Trần Văn Kỷ một tín thần của vua Quang Trung

Lời thưa.- Bài nầy tôi được ông Nguyễn Huyền Anh giúp tài liệu viết từ thời gian tôi mới bắt đầu nghiên cứu về thời Tây Sơn ở Huế (1984). Đã gần 1/3 thế kỷ. Từ đó đến nay tôi cúng như các nhà nghiên cứu tìm thêm được nhiều tài liệu mới, nhưng tôi không bổ túc cho bài viết cũ vì ông Nguyễn Huyền Anh đã qua đời. Tôi xin giữ lại như một kỷ niệm không thể có lần thứ hai. NĐX

Lăng mộ Trung thư Trần Văn Kỷ ở làng Vân Trình, huyện Phong Điền

Trong khoảng hai trăm năm về trước có một nhân vật gốc Thuận Hóa – Phú Xuân đã từng làm rạng danh cho xứ sở nầy. Người ấy là Trần Văn Kỷ - người tham mưu, người tri kỷ của vua Quang Trung.
Vậy Trần Văn Kỷ là ai?

Theo tác giả Hoàng Lê nhất thống chí, tác giả Quang Trung, Nguyễn Huệ, anh hùng dân tộc (Hoa Bằng) và tác giả La Sơn Phu Tử (Hoàng Xuân Hãn) cho biết Trần Văn Kỷ là người Vân Trình thuộc xã Phong Bình. Chúng tôi (NHA) là người cùng quê với ông, lúc tuổi nhỏ được nghe làng xóm kể nhiều truyền thuyết về ông, lớn lên có điều kiện đọc sách báo tài liệu viết về ông và trong những năm chuẩn bị tư liệu viết Tự điển danh nhân Việt Nam chúng tôi có dịp đọc gia phả họ Trần ở quê hương chúng tôi.

Quanh vùng đông bắc huyện Phong Điền cũ thời xưa có câu phương dao:

“Phò trạch bán đệm, bán bao

Phù-Kênh xúc tép, làng nào long cong”.

Làng nào là tên tục của làng Vân Trình. Nằm ở một vị trí thiên nhiên thuận lợi, góp vào nhờ công lao khó nhọc ngày đêm của nhân dân trải mấy đời xây dựng mà trở nên trù phú. Kể luôn cả chính cư và ngụ cư, làng gồm bốn họ lớn là Lê, Nguyễn, Trần, Trương. Trừ họ Trương mới nhập tịch từ thời Minh Mạng, các họ khác gốc trừ trấn Thanh Hóa, di cư vào Nam thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng hồi cuối thế kỷ 16. Cả bốn đại tộc đều có những người nổi tiếng đáng kính. Đáng kể hơn là các ông Trần Văn Kỷ chức Trung thư hầu đời Quang Trung, Lê Quang Điền tước Điện Quang hầu thời Nguyễn Sơ, Thủy sư đô đốc Nguyễn Văn Tấn đời Hàm Nghi, hai vương phi họ Lê vợ vua Minh Mạng và Lê Nhữ Lâm một phụ đạo nổi tiếng thời Khải Định.

Các bậc cao tuổi ở Vân Trình thường kể rằng ngày xưa dưới thời Định vương Nguyễn Phước Thuần, vào năm Giáp Ngọ (1774) ông Trần Chánh Kỷ đến Phú Xuân dự cuộc Thu thi, sau các kỳ sát hạch ông đã đổ giải nguyên. Lưu lại kinh thành một thời gian ông có điều kiện nhận định được tình hình thối nát của cái nạn Quốc phó Trương Phúc Loan lúc ấy, nhân dân Nam Hà điêu lỉnh oán hận thấu xương. Nạn chiến tranh đe dọa gieo đau thương tang tóc khắp nơi? phía Nam anh em Tây Sơn khởi nghĩa đã phát triển ra đến tận Quảng Nam, phía Bắc quân Trịnh rấp rem đánh chiếm Phú Xuân. Vì thế ông Trần từ khước mọi mời mọc làm quan, ông lui về làng quê an phận với cảnh đạm bạc của kẻ hàn Nho.

Mấy năm liên tiếp, lụt lội hết trận này đến trận khác gây bao nỗi mất mát về tiền của và tánh mạng của dân. Trần Chánh Kỷ đã nghĩ ra việc vận động dân trồng cừa hai bên bờ sông để ngăn lụt, không cho nước lũ cuốn hết phù sa, giữ cho dân khỏi mất mùa. Dân làng rất cám ơn ông. Đến nay hàng cừa vẫn còn dù trải qua bao cuộc chiến tranh.

Sau ngày quân Trịnh chiếm Phú Xuân (1775), Trần Chánh Kỷ có dịp ra Thăng Long thi Hội. Gia phổ họ Nguyễn Huy xã Trường Lưu (Nghệ Tĩnh) có chép rằng:

“Trần Chánh Kỷ, người Thuận Hóa, đậu cử nhân (Hương cống) tới Kinh (Thăng Long), yết kiến cụ Thái bảo Nguyễn Nghiễm, hỏi đến nhân tài nước Nam, Cụ Thái bảo trả lời “Đạo học sâu xa thì lạp phong xử sĩ, văn chương phép tắc là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, còn thiếu niên đa tài đa nghệ thì có Nguyễn Huy Tự”[1].

Nhờ thế mà “Năm Bính Ngọ” (1786), Bắc Bình Vương đánh lấy thành Phú Xuân, sai người tìm Kỷ hỏi việc Nam Bắc. Kỷ đối đáp rất nhanh và rất hợp ý, nên Bắc Bình Vương rất trọng, cho ở vào chỗ màn trướng (chỗ ở của bậc tướng soái), việc gì cũng bàn với Kỷ, lúc nào cũng gần bên Kỷ, không mấy khi xa rời”[2].

Thật là một duyên may cho hai kẻ anh tài. Bởi lẽ trước mắt Trần Chánh Kỷ, Nguyễn Văn Huệ là cả một sự phối hợp giữa phong độ hiên ngang lẫm liệt với chí khí hào hùng phi thường, có một sức hút kỳ lạ. Còn Trần Chánh Kỷ với văn nhã hào sáng, với kiến thức siêu việt, khiến cho vị vua tương lai của chúng ta sinh lòng khâm phục. Vận nước éo le hình như diễn lại cuộc tao ngộ đặc biệt ngót bốn thế kỷ trước giữa hai nhân vật hiếm có của lịch sử Lê Lợi và Nguyễn Trãi.

Trần Chánh Kỷ là quân sư, là tai, là mắt là chân tay đắc lực nhất của thời kỳ rạng rỡ của ngôi sao Nguyễn Văn Huệ. Để tỏ lòng sùng ái, Nguyễn Văn Huệ phong cho Trần Chánh Kỷ chức Nội tán rồi thăng Trung thư Phụng chính. Sau khi Nguyễn Văn Huệ lên ngôi lấy niên hiệu là Quang Trung, Người đã đổi danh cho Trần Chánh Kỷ thành Trần Văn Kỷ.

Năm Cảnh Hưng thứ 47 (1786), Trịnh Tông lộng quyền bên cạnh vua Lê già yếu sắp buổi xế chiều. Thừa cơ thắng thế ở miền Nam, Nguyễn Văn Huệ thẳng tiến quân ra Bắc lấy danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh. Trần Văn Kỷ được hân hạnh theo hầu dưới trướng của Huệ.

Đại binh đánh Thăng Long hiên ngang như vào chỗ không người. Trừ xong chúa Trịnh, Nguyễn Văn Huệ được vua Lê phong chức và gả chúa Tiên (tức Ngọc Hân) cho Huệ làm vợ. Sau đó vua Cảnh Hưng mất, đưa tử cung về chôn ở Lăng Bàng Thạch (Thanh Hóa). Nguyễn Văn Huệ đích thân đi hộ tang đến tận bến sông và nhờ Văn Kỷ mặc áo trắng tiếp tục hộ tống cho đến Thanh Hóa (theo Lê Triều dã sử).

