KHẢO SÁT NAM GIAO TÂN LỘ

Nam Giao tân lộ là một con đường nằm về phía tây nam Kinh thành Huế. đường này được mở dưới thời vua Thành Thái vào năm 1897-1898 do ông Sali, kỹ sư Kiều Lộ (cầu đường) người Pháp thực hiện thi công. Đường có chiều dài 2.221m bắt đầu từ Rue Jules Ferry (nay là đường Lê Lợi) theo một trục thẳng đến tận đàn Nam Giao. Lúc đầu đường có tên Nam Giao tân lộ, người Pháp thì gọi Đại lộ Nam Giao (Avenue Nam Giao).

Sau năm 1956 đường mang tên Lam Sơn. Tháng 01-1977, UBND tỉnh Bình Trị Thiên ra quyết định đổi, đặt lại tên mới là đường Điện Biên Phủ. Dân gian quen gọi là đường Nam Giao(1). Việc mở Nam Giao tân lộ Nguyễn Ái Quốc đã viết bài “Công chính” cho biết chính sách bóc lột của thực dân Pháp ở Đông Dương: “Ở Huế, người ta có đắp một đại lộ rộng 20 mét - thật ra là vô ích - chạy thẳng từ thành đến đàn Nam Giao. Con đường ấy mở qua hai làng và một nghĩa trang, khi làm phải phá hay di chuyển mất gần sáu ngàn ngôi mộ. Người ta chẳng chịu bồi thường, hay giúp đở gì cho các gia đình có nhà phải phá, có câu phải chặt, có mồ mả phải khai quật lên(2) Dưới triều nhà Nguyễn lao dịch là một trong những dạng thức quan trọng nhất của thuế; tất cả đàn ông trong làng đến tuổi trưởng thành bắt buộc phải đóng góp mỗi năm 48 ngày lao động cho các công trình nhà nước như làm đường, đắp đê, đào kênh(3). Con đường này xuyên qua vùng đồi núi gối lên nhau, đường bình độ xê dịch trong phạm vi khoảng từ 30-150m và có nhiều thảo am, chùa chiền toạ lạc. Chùa Hàm Long nay là chùa Báo Quốc nằm trên đồi Hàm Long, tức là cái đầu của con rồng, đây được xem như là trọng huyệt. khi được Giác Phong Lão sư Tổ đến chấn tích khai sơn (khoảng 1693-1714) và cho đào một cái giếng (Hàm Long tỉnh) ngay dưới chân đồi thì thấy có một mạch nước theo lỗ đá phun ra như vòi rồng, nước thơm và ngọt. Dọc theo con đường Điện Biên Phủ thẳng tắp lên đàn Nam Giao qua nhiều ngôi chùa như Thiên Minh, Vạn Phước, Từ Đàm, Thiền Lâm, Kim Liên...các ngôi chùa này toạ lạc trên Bình An Sơn, trên lưng Rồng Thiêng.(4)

Nguyễn Đắc Xuân và NNC Hồ Vĩnh khảo sát khúc đường Điện Biên Phủ (Nam Giao Tân Lộ cũ) đi qua Suối Tiên

Riêng chùa Thiền lâm khi mở Nam Giao tân lộ (đường mới Nam Giao), con đường đã cắt ngay vùng đất chùa. Trong một đồ bản được vẽ vào năm Thành Thái thứ 19 (1907) ghi rõ Nam Giao tân lộ đi qua một bên là “Thiền Lâm tự thổ” (đất chùa Thiền Lâm) và bên kia là “Thiền Lâm tự” (chùa Thiền Lâm). Tiếp đến là một vùng đất ruộng trũng, cho nên ông kỹ sư Sali đã cho đắp một con đê băng qua trên vùng trũng này.

Trong một đợt khảo sát Nam Giưo tân lộ, chúng tôi cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đo được chiều dài con đê khoảng 230m, mặt đường rộng 6,10m, cao 4,70m; phía bên dưới đê có con khe gọi là Suối Tiên. Nhà thơ Trùng Thiện Vương nhớ lại một chuyến du sơn, dừng ngựa bên khe suối, nhìn dòng nước chảy dưới khe mà cảm thương cho cuộc đời thay đổi, ông đã cảm tác bài thơ “ Nam Khê” (khe phía nam)

Chắn ngang núi loạn một khe sâu,

Nhớ tới năm xưa nghỉ vó câu

Dòng nước tuồng hay người đổi khác,

Tiếng xưa vắng vẻ chảy làu làu(5).

Qua một văn bản được viết bằng chữ Hán do ông Nguyễn Hữu Oánh ở ấp Bình An cung cấp, nội dung cho biết về việc cắm mốc giới và con đường mới mở đi qua ấp Bình An.

Phiên âm: Hương Trà huyện, Phú Xuân tổng, Phú Xuân xã Lý trưởng Lê Thiệp vi lập hiệp phù từ sự. Duyên Bình An ấp khám đạc địa bạ thụ lập ngũ Hoạch giới chi khoản. Thừa sức tiếp cận chi các xã lập hợp phù từ, tổng biện đẳng nhân dân xã đối nhận cai ấp đông, nam, bắc tam diện dữ dân xã tiếp giáp phù hợp nghiệp địa giới. Nghiệp dĩ án biên sự hoàn triếp thử đối nhận tiếp giáp giới hạn dĩ miễn hậu nghĩ tư hợp phù từ. Nhất phụng Bình An ấp đông giới tiếp giáp dân xã địa phận Trường Cởi ấp tịnh tân ngự lộ, nam giới nhất bán, vi đông giáp dân xã mộ địa, bắc giới tiếp giáp dân xã Trường Giang ấp tịnh mộ địa. Tư thừa nhận.

Thành Thái thập cửu niên nhị nguyệt thập nhị nhật.

Lý trưởng Lê Thiệp Ký.

Dịch nghĩa: Lý trưởng Lê Thiệp người xứ Phú Xuân, tổng Phú xuân, huyện Hương Trà về việc lập tờ hợp phù. Nay ấp Bình An đo khám lập địa bạ, cắm 5 cột mốc bằng đá để phân chia ranh giới. Vâng theo lệnh trên tiếp cận các xã lập tờ hợp phù (làm những việc đó). Nhân xã chúng tôi nhận rằng ba mặt đông, nam, bắc tiếp giáp với xã chúng tôi phù hợp với địa giới sẵn có, vì thế cho nên viết giấy biên nhận. việc xong hai bên nhận giới hạn để khỏi tranh cải về sau. Trên đây là tờ hợp phù.

Nay thừa nhận ấp Bình An, phía đông giáp ấp Trường Cởi thuộc địa phận xã chúng tôi và con đường mới mở để vua đi, còn về phía nam một nửa phía đông tiếp giáp vùng mồ mã của xã chúng tôi, phía Bắc giáp với ấp Trường Giang của xã chúng tôi và khu mộ địa. Nay thừa nhận

Ngày 20 tháng 02 Thành Thái năm thứ 19 (1907)

Lý trưởng Lê Thiệp Ký(6)

Nghiên cứu văn bản trên chứng tỏ “tân ngự lộ” (đường mới để vua đi - lên đàn Nam Giao để Tế Giao) phải qua vùng đồi núi có nhiều mồ mả. Cho nên những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, nhà thơ Xuân Diệu đã viết tác phẩm “Phấn thông vàng” mô tả “Con đường Nam Giao thẳng mà không bằng, tôi khởi sự đi trong ánh sáng, và tôi tới lần trong bóng tối, tợ hồ bên phố Huế là ngày, bên đàn Nam Giao là đêm...Ểnh ương kêu, tiếng khan khản phát từ muôn góc cỏ, từ những ruộng sau thũm xuống làm cho con đường tự nhiên mà cao(7)

Tấm bia đá thanh khắc ghi tên ông kỷ sư Kiều lộ Sali. Ảnh TL của Hồ Vĩnh

Trong đợt khảo sát mới đây ở hai ấp Trường Cởi và Bình An nay thuộc phường Trường An, thành phố Huế, chúng tôi đã tìm thấy tấm bia đá thanh khắc ghi tên ông kỷ sư Kiều lộ Sali dựng phía trước về nên trái chùa Bảo Thiên. Bia cao 0,24m, dài 0,85m, rộng 1,15m. Mặt trước bia khắc chữ chìm theo kiểu mộ chí của người Pháp: “Sali 1878-1898”. Ông Nguyễn Hữu Oánh ở ấp Bình An cho biết theo truyền ngôn của gia đình, ông Sali qua đời sau khi mở “Nam Giao tân lộ”.

                                                                                                      Cố đô Huế, 04.04.2007

                                                                                                           NNC Hồ Vĩnh 

 



(1) Nguyễn Đắc Xuân, Lăng Đan Dương của vua Quang Trung ở đâu? Xin góp một câu trả lời, Bản tóm tắt dùng trong toạ đàm và báo chí ngày 02.03.2007, trang 18.

- Dương Phước Thu, Huế tên đường phố xưa và nay, Nhà xuất bản Thuận Hoá, Huế, 2004, trang 114.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 1 (1919-1924), Nhà xuất bản Chính trị Quốc Gia, Hà Nội, 1995, trang 393

(3) Gerard Sasges, sự thật về kế hoạch khai thác Đông Dương lần thứ nhất của thực dân Pháp, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 12.2006, trang 49.

(4) Không Lực, Du Xuân trên dãy Bình An sơn, báo văn hoá và đời sống, Xuân Ất Dậu, 2005, trang 50.

(5) Ngô Văn Chương, Phân tích những khuynh hướng tình cảm đạo lý xã hội trong thi ca Tùng Thiện Vương, Tủ sách Văn học - Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá xuất bản, Sài Gòn, 1973, trang 286-287.

(6) Văn bản do ông Nguyễn Hữu Oánh ở ấp Bình An, phường Trường An, Thành phố Huế cung cấp. Nhà nghiên cứu Hán-Nôm Lê Nguyễn Lưu dịch.

(7) Toàn tập Xuân Diệu, Tập II, Nhà xuất bản Văn học, 2001, trang 19-20.

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia