Công chúa Ngọc Hân ở chùa Kim Tiên (5): Công chúa Ngọc Hân sáng tác Ai Tư Vãn ở chùa Kim Tiên

“Ai Tư Vãn” là tiếng khóc chồng, Bắc Cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân khóc Hoàng đế Quang Trung. Tác phẩm này được sáng tác trong khoảng thời gian từ 1792 (năm vua Quang Trung qua đời) đến 1799 (năm Ngọc Hân quy tiên). Xác định được nơi bà đã ở và sáng tác nên tác phẩm này sẽ bổ sung thêm chứng cứ cho việc xác định dấu tích Cung điện Đan Dương - sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung ở gần chùa Thiền Lâm hiện nay. Mặt khác, chính việc biết được nơi bà đã ở sẽ góp phần nâng cao tính hiện thực của tác phẩm “Ai Tư Vãn”.

Công chúa Ngọc Hân. Tranh minh họa trên internet

Như nhiều nhà nghiên cứu viết tiểu sử Ngọc Hân công chúa cho biết có một thời gian bà đã đi tu trong một ngôi chùa. Bà có một mỹ hiệu là Chúa Tiên. Chữ Tiên trong mỹ danh trên dẫn đến một thắc mắc khi tôi đọc một đoạn chú thích của Ngô Tất Tố tác giả Thi Văn Bình Chú viết hoa hai chữ Cầu Tiên trong 4 câu thơ mở đầu bài Ai Tư Vãn: 

          “ Gió hiu hắt phòng tiêu lạnh lẽo,

          Trước thềm lan hoa héo ron ron

          Cầu Tiên  khói tỏa đỉnh non

          Xe rồng thăm thẳm bóng loan rầu rầu

Và chú thích rằng: "Cầu Tiên: Sách Thành-đô ký chép rằng: Trong xứ Thành đô có cầu Thăng-thiên dựng lên từ đời nhà Tần, sau vì Ngư-đảo-Vương và Trương –bá-Tử đều do cầu ấy cưỡi hổ lên tiên, người ta mới gọi là cầu Thăng-tiên. Chữ cầu tiên nầy có lẽ lấy điển ở đó”. (1). Ngô Tất Tố không khẳng định CC Ngọc Hân đã sử dụng điển tích đó. Nên tôi không tin. Tôi tìm đến nhà nghiên cứu Hoàng Thúc Trâm - tác giả sách Quốc văn đời Tây Sơn (2), về hai chữ Cầu Tiên trong  Ai Tư Vãn ông cho in hoa và chú thích rằng:

Mộ giả của vua Quang Trung ở Linh Đường (gần Cầu Tiên) giáp làng Đại Từ thuộc Thanh Trì, Hà Đông. Ý nói: khi thương nhớ buông mắt xa trông mộ giả của vùng Cầu Tiên chỉ thấy mịt mờ khói tỏa, nào đâu bóng người thương yêu? Còn hai chữ “đỉnh non” chừng như tác giả phóng bút thêm vào cho có văn vẻ”.

Tác giả Hoàng Thúc Trâm là một nhà nghiên cứu uyên thâm, nhưng đọc cái chú thích trên của ông tôi ngờ ngợ. Tôi không rõ ở Linh Đường có cây Cầu Tiên thật hay không, trong tâm trí tôi ẩn hiện một điều: Ngọc Hân rất yêu quý vua Quang Trung, tại sao trong phòng tiêu vắng vẻ, Ngọc Hân không nhớ cái mộ thật mà Bà đang có trách nhiệm hương khói hàng ngày tại phía nam sông Hương (Mộ Huệ táng vu Hương Giang chi nam (3) mà lại đi nhớ cái mộ giả do triều Quang Toản đã bày đặt ra để đánh lừa các sứ thần nhà Thanh ở Linh Đường thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội?”.

Tôi quyết tâm đi tìm Cầu Tiên! Tìm được Cầu Tiên cũng sẽ xác định được nơi ở của Ngọc Hân tại Huế.

