Lê Ngọc Hân (chữ Hán: 黎玉忻, 1770-1799) còn gọi Ngọc Hân công chúa hay Bắc Cung Hoàng hậu (北宮皇后) là công chúa nhà Hậu Lê và hoàng hậu nhà Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam, vợ của vua Quang Trung (Nguyễn Huệ). Khi bà ở trong chùa Kim Tiên tại Kinh đô Phú Xuân bà còn có mỹ danh Bà Chúa Tiên [1]
Lê Ngọc Hân sinh ngày 27 tháng 4 năm Canh Dần (1770) tại kinh thành Thăng Long [2a]. Bà là con gái thứ 9 [3] của vua Lê Hiển Tông. Mẹ bà là Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, người xã Phù Ninh, tổng Hạ Dương, phủ Từ Sơn - Bắc Ninh (nay là xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội), và là con gái trưởng của ông Nguyễn Đình Giai.
Tháng 5 năm 1786, tướng nhà Tây Sơn là Nguyễn Huệ ra Bắc với chiêu bài "phù Lê diệt Trịnh"[2b]. Diệt xong họ Trịnh, Nguyễn Huệ tới yết kiến vua Lê Hiển Tông. Do sự mai mối của tướng Bắc Hà vào hàng Tây Sơn là Nguyễn Hữu Chỉnh, Công chúa Lê Ngọc Hân vâng mệnh vua cha kết duyên cùng Nguyễn Huệ. Khi đó bà mới 16 tuổi, còn Nguyễn Huệ 33 tuổi.
Vài ngày sau vua cha Hiển Tông qua đời, thọ 70 tuổi. Lê Ngọc Hân nghĩ anh thân hơn cháu nên ủng hộ anh là Lê Duy Cận lên ngôi, nhưng bị tông tộc nhà Lê phản đối vì muốn lập hoàng thái tôn Lê Duy Kỳ - con của thái tử Duy Vĩ đã bị chúa Trịnh Sâm giết hại - lên ngôi. Do áp lực của tông tộc, Công chúa Ngọc Hân phải nghe theo. Lê Duy Kỳ được lập, tức là vua Lê Chiêu Thống.
Ít lâu sau bà theo Nguyễn Huệ về Thuận Hóa. Lúc ấy, Nguyễn Huệ ở với bà chính hậu họ Phạm tại Phủ Dương Xuân cũ bên bờ bắc suối Tiên (sau xây dựng lại thành Cung điện Đan Dương). Hồi ấy hầu hết các chùa trong vùng chung quanh Phủ Dương Xuân đều được trưng dụng làm nơi ở tạm của quan quân nhà Tây Sơn. Công chúa Ngọc Hân được ở tại chùa Kim Tiên bên bờ nam Suối Tiên cách phủ cũ Dương Xuân chừng vài trăm mét. Từ đó bà có mỹ hiệu là bà Chúa Tiên.
Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu Quang Trung, trước khi ra Bắc lần thứ ba để diệt quân Thanh, ông phong cho Ngọc Hân làm Hữu Cung Hoàng hậu.
Tượng thờ Hoàng đế Quang Trung và Tượng thờ Hoàng hậu Ngọc Hân tại đền thờ Ngọc Hân (Làng Nành, xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội)
Năm 1789, sau khi đại thắng quân Thanh, Phủ cũ Dương Xuân được vua Quang Trung cho xây dựng lại thành cung điện Đan Dương. Ông phong cho bà Ngọc Hân làm Bắc Cung Hoàng Hậu. Bà có với Nguyễn Huệ hai người con là công chúa Nguyễn Ngọc Bảo và hoàng tử Nguyễn Quang Đức [4]
Năm 1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời, để giữ bí mật, ông được táng ngay trong cung điện Đan Dương. Từ đó cung điện Đan Dương trở thành lăng Đan Dương. Bắc Cung Hoàng hậu vô cùng đau đớn viết bài Tế vua Quang Trung.
Vua Quang Trung mất, Quang Toản là con bà Chính cung Vũ hoàng hậu Phạm Thị Liên (hoặc Bùi Thị Nhạn) lên thay, với niên hiệu Cảnh Thịnh. Cậu ruột của vua Cảnh Thịnh là Bùi Đắc Tuyên chiếm chùa Thiền Lâm bên cạnh lăng Đan Dương để ở và với tư cách Thái sư, Bùi Đắc Tuyên thay mặt vua Cảnh Thịnh độc đoán chuyên quyền điều hành việc nước. Để đối đầu với các trọng thần của vua Quang Trung xuất thân từ miền Bắc và Thuận Hóa, Bùi Đắc Tuyên đã đưa họ ra làm quan xa và lôi kéo những quan tướng bà con xa gần của thân mẫu Cảnh Thịnh về chung quanh mình ở chùa Thiền Lâm. Trung thư linh Trần Văn Kỷ từng ở dưới màn trướng của vua Quang Trung bị đẩy ra giữ trạm Hoàng Giang. Bắc Cung Hoàng hậu Ngọc Hân bị cô lập ở chùa Kim Tiên. Để có thể vượt qua hoàn cảnh hiểm nguy nầy, bà Ngọc Hân hằng ngày lo kinh kệ, thờ chồng, nuôi con và gởi gắm nỗi nhớ thương Quang Trung qua tác phẩm thơ Nôm Ai Tư Vãn. May sao, năm 1794, với lời khuyên của Trần Văn Kỷ, Đại Đô đốc Võ Văn Dũng đã làm cuộc chính biến, giết Bùi Đắc Tuyên, phục hồi lại kỷ cương triều chính của Cảnh Thịnh. Từ đó Bắc cung Hoàng hậu Ngọc Hân có một ảnh hưởng lớn đối với triều Cảnh Thịnh. Sự việc quan trọng nhất là bà đã đưa được người em gái cùng cha khác mẹ của mình là bà Lê Ngọc Bình vào làm chánh cung cho vua Cảnh Thịnh. Bà sống đến ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (4 tháng 12 năm 1799) thì mất, lúc đó bà mới 29 tuổi. Lễ bộ Thượng thư nhà Tây Sơn là Phan Huy Ích đã phụng chỉ soạn năm bài văn tế Ngọc Hân cho vua Cảnh Thịnh, cho các công chúa, cho bà Nguyễn Thị Huyền, cho các tôn thất nhà Lê, và cho họ ngoại ở làng Phù Ninh. Vua Cảnh Thịnh đích thân đọc trước linh sàng Hoàng thái hậu họ Lê. Bà được truy tặng là Như Ý Trang Thuận Trinh Nhất Vũ Hoàng Hậu. Cả năm bài văn tế trên còn được chép trong sách Dụ Am văn tập.[5] Mộ bà lúc đầu được táng gần lăng Đan Dương. Sau đó bà Nguyễn Thị Huyền nhờ Đô đốc Hài triều Cảnh Thịnh dời về làng Nành, xã Phù Ninh (nay là xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội) trước khi Phú Xuân trở về với nhà Nguyễn.
Hai người con bà là Công chúa Nguyễn Thị Ngọc Bảo và Hoàng tử Nguyễn Văn/Quang Đức, sau đó cũng qua đời. Sử nhà Nguyễn viết hai người đều chết trẻ. Nguồn tin của người ngoại quốc viết hai người đều bị nhà Nguyễn bắt và có thể bị giết cùng chung với các người con khác của Nguyễn Huệ/Quang Trung. Sử nhà Nguyễn cũng cho biết hài cốt hai người con của Ngọc Hân cũng được bà Nguyễn Thị Huyền nhờ người bí mật dời về làng Nành (Bắc Ninh) “ngầm xây mộ, dựng đền, khắc bia giả, đổi lại họ” để bí mật phụng thờ. Đến đời vua Thiệu Trị, bị phát giác, mộ bị đào hài cốt bị vất xuống sông, miếu thờ bị đập phá. Tuy nhiên người dân địa phương quý trọng mẹ con bà vẫn gìn giữ dấu tích cũ.
Chú thích
[1] Thăm chùa Kim Tiên: Qua "Ai tư vãn" của Công chúa Ngọc Hân.
[2] a b Theo TS. Trương Văn Quả, tr. 331.
[3] Theo Lịch triều tạp kỷ của Ngô Cao Lãng và Hoàng Lê nhất thống chí, nhưng theo cuốn Ngự chế ngọc phả ký thì Lê Ngọc Hân là con gái thứ 21 (chú thích của TS. Trương Văn Quả, tr. 331).
[4] TS. Trương Văn Quả (tr. 332) ghi tên là Nguyễn Thị Ngọc và Nguyễn Văn Đức.
[5] Năm bài văn tế này đã được Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm tìm thấy và công bố trên tạp chí Tri Tân vào năm 1943 tại Hà Nội.
Wikipedia
Nguyễn Đắc Xuân hiệu đính