5 Điếu văn:
-1 bài soạn cho vua Cảnh Thịnh đứng tế
-1 bài cho các công chúa của vua Quang Trung
-1 bài cho bà thân sinh hoàng hậu là Phù Ninh từ cung.
-1 bài cho các tôn thất nhà Lê
-1 bài cho bà con bên ngoại hoàng hậu ở Phù Ninh
Đại thần Phan Huy Ích
Do khuôn khổ cuốn sách, chúng tôi xin trích dẫn bài thứ nhất và bài thứ hai.
1. Điếu văn của vua Cảnh Thịnh
“Kỷ-mùi đông, nghĩ Ngự-điện Vũ Hoàng-hậu tang quốc âm văn” (Mùa đông năm Kỷ-mùi (1799) nghĩ đỡ nhà vua bài văn quốc-âm để tế điện Vũ Hoàng-hậu): [Trích lại nguyên văn của Phạm Văn Sơn,Việt Sử Tân Biên, Quyển IV, Nhà xuất bản Đại Nam, Saigon1961, tr.33- 44) [1]
“Than ôi!
Nguyệt in phách-quế, mái trường-thu (1) vừa giãi vẻ làu làu. –Sương ủ hồn hoa; miền thượng-uyển (2) chợt phai mùi thoảng-thoảng (3).
“Nẻo chân-du (4) quạnh-quẽ biết đâu tìm! -Niềm vĩnh-mộ (5) bâng-khuâng hằng trạnh tưởng!
“Giọt ngân phái (6) câu nên (7)vẻ quí, duyên hảo-cầu (8/3) thêm giúp mối tu-tề (9). –Khúc Thư-châu (10) thổi (?) sánh tiếng hòa, khuôn nội-tắc (11) đã gây nền nhân-nhượng (12).
“Rành rành bút đỏ (13) đua thơm,-Chói chói sách vàng (14) tỏ rạng.
“ Hồ Đỉnh (15) ngậm-ngùi cung nọ (16) sắp rắp (?) chìm châu nát ngọc đã từng nguyền
Cung khôn (17) bận-bịu gối nao (18) ếp vì (?) vun quế quén lan nên hãy gượng (19).
“Tự xung linh (20) hay gìn giữ hiếu tư (21), Vâng từ-đức (22) cũng thỏa vui vinh dưỡng (23).
“Nối tiên-chí (24)vậy dốc bề trí kính (25), dấu sân huyên đòi chốn xum vầy (26).
“Cảm mẫu-nghi (27) mà thay đổi thừa hoan (28), vẻ áo vi xưa kia mường tượng (29).
“Mong thẻ tiên trùng trập thêm cao (30)-Hiềm máy tạo so le khôn lượng (31).
“Sương nắng bấy chầy ngăn trướng thúy, băn khoăn cơn bữa ngọc, lò đan (32).-Gió mây xẩy phút lối xe loan, khơi diễn nẻo non Bồng, vườn Lãng (33)
“Lệ theo tình, tròn cuộc mấy cam (34).- Đức so thọ, lệch cân chưa đáng (35).
“Dầu ngự đoái di thể sữa măng vài chút, lòng quyên linh (36) đành có vẻ vang thêm (37).
“Dầu ngự cảm cố khư (38) hương khói đòi châm (?), lệ ân tuất (39) vẫn còn nhuần gội xuống (40).
“Ấy tấc vuông hằng chăm một tín thành (41).
- Ắt mảy chút cũng thấu lên tinh sảng (42).
“Ôi!
“Bóng quạnh nước mây, thoi đưa ngày tháng!
“Chòi tiêu lan (43) dường rã rượi bên thềm (44)!- Dấu cư vũ bỗng lạnh lùng dưới trướng (45):
“ Nguyện cũ hẳn nay lọn-vẹn (46), bên đan lăng quanh-quất mạch liên châu (47);
- Khí thiêng gìn (48) để dặc dài, trong Thanh miếu ngạt-ngào mùi quán sưởng (49).