Sử sách đã viết nhiều về sự kiện sau khi vua Quang Trung mất (1792), Quang Toản mới trên 10 tuổi lên nối ngôi, mời ông cậu là Bùi Đắc Tuyên làm Thái sư. Bùi Đắc Tuyên chiếm chùa Thiền Lâm trên gò Dương Xuân ở, “nha thuộc” của triều đình cũng phải dọn lên ở trong các chùa chung quanh dinh ông (khu vực chùa Từ Đàm - Thiền Lâm - Vạn Phước ngày nay). Phan Huy Ích lúc ấy cũng ở trong một cái chùa dùng làm nhà trọ ở Kinh đô, có ghi lại câu ca dao:

"Thiền Lâm có đá cheo leo,

Ai thương Sư phụ thì trèo Thiền Lâm"

Vua Quang Toản ngự ở Kinh thành Huế ở bắc sông Hương. Bà Ngọc Hân theo nguyên tắc phải lên ở tại lăng để hằng ngày hương khói cho Quang Trung. Qua nghiên cứu của chúng tôi, vua Quang Trung không có ý định đóng đô ở Huế nên ông tạm dùng Đô thành Huế xây dựng từ thời Nguyễn Phúc Hoạt/Khoát. Ngoài ra ông còn sử dụng thêm Phủ Dương Xuân để làm một cái hành cung ở gần núi. Ông sửa Phủ Dương Xuân làm Cung điện Đan Dương. Khi ông mất đột ngột, triều Quang Toản muốn giữ được bí mật với các lực lượng thù địch nên họ đã táng Ông ngay trong điện Đan Dương. Vì thế, theo Ngô Thì Nhậm từ ấy Cung điện Đan Dương trở thành Đan Dương Lăng hay Đan Lăng (Lăng Đỏ). Đan Lăng qua nghiên cứu của chúng tôi (4) nằm ở bờ bắc suối Tiên trước mặt chùa Thiền Lâm ngày nay (số 150 Điện Biên Phủ, Huế). Để có thể hương khói hằng ngày cho vua Quang Trung, bà Bắc Cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân phải ở Đan Lăng hoặc một nơi nào đó gần Đan Lăng, gần chùa Thiền Lâm. Nếu không ở Đan Lăng thì Bà được ở chỗ nào?.

Như trên đã nói qua, từ Bùi Đắc Tuyên xuống đến quan đại thần Phan Huy Ích, các nha thuộc trong bộ máy cai trị của Bùi Đắc Tuyên đều ở trong các chùa; đặt giả thuyết Bà Ngọc Hân cũng ở trong một cái chùa là khớp với thông tin đã đưa trong tiểu sử của Bà. Nhờ đã xác định được khu vực của chùa Thiền Lâm - Đan Lăng, nên chúng tôi đã khảo sát các chùa ở chung quanh tọa độ ấy để tìm. Chúng tôi đã tìm thấy di tích chùa Kim Tiên có những biểu hiện đáng lưu ý nhất. Sách Đại Nam nhất thống chí viết về chùa Kim Tiên:

« Ở ấp Bình An, tương truyền chùa nầy do Hòa thượng Bích Phong làm ra, đời vua Thế Tôn (Nguyễn Phúc Khoát) bản triều trùng tu sơn thiếp vàng xanh rực rỡ, trước dựng lầu vọng tiên, quy chế tráng lệ. Sau gặp binh hỏa bỏ hoang phế, nay (tức thời Thành Thái - Duy Tân) người trong ấp ấy nhân theo nền cũ làm lại. Trước chùa có giếng xưa, sâu hơn 30 thước, nước rất trong sạch (nay vẫn còn). Tương truyền xưa có tiên nữ ban đêm tắm ở giếng ấy, nên cũng có tên là giếng Tiên”. (5)

Chúng tôi lưu ý chùa Kim Tiên vì những lý do sau đây:

1. Chùa ở ấp Bình An. Ấp Bình An ngày xưa thuộc xã Dương Xuân. Sau chiến tranh với Tây Sơn, vua Gia Long triệt hạ hết những gì có liên quan đến Tây Sơn (tức “loạn”) và đổi tên có chữ Bình, chư An hoặc Bình An (giống như ông đã đổi ấp Tây Sơn thành An Tây, phủ Quy Nhơn thành phủ Bình Định);

2. Kim Tiên là một ngôi chùa tổ, quy chế tráng lệ, có lầu, sơn thiếp vàng xanh rực rỡ... Không có một ngôi chùa nào ở Huế đẹp đẽ như thế. Nhưng khi vua Gia Long cầm quyền ở Huế, tất cả các chùa khác dù lớn dù nhỏ đều được nhà nước hoặc các bà hậu, các bà chúa bỏ tiền trùng tu, riêng chùa Kim Tiên mãi đến thế kỷ XX dân trong ấp mới được làm lại một cách khiêm tốn. Phải chăng một nhân vật quan trọng nào đó của vua Quang Trung đã ở nên nhà Nguyễn cấm? Vua Quang Trung và bà Chính hậu đã ở Cung điện Đan Dương, phải chăng bà Bắc Cung Hoàng hậu Ngọc Hân đã ở chùa Kim Tiên? Và từ đó bà có mỹ hiệu là Bà chúa Tiên ? (Hai nơi này nằm hai bên bờ suối Tiên và cách nhau hơn 200 mét).

 3. Chúng tôi có gặp nhà sư trụ trì chùa Kim Tiên ngày nay (1992, 83 tuổi), nhân hỏi chuyện cũ, nhà sư cho biết:

Trước đây có quân chi đó đến ở, sau đó có quân chi chi đó đến đánh phá. Người dân trong ấp nhớ thương người cũ đã than rằng:

          “ Vì ai nên nỗi sầu này

          Chùa Tiên vắng khách, tớ thầy xa nhau” (6)

Phải chăng “quân chi đó” là quân của Nguyễn Huệ - Quang Trung và “quân chi chi đó” là quân của Nguyễn Ánh - Gia Long? “Tớ” là người dân trong xóm và “thầy” là mẹ con Bà công chúa Ngọc Hân?

Chúng tôi quan niệm Ai Tư Vãn là tiếng than khóc chồng của tác giả Ngọc Hân. Khóc trong hoàn cảnh bi đát đích thực của mình. Đây là một nỗi đau có thực, trong hoàn cảnh cụ thể, tính ước lệ sáo ngữ giả tạo không bao giờ có thể gây được cảm xúc mạnh như chúng ta đã cảm nhận qua Ai Tư Vãn.

Bốn câu thơ trích ở trên có hai chữ Cầu Tiên và Hoàng Thúc Trâm chú thích là ở Linh Đường (Hà Nội) theo tôi là không đúng. Cầu Tiên là chiếc cầu bắc qua suối Tiên nối liền con đường đi từ điện Đan Dương - chùa Thiền Lâm qua chùa Kim Tiên. Đó cũng là chiếc cầu trên con đường thiên lý đi từ bến đò Trường Súng đi vào các tỉnh phía Nam. Sử nhà Nguyễn gọi là cầu ván Dương Xuân Hạ, dài 51 thước 5 tấc, rộng 6 thước 4 tấc (dài 12 mét, rộng 1,5 mét) (7). “Đỉnh non” là đỉnh gò Dương Xuân phía sau điện Đan Dương và chùa Thiền Lâm thuộc Thừa Thiên Phủ.

Trong một đoạn khác, Ngọc Hân thương xót, mơ tưởng nhớ đến Quang Trung, bà viết:

          “Trông mong luống những mơ màng,

          Mơ hồ bằng mộng bàng hoàng như say

          Khi trận gió lung lay thấp thoáng,

          Ngỡ hương trời bãng lãng còn đâu.

          Vội vàng sửa áo lên chầu,

          Thương ôi quạnh quẽ trước lầu nhện giăng.

          Khi bóng trăng lá in lấp lánh,

          Ngỡ tàng vàng nhớ cảnh dạo chơi.

          Vội vàng dạo bước tới nơi,

          Than ôi vắng vẻ, giữa trời sương sa”. [8]

          Đoạn trích trên cho những thông tin:

- Bà và vua Quang Trung ở xa nhau, thỉnh thoảng nhà vua mới đến thăm bà (khớp với Đan Dương cung điện và chùa Kim Tiên?)

- Chỗ bà ở có lầu (phải chăng đó là lầu Vọng Tiên chùa Kim Tiên?)

- Chỗ bà ở có sân vườn rộng rãi để cho hai người đi dạo (chùa Kim Tiên sân vườn rất rộng, trong thời gian bị bỏ hoang, dân chúng lấn chiếm nên ngày nay không còn rộng rãi như xưa nữa).

- Trong bài Văn tế vua Quang Trung, bà Ngọc Hân cũng từng nhắc đến điện Đan Dương (Cung Đỏ).

          “Sương pha Cung Đỏ phấn mờ gương”.

"Cảnh quan thực của chùa Kim Tiên lúc ấy đã được bà Ngọc Hân phản ảnh lại trong Ai Tư Vãn. Và như thế ta có thể tin Ai Tư Vãn đã được viết ngay tại ngôi chùa này. Qua tài liệu lịch sử, văn thơ, văn học dân gian và thực tế ở địa phương có nhiều điểm trùng khớp ta có thể tin Công chúa Ngọc Hân đã ở chùa Kim Tiên.

Gác Thọ Lộc, 1992, cập nhật 2013

Nguyễn Đắc Xuân

                                                    

Cập nhật:

Bài “Công chúa Ngọc Hân sáng tác Ai Tư Vãn ở đâu?” viết xong từ ngày 21-3-1992, đăng trên báo Thế giới mới số 26 (1992), in lại trong sách Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung (Viện Sử học Việt Nam, HN.1992, tr.129-135), 15 năm sau lại in trong cuốn Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung (9). Ý tưởng khám phá đầu tiên của tôi được nhà nghiên cứu Võ Xuân Trang hoan nghinh và quyết tâm sẽ nghiên cứu tiếp để tôi có thế khẳng định bà Ngọc Hân đã sáng tác Ai Tư Vãn tại chùa Kim Tiên. Nhưng công việc chưa xong thì anh qua đời. Bài viết của tôi ra đời đến nay đã trên 20 năm, tuy chưa có người nghiên cứu tiếp nhưng đã được nhiều giới công nhận. Tôi xin dẫn chứng 3 trường hợp:

1.Trong Danh nhân Lê Ngọc Hân, tác giả Chu Quang Trứ, viết: “Sau khi vua Quang Trung qua đời bà “Lê Ngọc Hân đưa con ra khỏi cung điện Phú Xuân, sống trong chùa Kim Tiên (Dương Xuân ở Huế) cạnh điện Đan Dương để thờ chồng nuôi con. Bà gượng sống đến ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (4 tháng 12 năm 1799) thì mất, lúc đó mới 29 tuổi”. (10)

 2. Nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo Thuận Hóa Phú Xuân Hà Xuân Liêm, trong tác phẩm Những Ngôi Chùa Huế (Nxb Thuận Hóa, Huế 2000)  trong chương nghiên cứu lịch sử về chùa Kim Tiên có đoạn viết:                       

Thời gian Tây Sơn đóng đô ở Phú Xuân, dân gian truyền rằng chùa Kim Tiên bị chiếm dụng làm nơi ở cho Ngọc Hân công chúa. Và nếu chuyện nầy có thực thì chắc vua Quang Trung đã thường lui tới nơi đây và có lẽ cũng tại đây, bà Lê Hoàng hậu đã thảo áng thơ “Ai tư Vãn” tuyệt bút để khóc vua Quang Trung vào năm 1892” (Sđd, tr.139)Năm 2007, cuốn sách được đổi tên Những chùa tháp Phật Giáo ở  Huế  (do Nxb Văn Hóa Thông Tin xuất bản, tác giả bổ sung thêm đoạn nầy: “ Dân gian Thuận Hóa còn truyền tụng một câu hát “ru em”  tức là một câu ca dao “Vì ai nên nỗi nước nầy / Chùa Tiên vắng vẻ tớ thầy xa nhau”. Người ta cho rằng sở dĩ có “câu hát ru em” đó là vì vào thời Tây Sơn đóng đô ở Phú Xuân, chùa Kim Tiên bị chiếm dụng làm cung cho công chúa Ngọc Hân ở cho nên chư tăng và mọi Phật sự tại đây đều lâm vào cảnh đình đốn, tán loạn…Giả sử như chuyện nầy có thật …” (11).      

Tác giả Hà Xuân Liêm một mình đứng tên cuốn sách có hai tựa đề nêu trên, ông còn e ngại chưa dám khẳng định Công chúa Ngọc Hân đã ở chùa Kim Tiên nên còn dùng chứ “Giả như”. Tuy nhiên, khi cộng tác với HT Thích Hải Ấn – trú trì Tổ đình Từ Đàm, viết tác phẩm Lịch sử Phật giáo xứ Huế, ông đã khẳng định: “Chùa Kim Tiên bị chiếm dụng làm nơi ở của mẹ con bà Ngọc Hân công chúa”(12). 

3. Thiền sư Không Lực – người từng phụ trách trang nhà Liễu Quán của Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huế đã viết trên báo Giác Ngộ bài “Thăm chùa Kim Tiên: Qua "Ai tư vãn" của Công chúa Ngọc Hân” Bài viết được nhiều trang Web của Phật giáo trong và ngoài nước sử dụng. Bài viết xem chuyện Công chúa Ngọc Hân ở chùa Kim Tiên viết Ai Tư Vãn là chuyện có thực không còn gì phải bàn cãi nữa.

Sau hơn 20 năm bài viết của tôi về chuyện Công chúa Ngọc Hân ở chùa Kim Tiên và viết Ai Tư Vãn từ chùa Kim Tiên được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông không bị phản đối mà ngược lại được các nhà nghiên cứu, các vị Thiền sư cầm bút đồng tình. Cho nên sử dụng lại bài viết đó trong cuốn sách nầy tôi đã đổi tựa đề là “Công chúa Ngọc Hân sáng tác Ai Tư Vãn ở chùa Kim Tiên”.

Còn nhiều vấn đề cụ thể nữa chúng ta phải tiếp tục làm rõ như Công chúa Ngọc Hân ở chùa Kim Tiên bà đã  tu hành như thế nào? Vị Thiền sư nào đã hướng dẫn cho bà tu? Vua Quang Trung đến với bà trong một ngôi chùa như thế nào? Đám tang của bà được tổ chức ở chùa Kim Tiên ra sao? v.v. Tuy nhiên cho đến nay ta có thể tin chắc Công chúa Ngọc Hân/Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân đã ở và viết Ai Tư Vãn tại chùa Kim Tiên. Và, bà cũng đã trút hơi thở cuối cùng dưới mái chùa nầy.

Đã đến lúc chùa Kim Tiên có thể dành một không gian thích đáng để đặt Phụng vị Công chúa Ngọc Hân và hai người con bà.

Rất kính mong.

Chú thích

[1] Ngô Tất Tố, tác giả Thi Văn Bình Chú Lê Mạc Tây Sơn (từ Thế kỷ XV đến Thế kỷ XIX, in lần thứ ba, Nxb Thế Giới, Sg.1957, tr. 145 & tr.153

[2] Sơn Tùng Hoàng Thúc Trâm, Quốc văn đời Tây Sơn, tr.83, Nhà sách Vĩnh Bảo, SG. 1950, tr.83.

[3] Đại Nam CB Liệt truyện, sơ tập, Q. 30, Ngụy Tây, tr.40a

[4] Nguyễn Đắc Xuân, Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung, Viện Sử học Việt Nam, HN 1992)

[5] Đại Nam nhất thống chí, Thừa Thiên phủ, tập Thượng, Bản dịch của Nguyễn Tạo, SG. 1961, tr.86.

[6] Nguyễn Văn Mại, trong Lô Giang tiểu sử, cho rằng câu ca dao nầy xảy ra cuối triều Lý đầu triều Trân, nhưng đó chỉ là ức đoán không có căn cứ dính dáng chi đến chùa mang tên Tiên cả.

[7] Đại Nam nhất thống chí, Thừa Thiên phủ, tập Thượng, Bản dịch của Nguyễn Tạo, SG. 1961, tr.118-119

[8] Ai Tư Vãn, câu 47 đến câu 56

[9] Nguyễn Đắc Xuân, Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nxb Thuận Hóa, Huế - 2007, tr.168-174

[10] www.lannhithiquan.com/StLichsu/Stls_ccnHan01.htm

[11] Hà Xuân Liêm, Những Ngôi Chùa Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế 2000, tr 186

[12] Thích Hải Ấn - Hà Xuân Liêm, Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb TP HCM, 2001, tr.230

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia