I. Dinh phủ từ cuối đời các chúa Nguyễn đến thời Nguyễn Huệ Quang Trung. Những câu hỏi rời
1.1. Vương phủ chúa Nguyễn qua Lê Quý Đôn và qua Thích Đại Sán, phải chăng là hai khu kiến trúc khác nhau?
Viết về những vương phủ cuối đời Nguyễn Phúc Thái/Trăn đầu đời Nguyễn Phúc Chu, nhà nghiên cứu Phan Thuận An tác giả Kinh Thành Huế (Thuận Hoá 1999) viết :
«Tất cả những công trình kiến trúc được xây dựng tại Phú Xuân qua các đợt 1687, 1691, 1693, 1694 có lẽ là những gì mà Lê Quý Đôn đã ghi lại một cách ngắn gọn:
“Tại tòa phủ mới này,(NĐX nhấn mạnh) chúa...cho trồng cây, đắp nền, xây tường, làm đường đẹp đẽ. Nhà được lợp bằng ngói, thành được xây bằng gạch, dinh vàng các báu, thật xa hoa lộng lẫy”[1]
Năm 1695, có một người ngoại quốc đến viếng Phú Xuân. Đó là Thích Đại Sán, một vị Hòa thượng Trung Hoa mà chúa Nguyễn Phúc Chu đã cho người qua mời về để hoằng dương Phật pháp cho giới Phật tử tại đây, trong đó có chúa. Trong quyển Hải ngoại kỷ sự, khi mô tả bộ mặt bên ngoài của Thủ phủ này, vị Hòa thượng đã viết một cách sơ lược:
“Sắp đến vương phủ,(NĐX nhấn mạnh) mênh mông không có thành quách, chung quanh trồng tre gai làm rào; trong tre cất một hàng trại lợp bằng cỏ tranh; mỗi trại đều có đặt súng đồng, nặng từ vài trăm cân đến vài nghìn cân, đúc rất tinh xảo, khảm châu sa phỉ thuỷ, văn vẻ sáng ngời; nhờ công chùi đánh lâu năm mới được như thế; nếu đem số đồng nầy đúc lư, đúc bình, làm đồ gia dụng, quý giá chẳng biết bao nhiêu mà kể. Sau trại súng lại có hàng rào tre gai, phía trong có vòng tường thấp, rộng chừng một, hai dặm, vương phủ ở trong ấy”[2]
Dẫn hai đoạn trích trên, ông Phan thấy có sự khó hiểu:
“Về kiến trúc Thủ phủ Phú Xuân bấy giờ, trong khi vị khách này mô tả có vẻ thô phác như thế thì Lê Quý Đôn lại cho là cực kỳ hoa lệ (nguyên văn chữ Hán)”.
Và, ông tự giải thích sự khó hiểu của mình:
“Có lẽ một người chỉ nhìn thoáng bên ngoài, còn người kia thì biết rõ bên trong”.
Lê Quý Đôn là một nhà khoa học, tuy viết chuyện của quá khứ xảy ra trước khi ông đến Thuận Hoá-Phú Xuân đến 80 năm (1694-1774) nhưng ông đã căn cứ trên tài liệu để viết đoạn trích trên nên không thể nghi ngờ độ chính xác của nó;
Thích Đại Sán đến Phú Xuân đầu năm 1695, bốn năm sau (1699) (TĐS tr.241) ông viết Hải ngoại kỷ sự về những gì mắt thấy tai nghe ở Thuận Hoá Phú Xuân, ông được chúa Nguyễn Phúc Chu “dắc vào trong cung” (TĐS, tr.33), nên ông mô tả Vương phủ lúc bấy giờ chắc cũng không sai.
Nhưng nội dung hai đoạn trích trên hoàn toàn khác nhau. Phải chăng hai tác giả mô tả hai kiến trúc khác nhau và ở cách xa nhau? Một cái là vương phủ ở Phú Xuân và một cái là Phủ Dương Xuân chăng ?
1.2. Jean Koffler viết về Vương phủ chúa Nguyễn cho biết ngoài cung điện chính ở bờ bắc sông Hương các chúa Nguyễn còn có “Cung điện thứ nhì dùng làm Cung điện mùa đông của chúa dựng lên ở bên kia sông”. Cung điện Mùa đông ấy ở đâu?
Cố đạo Jean Koffler sinh năm 1711 ở Pra-ha, ông đến Nam Hà vào năm 1740 và được chúa Nguyễn Phúc Hoạt/Khoát mời làm ngự y trong cung và rất được tin dùng. Vì chủ trương không dung người phương Tây sau đó của chúa Nguyễn, nên Jean Koffler bị buộc phải rời Phú Xuân vào năm 1755. Ông sang Bồ Đào Nha. Gặp phải lúc thủ tướng Pombal không ưa Dòng Tên nên ông bị giam vào ngục. Trong cảnh tù tội, Jean Koffler viết cuốn Nam bộ sử chí (Description historique de la Cochinchine). Trong cuốn sử chí quan trọng nầy, J.Koffler dành nhiều trang viết về Dinh phủ thời Nguyễn Phúc Hoạt/Khoát như sau;
“Dinh chúa xếp theo hình chữ khẩu, tường bọc ba lớp. Có bảy cửa chính để đi vào: cửa đẹp hơn cả hướng ra sông Hương làm thành mặt tiền cho cả toà, phía trên có vọng gác (...)
Cổng thành Phú Xuân thời Nguyễn sơ. Ảnh TL của PVS st
Sau khi vào qua cửa chính, là một cái sân thật rộng. Tiếp theo là một đại sảnh có các quan chầu chực, quan võ bên hữu, quan văn bên tả, ai nấy theo thứ bậc và phẩm trật mà đứng. Chúa Nguyễn được kiệu trên ngai vào đến sảnh, rồi chúa an vị trước một cái án có bút lông, dấu triện với hộp chu sa. Đây là khung cảnh chúa thừa tiếp những vị nào muốn thưa trình gì với chúa.
Nếu đi vào bằng các cửa hai bên của dinh chúa, thì một phía là dãy chuồng ngựa cùng các chuồng gia súc mà đáng nói hơn cả là gà đá, còn một phía là trang viện của ca kỹ (giúp vui các chúa Nguyễn).
Trong phần thứ ba của dinh đường có một hoa viên rất mực kỳ thú có lắm kỳ hoa dị sắc và hương vị đủ loại (...). Đến lớp tường bọc thứ hai thì nhỏ hơn. Chung quanh là một hành lang lát gạch, có trụ cột và mái che để khi nào trời mưa có thể dạo chơi chẳng việc gì. Nơi đây có bốn cửa cao lút tường (...). Vào tới trong, bước chân cuối cùng dừng lại ở một cái sân thật rộng. Những nhân vật chủ yếu của địa phương chiếm ngụ những ngôi nhà hạng nhất, những ngôi hạng thứ thì dành cho quyến thuộc của chúa. Sau rốt hiện ra trước mặt một dãy nhà dành riêng cho các hầu thiếp, dãy này không khác dòng tu là mấy. Nó có hành lang trông cột và một cái gác lâu (...)
Từ lớp thứ hai này tiến vào lớp thứ ba mới đích thị là dinh chúa Nguyễn ở. Lớp này gồm năm toà, chính toà có ba tầng gác và trên cùng có chòi làm vọng lâu. Từ chòi cao, không những thấy bao quát thị thành, mà còn thấy các vùng phụ cận, cùng với mấy đoạn Hương giang uốn khúc thành ra một toàn cảnh hùng vĩ. Trong các toà nhà bề thế này không có vôi, không có tường, không có đá. Toàn thể làm bằng gỗ quý, được trau chuốt, chạm trổ, mài dũa mỹ lệ, các cột chẳng hạn thì dùng một thứ gỗ màu vàng chanh được sơn son. Tưởng chừng ta lạc bước vào một nhà hát lộng lẫy với nền nhà bóng lộn như pha lê. Các cửa lớn những chỗ ở này đều được phủ bằng màn che lộng lẫy tô điểm nghệ thuật. Trên mái và ở góc mái lồ lộ những con rồng bằng đất sét trắng ngậm trong mõm những mẩu khánh vàng leng keng du dương trong gió. Nói tóm lại, mọi thứ đều được xếp đặt không phải chỉ nhắm tới cái công dụng mà thôi, mà còn để phô trương phú quý, và xem ra cung đáng mặt là của bậc vua.
Ngoài chỗ ở ấy của chúa, còn có 3 cung điện khác nữa.[...] Cung điện thứ nhì dùng làm cung điện Mùa đông của chúa dựng lên ở bên kia sông” (outre cette demeure royale (c’est-à-dire le grand palais), il y a encore trois autre palais... Le second, oui sert au roi de résidence d’hiver, est construit sur la rive opposée du fleuve[3] (NĐX nhấn mạnh).
Đoạn sử chí của Jean Koffler trên đây đã có nhiều người trích dẫn khi viết về các dinh phủ thời các chúa Nguyễn ở Phú Xuân-Huế[4]. Nhưng không rõ vì lý do gì mà chưa thấy ai quan tâm tìm hiểu cái cung điện Mùa đông của chúa dựng lên ở bên kia sông hiện toạ lạc vào địa điểm nào trên bản đồ bờ nam sông Hương hiện nay !
Vậy Cung điện mùa Đông ấy thực chất ở đâu ?
1.3. Tiến chiếm Huế xong, trước khi tiến quân ra Bắc “Diệt Trịnh phù Lê” trú tất của Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ ở đâu?
Năm 1792, Macartney được cử sang làm đại sứ của nước Anh tại Trung Quốc. Trong sứ đoàn có John Barrow biết tiếng Trung Quốc làm quản gia. Trong chuyến du hành, vào những năm 1792-1793 (năm vua Quang Trung vừa qua đời và vua Cảnh Thịnh/Quang Toản mới nối ngôi) sứ đoàn có ghé lại Đà Nẵng. Trong thời gian nầy John Barrow khởi thảo cuốn A voyage to Cochinchina in the years 1792-1793 (Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà trong các năm 1792-1793). Tư liệu dùng để viết sách gồm nhật ký của chính J.Barrow, cuốn du ký của sếp ông là Staunton và bản thảo những ghi chép của Barisy - một trợ thủ đắc lực của Nguyễn Ánh.
Tại trang 251 cuốn bút ký hiếm hoi nầy, John Barrow cho biết “Long-Niang had scarely set foot in his capital Hué-foo, before he took occasion to quarell with the King of Tung-quin”. (Long-niang hầu như chưa đặt chân tới kinh đô của mình là Huế-phủ trước khi ông ta có cơ hội để gây sự với nhà vua Bắc Hà)[5].
Từ Qui Nhơn tiến ra chiếm Phú Xuân/Huế, chiếm Huế xong, trước khi tiến quân ra Bắc làm nhiệm vụ “phù Lê diệt Trịnh”, Nguyễn Huệ không đặt chân vào Huế-phủ (tức đô thành Phú Xuân xây dựng từ thời Nguyễn Phúc Khoát và được Jean Koffler mô tả ở đoạn 1.2 trên) thì trú tất[6] của Nguyễn Huệ lúc ấy ở đâu ?
Có thể giải thích ông chưa đặt chân vô Huế-phủ vì Huế-phủ lúc đó đang ngổn ngang hàng ngàn xác quân Trịnh vừa bị quân Tây Sơn giết chết. Nguyễn Huệ không đặt chân vô Huế-phủ nhưng chắc chắn ông cũng không dựng trại ở ngoài trời mà ở trước khi tiến quân ra Bắc.Với vị thế một vị tướng quân như Nguyễn Huệ ông phải trú tất trong một khu dinh phủ nào đó ngoài Huế-phủ. Vậy dinh phủ đó là dinh phủ nào ? Ở đâu ?
1.4. Cái dinh thự/cung điện nào được Nguyễn Huệ cho xây gấp thành bao bọc chung quanh ?
Sau khi hoàn thành sứ mệnh “Phù Lê diệt Trịnh” ở Bắc Hà, Nguyễn Huệ kéo quân trở lại Phú Xuân đem theo nhiều của cải quý giá của Bắc Hà. Theo dõi tình hình ấy, trong một lá thư viết ngày 23-7-1788, tại Phú Xuân, giáo sĩ La Bartette cho biết:
“Từ khi Tân vương (Nguyễn Huệ) về Phú Xuân, ông ấy bận phòng ngự: ông đã cho xây cất một bức tường cao 20 pi-ê (6,48m) chung quanh Dinh ông. Hình như ông gấp lắm, ông bắt mọi người làm việc sáng đêm không nghỉ. Người ta nói rằng Ông cho đặt súng đại bác chung quanh. Người ta còn nói, Ông sắp xây tường hai bên sông chảy qua Phú Xuân và đặt súng đại bác ở đó. Người ta tin rằng Ông làm như vậy vì ông sợ thủy quân (địch). Chính tại thành này ông đã cất số vàng bạc ông đã kiếm được ở Bắc Kỳ"[7].
Huế Phủ - Kinh đô (theo J.Barrow) của Phú Xuân từ đời Nguyễn Phúc Khoát được Jean Koffler mô tả ở đoạn 1.2 nêu trên đã có sẵn ba vòng thành rất kiên cố. Lúc tiến quân ra Bắc Hà Nguyễn Huệ chưa đặt chân vào đó. Và khi trở lại Phú Xuân nếu ông vào ở trong Huế-phủ thì ông xây thêm một bức thành cao 20 pi-ê nữa liệu có kiên cố hơn những bức thành đã có không? Theo nội dung đoạn trích thư của La Bartette nêu trên thì đó là một Dinh thự/một cung điện khác chưa có thành đủ sức chống lại với thuỷ quân của địch chứ không phải Huế-phủ tức thành Phú Xuân thời Nguyễn Phúc Hoạt/Khoát. Vậy cái dinh thự được Nguyễn Huệ cho xây gấp rút chung quanh bức thành cao 20 pi-ê ở đâu ?