“Rày nhân:
“Cách bánh liễu dư ,-Bày hàng thể-trượng (50).
“Nhìn khâm-vệ (51) trạnh ngưng mỗi vẻ, đường u-hiển xa lìa (52)!-Dâng điện-diên (53) gọi giãi mấy nhời, mối luân-thường sáng tỏ (54).
“Hỡi ôi! Cảm thay!”
“Nhật hiểu Qui-nhơn phủ: Quan, Quân, Dân thứ đẳng tri:
“Tướng vâng quyền chế ngoại (55) dẹp lửa binh mà trợ (giúp) lấy dân lành.- Người sẵn tính giáng trung (56) , cởi lưới ngược lại noi về đường thuận.
“Mấy lời cặn kẽ, - Đòi chốn sum vầy.
“Quý phủ ta: cội gốc nền vương.- Rậu phên nhà nước
“Miền thang mộc (57) vốn đúc non gây (?) bể, mở mang bờ cõi từ đây (58).- Hội phong vân (59) từng dìu phượng vin rồng, ghi tạc thẻ quyên (60) đành dõi để.
“Dấu cờ nghĩa đã sáng công dực vận (61),- Buổi xe nhung thêm dong sức cần vương.
“Mấy phen gió bụi nhọc con dòng (62), giúp oai võ cũng đều nhờ đất cũ,- Ba huyện đá vàng bền tấc dạ, căm cừu thù chi để đội trời chung.
“Tiệc ca phong (63) chầm nhạn vừa yên,- Vời tĩnh hải tăm kình lại động (64).
“Đoàn ngoại vũ lung-lăng quen thói, nương thế đèo, đến Bến Đá chia ngăn (65),- Kẻ khổn ư (66) dáo-dở nên lòng, phụ ơn nước, chốn thành vàng phút bỏ (67) !
“Nơi trọng địa xảy nên gai góc,- Lũ lương gia (68) lây phải lầm than !
“Kẻ thì sa vào thế hiếp tòng (69), trót lỡ bước dễ biết đâu tránh thoát ? – Kẻ thì quá nghe lời khu dụ (70), dẫu căm hờn nào có kịp nàn than (71).
“Giận vì địch thế hãi buông tuồng (72),- Xót đến dân tình càng áy náy!
“Trong một cõi, nỗi hoành-ly là thế, đầu tên trước đạn, nghĩ cỏ cây âu đã đổi màu xưa,- Trên chín lần, niềm trắc ẩn dường bao, sớm áo, đêm cơm (73), mong đệm chiếu lại cùng êm nếp cũ (74).
“Chước điễn khấn ngửa vàng tiếng ngọc (75),- Việc đổng nhung xa chỉ ngọn đào (76)
“Bản tước nay (77): chịu mang đền phong (78).- Buông oai dinh liễu (79).
“Thế phân đạo gấu giồ (?) hùm thét, suối rừng pha (?) đồn lũy đã tan tành,- Cảnh sơ xuân (80) hoa rước oanh chào, đất nước thấy quan quân hớn hở.
“Súy mạc vốn quyết bài tất thắng (81).- Tông thành âu hẹn buổi phục thù.
Ngẫm chúng tình (82) đà quải-cách bấy lâu, sự biến ấy hoặc có người nghi cụ (83);- Vậy tướng lịnh phải đinh-ninh đòi nhẽ, thân-cố ta biết nảo tòng, vi (84).
“Nghiệm cơ giời đành thu góp về nhân,- Vâng ngôi thánh lấy chở che làm lượng.
“Bao nhiêu kẻ trót theo đảng dữ, như đã thích mê hồi thiện (85), thì đều noi chức-nghiệp cũ cho yên.- Hoặc mấy người riêng lắm (?) chi cao, mà nay nỗ lực lập công, ắt lại chịu ân thưởng nay càng hậu.
“ Dầu trước có hà-tỳ (86), nào xá trách.- Ai sớm hay hối ngộ (87) thảy đều dung.
“Hội thanh-ninh (88) đành trên dưới đều vui,- Người Bái quận (89),,, (thiếu một chữ) móc mưa hiệp sái (90).
“Phương tị tựu ví kiếp chầy chưa tỏ (91),- Thủa Côn-cương ngọc đá khôn chia (92).
“Nghĩa cả mà nhầm,- Lòng ngay xá giữ.
“ Nay hiểu” (93).
Chú thích
(1) Tên một cung, chỗ ở của Hoàng-hậu. Sau dùng để chỉ Hoàng-hậu: nói lập cung trường-thu cũng như nói lập Hoàng-hậu.
(2) Vườn hoa nhà Vua.
(3) Hai vế này ý nói: bà Ngọc-Hân được lập làm Hoàng-hậu mới ít lâu, đang rực rỡ như vầng trăng vằng vặc, thì đóa thiên-hương bỗng tàn tạ (tức là bà chết), làm cho vườn ngự mất thơm!
(4) Chỗ đến chơi thật, chỉ chỗ người chết đến ở.
(5) Tấm lòng trìu mến lâu dài mãi mãi.
(6) Giọt nước ở sông nhà trời. Ý nói bà Ngọc Hân là dòng giống nhà vua họ Lê.
(7) Cũng như “gây nên”.
(8) Chữ trong thơ QUAN-THƯ ở kinh THI: cái duyên thục-nữ sánh đôi với quân-tử thật là đẹp đẽ.
(9) Tu-thân và tề-gia. Ý nói Vũ Hoành-hậu giúp Vũ Hoàng-đế trong việc nội trị.
(10) Khúc hát “Chim quan-thư ở bãi sông” tức là thơ QUAN-THƯ ở đầu thiên QUỐC-PHONG trong khi THI tả nỗi vui-hòa mà có riêng biệt.
(11) Khuôn mực người đàn bà theo đúng lễ nghi và đức-hạnh như đã nói trong thiên NỘI TẮC ở kinh LỄ.
(12) Một người có nhân làm cả nước dấy lòng nhân, một người biết nhường làm cả nước có lòng nhường.
(13) Do chữ “đồng quản” là “bút quản đỏ”. Người xưa cầm bút quản đỏ chép những chuyện phụ-nữ đáng để khuyên răn.
(14) Do chữ “kim sách” là sách phong các vị hậu, phi xưa.
(15) Do chữ “đỉnh hồ”. Trong sử ký PHONG THIỀN THƯ có chép: Vua Hoàng-đế đúc xong cái vạc (đỉnh) ở dưới núi Kinh-sơn thì cỡ rồng lên tiên. Người sau gọi chỗ đó là Đỉnh hồ. Đời nhân dùng để chỉ cái chết của vua chúa.
(16) Do chữ “di cung. Vua chết rồi chỉ có cái cung để lại, khiến cho mọi người thấy cung mà ngậm ngùi. Ý nói vua Quang Trung đã mất.
(17) Quẻ Khôn tượng-trưng về đàn bà. “Cung Khôn” tức là Hoàng-hậu. Đây chỉ Vũ Hoàng-hậu.
(18) Vương –víu có mấy con nhỏ dưới gối.
(19) Hai vế này ý nói: khi vua Quang Trung mất đi, Vũ Hoàng-hậu khôn xiết bùi-ngùi đau đớn, những toan tự tử (chìm châu là trầm mình; nát ngọc là hủy hoại thân thể) để theo chồng, nhưng vì dưới gối bà còn hai mụn con thơ, nên phải gượng gạo sống để chăm-nom nuôi nấng con (vun quế, quén lan) vậy.
(20) Từ tuổi thơ-ấu
(21) Giữ lòng hiếu-thảo, nhớ nghĩ đến cha đã mất.
(22) Được thừa thuận cái đức hiền-từ, ý nói được xum-vầy dưới gối Vũ Hoàng-hậu. Bà Ngọc-Hân tuy lấy lẽ vua Quang-Trung nhưng khi ngài lên ngôi thì được lập làm Bắc-cung Hoàng-hậu ngang hàng với chính cung Hoàng-hậu Phạm-Thị, người Qui-nhơn, mẹ đẻ vua Cảnh-Thịnh. Bấy giờ vua Cảnh-Thịnh coi bà vào hàng “mẹ” nên bài văn tế này mới nói là “từ đức”, vì theo lễ bà là thứ mẫu.
(23) Lấy cái quí hiển của người làm vua mà phụng-dưỡng, gọi là “vinh dưỡng”.
(24) Noi theo ý-chí của người trước, tứ Vũ Hoàng-đế.
(25) Làm cho đến nơi tấm lòng hiếu kính.
(26) Do chữ kinh THI nói trong cỏ huyên (ta gọi là cây hoa liên), nơi bắc đường là chỗ mẹ ở, nên tha thường dùng “nhà huyên” hay “sân huyên” để chỉ mẹ. Ý nói nhiều con mừng được xum-vầy với Vũ Hoàng-hậu.
(27) Cảm phục cái khuôn phép của mẹ.
(28) Lần lượt đổi thay với các em mà chầu hầu mẹ, để làm mẹ vui.
(29) “Áo vi” là áo tế của Hoàng-hậu. Ý nói phảng phất tưởng nhớ dến dung nghi Vũ Hoàng-hậu.
(30) Mong Vũ Hoàng-hậu được thêm tuổi thọ.
(31) Hiềm vì cái cơ mầu tạo hóa xoay vần không lường trước được.
(32) “Trướng thúy” là chỗ đàn bà ở. “Bữa ngọc” là bữa cơm. “Lò đan” chỉ thang thuốc. Ý nói vì sương nắng trái tiết bà nhuốm bệnh, ăn kém, thuốc uống không chuyển, làm cho vua Cảnh-Thịnh băn khoăn lo buồn…
(33) Phút chốc bà bỏ trần gian, tiêu dao ở non Bồng, vườn Lãng là chỗ cảnh tiên. Ý nói bà mất.
(34) “Lễ là nhân tình người mà đặt ra tiết văn”, nay làm lễ tế là do chút tình thương nhớ. Có làm được thế thì đạo con mới tròn và lòng con mới yên.
(35) “Người có đức tất được thọ”. Bây giờ thứ bắc đồng cân: Vũ Hoàng-hậu là người có đức, thế mà kém thọ; thật không thăng bằng, không xứng đáng!
(36) Quyến luyến là yêu thương.
(37) Ý nói: mặc dầu Vũ Hoàng-hậu được đức tiên đế (tức vua Quang Trung) đoái thương yêu mến, sinh được vài mụn con hãy còn măng sữa thơ ngây, làm cho bà càng vẻ vang bề thế…
(38) Cái thành cũ. Chỉ nhà Lê đã mất.
(39) Triều Tây Sơn ban ơn cấp lộc cho những người trong họ Lê được củ ra để giữ tế-tự và coi lăng tẩm nhà Lê. Việc này được đặt thành một điều lệ, và lệ ấy đến đời Cảnh-Thịnh vẫn noi theo.
(40) Ý nói: mặc dầu nhờ Vũ Hoàng-đế, nhà Lê còn được tỏ đèn sáng hương ở nơi thành cũ, vẫn được nhuần-thấm trong ơn chu tuất một cách dồi dào.
(41) Tấc vuông, do chữ “phương thôn”, nghĩa là tấm lòng. Ý nói: nhưng lòng con bao giờ cũng vẫn một mực tín kính thành-thực đối với mẹ.
(42) Chắc lòng này thế nào cũng thấu tới tinh-linh anh-sảng của mẹ.
(43) Chữ trong sách TUÂN-TỬ chỉ người được dân yêu như tiêu lan thơm tho.
(44) Ý nói: Vũ Hoàng-hậu như chồi tiêu-lan được dân ưa chuộng, nay đã tàn tạ ở trước thềm rồi!
(45) Ngọc cư, ngọc vũ, đồ đeo làm trang sức của đàn bà xưa. Ý nói Vũ Hoàng-hậu mất, làm cho trong cung vắng-vẻ lạnh-lùng, tưởng nhớ đến dấu tích của bà lúc còn sống.
(46) Bà mất đi, cái ước nguyền “đồng sinh đổng tử” với Vũ Hoàng-đế chắc nay được trọn vẹn rồi.
(47) Cây mọc hai gốc liền nhau.
(48) Khí thiêng của bà còn mãi lâu dài. Mùi rượu “sưởng” dùng để cúng tế bà ở nhà thanh miếu đời đời thơm nức . Ý nói tinh thần bất diệt và hương hỏa nghìn thu.
(49) Nay nhân: xa cách chiếc xe chở linh cũu….
(50) ….và bày hàng nghi-trượng đưa đám…
(51) “Khâm” là cỗ xe trang sức bằng da; “vệ” là đồ nghi-trượng hộ-vệ.
(52) Cũng như nói “âm dương cách trở”.
(53) Dâng tiệc rượu đề làm lễ điện-tế.
(54) Làm bổ phận với mẹ cho “đạo thường” được tỏ rõ.
(55) Ông tướng vâng mệnh vua cầm binh ở ngoài biên cương.
(56) Người ta sinh ra được. Trời phú -bẩm cho lòng biết giữ đạo thường.
(57) Do chữ “thang mộc ấp” mà ra. Nguyên xưa theo chế độ phong kiến, thiên-tử cho chư -hầu ấp thang mộc (ngĩa đen: tắm gội) khiến chư-hầu lấy lại sự thanh sạch cho mình. Sau dùng rộng ra, “thang mộc” là chỗ phát tích của đế vương.
(58) Chỉ về vua Thái-Đức và vua Quang-Trung ban đầu đều dấy lên từ Qui –Nhơn.
(59) Hội gió mây gặp gỡ. Do chữ trong kinh Dịch: “ vân tòng lòng, phong tònh hổ” (mây gặp rồng, gió gặp hổ). Ý nói tao-phùng đẹp hội, chính là dịp tốt để tài trai bay nhảy.
(60) Do chữ “danh thủy giản bạch” mà ra. Nghĩa là tên được ghi vào thẻ tre, mặt lụa (vì chưa có giấy viết (để tiếng thơm về sau.
(61) Công tôn-phò giúp đỡ nhà vua.
(62) Cái giáo lưỡi nhọn.
(53) Do điển vua Hán-Cao khi qua ấp Bái (hay là Bái huyện thuộc Giang-Tô bên Tàu), đặt tiệc, gõ nhịp, hát bài Đại-phong. Ý nói Tây-Sơn vừ mới mừng cuộc thành-công ở Qui-nhơn là chỗ quê nhà.
(64) Cá kình là tượng trưng về biến loạn giặc giã.
(65) Vì bấy giờ thành Qui-nhơn thất thủ, có quân Cựu-Nguyễn đóng án ngữ, nên đường lối từ đèo Bến Đá đến Qui-Nhơn không liên lạc với nhau được.
(66) Kẻ giữ đất đai cửa ngõ một nước.
(67) Chỉ việc Bảo đem thành Qui-nhơn xuống hàng Cựu-Nguyễn.
(68) Vì bắt ép mà phải gượng theo.
(69) Lời khua giục dụ-dỗ.
(70) Phàn nàn, than thở.
(71) Chỉ bên Cựu-Nguyễn vẫn còn tung hoành.
(72) Nông nổi sa mắc vào lòng đau khổ.
(73) Do chữ “tiêy y, cán thực” mà ra. Ý nói gặp lúc quốc-gia đa sự, nhà vua (chín lần: cửu trùng) bao xiết thương xót nhân dân. Nhà vua vì bận rộn quá, sớm đã phải thay áo, đêm mới được ăn cơm.
(74) Mong nhân dân được đặt êm trên đệm chiếu (do chữ “nhẫm tịch”) êm ấm như thuở trước.
(75) Trên vâng lời vua phán dạy, lo tính mưu chước dẹp giặc.
(76) Coi giữ việc binh, thẳng trỏ ngọn cờ đào.
(77) Chỉ Trần-quang-Diệu.
(78) Do điển: trong cung nhà Hán trồng nhiều cây phong: nên về sau, người ta dùng chữ “đền phong” để chỉ triều đình.
(79) Do điển: Chu-á-Phu đời hán làm tướng đóng quân doanh ở Tế-liễu. Nhân thế đời sau dùng “trướng liễu” hay “dinh liễu” để chỉ chỗ quân doanh.
(80) Quân Diệu tiến vào Qui-nhơn, bấy giờ nhằm buổi đầu xuân.
(81) Ông tướng ở nơi màn trướng (ngày xưa, khi hành binh, viên chủ súy cùng các tướng tham mưu thường vây màn để bàn bạc quân sự, nên gọi là “súy mạc”).
(82) Cũng như nói “Lòng người, lòng dân”.
(83) Ngờ, sợ.
(84) Ta cho kẻ thân tình, ngưới cố cựu biết rằng có hai đường đây: theo đàng nào, tránh đàng nào thì chọn đi.
(85) Bỏ điều mê man, quay về đường thiện.
(86) Dấu vết không lành.
(87) Biết tỉnh-ngộ ăn-năn lỗi trước
(88) Vận hội thái-bình.
(89) Bái-quận nguyên là nơi quê-hương của Hác-Cao-Tổ. sau dùng rộng ra là nơi rau rốn của một đế-vương. Người “Bái-quận”, đây chỉ người Qui-nhơn, chỗ quê quán Tây-Sơn.
(90) Rẫy ơn huệ khắp cả mọi người.
(91) Nếu không sớm muộn biết chọn lấy đường tránh dữ theo lành thì…
(92) … Khí người ta nổi giận, thẳng tay trừng trị, bấy giờ các ngươi sẽ như tình-cảnh núi Côn-sơn bị thiêu: không cứ ngọc hay đá, thảy đều cháy rụi hết.
(93) Phiên-âm theo bản chữ nôm trong DỤ-ÂM VĂN-TẬP, quyển 5, tờ 13a, 14b và có so sánh với bản sao-lục, trong QUANG-TRUNG, tập hai, của H.B.H.T.T., trang 284-292.
2. Điếu văn của các công chúa con vua Quang Trung
CÔNG CHÚA CHƯ NHA ĐIỆN VĂN
(Đọc trong dịp tang Vũ Hoàng-hậu năm Kỷ-mùi 1799)
Than ôi! Đóa thượng-uyển hây hây đua nở (1), giọt sương ngưng mà hiu-hắt màu hoa (2)! vầng thái-âm (3) vằng vặc sáng lòa, hơi vụ ngất dễ mịt mờ bóng quế (4)!
“Nhẽ đổi thay máy Tạo khôn dò,- Cơn tan hợp đoạn tình kể xiết kể!
Nẻo thuở Doành Hoàng phô vẻ, trau vàng chuốt ngọc vẹn mười phân (5). Trải phen bến Vị đưa duyên (6), phím sắt soang cầm vầy một thể (7).
Trên tuyền-đình dìu dặt thói hoà (8),- trong quế dịch đầm hâm hơi thụy (9).
Bóng cù-mộc sêng-sang tán đẹp, phận dựa leo đều vui chốn nương nhờ (10); -Đóa phương lan đua ruổi màu tươi, tình vun quén cũng có phần xan -xẻ (11).
Hương nồng phấn đượm những nâng-niu,- Ngọc thuyết hoa chào cùng hủ-hỉ (12)
Bông đào nở (?) mừng duyên nghi thất (13), buổi qui ninh vâng đôi nhẽ dặn dò (14);- Giá ngọc trong khuyên nét sạ bình, lượt kiều dưỡng được mọi bề cặn kẽ (15).
So đấng trên, âu sánh chữ cù-lao (16);- Gìn sách trước đã sáng gương tề-mỵ (17).
“Những ước thêm dao thẻ hạc, xôn xao tiệc thọ, ngẫu dâng thơm (18);- Bao giờ kịp ruổi xe loan, man mác cung xuân hoa chịu tẻ (19).
“Âm dương chia hai ngả luống phiền (20)!-Chung thủy cẩn một niềm dám trễ (21).
“Dầu gót ngọc vui miền tịnh độ, nỡ nào quên hai chồi lan quế còn thơ (22), dầu xiêm nghê vắng cảnh thanh-đô, nỡ nào lãng một bóng tang du hầu xế (23).
“Tình biệt-ly hằng mọi nỗi băn-khoăn, kiếp sinh-hóa hẵn các điều vẹn vẽ (24).
“Trên đội chín lần trí kính, chốn đình vi săn sóc chẳng nguôi tình (25).- Trước dâng sáu chữ truy-tôn (26), việc khâm vệ sửa sang càng xứng lễ (27).
“Rày nhân:
“Hậu cách linh dư (28).- Kính bày diên lễ (29)
“Trông đóa bạch vân (30) thăm thẳm, tình nghĩa xưa lìa dứt vì đâu?- Dâng tuần hoàng thủy vơi vơi (31), nghi văn ấy thấu soi chăng nhẽ ?
“Hỡi ôi ! Cảm thay !”
Chú thích:
(1) Đóa hoa trong vườn ngự đang mơn mởn đua tươi.
(2) Mà nay vì sương lạnh đọng lại, làm cho sắc hoa héo hắt điêu tàn.
(3) Mặt trăng tượng trưng về hập phi.
(4) Thuyết cũ cho rằng trong mặt trăng có cây quế, nên xưa ta dùng “bóng quế” đển chỉ về trăng. Câu này có ý nói vầng trăng đang sáng bỗng có mây mù che khuất làm cho mờ đi, ví với cảnh Vũ Hoàng-hậu đang đẹp đẽ, bỗng cái chết làm cho tan tác đau buồn.
(5) “Doành Hoàng” là sông Ngân-hoàng, tức sông Thiên-hà. Nghĩa bóng nói bà Ngọc-hân là con gái vua Lê, ra từ dòng dõi nhà Trời. Nhờ từ thuở bé, tấm thân vàng ngọc ấy được trau chuốt hoàn toàn.
(6) Sau khi kết duyên với đức lệnh Nguyễn-Huệ, bà Ngọc Hân được bà con nhà Lê tiễn đưa tận bến Vị-hoàng ở trấn Sơn-nam (nay là nam-định) để bà về nhà chồng ở Nam-hà.
(7) Trong khi sánh duyên với vua Quang-Trung, thì đôi vợ chồng vui vầy như tiếng đàn cầm, đàn sắt rất là hòa nhịp.
(8) “Tuyền đình” chỉ nơi cung đình nhà vua trang hoàng bằng thứ ngọc tuyền tốt đẹp. Ý nói cung thất có cái lề thói hòa vui.
(9) “Quế dịch” cũng như quế cung, là cái cung thất đẹp đẽ. Ý nói trong cung đầm ấm những hơi tốt lành.
(10) Trong kinh Thi có thơ Cù-mộc, trong nói bà Hậu-phi có hiền đức ví như cây cù-mộc rườm rà, tốt tươi che chở cho những cây sắn dây, là thứ cây leo nương tựa ở đấy.
(11) “Phương lan” chỉ các con cháu. Ý nói nhờ bà Ngọc-hân chăm nom săn sóc con cháu như những cây lan thơm đều được chia xẻ ơn trạch.
(12) Ý hai câu này nói: Các con cháu đều được bà nâng niu như hương hoa. Trong nhà ấm cúng những câu nói tiếng cười vui vẻ.
(13) Lấy điển trong thơ “Đào yêu” ở kinh Thi nói người con gái được cập thời mà thành gia thất.
(14) Những con gái đã ở riêng, khi về nhà thăm cha mẹ, đều được nhờ bà dạy dỗ cho.
(15) Còn con gái nào hãy còn bé, đợi kén chồng thì cũng được bà nâng niu cẩn thận.
(16) Chín chữ cù lao của cha sinh mẹ dưỡng, so sánh với trời là bề trên, thật là cao cả to tát.
(17) Khi cha mẹ song toàn, con cái thật được vui vẻ như trong sách xưa đã chép.
(18) Những mong bà được sống lâu như tuổi hạc để con cháu làm tiệc mừng thọ ngạt ngào trong hương sen (ngẫu) thơm.
(19) Ai ngờ bà vội mất ngay, làm cho con cháu đang tuổi xuân xanh, phải buồn tẻ như hoa ủ héo!
(20) Từ nay âm dương cách biệt, các con rất buồn phiền.
(21) Nhưng một dạ kính cẩn, trước sao sau vậy, các con không dám trễ nải.
(22) Dầu bà vui vẻ đi về cảnh Phật, nhưng quên sao được hai chút con nhỏ đang còn thơ ngây.
(23) Dầu bà váng bóng ở thành đô là chỗ cung khuyết vua ở, nhưng bà quên sao được đức Pghù-ninh Từ cung là mẹ đang lúc tuổi già như mặt trời xế bóng trên ngọn cây dâu.
(24) “ven vẽ” cũng giống như trọn vẹn.
(25) Nhờ trên có đức vua Cảnh-Thịnh hết lòng hiếu kính, quyến luyến chốn đình vi là chỗ cha mẹ ở mà săn sóc đến nơi đén chốn.
(26) Vua Cảnh-Thịnh làm lễ truy-tôn bà tháng 11, năm Kỷ -mùi (1799) đã đặt sáu chữ làm miếu-hiệu là “Như ý trang thận trinh-nhất”.
(27) Nay bày đồ xe tang và nghi-vệ để làm việc chôn cất, lại càng xứng hợp với lệ lắm.
(28) Nay sắp sửa xa cách linh-cữu.
(29) Kính bày lễ tế điện.
(30) Đó mây trắng.
(31) Dâng lễ cúng tế đạm bạc bằng chút nước vũng ao. Ý nói lễ bạc mà lòng thành kính có thể cảm đến vong linh
(Phiên âm theo bản chữ nôm trong DỤ-ÂM VĂN-TẬP chưa in ra quốc ngữ bao giờ)
[1] Trong bài văn tế nầy vua Cảnh Thịnh nhắc lại một sự việc quan trọng: Bà mất đi, cái ước nguyền “đồng sinh đổng tử” với vua Quang Trung nay chắc đã được trọn vẹn rồi. Triều đình đã táng bà bên cạnh lăng Đan Dương của vua Quang Trung để cho “Cây mọc hai gốc liền nhau”.
“Nguyện cũ hẳn nay trọn-vẹn,
bên đan lăng quanh-quất mạch liên châu”
Sự việc nầy thêm một chứng liệu cùng với thông tin lịch sử của Ngô Thời Nhậm và Phan Huy Ích để lại, khẳng định lăng vua Quang Trung là Đan Lăng (Lăng Đỏ) gọi tắt của tên Lăng Đan Dương.
Nguyễn Đắc Xuân