Vua Quang Trung mất ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (tức 16-9-1792). Do chính sách trả thù của nhà Nguyễn, lăng mộ Ông không chỉ bị phá, mà mọi dấu tích cũng không còn.
Lăng mộ vua Quang Trung ở đâu, Huế, Hà Nội, Nghệ An hay Nghĩa Bình? Những câu hỏi ấy không phải đến bây giờ, sắp đến lần giỗ thứ 200 của Ông, chúng ta mới đặt ra, mà từ lâu giới nghiên cứu cũng đã đề cập đến. Người đầu tiên khơi dậy vấn đề đi tìm lăng mộ vua Quang Trung là nhà Huế học L.Cadière, rồi Nguyễn Thiệu Lâu, Bửu Kế, Lê Văn Hoàng, Phan Huy Lê, Đỗ Bang, Phan Thuận An, Nguyễn Hữu Đính, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Viết Điền, Trần Đại Vinh, Hồ Tấn Phan... Cuộc truy tìm có lúc lặng lẽ, có lúc rầm rộ kéo dài đến nửa thế kỷ nay.
MỘ CỔ LINH ĐƯỜNG ( Hà Nội)?
Sử cũ ghi rằng, sau khi vua Quang Trung mất, triều Tây Sơn cử Ngô Thì Nhậm dẫn đầu một đoàn ngọai giao sang nước Thanh báo tang. Trong tờ biểu có nói: Vâng lời dặn của vua Quang Trung, sau khi chết táng ở Tây hồ Bắc thành để tỏ lòng mến nhớ cửa khuyết. Vua nước Thanh tin lời, ban tên thụy là Trung Thuần và làm một bài thơ để viếng. Lại cho thêm một pho tượng Phật, 3.000 lạng bạc để lo việc tang ma và phái Án sát Quảng Tây là Thành Lâm sang làm lễ tế tại mộ ở Linh Đường (thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội). Trong bài văn tế của nhà Thanh có câu: “Chúc phúc ngôi Nam cực, lòng trung đã tỏ trước sân triều. Yên giấc ở Tây hồ, dù hết đời không quên quyến luyến cửa khuyết”. Bài thơ viếng ấy khắc vào đá dựng bên tả mộ.(1)
Dẫu rằng sử cũ cũng ghi đó là mộ giả, nhưng nhìn lăng đá uy nghiêm đứng sừng sững cách đình làng Linh Đường chừng 700 mét về phía bắc, cách quốc lộ 1A chừng 1 km về phía đông, cửa lăng lại ngoảnh trông về khoảng trời phía nam, bao người đã đặt niềm hy vọng trong cuộc truy tìm lăng mộ vua Quang Trung?
Phải nói ngay rằng đó cũng là kỳ vọng lớn của cuộc khai quật mộ cổ Linh Đường do Viện Khảo cổ học và Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì phối hợp tổ chức ngay sau khi ngôi mộ bị kẻ gian đào trộm vào mùa đông năm Kỷ Tỵ (1989). Nhưng kết quả cuộc khai quật đã xác định chủ nhân của nó không phải là vua Quang trung mà, theo các số đo nhân học của tử thi, có thể đoán định đó là một người đàn bà xinh đẹp, cao khoảng 1,5m, khuôn mặt cân đối, dáng đẫy đà, tuổi ngoài 60.
LĂNG BA VÀNH (Huế)?
Trên đường đi tìm lăng mộ vua Quang Trung ở Huế từ thập kỷ 40 cho đến gần đây, người ta vẫn tập trung chung quanh một ngôi lăng lớn ở Cư Chánh, thường gọi là lăng Ba Vành. Đã có những công trình khảo cứu rất công phu tốn không ít công sức, giấy mực của Nguyễn Hữu Đính, Trần Viết Điền...chứng minh lăng Ba Vành chỉ có thể là lăng Quang Trung.
Chúng tôi tán thành ý kiến của một số nhà nghiên cứu cho rằng, lăng Ba Vành không phải là lăng mộ vua Quang Trung. Lăng Ba Vành là lăng của ai? Nhà nghiên cứu văn học cổ Trần Đại Vinh ở khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Huế đã đọc được toàn văn tấm bia (đá bị đục, xóa), dựng trước lăng Ba Vành và khẳng định đó là lăng mộ cũ của Lê Quang Đại, người làng Đồng Di, huyện Phú Vang cũ, Hộ bộ kiêm Binh bộ tại Chính dinh Phú Xuân thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, mất năm 1745.
Mặt khác, nếu lăng Ba Vành là lăng mộ của vua Quang Trung thì nó không thể tồn tại được đến ngày nay với cái qui mô đồ sộ, còn khá nguyên vẹn chỉ cách trung tâm Kinh đô nhà Nguyễn chừng 7 km đường chim bay. Ai cũng biết vua quan nhà Nguyễn đã đem hết phép để trừng trị và đã tìm hết cách để xóa đi mọi dấu tích có thể làm gợi nhớ đến triều Tây Sơn, nhất là đối với người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung.
Các sử thần nhà Nguyễn cho biết, sau khi chiếm lại được Phú Xuân (1801), Nguyễn Ánh đã ra lệnh “phá hủy mộ giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ, bổ săng, phơi thây, bêu đầu ở chợ” (Đại Nam thực lục). Đến mùa đông năm sau (1802) lại bắt “đào phá mộ Nhạc, mộ Huệ, đem giã hài cốt vứt đi, giam đầu lâu vào nhà ngục, đổi ấp Tây Sơn gọi là ấp An Tây “ (Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập).
Qua hai đoạn ghi chép kể trên, ta thấy lăng mộ vua Quang Trung bị đào phá hai lần, chắc chắn đã bị san bằng hoặc trở thành “giếng huyệt” như các lăng mộ của gia tộc Ông ở Nghệ An và Qui Nhơn. Còn chi tiết về thi hài Ông, năm trước đã bị phơi thây bêu đầu thì còn đâu nữa để đến năm sau lấy xương giã vứt đi, lấy đầu lâu giam giữ trong ngục tối. Khiến ta có thể nghi ngờ về cái sọ Quang Trung trong nhà tù Khám đường. Biết đâu đã được nhân dân giữ gìn, chôn cất?
Việc truy lùng con cháu và đào phá lăng mộ gia tộc Tây Sơn đã diễn ra gần như suốt thế kỷ XIX. Thí dụ: hơn 40 năm sau, khi phát hiện ở làng Nành (nay thuộc xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội) cách Phú Xuân hơn 600 km có mộ và đền thờ mẹ con Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân, nhà Nguyễn vẫn bắt phải hủy đền thờ và đào bỏ hài cốt vứt xuống sông.
MỘT GIẢ THIẾT MỚI
Không tin lăng Ba Vành là lăng mộ vua Quang Trung, vậy thì lăng mộ vua Quang Trung ở đâu? Nhà Tây Sơn đã từng phát ra những thông tin giả, từng làm mộ giả ở Linh Đường. Còn nhà Nguyễn liệu có cố tình dấu đi những bí mật về lăng mộ Quang Trung mà họ đã biết không?
Vấn đề lăng Ba Vành và mộ Quang Trung rộ lên ở Huế gần như suốt thập kỷ 80 vừa qua, rồi tưởng như lặng im trong bế tắc. Gần đây, những tin tức về kết quả của công trình nghiên cứu “Một giả thiết về việc truy tìm lăng mộ vua Quang Trung” của Nguyễn Đắc Xuân ở Huế làm xôn xao dư lụân và cũng đã nổ ra những cuộc tranh lụân gay gắt trên diễn đàn học thuật tại Ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế và trên tờ bán nguyệt san Kiến thức Ngày nay xuất bản ở Thành phố Hồ Chí Minh. Cuối tháng 5 vừa rồi, Viện Sử học và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã mời Nguyễn Đắc Xuân ra Hà Nội trình bày về chuyên đề này. Những buổi báo cáo, trao đổi của Anh với cán bộ nghiên cứu và cán bộ giảng dạy ở một số Viện và Trường Đại học được hoan nghênh. Vậy là, các nhà nghiên cứu ở Thừa Thiên Huế đã không chịu lặng im và Nguyễn Đắc Xuân vẫn kiên trì hằng chục năm nay theo đuổi những giả thiết mà anh đã trình bày có lẽ là lần đầu tiên trong Hội nghị Bảo tồn Di tích Lịch sử và Văn hóa Bình Trị Thiên, tháng 1-1985.
Những đóng góp khoa học của Nguyễn Đắc Xuân, trước hết ở việc định hướng tìm. Từ một tín hiệu về chiếc “Lăng Đỏ”, Lăng Đan Dương mà hai cận thần của vua Quang Trung là Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích đã tiết lộ như: “Đan Dương cung điện nhật tam thu” (Trông về cung điện Đan Dương một ngày coi bằng ba thu) và ở dưới bài thơ lại có câu chú thích rằng: cung điện Đan Dương là Sơn Lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta (Thơ văn Ngô Thì Nhậm). “Khúc Đan Dương ở trước mặt, muôn nỗi cảm hòai” (Thơ văn Phan Huy Ích). Nguyễn Đắc Xuân đã hiểu và xử lý khá thành công: vua Quang Trung có ở vùng núi một cung điện có tên là Đan Dương. Sau khi ông mất, cung điện này được chuyển làm lăng của vua với các tên gọi Đan Lăng, Đan Dương Lăng, hay Sơn Lăng. Còn địa điểm tọa lạc ở đâu phải tiếp tục tìm kiếm.
Và từ một thông tin mà ai đọc sử nhà Nguyễn cũng biết: sách Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập viết: Nguyễn Huệ chết “táng vu Hương giang chi nam” (táng ở phía nam sông Hương). Nguyễn Đắc Xuân đã suy xét ra ba điều quan trọng:
1. Khẳng định lăng mộ Quang Trung ở Huế, chứ không phải ở Hà Nội, Nghệ An, hay Nghĩa Bình.
2. Lấy sông Hương làm chuẩn, có thể nghĩ lăng mộ Quang Trung ở một địa điểm gần bờ sông, vì thế cách ghi địa danh của Quốc sử quán triều Nguyễn thì cái dùng làm mốc thường ở gần cái được nói đến.
3. Phía nam sông Hương tuy dài và rộng nhưng thường bị ngập lụt, phần chôn cất được người chết thì có hạn. Nếu có phương pháp khoa học để khảo sát vẫn có thể tìm ra những nơi táng được lăng mộ của vua chúa. Rồi từ những định hướng ban đầu ấy, Nguyễn Đắc Xuân đã lục tìm trong sử sách Đông Tây và khảo sát thực địa vùng nam sông Hương, Anh đã thu được một số cứ liệu quan trọng, phát hiện một vùng kiến trúc cổ đặc biệt đã bị đổ nát, vùi lấp. Đó là một địa điểm của Phủ Dương Xuân cũ.
Tìm ra Phủ Dương Xuân đã mất tích trong sử sách là một thành công và đấy là điểm chốt của công trình Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung của Nguyễn Đắc Xuân.
Giả thiết của anh có thể tóm lược như sau:
Lúc dựng cung phủ ở Kim Long hay ở Phú Xuân, hằng năm các chúa Nguyễn đã gặp phải một trở ngại là lũ lụt. Năm 1680, chúa Nguyễn Phúc Tần đã dựng một hành cung trên gò Dương Xuân ở phía nam sông Hương để ở vào những tháng thu đông. Các chúa sau cũng tiếp tục phát triển hành cung ấy và có tên gọi là Phủ Dương Xuân. Trong Phủ Dương Xuân có dựng một cái thảo am. Thảo am này đến đời Nguyễn Phúc Chu được làm thành một tòa phương trượng lớn cho Hòa thượng Thích Đại Sán ở, gọi là chùa Thiền Lâm (1695). Khi Nguyễn Huệ làm chủ đô thành Phú Xuân (1786) đã cho xây thành chung quanh Phủ Dương Xuân để làm dinh riêng. Khi Nguyễn Huệ lên ngôi (1788), Phủ Dương Xuân được sửa chữa thành cung điện Đan Dương. Năm 1792, Ông qua đời, để giữ được bí mật tuyệt đối thi hài ông được tán ngay trong khu vực cung điện Đan Dương nên từ đó gọi là Lăng Đan Dương. Năm 1801, Nguyễn Ánh chiếm lại được Phú Xuân, Lăng Đan Dương bị đào phá chôn sâu xuống đất, do đó di tích Phủ Dương Xuân cũ buộc lòng phải cho “mất tích” và chùa Thiền Lâm phải mài đục bia biển, đổi địa chỉ để xóa đi mọi dấu tích của Tây Sơn.
Giả thiết trên và việc tìm ra Phủ Dương Xuân ở đâu trong công trình của Nguyễn Đắc Xuân được rút ra từ phương pháp luận và tư liệu của nhiều bộ môn khoa học như sử học, địa lý lịch sử, dân tộc học, Phật học, văn học cổ, văn học và văn hóa dân gian, thuật phong thủy. Anh đã vận dụng một cách thông minh phương pháp liên ngành trong việc xử lý tài liệu và giải quyết một số vấn đề gay cấn tưởng như đã bế tắc.
Nguyễn Quang Ân
(Viện Sử học )
Chú thích:
(1): Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện, Sơ tập, q.30
(Nguồn: Nguyễn Đắc Xuân Đi Tìm Dấu Tích Cung Điện Đan Dương sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nxb Thuận Hóa 2007, từ tr.280 đến tr. 286)