Một tháng sau đó, Nguyễn Văn Huệ rút quân trở lại Phú Xuân, (vì Phú Xuân đang bị Nguyễn Văn Nhạc uy hiếp), trong chuyến hồi binh nầy có một việc hệ trọng đã xảy ra. Đó là việc Trần Văn Kỷ tham mưu cho Nguyễn Văn Huệ tiếp xúc với La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, một vị tuc nho tinh thông đạo học mà sau nầy, trong công cuộc trị nước an dân Nguyễn Văn Huệ có nhờ đến vị ấy.

Hai năm sau (1788) trên đường kéo quân ra Bắc tiêu diệt giặc Thanh, khi nghỉ lại Nghệ An, Trần Văn Kỷ đã tham mưu cho vua Quang Trung mời Phu Tử đến hội kiến. Hội kiến xong, vua tôi rất đắc ý, Phu Tử có gợi ý nhờ mua hộ quế.

Sáu tháng sau, Trần Văn Kỷ gửi quế ra và viết thư kèm theo nội dung như sau:

“Trung thư lịnh Kỷ thiện hầu Trần Văn Kỷ kính trọng viết thư trình La Sơn đại lão tiên sinh:

Tôi tự biết nhục quế rất cay không thể điều dụng được. Vì sau lúc từ biệt ở Trận doanh, tôi nghĩ đến Ngài đã dặn về việc ấy, tôi không dám bỏ qua. Tôi bèn chọn Khánh thọ quế bảy phiến, cân được ba lạng, gói lại đánh dấu và bỏ vào ống, gửi cho ông Hàn Lâm viện Thừa chỉ kiêm công khoa đô cấp sự trung Ôn Đình Bá chuyển đệ. Rất mong tiên sinh xem và nhận cho.

Nay kính thư

Quang Trung năm thứ hai, ngày 24 tháng 9 (1789)”[3].

Nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn được đọc những bức thư của vua Quang Trung viết cho Phu Tử, ông thấy những lá thư ấy không phải của nhà vua đã viết đã đành mà lời thư ý thư cũng không phải của vua mà chính là của Trần Văn Kỷ[4]. Không những giúp vua giao tiếp với Phu Tử, ông Hoàng Xuân Hãn còn cho rằng “Trong việc Tây Sơn giao thiệp với phần lớn nhân sĩ trong nước ta đều thấy có Trần Văn Kỷ nhúng tay vào”[5]. Hoàng Lê Nhất Thống Chí đã có một dẫn chứng cho lời nhận định của ông Hãn:

Trong một cuộc tiếp kiến của các văn thần nhà Lê có một sự hiểu lầm giữa Ước Thiệu Hầu và Ngô Thời Nhậm, Ước tìm bắt Nhậm, Nhậm phải lẫn trốn. Rồi một đêm tối Nhậm tìm đến nhờ Trần Văn Kỷ che chở, Kỷ bảo:

- “Nghe ông là bậc kỳ tài, không may bị tiếng gièm pha, trốn tránh hơn năm sáu năm, sự tích lũy càng thêm tinh túy. Nay ta ứng dụng với đời, chính là hợp thời. Tôi đã đem tên ông trình với chúa thượng khen tài ông có thể dùng làm việc lớn. May mắn nay được chúa thượng rũ lòng yêu mến, đã sai tôi tìm ông, vậy ông không cần gì đến ông Ước nữa” [6].

Ngô Thời Nhậm nhờ Trần Văn Kỷ tiến lên vua Quang Trung và được trọng dụng trở nên một văn thần phụ trách việc đối ngoại rất tài giỏi của vua Quang Trung.

Diệt xong giặc Thanh ở phương Bắc, Trần Văn Kỷ đã tích cực tham mưu cho vua Quang Trung, có một chương trình diệt trừ dư đảng của chúa Nguyễn còn lén lút ở phương Nam. Nhiều công việc chuẩn bị qui mô được thi hành. Trần Văn Kỷ soạn cho vua bài chiếu ban truyền cho dân chúng hai xứ phủ Quảng Ngãi, Quy Nhơn phải đóng vai trò chủ chốt trong việc chuẩn bị tiến quân vào Nam. Ý định chưa thực hiện được thì tiếc thay vua Quang Trung đã bị chứng huyễn-vận mà qua đời. Vao lúc nhà vua lâm bịnh và qua đời một cách đột ngột, Trần Văn Kỷ luôn luôn có mặt bên cạnh Người [7].

Sau khi vua Quang Trung băng hà, Trần Văn Kỷ trãi qua những ngày khổ ải gian truân.

Vua Cảnh Thịnh còn nhỏ tuổi, người cậu là Bùi Đắc Tuyên làm phụ chánh thao túng mọi việc, chuyên quyền làm những điều xằng bậy. Trần Văn Kỷ can gián không được. Bùi không những không nghe mà còn ra tay hành động thô bại đày Trần Văn Kỷ ra làm lính ở trạm Hoàng Giang (tức sông Mỹ Chánh ngày nay).

Việc làm của Tuyên đã làm cho những trung thần của Quang Trung phẫn nộ. Trên đường ra “coi binh mã bốn trấn ở Miền Bắc”, “đại tư đồ Vũ Văn Dũng đến trạm Hoàng Giang gặp Trung thư Lịnh Trần Văn Kỷ bị đày ở đó: Dũng cùng ngủ đêm với Kỷ. Kỷ bèn nói với Dũng rằng:

- Quan Thái sư (chỉ Đắc Tuyên) chức vị đã cao tột bậc, trong tay nắm quyền làm oai làm phúc, lại đẩy ông (tức Dũng) ra ngoài, nếu có sự chẳng lợi cho Nhà nước, các ông phỏng còn giữ được đầu chăng? Bây giờ chẳng sớm liệu đi, sau nầy ăn năn không kịp. Dũng vốn tin và trọng Kỷ, bèn cho lời Kỷ là phải. Hôm sau, Dũng đem quân bản bộ gấp đường quay về, hợp mưu với thái bảo Huấn bắt phe đảng Đắc Tuyên bỏ ngục…

Quang Toản không thể ngăn nổi, đành chỉ khóc lóc mà thôi” [8].

Trãi qua cơn ác mộng thanh trừng xong bọn quyền thần gian ác, khí thế nước Nhà cơ hồ khởi sắc lại như trước. Trần Văn Kỷ được triệu hồi về kinh đô Phú Xuân thay Bùi Đắc Tuyên làm phụ chánh và coi các việc trong Viện Trung thư cơ mật.

Trong cương vị Phụ chánh, tưởng chừng oai vang lừng lẫy, nhưng kỳ thực lúc bấy giờ chỉ là một thứ hữu danh vô quyền. Mọi quyền hành đều tập trung trong tay tứ trụ đại thần là các ông đại tư đồ Vũ Văn Dũng, thiếu phó Trần Quang Diệu, thiếu bảo Nguyễn Văn Huấn và đại tư mã Nguyễn Văn Tứ. Triều đình mất kỷ cương, lòng người phân tán. Đó là một trong những yếu tố giúp cho Nguyễn Ánh sớm chiếm lại Phú Xuân, bắt đầu cho thời kỳ mạt vận của Vương triều Tây Sơn.

Khi Nguyễn Ánh đánh lấy Phú Xuân, Trần Văn Kỷ trốn thoát được và về ở ẩn tại quê nhà. Nguyễn Ánh lên ngôi xong cho người dò la tin tức Kỷ. Nghe tiếng Kỷ giỏi, Gia Long không nở tìm để giết mà để triệu hồi về giúp Gia Long.

Khi phát hiện được chỗ ở của Trần Văn Kỷ, Gia Long cho sứ giả đến khẩn khoản triệu mời. Bị đặt trước tình cảnh nan giải cực chẳng đã Trần Văn Kỷ phải theo chân sứ giả đến Kinh đô diện kiến Gia Long. Giáp mặt Gia Long xong, Trần Văn Kỷ ra bến Tượng để xuống đò trở về quê cũ với lời hứa sau khi thu xếp việc nhà xong sẽ trở lại cộng tác với triều đình mới. Con đò do dân làng Rào cấp cho Trần Văn Kỷ, giờ đây theo dòng Hương Giang từ từ xuôi qua phố Lữ, đưa trung thư Trần Văn Kỷ với nỗi dằn vặt miên man đòi đoạn tơ trăm mối tơ vò. Người có học, biết đạo lý, có lương tâm không thể nào xử trí như kẻ phàm phu. Nhất định là phải chọn lấy một phương cách tối hậu để đáp đền mối ân tình sâu đậm đối với cố nhân tri kỷ…

Tới đầu ngã ba Sình, ngôi đình làng Thanh Phước hiển hiện trước mắt. Trần Văn Kỷ ung dung bước ra ngoài khoang thuyền phục sức tề chỉnh, nét mặt trầm tỉnh. Người đưa mắt nhìn trời, trời cao lồng lộng, thấp thoáng có mấy áng mây trắng bàng bạc trôi trên làn nước bồng bềnh.

Tâm trí đã quyết, ông bước lên đứng ở đầu thuyền, ra lịnh neo thuyền chính giữa ngã ba sông rồi cho người theo hầu lui vào bên trong… Thế rồi người đã lao mình xuống sông tự vẫn. Danh sĩ Trần Văn Kỷ trong phút chốc đã theo người thiên cổ.

Ngôi đền thờ của họ Trần ở làng Vân Trình ngày nay đứng trên một khu đất cao ráo không xa những dãy cừa um tùm xanh mướt nằm bên ven sông. Đứng từ đây nhìn xuống, cánh đồng ruộng làng Rào trải dài ngun ngút mênh mông. Quan lớn Trần – (vì tôn trọng người ta không dám nhắc đến tên, đồng thời vì sợ vua quan nhà Nguyễn để ý nên nhân dân chỉ dám gọi như thế) – với di vật dãy cừa còn lưu lại đó gắn bó với lợi tức dồi dào của quê cũ, là niềm tự hào của người dân Vân Trình trải mấy trăm năm nay.

Với tài năng xuất chúng cùng với tư cách trung trinh tiết liệt của Trần Văn Kỷ - Người không chỉ là niềm tự hào của Vân Trình Bình Trị Thiên, mà còn là một tấm gương sáng chói để cho lòng người cả nước soi chung.

Ngành bảo tàng Bình Trị Thiên nên tôn tạo và gìn giữ những gì có liên quan đến Người để giới thiệu khách tham quan và để gây niềm tự hào cho con cháu mai sau. Thành phố Huế nên có 1 con đường mang tên Trần Văn Kỷ.

Huế 25-1-1984

Nguyễn Đắc Xuân và Nguyễn Huyền Anh

(Nguồn Tây Sơn Thuận Hóa những dấu ân Lịch sử, Bảo tàng Tổng hợp Bình Trị Thiên – Huế 1986, tr.130-137)

 


[1] Hoàng Xuân Hãn, La Sơn Phu Tử, Minh Tân, Pa-ri 1952, trang 109.

[2] Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê Nhất Thống Chí, bản dịch của Nguyễn Đức Vân và Kiều Thu Hoạch, Hà Nội 1970, trang 293.

[3] Hoàng Xuân Hãn, sđd, trang 132-133.

[4] Hoàng Xuân Hãn, sđd, trang 133.

[5] Như (4)

[6] Ngô Gia Văn Phái, sđd trang 293.

[7] Đại Nam chính biên liệt truyện quyển 30 tờ 41a.

[8] Ngô Gia Văn Phái, sđd, trang 399-400.

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia