Mối quan hệ giữa chùa Thiền Lâm và Phủ Dương Xuân

Nguyễn Đắc Xuân trả lời: - Lịch sử Chín đời chúa Nguyễn cho biết các chúa Nguyễn đều rất ngưỡng mộ Đạo Phật. Các chúa đầu tiên có các danh hiệu gần gũi với đạo Phật: Chúa Sãi, chúa Hiền, chúa Ngãi. Có đến 4 ông chúa, ngoài tên và vương hiệu, lại tự xưng là đạo nhân như: - Thiên Túng đạo nhân (chúa Minh Nguyễn Phúc Chu), - Vân Tuyền đạo nhân (chúa Ninh Nguyễn Phúc Thụ) - Từ Tế đạo nhân (Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát), - Khánh Phủ đạo nhân (Định Vương Nguyễn Phúc Thuần).

Vì thế khi “kiến phủ” (xây dựng phủ) Dương Xuân để ở và làm việc suốt mùa đông, các chúa phải xây dựng một nơi để các “Đạo nhân” trì kinh, tụng niệm hằng ngày. Nơi đó là một cái am, một cái chùa ở gần nơi sinh sông của các chúa và gia đình. Dưới thời Nguyễn Phúc Chu cái chùa dành riêng cho Phủ Dương Xuân có tên là Thiền Lâm. Chùa rất nhỏ, năm 1695, Hòa thượng Thạch Liêm được mời đến hoằng dương đạo pháp, Hòa thượng cho biết chùa chỉ có “ba gian lợp bạch mao"[[1]], với vị trí: “dựng ở đầu cao chất ngất, xuyên ngang gò núi một đường thông" và: "đôi dòng nước biếc tưới ven biền" [[2]]. Vì thế Hòa thượng Thích Đại Sán than phiền với chúa Nguyễn Phúc Chu là chùa: “chật hẹp không được khoan khoái” [[3]], chúa Nguyễn Phúc Chu liền cho vừa lính vừa thợ chừng một ngàn người làm việc trong ba ngày thì hoàn thành: “một tòa phương trượng 5 gian, 32 cột, bốn phía có hành lang, vách tường, rầm thượng, rầm hạ đều bằng ván, và một nhà hậu liêu 5 gian, 20 cột” [[4]] , chùa Thiền Lâm trở thành một ngôi đại tự, từ đó.

                                                                                                              

Hòa thượng Thạch Liêm Thích Đại Sán

        - Trước khi ra trú tại Thiền Lâm, HT Thạch Liêm đã được chúa Nguyễn Phúc Chu tiếp tại Phủ Dương Xuân.

        “Sắp đến vương phủ, mênh mông không có thành quách, chung quanh trồng tre gai làm rào; trong tre cất một hàng trại lợp bằng cỏ tranh; mỗi trại đều có đặt súng đồng, nặng từ vài trăm cân đến vài nghìn cân, đúc rất tinh xảo, khảm châu sa phỉ thuỷ, văn vẻ sáng ngời; nhờ công chùi đánh lâu năm mới được như thế; nếu đem số đồng nầy đúc lư, đúc bình, làm đồ gia dụng, quý giá chẳng biết bao nhiêu mà kể. Sau trại súng lại có hàng rào tre gai, phía trong có vòng tường thấp, rộng chừng một, hai dặm, vương phủ ở trong ấy”[[5]].

        Chứng tỏ Vương Phủ (Phủ Dương Xuân) và ngôi chùa nhỏ Thiền Lâm gần nhau. Chùa Thiền Lâm là cơ sở phụ của Phủ Dương Xuân.

 



[1] Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, Ủy ban phiên dịch Sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế, 1963, tr.42.

[2] Như (1)

[3] Như (1), tr.41

[4] Như (1), tr.42

[5] Như (1) tr. 34

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia