinh lộc Đại phu Đại lý Tụ khanh Hiển đức hầu Lê quý công, mộ chôn tại xứ Cự Sĩ.
“Đời thứ ba:
“Con của Tham nghị: Chánh dinh Hộ bộ kiêm Binh bộ tặng Tá ly công thàn đặc tấn Trụ quốc Kim tử Vinh lộc Đại phu Chánh trị Thượng khanh ý đức hầu Lê quý công, mộ gọi là Ba Vành ở tại làng Cư Chánh”[44].
Chúng tôi không thấy sử ghi chép gì về vị “Quốc sư” thuộc đời thứ nhất trong gia phả họ Lê. Nhưng về hai nhân vật thuộc đời thứ hai và đời thứ ba thì sử sách của Quốc sử quán triều Nguyễn lại viết khá kỹ như trên đã thấy. Rõ ràng đó là Lê Quang Hiến (thuộc đời thứ 2), giữ chức vụ cuối cùng là Tham nghị tại chính dinh tức là Phú Xuân. Và rõ ràng hơn nữa là Lê Quang Đại (thuộc đời thứ ba), giữ chức vụ cuối cùng là “Hộ bộ kiêm Binh bộ” tại chính dinh, và khi chết (1745), ông được tặng Chánh trị Thượng khanh.
Ta thấy sử sách nhà Nguyễn và gia phả họ Lê đều đã nói rất ăn khớp với nhau về những điểm chính đó. Như vậy, câu trong gia phả ghi rằng “Lê quý công”, “đời thứ ba” mộ gọi là Ba Vành ở tại làng Cư Chánh chắc hẳn là của ông Lê Quang Đại.
Chỉ có một chi tiết quan trọng nữa cần phải giải quyết là sự chênh lệch về thời điểm giữa lúc Lê Quang Đại chết và khi lập bia: Đại Nam thực lục cho biết ông chết vào tháng 12 năm Ất Sửu, tức là cuối năm Cảnh Hưng thứ 6 của nhà Lê (1745). Nhưng trên bia ở làng Ba Vành lại ghi là “Cảnh Hưng thất niên tứ nguyệt” tức là tháng 4 năm Bính Dần (1746). Sai số là 5 tháng.
Tuy nhiên chúng ta cũng cỏ thể suy luận để hiểu được lý do của sự khác nhau giữa hai thời điểm ấy:
- Một là, theo hiếu đạo của người Á đông xưa, một khi ông bà cha mẹ qua đời, con cháu quàn quan tài lại trong nhà càng lâu càng tốt, nhất là đối với các gia đình quan lại, vương gi. Sử cho thấy rõ các chúa và các vua nhà Nguyễn sau khi “băng hà”, “tử cung” (quan tài) của họ đã quàn lại trong các cung điện riêng từ tháng này qua tháng khác, năm nọ đến năm kia mới cử hành lễ “ninh lăng” (đưa đám). Sau khi chết, quan tài của Tự Đức đã quàn lại gần 6 tháng, Minh Mạng gần 7 tháng rưỡi và Thiệu Trị gần 8 tháng. Trong trường hợp Lê Quang Đại một đại thần đứng đầu hai bộ (Hộ và Bỉnh) của triều đình, chắc hẳn không thể nào mới chết lại đem chôn ngay, mà cần phải có thời gian dài để thầy địa đi tìm địa cuộc đời tốt và chọn ngày lành nữa.
- Hai là, có thể thi hài của Lê Quang Đại đã được an táng ngay trong năm Cảnh Hưng thứ 6, nghĩa là trước Tết Bính Dần, nhưng công việc kiến trúc lăng Ba Vành quy mô như thế thì phải kéo dài đến thang 4 năm Cảnh Hưng thứ 7 (1746), khi đó, bia mới được khắc dựng.
Tóm lại, qua phần ý kiến riêng của chúng tôi, chúng tôi đã căn cứ vào sự gợi ý của một nhà nghiên cứu trước đây, vào thực tế của bia mộ Ba Vành, vào gia phả họ Lê, và vào sử sách triều Nguyễn để đưa vấn đề đến gần với kết luận: lăng Ba Vành là lăng của Lê Quang Đại, Hộ bộ kiêm Binh bộ dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, chết vào cuối mùa đông năm Ất Sửu, tức là đầu mùa xuân 1716, được tặng Chánh trị Thượng khanh, rồi chôn cất và xây dựng lăng mộ xong vào cuối mùa hè năm ấy, chứ đó không phải là lăng của Hoàng đế Quang Trung[45](1). Dù ái mộ, tôn kính người anh hùng dân tộc đã từng làm vẻ vang đất nước một thời, chúng ta cũng không nên đem tâm tình để viết lịch sử.
D - Ngoại đồ gia và Khám đường, nơi nhà Nguyễn giam giữ hài cốt Tây Sơn:
Chúng ta hãy đọc lại một đoạn văn ngắn trong Đại Nam thực lục nói đến cách xử lý dã man của Gia Long đối với những hài cốt của nhà Tây Sơn mà ông đã sai đào lên: “... Đem hài cốt của Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ giả nát rồi vất đi, còn xương đầu lâu của Nhạc, Huệ, Toản và mộc chủ của vợ chồng Huệ thì đều giam ở Nhà đồ ngoại (năm Minh Mệnh thứ 2 đổi giam vào ngục thất cấm cố mãi mãi” [46].
Chữ “Nhà đồ ngoại” đã được tổ phiên dịch Viện sử học dịch ra từ chữ “Ngoại đồ gia”. Đại Nam nhất thống chí cho biết rõ Ngoại đồ gia là tên cũ của Võ Khố. Từ thời Gia Long, Ngoại đồ gia đã được thiết lập ở phía tây phường Liêm Năng trong kinh Ihành.
Trong suốt thời Gia Long và năm đầu thời Minh Mạng, tức là từ năm 1802 đến năm 1821, các đầu lâu của nhà Tây Sơn đã bị giam tại Ngoại đồ gia, tức là tại khuôn viên của trường Cao đẳng Nông nghiệp Huế ngày nay. Đến năm 1822, Minh Mạng mới sai đem các hài cốt ấy qua giam ở Khám đường. Mãi cho tới năm 1885, khi kinh thành thất thủ thì các đầu lâu ấy cũng thất lạc luôn.
Dù sao khi nói đến việc giam giữ các hài cốt của nhà Tây Sơn, người ta thấy Khám đường đã hiện lên như một di tích lịch sử khá rõ nét trong sách báo.
Khám đường là nơi giam cầm những người phạm tội đại hình, các tử tội của triều đình nhà Nguyễn. Có lẽ nó được thiết lập và kiến trúc cùng một lúc với Phòng thành Huế, nghĩa là vào khoảng những năm 1804, 1805 [47].
Nằm ở góc phía tây trong Phòng thành, giữa cửa An Hòa và cửa Chánh Tây, khoảnh đất của Khám đường hình chữ nhật: 100m x 60m. Bốn mặt tường chung quanh cao 4m chạy song song với bốn mặt của Phòng thành. Quanh tường lại được bao bọc bằng một hệ thống hào rộng chứa đầy nước và một lũy tre dày đầy gai góc chằng chịt để làm hàng rào ngăn chặn chân tù vượt ngục. Ngoài nữa là ruộng lúa, ao hồ mênh mông. Chỉ có một cái cửa duy nhất và rất hẹp, cao khoảng l,75m; nằm ở giữa, mặt tường phía đông bắc, để đi vào Khám đường. Trước cửa có một chiếc cầu nhỏ bằng tre bắc qua hào.
Đến khoảng đầu thế kỷ này thì chiếc cầu ấy đã được thay thế bằng một con đường đất đắp qua hào, lũy tre không còn nữa hào thì cạn và mọc đầy hoa súng. Bây giờ, toàn bộ vòng tường thành đều còn, nhưng cũng đã ở trong một tình trạng đổ nát đáng kể, phần trên của cái cửa duy nhất ấy cũng bị hư hại.
Ngày xưa, bên trong phạm vi vòng tường thành ấy có 4 dãy nhà.
Dãy phía trước, gần cửa ra vào, dùng làm chỗ ở cho đội lính canh gác đặt dưới quyền điều khiển của một viên cai ngục.
Phía sau, có ba dãy nhà khác, hay nói đúng hơn, ba dãy lều nằm thành một hàng, cách nhau khoảng 3 mét, dùng để giam giữ các tù nhân. Dãy lều thứ nhất dành để giam các viên quan lớn, dãy thứ hai nhốt Các quan lại thấp hơn và dãy thứ ba chứa những người không có chức phận gì trong hội.
Những dãy lều này đều không xây vách, chung quanh chỉ có những hàng cột chống đỡ mái ngói, tất cả chỉ có thế. Mỗi dãy lều đều có tầng gác nằm cách mặt đất khoảng 1,30m, bề cao không đủ cho một người đứng thẳng. Tầng gác là một phòng rộng mênh mông, có vách chắn khắp chung quanh, chỉ trổ một cái cửa để lên xuống bằng một cái cầu thang. Không bao giờ ánh sáng lọt vào trong phòng ấy được, không khí cũng thiếu, vì cái cửa độc nhất đó luôn luôn khép kín.
Ban ngày, tù nhân xuống ở tầng dưới, ở trên nền đất trần, mỗi người sống trong ô riêng của mình với mấy mảnh chiếu rách dùng để chống chọi với mưa, gió, nóng, lạnh qua bốn mùa.
Ban đêm thì họ phải lên ở trên gác. Mỗi chiều, khi nghe một hiệu lệnh, mọi tù nhân đều phải lên trên ấy. Có mấy lính gác đi lên với họ, kiểm soát họ đâu vào đó rồi đóng cửa, bước xuống và rút cầu thang cất đi.
Sau binh biến 5-7-1885, khi Khám đường không còn dùng nữa thì các dãy nhà ấy sụp đổ dần dần. Vào khoảng đầu thế kỷ này, triều đình cho người đến tháo gỡ các đòn săng cột gỗ còn tốt đem đi làm việc khác. Bấy giờ, trên toàn bộ khoảnh đất rộng rãi ấy cỏ tranh mọc đầy chỉ thấy mấy cái nền cao của những dãy nhà tù, một cái giếng đang ở trong tình trạng tốt và một cái am do lính canh ngục trước kia xây dựng nên[48].
Trên đây là khái quát lời mô tả về Khám đường của J.B.Roux vào năm 1914, khi ông dựa vào lời tường thuật của Miche, một cố đạo người Pháp đã bị giam 4 tháng trong nhà tù ấy dưới thời Thiệu Trị, và dựa vào thực tế của Khám đường vào đầu thế kỷ XX để viết.
Chính trong khung cảnh của Khám đường với nhà ở, lều giam, am thờ, giếng nước, tường thành, hào lũy được xây dựng, bố trí nghiêm ngặt như vậy, các hài cốt của nhà Tây Sơn đã bị nhốt kín từ năm 1822 đến năm 1885 như trên đã nói.
Theo một câu chuyện truyền miệng mang tính cách lịch sử mà phần lớn người Huế ai cũng biết đến, thì trong suốt 63 năm ấy, tại Khám đường này, ba cái đầu lâu của nhà Tây Sơn đã bị đậy kín trong ba cái vò: hai cái nhốt sọ của Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ, cái thứ ba không ai biết rõ là của Nguyễn Lữ hay Nguyễn Quang Toản. Ba cái vò ấy bị giam riêng trong những ngăn cách biệt nhau của nhà ngục. Cả ba đều bị xiềng lại, ngoài cửa niêm phong rất cẩn mật. Mỗi tháng có một phái đoàn đặc biệt của triều đình nhà Nguyễn đến xem xét, xác định lại sự phong bế nghiêm ngặt ấy. Mấy cái vò đã được lính canh ngục và tù nhân kẻ thì xưng là ông Vò, người gọi là chúa Ngụy. Tất cả họ đều cúng vái một cách kính cẩn, thiêng liêng. Lính gác thì xin mấy ông chúa. Ngụy giúp cho họ canh giữ an toàn và tìm lại được các tù nhân bỏ trốn. Tù nhân thì cầu mong thần linh các ông Vò che chở cho tính mạng của họ, phù hộ cho họ được giảm án đại hình.
Trong ngày xảy ra vụ Kinh đô thất thủ (1885) ba cái vò đựng đầu lâu của nhà Tây Sơn ấy đã bị thất lạc đi đâu mất không ai rõ, người ta chắc các tù nhân trong khi đào thoát đã cố ý mang đi để giải phóng luôn cho các vị thần linh của mình.
Và vào khoảng đầu thế kỷ này, tại Huế, người ta truyền cho nhau nghe câu chuyện về mấy cái sọ của nhà Tây Sơn.
Chuyện đó các bà trong nội cung thuật lại. Họ nói rằng một trong những cái sọ ấy đã hiện ra cho vua Đồng Khánh (1886 - 1888) thấy ở ngay bên trong cung điện của vua ở. Khi ông vừa nhận ra thì cái sọ biến thành một con mèo rừng. Đồng Khánh là một tay thiện xạ, ông liền đưa súng nhắm bắn. Tức tốc, con mèo hóa thành một con gà vàng, nhảy lên đứng trên một cái tủ, rồi biến mất. Liền sau đó, Đồng Khánh ngã bệnh và chết bất đắc kỳ tử giữa lúc 25 tuổi và mới làm vua được 3 năm[49].
Cho dù đó là những câu chuyện hoang đường, chúng tôi cũng xin nhắc lại ở đây để nói lên mối cảm tình sâu sắc của người Huế nói riêng và của nhân dân ta nói chung đối với nhà Tây Sơn. Chúng tôi cũng xin nói lên ở đây một điều nữa là tính kỳ quặc trong màn chót của tấn thảm kịch trả thù này của nhà Nguyễn. Xưa nay, người ta bỏ tù người sống chứ ai lại bỏ tù người chết bao giờ. Trong lịch sử Việt Nam và thế giới, tự cổ chí kim, chưa có triều đại nào làm chuyện ấy, chỉ có Gia Long và các vua kế nghiệp ông mới làm công việc tàn ác và quái gỡ như vậy.
Dù sao đi nữa thì xưa kia, chung quanh phạm vi Khám đường cũng đều là ao hồ, đồng ruộng rất trống trải. Hiện nay, ở đó đã mọc lên nhà cửa, vườn tược, xóm phường. Ngay trong phạm vi của Khám đường cũ, một trường học đã được dựng lên từ năm 1948 và hiện tại nó vẫn đang tiếp tục phát triển mặt bằng xây dựng. Sự mở rộng ngôi trường trong suốt mấy chục năm nay đã vô tình xóa mờ dần các di tích, nền nhà, tường thành cũ của Khám đường.
Tuy nhiên, ngày nay khi đến khảo sát thực địa thật kỹ, chúng tôi vẫn còn thấy được một số dấu vết của các công trình kiến trúc xưa kia, như móng đá, dấu tường, hào cũ mà hiện tại nhân dân địa phương vẫn còn gọi là Hồ Khám.
E - Một số di tích, di vật khác thuộc thời Tây Sơn tại Huế:
Ngoài Đàn tế trời ở núi Ba tầng và Khám đường ở phường Tây Lộc như đã nói ở trên, tại Huế và vùng phụ cận ngày nay còn có một số di tích di vật thuộc thời Tây Sơn nữa.
Sau khi trở lại Phú Xuân và xưng đế hiệu, Gia Long đã dùng các khí mảnh bằng đồng tịch thu được của nhà Tây Sơn để đúc thành 9 khẩu súng đồng rất lớn, gọi là Thần oai vô địch thượng tướng quân hoặc thường gọi một cách nôm na là cửu vị Thần công. Chín khẩu mang lên Tứ Thời (Xuân, Hạ, Thu, Đông) và Ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Việc đúc súng ấy được thực hiện từ đầu năm 1803, đến đầu năm 1804 mới xong[50]. Khi hoàn tất, 9 khẩu đặt thành một dãy bên trái phía ngoài cửa Ngọ Môn. Vào năm 1917, Khải Định đã cho dời ra đặt ở bên trong cửa Thể Nhân (4 khẩu mang tên Tứ thời) và cửa Quảng Đức (5 khẩu mang tên Ngũ hành) như chúng ta đang thấy ngày nay. Mỗi khẩu nặng trên 10 tấn, dài trên 5 mét, chỉ dùng để trang trí, thị uy mà thôi, xưa nay chưa hề sử dụng trong việc chinh chiến.
Đúc 9 khẩu thần công để khoe chiến lợi phẩm của mình, Gia Long đã vô tình nhắc nhở, gợi lại cho lịch sử muôn đời sau hình ảnh những khẩu dã pháo bách chiến bách thắng của nhà Tây Sơn oai hùng trong thời kỳ oanh liệt của nó, thời đại Quang Trung. Chính 100 tấn đồng ấy đã góp công không nhỏ trong việc, làm nên lịch sử Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ 18.
Mặt khác, ở Huế và vùng phụ cận hiện nay có khá nhiều nhà sưu tập tiền đồng còn giữ những đồng tiền thời Tây Sơn. Chúng tôi biết rõ mấy nơi đang có được những đồng tiền Thái Đức Thông bửu, Quang Trung Thông bửu và Cảnh Thịnh Thông bửu. Ngay trong bộ sưu tập tiền đồng xưa đang trưng bày tại Viện Bảo tàng Huế hiện nay, chúng ta cũng có thể thấy được một số đồng tiền thời Quang Trung Cảnh Thịnh.
Trong những đợt khảo sát điền dã ở Bình Trị Thiên vào năm 1978 về lịch sử thời Tây Sơn, cán bộ và sinh viên khoa sử trường Đại học Tổng hợp Huế đã bước đầu phát hiện được một số gia phả, bia mộ, và từ đó, tìm ra được một số nhân vật từng tham gia lãnh đạo và chỉ huy chiến dịch xuân Kỷ Dậu bên cạnh Quang Trung, như Trần Văn Kỷ với chức Trung thư lệnh tước Kỷ Thiện hầu (người làng Vân Trình, xã Phong Bình, huyện Hương Điền); Hoàng Kim Hùng với chức Trung Lang tướng, tước Hổ Hầu (người làng Vĩnh Án, xã Cam Hiếu, huyện Bến Hải); Nguyễn Văn Phú với chức Đô chỉ huy sứ, tước Phú Mỹ bá (người làng Xuân Hòa, xã Hương Long, huyện Hương Điền)[51].
Hy vọng rằng nếu các đợt sưu khảo về lịch sử nhà Tây Sơn vẫn tiếp tục thực hiện thì chúng ta sẽ đạt được những thành quả lớn hơn, cụ thể hơn, có giá trị hơn.
III - THAY LỜI KẾT
Đối với thời đại Tây Sơn, triều Nguyễn đã cố tình bôi đen lịch sử bằng cách giết sạch, phá sạch, đốt sạch, xóa sạch. Tất cả mọi thứ đều đã bị gọi là “ngụy”, đều cần phải thủ tiêu. Nhưng may mắn thay, ngày nay sử học đã trở thành một khoa học. Với ý thức tôn trọng sự thực, cùng với nhiều anh em khác, chúng tôi đã bước đầu tìm hiểu những di tích thời Tây Sơn tại Huế, bước đầu đã giải quyết vấn đề lăng Ba Vành và xác minh một số vấn đề khác. Dù thế, chúng tôi cũng đã và đang ở trên một bước đường đi tìm mà thôi.
Trong tình hình đó, chúng tôi nghĩ rằng chúng ta nên đánh dấu những gì chúng ta đã tìm ra, đã nhận rõ được.
Về Đàn tế trời, nơi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế ở núi Ba Tầng, chúng tôi xin được phép đồng tình với lời đề nghị của Đỗ Bang - “cần xây dựng tượng đài Quang Trung ở đây, để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc, giáo dục truyền thống đấu tranh anh dũng kiên cường và đầy mưu trí của nghĩa quân Tây Sơn cho nhân dân ta”[52].
Về Khám đường, nơi mà hiện nay là ngôi trường phổ thông cơ sở Tây Lộc A đóng trên phần lớn mặt bằng của nó, nhưng thiết tưởng chúng ta cũng nên dựng ngay giữa sân trường này một tấm bia ghi tóm tắt lịch sử của phế tích này và đây là nơi triều Nguyễn đã dùng để giam giữ hài cốt của nhà Tây Sơn năm 1822 đến năm 1885.
Còn về các di tích, di vật khác, chúng tôi đề nghị chính quyền và các cơ quan văn hóa địa phương nên quan tâm và bảo quản những gì đã tìm tòi được, đồng thời tạo cơ hội tốt cho các cá nhân và tập thể nghiên cứu sưu tầm sâu rộng hơn, nhằm đóng góp cho gia tài di tích, di vật thời Tây Sơn tại Huế ngày càng thêm phong phú.
Dù sao đi nữa, cho đến nay, chúng tôi cũng chỉ là những người đang đi tìm, và sẽ tiếp tục đi tìm, vì trong suốt cuộc hành trình khảo cứu vừa rồi, với khả năng hạn chế, chúng tôi chưa tìm kiếm được bao nhiêu.
PHAN THUẬN AN
MAI KHẮC ỨNG
(Nguồn Nguyễn Huệ Phú Xuân, NXB Thuận Hóa, Huế - 1983, tr.142-172)
[1] H.D Pirey, LeVieux Hué d'Après Đức Chaigneau Le Nam Giao, Bulletin des Amis du Vieux Hué (viết tắt là B.A.V.H) 1914, trang 61- 62.
[2] Nguyễn Đình Hòe, Noles sur les cendres des Tây Sơn dans la prison du Kham - Dương, B.A.V.H, 1914, trang 145, 146.
[3] L. Cadière, Un cachet militaire des Tây Sơn, B.A.V.H, 1920, trang 171-172.
[4] Đại Nam thực lục bản dịch của Viện Sử học, Hà Nội, Tập III, 1963, trang 85. Theo chỗ chúng tôi được biết thì Võ Văn Dũng không bị xử.
[5] Đại Nam thực lục, tập đã dẫn, trang 87.
[6] Thư của Longer đề ngày 13-8-1802.
[7] Thư của Guerard đề ngày 2-9-1803.
[8] Thư của Eyot đề ngày 9-7-1804.
[9] La Bissachere, La Relation sur le Tonkin et la Cochinchine (sách viết năm 1807 tại Luân Đôn) do Charles Maybon trình bày) Fdouard Champion, Paris 1920, tr 118 – 121, dẫn dịch bởi Nguyễn Phương, “82 năm Việt sử 1802 – 1881”. Đại học Sư phạm Huế xuất bản 1963 tr 163 -165.
[10] Đại Nam chính biên liệt truyện, q.30, nhà Tây Sơn, bản dịch của Tạ Quang Phát, Sài Gòn 1970, trang 225.
[11] Nguyễn Phương, sách đã dẫn, trang 15.
[12] Đại Nam chính biên liệt truyện, sđd. trang 165 - 171. 173. Ngô Thời Chí, Hoànq Lê nhất thống chí, bản dịch của Ngô Tất Tố, Phong trào văn hóa tái bản, Sài Gòn năm 1969, tr. 321- 322.
[13] Đặng Phương Nghi, Vài tài liệu mới lạ về những cuộc Bắc tiến của Nguyễn Huệ, Tập san Sử địa, số 9 - 10, Sài Gòn 1968, trang 235.
[14] Đặng Phương Nghi, bài vừa dẫn, trang 236.
[15] Việt Thanh chiến sử, Hoàng Xuân Hãn dẫn và dịch, Tập san sử địa, sổ 9 - 10, Sài Gòn, 1968, trang 217.
[16] L.Cadière, Les Erancais au service de Gia Long XII. Leur correspondance, B.A.V.H, 1926, trang 406 “Những ngày tàn của Tây Sơn dưới mắt các giáo sĩ Tây phương”, sách đã dẫn, tr. 180.
[17] L.Cadière, Les Erancais au service de Gia Long XII. Leur correspondance, B.A.V.H, 1926, trang 406 “Những ngày tàn của Tây Sơn dưới mắt các giáo sĩ Tây phương”, sách đã dẫn, tr. 180.
[18] Đại Nam chính biên ỉiệt truyện 930 tờ 32b - bản dịch đã dẫn tr.132 - 133.
[19] Trong Lê Quý Kỷ sự, Nguyễn Thu đă viết: ... tức Hoàng đế vị vu Ngự Bình Sơn hạ chi Nam giao đàn” tờ 69a). Xem bản dịch của Lê Xuân Giáo, Sài Gòn 1974, trang 102, và bản dịch của Hoa Bằng, Hà Nội, 1974, trang 120.
[20] Ngô Thời Nhậm Hậu Lê thống chí,bản dịch của Nguyễn Đăng Tân và Nguyễn Công Liêm, in lần thứ nhất tại nhà in Trường Xuân, Hà Nội năm 1950, tập dưới trang 230.
[21] Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, ra lần thứ 7, Tân Việt Sài Gòn 1964, trang 371.
[22] Ngố Thời Chí, Hoàng Lê nhất thống chí, bản dịch đã dẫn tr.304.
[23] H.de Pirey, bài đã dẫn, trang 61- 62. Từ lâm Nguyễn Xuân Nghị. Lược khảo về mỹ thuật Việt Nam Quốc học thư xã, Hà Nộị 1912, trang 63.
[24] Đỗ Bang “Đàn Nam giao Tây Sơn tại Huế”, Tập san Văn hóa Bình Trị Thiên, tháng 9 - 10/1978, trang 88 - 93.
[25] Vũ Minh. “Bàn sơn nơi Quang Trung làm lễ xuất quân”, Báo Quân đội nhân dân, số 6333, ngày 1-2-1979, tr.3.
[26] Nguyễn Thiệu Lâu, “Lăng Hoàng đế Quang Trung”, tạp chí Bách khoa, số 99, ngày 15-2-1961, Sài Gòn, trang 57.
[27] Dẫn lại Bửu Kế, “Từ lăng Sọ đến lăng Ba Vành” Tạp chí Bách Khoa số 102, ngày 1-4-1961, Sài Gòn, tr 72.
[28] Như (27).
[29] Nguyễn Thiệu Lâu, bài đã dẫn, trang 57.
[30] Như (29).
[31] Bửu Kế, bài đã dẫn, trang 67, 72.
[32] Bửu Kế, Nguyễn Triều có sự, chưa xuất bản, bản đánh máy của tác giả cho mượn, tr 68.
[33] Đại Nam liệt truyện, quyển 30 tờ 24b - 43a. Về ngày mất của Quang Trung, nhiều tư liệu đáng tin khác ghi là ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý tức là ngày 16-9-1792. Xem Hoàng Xuân Hãn, La Sơn phu tử, sđd, tr. 156 - 160.
[34] Như (33).
[35] Ở làng Thái Lão, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An hiện nay vẫn còn di tích khu mộ Tây Sơn và cái giếng Yểm của quan quân nhà Nguyễn (Xem Tây Sơn - Nguyễn Huệ, Kỷ yếu hội nghị... đã dẫn tr. 44). Trong khi đó thì ở dưới chân núi Ngang tại Bình Định “Vua Gia Long ngờ rằng đó là phần mộ của ông bà Nguyễn Phi Phúc, song thân ba vua Tây Sơn, nên truyền quan địa phương khai quật” (Xem: Quách Tấn, Non nước Bình Định, Nam Cường xuất bản, Sài Gòn 1967, tr.321). Hiện nay tại đó vẫn còn hai hố huyệt cách nhau gần 2m (Xem (2) (3) Đại Nam thực lục tập đã dẫn, tr.174.
[36] Đại Nam thực lục, tập đã dẫn, trang 174.
[37] Đại Nam thực lục, tập đã dẫn, trang 178.
[38] Đại Nam thực lục, tập đã dẫn, trang 180.
[39] Đại Nam thực lục, tập đã dẫn, trang 192.
[40] Đại Nam thực lục, tập đã dẫn, trang 198.
[41] Đại Nam thực lục, tập đã dẫn, trang 200.
[42] Đại Nam thực lục, tập đã dẫn, trang 209.
[43] Đại Nam nhất thống chí, Thừa Thiên phủ, bản dịch của Nguyễn Tạo, Tập trung, Sài Gòn, 1961 trang 50.
[44] Bửu Kế “Từ lăng Sọ đến lăng Ba Vành chỉ”, Tạp chí đã dẫn, trang 71 - 72.
[45] Thật ra, về lăng Ba vành, còn có một chi tiết nữa xin phải nêu ra, nhưng trong phạm vi hạn hẹp của bài này, chúng tôi không làm được việc đó, xin hẹn sẽ nói kỹ hơn vào một dịp khác.
[46] Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, Q.19, tờ2a.
[47] J.B.Roux, Les prisons, du Vieux Hué: Le Kham đương, B.A.V.H, 1914, trang 52.
[48] T.B.Roux, bài đã dẫn, tr.52 – 55.
[49] Nguyễn Đình Hòe, bài đã dẫn, trang 145 - 146.
[50] H. Le Bris, Les Canons Géntes du Paiais de Hué, B.A.V.H, 1914, trang 101-102.
[51] Đỗ Bang, Một số đóng góp của nhân dân Bình Trị Thiên trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mãn Thanh ở thế kỷ XVIII (Nghiên cứu Lịch sử số 1 năm 1979).
[52] Đỗ Bang, Đàn Nam Giao Tây Sơn tại Huế, sách đã dẫn trang 312.