1.5. Sau khi lên ngôi hoàng đế, Bắc tiến đánh đuổi 29 vạn quân Thanh vua Quang Trung trở về Phú Xuân cho “đắp thêm thành quách, mở rộng cung điện” nào?
Sách Lê Quý Dật Sử viết rằng vào năm 1789 (Kỷ Dậu) sau khi Bắc tiến đánh đuổi quân Thanh “Nguyễn Huệ thắng trận trở về, bèn…đắp thêm thành quách, mở rộng cung điện”[8].
Sau khi lên ngôi hoàng đế và chiến thắng 29 vạn quân Thanh, vua Quang Trung cho xây Phượng hoàng trung đô ở Nghệ An. Như vậy ông không sửa sang Thành Phú Xuân làm gì. Vậy ông đã cho “đắp thêm thành quách, mở rộng cung điện” nào ?
1.6. Cung điện nào của vua Quang Trung đã bị Nguyễn Vương cho quân lính đập phá tan tành?
Chúng ta không biết Cung điện hay Dinh của vua Quang Trung hồi ấy ở đâu, bởi vì khi Nguyễn Vương trở lại Phú Xuân cuối năm 1801, ông ta đã cho quân lính đập phá tan tành. Ông Barisy một trợ thủ đắc lực của Nguyễn Ánh lúc ấy rất đau lòng khi viết:
“Nguyễn Vương đã để cho cướp phá tất cả dinh thự của các tướng địch (Tây Sơn) và tôi tức giận các binh lính đã đập vỡ và phá hủy tất cả những thứ lọt vào tay họ; chắc chắn có những toà nhà tuy xây cất theo lối Trung Hoa nhưng nếu ở Paris thì có lẽ được coi là những lâu đài tráng lệ, nhiều vườn đẹp trồng nhiều dị thảo và nhiều bình choé Nhật Bản”[9]
Barisy viết là “dinh thự của các tướng địch (Tây Sơn)”. Dinh thự của các tướng mà còn bị đập nát như thế sá chi dinh thự của Hoàng đế Quang Trung ! Cũng theo tinh thần của đoạn trích, những dinh thự bị đập đó không nằm trong Đô thành Phú Xuân. Phải chăng dinh thự của vua Quang Trung bị đâp nát đó chính là dinh thự ông đã “đắp thêm thành quách, mở rộng” như Lê Quý Dật Sử đã ghi và được nêu ở đoạn 1.5 trên ? Vậy thì Cung điện của vua Quang Trung bị quân Nguyễn Ánh đập phá đó tên gì và ở đâu ? Phải chăng đó là Cung điện Đan Dương đã được Ngô Thì Nhậm ghi chú[10] một cách cung kính dưới bài thơ Cảm Hoài ?
Sáu câu hỏi rời đặt ra từ sáu tư liệu cùng thời của Tây (Jean Koffler, John Barrow, Barisy, La Bartette), của Tàu (Thích Đại Sán), của Bắc Hà (Lê Quý Đôn, tác giả Lê Quý Dật Sử) không do triều Nguyễn kiểm soát. Nhờ thế mà nó còn lưu lại được đến ngày nay. Tất cả 6 câu hỏi rời đó lại tập trung vào một điểm: Đó là một nơi ở quan trọng có liên quan đến Nguyễn Huệ/Quang Trung. Sử nhà Nguyễn không hề đề cập đến cung điện nầy. Vậy làm sao tìm được sự thực ?
2. Vì sao Phủ Dương Xuân của các chúa Nguyễn ở bờ nam sông Hương bị mất tích ?
Đến đời Tự Đức soạn Đại Nam Nhất Thống chí, soạn vừa xong thì xảy ra sự kiện thất thủ Kinh đô năm Ất dậu (1885), đời Thành Thái - Duy Tân chỉnh lý lại và khắc in (1913), ở tập Thừa Thiên Phủ (t.Thượng) bộ sách trên đã nhắc đến Phủ Dương Xuân khi viết về Gò Dương Xuân với một thông báo hết sức khó hiểu như sau.
«GÒ DƯƠNG-XUÂN. Ở phía tây bắc huyện (Hương Thủy) 15 dặm; thế gò bằng thẳng rộng rãi, chỗ cao chỗ thấp, la liệt dài dặc độ vài dặm; phía nam gò có đàn Nam-Giao (NĐX nhấn mạnh), phía tây có nhiều danh-lam cổ-sát[11], cũng xưng là nơi giai thắng.
Cẩn Án: Lúc đầu bản triều khai-quốc có dựng phủ ở gò Dương-Xuân nầy. Đời vua Hiển-Tôn năm Canh-thìn thứ 9 (1700) trùng tu, cơ Tả-Thủy, đào đất được 1 cái ấn đồng có khắc chữ: “Trấn-Lỗ Tướng-Quân chi ấn” là ấn của Trấn Lỗ Tướng-Quân, nhân đó đặt tên phủ là Ấn-phủ. Từ sau khi bị binh hỏa đến nay, chỗ ấy mất tích không biết ở vào chỗ nào” (Tự kinh binh lọan kim thất kỳ xứ)[12].
(A) (B)
(A).- Bản gốc chữ Hán Đại Nam Nhất Thống Chí đời Tự Đức viết về Gò Dương Xuân (Thừa Thiên Phủ, t.Thượng, tr. 44b). Tài liệu lưu trữ tại Viện hán Nôm (Hà Nội) do Đinh Khắc Thuân sao chép hộ.
(B).- Bản gốc chữ Hán Đại Nam Nhất Thống Chí đời Duy Tân viết về Gò Dương Xuân (Thừa Thiên Phủ, t.Thượng, tr. 26b). Cả hai sách đều viết : «Từ sau khi bị binh hỏa đến nay, chỗ ấy mất tích không biết ở vào chỗ nào”»
Chiến tranh với Tây Sơn (hoặc họat động trả thù Tây Sơn) đã làm cho nhiều di tích có liên quan đến Tây Sơn/Nguyễn Huệ/Quang Trung bị đập phá như Barisy tường thuật ở đoạn 1.6 trên đây. Nhưng lúc ấy chiến tranh hai bên chưa có vũ khí hủy diệt như bom nguyên tử thả xuống Hirosima và Nagasaki trong Thế chiến hai sau nầy. Dù có bị bom nguyên tử hủy diệt kiến trúc thì người ta vẫn định vị được địa điểm những kiến trúc đã có trước đó ở chỗ nào. Sau khi nhất thống được đất nước, triều Nguyễn cho trùng tu, sửa chữa hầu hết các chùa. Vì sao nhà Nguyễn không cho tìm và phục hồi Phủ Dương Xuân ? Và cũng không cho biết có kiến trúc nào được xây dựng vào khu vực cũ của Phủ Dương Xuân. Vì lý do gì Phủ Dương Xuân bị lãng quên như thế ? Hơn một thế kỷ qua chưa một nhà sử học Việt Nam và ngọai quốc nào quan tâm và đặt ra câu hỏi đó cả.
3. Một số thông tin về Phủ Dương Xuân - Cung điện Mùa đông của các chúa Nguyễn
Từ sau khi phủ các chúa Nguyễn được xây dựng ở Kim Long (1635) và sau đó chuyển xuống Phú Xuân (1687) hằng năm các chúa phải trải qua những trận ngập lụt hết sức nguy hiểm. Ví dụ như tháng 8 năm Canh Thân (1680) “gió bão, nước lụt ngập, mặt đất sâu hơn trượng, người và súc vật bị thương và chết nhiều"[13]. Vì thế mà “Lúc đầu bản triều khai quốc có dựng phủ ở gò Dương Xuân”[14], như sách ĐNNTC Thừa Thiên phủ vừa nhắc ở trên. Giải thích lý do vì sao Nguyễn Phúc Chu cho xây dựng lại phủ Dương Xuân, nhà Huế học L.Cadière viết rằng:
“Năm 1698 ngày thứ hai trong tháng 11, một cơn bão lớn đã xảy ra, kèm theo mưa lớn và lụt. Minh Vương (tức Nguyễn Phúc Chu) cảm thấy nguy nan khi đang ngự trong Cung, đã tìm đến chỗ an toàn trên một ngọn núi nhỏ. Ngọn núi này phải chăng là nơi ở cũ tại Dương Xuân, nơi Võ Vương sau đó đã ở trong những tháng mùa đông, trong một cung điện, mà theo lời của Poivre, được xây dựng trên một cái gò (élévation). Phải chăng vì sự báo động (lũ lụt) trong năm 1698 đã khiến Minh Vương có ý định xây dựng lại Phủ Dương Xuân vào năm 1700".[15]
L. Cadière căn cứ trên Tạp chí Viễn Đông (Revue d’Extrême Orient, tome III, tr.98) cho biết nhà buôn Pháp Pierre Poivre đã từng đến Phủ Dương Xuân:Vào cuối năm 1749, sau khi mua hàng hoá ở Hội An xong, Pierre Poivre lên đường ra Huế và được chúa Võ Vương tiếp đón tử tế tại cung điện Mùa Đông vào ngày 29-11-1749.
Theo Pierre Poivre thì cung điện Mùa Đông (tức Phủ Dương Xuân) được xây dựng cũng theo qui cách của điện chính (ce palais d’hiver est construit sur le modèle du grand...)[16]. Điện chính lúc ấy là Đô thành Phú Xuân (bên trong cửa Thượng Tứ bây giờ). Trong tác phẩm Kỷ hành (Voyage) của mình, Pierre Poivre cho biết qui mô và vị trí Phủ Dương Xuân so với Điện chính ở Phú Xuân là: “le second palais, qui est plus petit, est bâti sur une élévation un peu éloignée de la rivière et n’a qu’une aile qui regarde du côté de l’eau. Le Roy pense l’hiver ou la saison des pluies qui dure quatre mois"[17] (Cung điện thứ hai nhỏ hơn, được xây dựng trên cái gò (élévation) hơi xa sông một chút và chỉ có một cánh nhìn ra phía sông. Chúa thường ngự ở đó vào mùa đông hay mùa mưa kéo dài đến bốn tháng.
Pierre Poivre được chúa Võ Vương tiếp tại Phủ Dương Xuân, ông còn nhớ và ghi lại mấy chi tiết sau (theo BAVH, tháng 7-9, 1925, tr.139):
"Le Roy était descendu dans une petite salle bâtie pour les audiences à la potre du Palais... Le Roy... me prit par la main et me conduitit sur une terrasse élevé à l’extrémité du Palais, vis-à-vis un grand étang... Tandis que J’étais sur la terrasse du Palais avec le Roy, des pauvres misérables se sont prosternés de l’autre côté de l’étang...se sont mis à crier de toutes leurs forces: à l’injustice, à l’injustice».
(Ngài bước xuống một căn phòng nhỏ dùng để tiếp tân ở ngay cửa Phủ (chứng tỏ chỗ ông ở trên cao, cửa Phủ dưới thấp - NĐX). Ông cầm tay tôi (Poivre) và dẫn tôi đến một mô đất nằm ngoài cùng của Phủ, đối diện với một cái hồ nhỏ...Trong lúc tôi đang ngồi trên mô đất... thì ở phía bờ hồ bên kia, một đám dân nghèo đáng thương đang rạp người cúi lạy Ngài, rồi ráng sức gào lên: bất công ! bất công !)
Pierre Poivre đã kể cho chúng ta biết Phủ Dương Xuân là cung điện thứ hai của chúa Nguyễn Phúc Hoạt/Khoát. Đã là cung điện thứ hai thì chung quanh Chúa còn có gia đình vợ con, cha mẹ, văn võ đình thần, và cả bộ máy phục dịch đông đảo. Như vậy Phủ Dương Xuân là một tiểu triều đình, một cung phủ có nhiều kiến trúc phải trải ra trên một khu đất tương đối rộng.
Tôi đã trích dẫn thông tin về Phủ Dương Xuân của P.Poivre vào chương V Phủ Dương Xuân mất tích trong sách Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung (Nxb Thuận Hoá 2007), nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy ở Đà Nẵng đọc sách và bổ sung cho tôi một số thông tin về Phủ Dương Xuân trích từ Nhật ký du hành gặp vua xứ Đàng Trong của James Bean - một người Anh được gặp chúa Võ Vương vào đầu năm 1765 :
« Ngày thứ 7 - […] Chúng tôi khởi hành bằng đường thủy xuống bờ sông, cùng với con đường chúng tôi đã đến, và phái dưới chiếc cầu gỗ nhỏ trên một hòn đảo, bên hữu ngạn đã có một sứ giả chực sẵn để báo cho nhà vua biết chúng tôi đã đến nơi. Người sứ giả trở ra, và các linh mục Lorrairo, Petrena muốn làm hướng đạo.
Đi bộ trên một con đường mới hoàn thành để đến một cung môn có nhiều lính gác. Tại đây, các linh mục đã đón tiếp chúng tôi. Cánh cửa mở ra và chúng tôi bước vào sân rất rộng và đẹp, dưới rải sỏi trên trang trí rất tráng lệ. Ở một phía kia là tàu tượng, nơi voi của vua ở, đối diện là tàu ngựa. Những bức tường cao 3 bộ (feet) đối nhau. Bên phải là một sảnh khá rộng giống như chỗ ngồi của quan toà, cuối nơi này nhìn ra con kênh lớn và lù lù vài khẩu trong số những đại thần công đẹp nhất tôi đã từng thấy. Dọc theo lối đi rải sỏi, chúng tôi được đưa đến một cửa khác, ở đây cũng có lính gác. […] Một cánh cửa khác mở ra cho chúng tôi tiến vào một cung điện lộng lẫy […]. Điện vua ngự là một toà nhà chống đỡ bởi 5 hàng cột, dưới lót săn quang dầu bóng láng, ngồi ngay chính giữa chiếc ngai vàng là đức vua, xung quanh có 50 lính ngự túc trực. […]. Chúng tôi xin phép được quan chiêm cung điện của vua. Ngài trả lời rằng đây không phải là cung điện nguy nga mà chỉ là “phủ mùa đông”; ở đây cũng có cung phi mỹ nữ.
Ngài chỉ cho chúng tôi nhìn quân sĩ ở trần trùi trụi bên ngoài, bảo rằng họ thường như vậy để sẵn sàng xông xáo. Trông vua đường bệ với những đặc điểm của một người Âu châu, nước da trắng. Vẻ mặt của vua là một cái gì rất dễ chịu, nhưng oai nghiêm đáng kính phục. Quân sĩ trong vương phủ là 1000, 4000 ở Kinh thành và lực lượng vũ trang hiện dịch của Phú Xuân có thể lên tới 40.000 »[18].
Mặc dù Đại Nam Nhất Thống Chí viết :«Từ sau khi bị binh hỏa đến nay (tức khi soạn ĐNNTC thời Tự Đức), chỗ ấy (tức Phủ Dương Xuân) mất tích không biết ở vào chỗ nào”, nhưng qua các tài liệu trích dẫn trên hé lộ cho biết một số thông tin về Phủ Dương Xuân như sau:
- Cung điện thứ nhì (tức Phủ Dương Xuân) dùng làm cung điện Mùa đông của chúa dựng lên «ở bên kia sông » Hương (Jean Koffler). Theo tập quán phương Đông Địa điểm xây dựng Cung điện phải có đủ yếu tố cát địa.
- Phía nam Phủ Dương Xuân có đàn Nam Giao (tức Phủ Dương Xuân nằm phía bắc đàn Nam Giao) và phía tây Phủ có nhiều cảnh đẹp chùa xưa (danh lam cổ sát) (Theo ĐNNTC, tập TTP); tức Phủ Dương Xuân phải nằm trên cái trục Kinh thành Huế và đàn Nam Giao ;
- Cung điện thứ nhì « xây dựng trên cái gò (élévation) hơi xa sông một chút và chỉ có một cánh nhìn ra phía sông ». «đối diện với một cái hồ nhỏ (étang)» (Theo Pierre Poivre);
- « Điện vua ngự là một toà nhà chống đỡ bởi 5 hàng cột, dưới lót săn quang dầu bóng láng » (Theo James Bean),
- « ở đây cũng có cung phi mỹ nữ », «Quân sĩ trong vương phủ là 1000 » (Theo James Bean). Tức là Cung điện Mùa đông (Phủ Dương Xuân) có hàng ngàn người ở, phải có nhiều nhà ở khác ngoài toà nhà chúa ngự ; trong vùng cung điện đó phải có nhiều giếng nước[19] để phục vụ cho nguồn nước sinh hoạt của hàng ngàn người.
Ta có thể tóm tắt: Phủ Dương Xuân hay cung điện Mùa đông của các chúa Nguyễn nằm trên đồi (élévation) có đủ yếu tố cát địa về phía bắc đàn Nam Giao bên bờ nam sông Hương. Phía tây Phủ có nhiều cảnh đẹp chùa xưa, trong Phủ có nhiều kiến trúc mà có một cánh nhìn về sông Hương, địa thế của Phủ có chỗ cao chỗ thấp và có một cái hồ nhỏ.
4. Dấu tích một vùng kiến trúc bị đập phá trên ấp Bình An.
Căn cứ vào những thông tin trên, qua điền dã tôi đã tìm được khu vực (tạm gọi là X) nằm hai bên bờ Suối Tiên trước các chùa Thiền Lâm, Vạn Phước, Diệu Đức thuộc ấp Bình An, P.Trường An hội đủ các yếu tố nêu trên :
- X nằm ở phía bắc đàn Nam Giao, trên gò Phú Xuân (một phần cắt ra từ Gò Dương Xuân từ thời Gia Long), đúng với đặc điểm élévation mà P.Poivre đã nêu ;
- Dưới chân gò bên bờ Suối Tiên còn dấu tích một cái hồ đang được trồng rau răm như P. Poivre đã cho biết;
- Phía tây khu vực đó còn nhiều dấu tích chùa xưa như chùa Tịnh Độ, chùa Tuệ Lâm, chùa Kim Tiên như ĐNNTC đã ghi ;
- Dưới nền đất chùa Thiền Lâm hiện nay (mới di chùa vào từ cuối thế kỷ XIX khi người Pháp làm Nam Giao Tân Lộ), dưới nền nhà ông Nguyễn Hữu Oánh và nhà bà Nguyễn Thị Liên (9/17 Kiệt 120 Điện Biên Phủ), trên Cồn Bông Sứ (mé phía tây trước chùa Vạn Phước) dân địa phương bắt gặp hàng chục viên đá táng, đá tảng, hàng trăm viên đá lát chôn vùi dưới đất[20], chứng tỏ nơi đây từng có nhiều kiến trúc đã bị đập phá chôn vùi xuống đất;
- Cái gò trước chùa Vạn Phước trước đây trồng toàn Bông Sứ nên có tên gọi dân gian là Cồn Bông Sứ, chứng tỏ nơi đây từng liên quan đến cung điện, nơi thờ cúng của người xưa ;
- Địa điểm X, theo bác sĩ Dương Văn Sinh[21] - một thầy địa nổi tiếng ở Huế hiện nay, cho biết địa điểm nhà chị em bà Nguyễn Thị Liên- ông Nguyễn Hữu Oánh tại 9/17 Kiệt 120 Điện Biên Phủ, P. Trường An, có đủ các yếu tố cát địa như sau:
+ Trục chính ở địa điểm này ở vị thế “tọa Càn hướng Tốn”, nghĩa là kiến trúc được đặt vào hướng tây bắc - đông nam;
+ Phía trước có suối Tiên chảy từ trái sang phải, xa hơn nữa (khoảng 3 km) có núi Thiên Thai (cũng có tên là núi Hỏa Diệm) làm án;
+ Phía bên tay trái là dãy gò đồi bị đường Nam Giao Tân Lộ cắt ngang thuộc hành Mộc (dài) - Tay long;
+ Phía bên tay phải là Cồn Bông Sứ, thuộc hành Kim (tròn) - Tay hổ;
+ Phía sau là đỉnh gò chạy thẳng xuống bờ sông thuộc hành Thủy - Hậu chẩm.
Khu vực phía bắc đàn Nam Giao không thể có một địa điểm thư hai có đủ các yếu tố cát địa như địa điểm nầy.
Qua những thông tin điền dã trên ta có thể kết luận đã tìm được dấu tích Phủ Dương Xuân trong khu vực nằm hai bên bờ Suối Tiên trước các chùa Thiền Lâm, Vạn Phước, Diệu Đức thuộc ấp Bình An, P. Trường An. Nhưng vì sao ĐNNTC lại viết « Từ sau khi bị binh hỏa đến nay (tức khi soạn ĐNNTC thời Tự Đức), chỗ ấy (tức Phủ Dương Xuân) mất tích không biết ở vào chỗ nào”. Xin xem câu trả lời ở đoạn 5 sau đây.
5. Cung điện Đan Dương của vua Quang Trung bị huỷ diệt nên Phủ Dương Xuân tiền thân của nó cũng tiêu tan.
Qua điền dã tôi thấy trong khu vực X còn lưu lại dấu tích nhiều giếng cổ mà người dân gọi là «giếng loạn». Chứng tỏ trong vùng X nầy đã từng có nhiều người ở. Vào năm 1930, ông Phó bảng Nguyễn Đình Hiến (hiệu Ấn Nam, biệt hiệu Mạnh Khả), nguyên chức Phủ doãn Thừa Thiên (1921), thấy vùng X nầy đang bỏ hoang giữa một vùng dân cư đông đúc lấy làm lạ bèn vạch cỏ cây đến chơi và bắt gặp một trong những cái giếng cổ bỏ hoang. Ông bỏ công tìm hiểu cặn kẽ và viết bài văn Cổ kính trùng viên thuyết dài 2.200 chữ. Viết xong ông đưa cho Thượng thư bộ Binh Phạm Liệu đọc và có lời bình trước khi ông cho khắc lên bia để dựng bên giếng cổ[22]. Trong bài văn ông Phó bảng Nguyễn Đình Hiển tự đặt câu hỏi “Cái giếng này do ai bắt đầu đào, đào vào thời nào? Vì sao lại bỏ hoang? […] « có chi lạ lẫm khôn lường mà bị thất truyền nhỉ?». Ông tự hỏi như thế và có lẽ ông đã ngầm hiểu « chuyện lạ lẫm khôn lường ấy » nên ông mới quyết định cho dựng tấm bia cốt « để làm mới cái cũ mà dựng lại cái đổ nát vậy » Hiểu được ý ông nên người bạn đồng châu Quảng Nam của ông là Thượng thư Tiến sĩ Phạm Liệu mới hạ một lời bình ngắn gọn mà thật ý nghĩa: "Câu chuyện này, trong cái nhỏ thấy cái lớn, khá gọi là lạ lùng thú vị". Một cái giếng bỏ hoang có gì mà hai nhà khoa bảng nổi tiếng đất Quảng nhất phẩm triều đình phải bỏ công viết văn, khắc bia ? Ông Nguyễn dựng tấm bia để « dựng lại cái đổ nát ». Cái đổ nát ấy là cái gì ? Ông Phạm nói chuyện cái giếng là « cái nhỏ » để « thấy cái lớn », cái lớn ấy là cái gì ? [23]
Tìm hiểu thêm, tôi được dân chúng địa phương cho biết khu vực X nầy suốt thế kỷ XIX không ai được đến đây. Mãi đầu thế kỷ XX mới có người đến và những người đó là những quan lại có thế lực trong triều Nguyễn như cụ Thượng Nguyễn Đình Hoè, cụ Thượng Phạm Liệu và sau đó là cụ Thượng Phạm Quỳnh. Lúc mấy cụ mới đến thấy trong khu vực nầy có nhiều loại đá táng cột, đá chóp đầu trụ, đá lát, gạch vồ…Cụ Phạm Liệu cho tận dụng một số đá phế liệu qui tập được trong vùng xây cho bà thân mẫu cụ một cái lăng. Nhiều viên đá chóp trụ, đá táng lớn, ghế đá không tận dụng được vẫn còn lưu lại đây đó chung quanh ngôi lăng đá.
Ngôi lăng xây bằng đá tận dụng của thân mẫu cụ Phạm Liệu
Cụ Nguyễn Đình Hoè thì giúp các nhà sư sử dụng đá táng cột thu được trong vùng để làm chùa Vạn Phước thay cho am Phổ Phúc.v.v. Sau nầy chùa Vạn Phước xây dựng lớn, kiến trúc truyền thống dựng cột trên đá táng không còn nữa nên hàng chục viên đá táng cột xưa vẫn còn lưu lại ở chùa Vạn Phước đến ngày nay. Cụ Nguyễn Đình Hiến « khai hoang » khu vực bên bờ nam Suối Tiên xây dựng vườn cảnh Thuỷ Thạch Uynh cho mình[24]. Cùng đi thăm khu vực nầy với chúng tôi hồi năm 1989, Giáo sư Trần Quốc Vượng khẳng định rằng « Đây là khu đất bị trừng phạt (terre maudite)». Tức là Phủ Dương Xuân của các chúa Nguyễn bị trừng phạt. Vì sao Phủ Dương Xuân bị trừng phạt rồi giả vờ viết « mất tích không biết ở vào chỗ nào» ?
Theo trích dẫn ĐNNTC ở trên, nhà Nguyễn gọi Phong trào Tây Sơn/Nguyễn Huệ/Quang Trung là «loạn». Trong khu vực X, có nhiều giếng hoang và người dân xưa nay gọi là «giếng loạn » như đã nêu trên. Cũng có nhiều mồ chôn vô chủ (kể cả nhiều mộ chôn tập thể) trong vùng X có tên là «mã loạn». Dân địa phương còn nhớ câu ca dao « Chiều chiều mây kéo về kinh, Ếch kêu giếng loạn thảm tình đôi ta ». Đó là biểu hiện khu vực nầy có quan hệ với Phong trào Tây Sơn hay Nguyễn Huệ/Quang Trung. Nghiên cứu trên thư tịch, trong thơ văn của Phan Huy Ích[25] và Đại Nam Nhất Thống Chí[26] ta còn biết Thái sư Bùi Đắc Tuyên đầu triều Cảnh Thịnh/Quang Toản đã từng chiếm chùa Thiền Lâm trong khu vực X làm dinh Thái sư, triều đình vua Cảnh Thịnh phải làm việc với Thái sư tại chùa Thiền Lâm. Vì sao Bùi Đắc Tuyên không chiếm các chùa khác hay sử dụng một phần Thành Phú Xuân bên bờ bắc sông Hương để ở và làm dinh Thái sư mà lại đi chiếm chùa Thiền Lâm ? Tôi đã trả lời câu hỏi nầy trong công trình Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung. Bùi Đắc Tuyên chiếm chùa Thiền Lâm để làm dinh Thái sư để được hưởng cái bóng chính thống toả ra từ Cung điện Đan Dương - nơi táng bảo y Hoàng đế Quang Trung[27].
Kết luận: Đến đây ta có thể tóm tắt câu chuyện lịch sử nêu trên: Để tránh lụt lội những tháng cuối năm ở Kim Long - Phú Xuân, thời các chúa Nguyễn cho lập một dinh phủ trên gò Dương Xuân bên bờ Nam sông Hương đúng vào vị trí phía bắc đàn Nam Giao sau nầy. Dinh phủ thứ hai nầy mang tên địa phương là Phủ Dương Xuân. Phủ ở trên gò cao nên cũng có tên là Phủ Thượng. Thời chúa Nguyễn Phúc Chu, chúa rất mộ đạo Phật nên cho lập một ngôi chùa bên cạnh Phủ và đặt tên là chùa Thiền Lâm. Năm 1695, Chúa mời Hoà thượng Thích Đại Sán, bên Trung Hoa đến Phú Xuân để hoằng dương Phật pháp cho giới Phật tử và hoàng gia và Hoà thượng được trú tại chùa Thiền Lâm. Hoà thượng cũng được mời vào Phủ chúa và Hoà thượng đã ghi lại những gì Hoà thượng thấy trong Phủ chúa trong Hải Ngoại Kỷ Sự. Cảnh quan dân dã của Phủ chúa ở Dương Xuân qua mắt Thích Đại Sán khác với cảnh quan Phủ chính xa hoa lộng lẫy ở Phú Xuân trong Phủ Biên Tạp Lục của lê Quý Đôn. Đến đời Nguyễn Phúc Hoạt/Khoát, Phủ Dương Xuân được đại trùng tu cho tương xứng với vị thế mới của Võ Vương. Viên ngự y Jean Koffler của ông gọi Phủ Dương Xuân là Cung điện Mùa đông. Vào năm 1749, Võ Vương tiếp nhà buôn Pháp P. Poivre, mười sáu năm sau - 1765, ông lại tiếp J. Bean ở đây. P. Poivre cũng như J. Bean đều bắt chước người đồng hương châu Âu trước đây - J. Koffler, cũng gọi Phủ Dương Xuân là Cung điện Mùa đông. Cái tên ấy được ghi rõ trong Kỷ Hành và Nhật ký đến Nam Hà …của hai người. Cuối đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát/Hoạt, và đời Nguyễn Phúc Thuần sau đó, Xứ Đàng Trong (Nam Hà) lâm vào cảnh khốn cùng gây ra bởi đại nạn tham nhũng của Trường Phúc Loan. Đô thành Phú Xuân lọt vào tay quân Trịnh trên mười năm và đến năm 1786, lại vào tay quân đội Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ. Đánh chiếm Huế được Huế Nguyễn Huệ không vào Thành Phú Xuân như John Barrow đã viết. Ông lấy Phủ Dương Xuân làm trú tất. Bởi vì Phủ Dương Xuân ở trên gò cao không sợ thuỷ quân của đối phương, lại gần đường thượng đạo, thích hợp với đội quân người Thượng và đàn voi ngựa đông đảo của ông. Sau đó không lâu ông tiến quân ra Thăng Long làm nhiệm vụ « Diệt Trịnh Phù Lê ». Lúc trở lại Phú Xuân ông mang theo nhiều của cải vật chất quý giá. Để bảo vệ số của cải nầy ông cho xây một bức thành cao 20 pi-ê chung quanh Phủ Dương Xuân như La Bartette đã phản ảnh. Đến cuối năm 1788, ông đăng quang ở Núi Bân lấy niên hiệu là Quang Trung rồi thúc quân ra đánh đuổi 29 vạn quân Thanh, giải phóng Thăng Long. Đầu năm 1789, trở lại Phú Xuân với tư cách là Hoàng đế Quang Trung vừa đại thắng quân Thanh ông cho mở rộng Phủ Dương Xuân, xây dựng thêm nhiều kiến trúc và đổi tên Phủ Dương Xuân thành Cung điện Đan Dương như Lê Quý Dật Sử đã viết. Đến mùa thu năm 1792, do phải đối phó với nhiều quốc sự căng thẳng ông bị bệnh huyễn vận và qua đời. Để giữ bí mật triều Quang Toản thực hiện lời căn dặn của ông, bảo y của ông được táng ngay trong Cung điện Đan Dương. Từ đó Cung điện Đan Dương thành Đan Lăng. Bùi Đắc Tuyên là cậu của vua Quang Toản, được đặt làm Thái sư. Bùi đến chiếm chùa Thiền lâm bên cạnh Đan Lăng để lấy thế chuyên quyền. Năm 1795, Bùi bị « đảo chính » và dìm nước chết. Tất cả những bí mật chung quanh Đan Lăng đều bị bật mí. Cuối năm 1801, Nguyễn Ánh trở lại Phú Xuân, « vì chín đời mà trả thù », Nguyễn Ánh thực hiện chính sách « tận pháp trừng trị » nhà tây Sơn, lăng Đan Dương quật phá và chôn sâu xuống đất, hài cốt vua Quang Trung bị giả nát, đầu lâu giam bị giam vào ngục thất. Cung điện-lăng Đan Dương bị xoá sạch. Khu vực bị trừng phạt đổi tên là ấp Bình An và cấm dận chúng không được lai vãng. Là tiền thân của Cung điện Đan Dương-lăng Đan Dương đã bị xoá, bị chôn sâu xuống đất nên Phủ Dương Xuân «mất tích không biết ở vào chỗ nào» là chuyện tất nhiên. Đến đầu thế kỷ XX, các quan triều Nguyễn biết chuyện đó nhưng không dám công bố. Hai vị đại thần người Quảng gởi gắm thông tin đó trong tấm bia Cổ Kính Trùng Viên Thuyết. Tôi may mắn được hồn thiêng sông núi phò trợ phát hiện được và công bố trong cuốn sách Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung. Nơi táng thi hài của vua Quang Trung đã bị quật phá hủy hoại, còn chờ khai quật khảo cổ học để xác định. Nhưng khu vực xây dựng Cung điện Đan Dương có thể khẳng định được ở ấp Bình An, P. Trường An ngày nay. Đó là câu trả lời chung cho tất cả những câu hỏi đặt ra trong tham luận nầy. Kính mong Hội thảo quan tâm và góp ý kiến cho những chỗ bất cập. Nếu hội thảo không bác bỏ được kết quả nghiên cứu của tôi thì ngay trong Hội thảo nầy nên có một lời đề xuất với các ngành chức năng ở địa phương nên đặt ngay một bát hương tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung ở tại khu vực ông đã sống qua nhiều năm và trút hơi thở cuối cùng 216 năm trước. Xin cám ơn.
Gác Thọc Lộc, 1-5-2008,
Nguyễn Đắc Xuân
Tài liệu tham khảo
Đặng Phương Nghi, Vài tài liệu mới lạ về những cuộc Bắc tiến của Nguyễn Huệ, T/s Sử Địa, số 9-10, Đặc khảo về Quang Trung, số đặc biệt Xuân Mậu Thân/1968
Đặng Phương Nghi, Những ngày tàn của Tây Sơn dưới mắt các giáo sĩ Tây phương, t/s Sử Địa số 21/1971, chuyên đề 200 Phong trào Tây Sơn
John Barrow, A voyage to Cochinchina in the years 1792-1793 (Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà trong các năm 1792-1793, London 1806
Jean Koffler, Description historique de la Cochinchine (Nam hà sử chí), tr.572-574, Bửu Ý dịch, T/S Văn Nghệ Huế, số 1 tháng 11-1988
Léopol Cadière, Les Résidences des Roi de Cochinchine (Annam) Avant Gia Long, Paris Imprimerie Nationale 1916
Léopol Cadière, Le Quartier des Arènes, II. Souvenirs des Nguyễn, BAVH, Juillet-Sept 1925
Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, bản dịch của Lê Xuân Giáo, PQVKĐTVH xb, Sài Gòn, T.I, 1972
Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Nhậm tác phẩm, Q.1, Linh Ngọc và Mai Quốc Liên dịch, Nxb Văn học và TTNCQH xb, 2001
Nguyễn Đắc Xuân, Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nxb Thuận Hoá, Huế 2007.
Nguyễn Phương, 82 năm lịch sử (1802-1884), Đại học Sư phạm Huế xuất bản, Huế-1963.
Nguyễn Sinh Duy, Quảng Nam và những vấn đề sử học, Nxb Văn Hoá Thông Tin, HN.2006
Nguyễn Thừa Hỷ (dịch), Một chuyến du hành đến xứ Nam hà (1792-1793), Nxb Thế Giới HN.2008
Phan Thuận An, Kinh Thành Huế, Nxb Thuận Hoá, Huế 1999
Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, bản dịch của Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế xb, Huế 1963
Nhân chứng: Thượng toạ Thích Chơn Trí, bà Nguyễn Thị Liên, ông Nguyễn Hữu Oánh, ông Nguyễn Minh Vân (con cụ Nguyễn Đình Hiến) và nhiều nhân chứng khác.
[*] Hội thảo Khoa học Tây Sơn Thuận Hoá Và Anh Hùng Dân Tộc Nguyễn Huệ Quang Trung
[1] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, bd của Lê Xuân Giáo, PQVKĐTVH xb, Sài Gòn, T.I, 1972, tr.98.
[2] Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sư, bản dịch của Ủy ban Phiên dịch Sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế xb, 1963, tr.34
[3] J. Koffler, Nam hà sử chí, tr.572-574, Bửu Ý dịch, T/S Văn Nghệ Huế, số 1 tháng 11-1988, tr.35
[4] L. Cadière cố ý tìm nhưng bỏ cuộc. Xem Nguyễn Đắc Xuân, Sđd, tr. Tr.153-161
[5] Nguyễn Thừa Hỷ (dịch), Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793), Nxb Thế Giới HN.2008, tr.26
[6] Chỗ vua nghỉ lại khi đi đường
[7] Trích lại của Đặng Phương Nghi, Vài tài liệu mới lạ về những cuộc Bắc tiến của Nguyễn Huệ, T/s Sử Địa, số 9-10, Đặc khảo về Quang Trung, số đặc biệt Xuân Mậu Thân/1968, tr.235
[8] Bùi Dương Lịch (?), Lê Quý Dật Sử, bd của Phạm Văn Thắm, Nxb KHXH, HN 1987, tr.90, trích lại của PTA
[9] Trích lại của Đặng Phương Nghi, Những Ngày tàn Của Tây Sơn Dưới Mắt Các Giáo Sĩ Tây Phương, t/s Sử Địa số 21/1971, chuyên đề 200 Phong trào Tây Sơn, tr.180
[10] Ngày 29-7 (nhuận) năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung mất. Ngô Thì Nhậm được cử sang Trung Quốc báo tang và cầu phong cho vua Cảnh Thịnh (Quang Toản). Vì uy tín của vua Quang Trung rất lớn, nhà nước Trung Hoa lúc ấy đã có những nghi lễ đón tiếp trọng thị. Điều đó làm cho Ngô Thì Nhậm càng cảm niệm công ơn to lớn của vua Quang Trung. Trong khi đang xúc động ấy, ông đã viết bài Cảm hoài (Xúc động trong lòng). Câu 8 bài thơ: “Đan Dương cung điện nhật tam thu”. Trông về Cung điện Đan Dương một ngày coi bằng ba thu). Tác giả giải thích rõ thêm hai chữ Đan Dương bằng một ghi chú (référence) gần đầy một trang. Trong lời chú thích ấy có thông tin “Cung điện Đan Dương là sơn lăng kính giữ bảo y của tiên hoàng ta” . Bản gốc chữ Hán bài thơ Cảm Hoài trong tập Hoàng Hoa Đồ Phả (tr.12 a và 12 b), ký hiệu A.2871, Viện Hán Nôm 183 Đặng Tiến Đông, Hà Nội. Bản dịch của Lê Nguyễn Lưu.
[11] Cổ sát là cảnh chùa xưa (ancien pagode)
[12] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí, Thừa Thiên Phủ (Tập Thượng), Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hoá Bộ QGGD xb, SG 1961, tr. 65
[13] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, bản dịch của Viện Sử học, tập I, H. 1962, tr. 126
[14] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí, Thừa Thiên Phủ (Tập Thượng), Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hoá Bộ QGGD xb, SG 1961, tr. 65
[15] Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH), số tháng 7-9 năm 1925, tr.143.
[16] BAVH, số tháng 7-9 năm 1925, tr.138
[17] BAVH.....1925, tr.138.
[18] Nguyễn Sinh Duy (dịch), Nhật ký du hành gặp vua xứ Đàng Trong của James Bean, trong sách Quảng Nam và những vấn đề sử học, Nxb Văn Hoá Thông Tin, HN.2006, tr, 155-157
[19] Theo tập quán Việt Nam từ xưa đến nay giếng nước là nguồn sống quan trọng nhất của con người, không bai giờ được lấp
[20] Suốt thế kỷ XX, người dân địa phương đã chọn những viên đá đẹp bán hết nhưng cũng còn hàng trăm viên đá, hàng ngàn viên gạch được sử dụng tại chỗ hay còn lưu lại đây đó trên Cồn Bông Sứ
[21] Đương kim trưởng phòng hồi sức bệnh viện trung ương Huế
[22]Tấm bia Cổ kính trùng viên thuyết, khổ 80 x 160cm, gồm 81 dòng, đếm được 2.200 chữ, hiện đang lưu giữ tại kho Nhà bảo tàng Thành phố Huế, Lê Nguyễn Lưu (dịch), T/c Thông tin khoa học và Công nghệ (TTH), số 2 (24), Huế 1999, tr. 125-133 ; xem thêm Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Nxb KHXH, H.1993, số thứ tự 1024, tr. 553-554
[23] Đề cập đến tấm bia Cổ Kính Trùng Viên Thuyết, ông Nguyễn Minh Vân (tức Nguyễn Đình Quảng, Nguyễn Dân Trung) con trai cụ Nguyễn Đình Hiến, cho biết: Trong gia phả của họ gia đình ông, cụ Nguyễn Đình Hiến đã dặn con cháu rằng: “Nơi ở tại Huế, chỗ dốc Nam Giao, gần chùa Kiều Đàm, tôi có làm bài văn chữ Hán ... thuê thợ khắc vào bia đá nội dung nói về thời cuộc....Con cháu nên lui tới chăm sóc tấm bia nếu thấy lu mờ dơ bẩn phải lau chùi sạch sẽ, cỏ cây che khuất phải phát dọn, như vậy là báo hiếu.” (Thư viết từ Hà Nội ngày 14-1-2008)
[24] Nguyễn Đắc Xuân, Sđd. Tr.86-87
[25] Mùa Xuân ở Công quán ghi việc, Thơ văn Phan Huy Ích, tập II, "Dụ Am ngâm lục", Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam - Ban Hán Nôm: KHXH, H.1978, tr.86-87.
[26] Quốc sử quán triều Nguyễn, Chùa Thiền Lâm, Đại Nam Nhất Thống Chí, Thừa Thiên Phủ (Tập Thượng), Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Nha Văn hoá Bộ QGGD xb, SG 1961, tr.88
[27] Nguyễn Đắc Xuân, Sđd. từ tr. 108 đến 120