Công chúa Ngọc Hân ở chùa Kim Tiên (2): Văn Tế Vua Quang Trung của CC Lê Ngọc Hân

Văn tế vua Quang Trung của Công chúa Ngọc Hân viết bằng chữ Nôm. Có nhiều bản chuyển qua Quốc ngữ in trong các sách Quốc văn đời Tây Sơn của các tác giả nổi tiếng nhưng phần lớn không có chú thích nên bạn trẻ đời nay đọc rất khó hiểu. Vì thế tôi chọn bản của Ngô Tất Tố in trong Thi Văn Bình Chú Lê Mạc Tây Sơn (từ Thế kỷ XV đến Thế kỷ XIX, in lần thứ ba, Nxb Thế Giới, Sg.1957.

Ngoài chú thích, Ngô Tất Tố còn giải thích tóm tắt bằng văn xuôi nội dung của bài Văn tế lịch sử nầy. Ai đọc cũng có thể cảm nhận được giá trị của bài văn. Để lưu lại một bản văn quý tôi giữ nguyên bản gốc của Ngô Tất Tố, chỉ chua thêm số thứ tự các chú giải để dễ tra cứu mà thôi.

Than rằng:

Chín từng ngọc sáng bóng trung tinh (1), ngoài muôn nước vừa cùng trông vẻ thụy(2);

Một phút mây che vầng Thái-bạch (3), trong sáu cung (4) thoắt đã nhạt hơi hương.

Tơ đứt tấc lòng li-biệt.

Châu sa giọt lệ cương-thường (5)

Nhớ phen bến Nhị (6) thuận buồm, hội bái-việt (7) chín châu (8) lừng-lẫy.

Vừa buổi cầu Ngân (9) sấn dịp, đoàn ỷ-la (10) đôi nước (11) rỡ-ràng.

Hôn cấu (12) đã nên nghĩa cả.

Quan san (13) bao quản dậm trường?

Nhờ lượng trên cũng muốn tôn Chu (14), tình thân (15) hiểu đã ngăn chia đôi nước.

Song thế cả trót đà về Hán (16), hội hỗn-đồng (17) chi cách trở một phương?

Lòng dẫu xót thấy cơn cách chính (18),

Thân lại nhờ gặp hội hưng vương (19).

Thành Xuân (20) theo ngọn long-kỳ (21), đạo tề trị (22) gần nghe tiếng ngọc.

Cung Hữu (23) rạng mầu địch-phất (24), tình ái-ân muôn đội nhà vàng (25).

Danh phận ấy cậy vun trồng mọi vẻ,

Nền-nếp xưa nhờ che-chở trăm đường.

Ơn sâu nhuần-gội cỏ-cây, chốn lăng-tẩm chẳng phạm trồi du-tử (26),

Lộc nặng thơm tho hương khói, nơi miếu đường nào khuyết lễ trưng-thường (27)?

Mọi nỗi, mọi nhờ trọn vẹn,

Một điều một được vẻ-vang.

Phép hằng dìn hạc thược, tước hoa (28), buồng quế (29) rạng khuôn Nội-tắc (30);

Điềm sớm ứng Chung-tư (31), Lân-chỉ, phái Lam (32) thêm diễn thiên-hoàng (33).

Mảy chút chưa đền đức cả,

Gót đầu đều trọn ơn sang,

Đền Vị-ương (34) bóng đuốc bừng-bừng, lòng cần-miễn (35) vừa khi dóng-dả.

Miền Cực-lạc (36) xe mây vùn-vụt, duyên hảo-cầu (37) sao bỗng dở-dang?

Ôi!

Gió lạnh buồng đào (38), rơi cầm nẩy sắt;

Sương pha cung đỏ, hoen phấn mờ gương!

Việc vầy-vui nhớ hãi rành-rành, dịp ca-múa bỗng khuây chừng Thần-ngự (39).

Buổi chầu-chực tưởng còn phảng phất, chuông điểm hồi sao vắng chốn Cảnh-dương (40)?

Vấn vít mấy bảy năm kết phát (41)!

Đau đớn thay, trăm nỗi đoạn trường (42)!

Hé nhà sương (43) ngắm quyển cung-châm (44), tiếng chi-phất (45) hãi mơ-màng trên gối.

Nương hiên-nguyệt ngẫm lời đình-chỉ (46), bóng thủy-hoa (47) còn chấp-chới bên tường.

Hang núi (48) cũng phàn-nàn đòi chốn!

Cỏ hoa cũng sùi-sụt đôi hàng!

Liễu châm thoa (49) mong theo chốn chân-du (50), da tóc trăm thân nào có tiếc!

Ôm cương-bảo (51) luống ngập-ngừng di-thể (52), sữa măng đôi chút lại thêm thương.

Tiếc thay!

Ngày thoi (53) thấm-thoắt!

Bóng khích (54) vội-vàng!

Thuyền ngự-tọa (55) đã ngang ghềnh Thái-thủy (56)

Bóng long-xa thẳng trỏ lối Tiên-hương (57).

Nẻo hoàng-toàn (58) xa-cách mấy trùng, ngao-ngán thêm từng cơn biệt-duệ (59).

Chén hoàng-thủy (60) kính dưng một lễ, xét-soi xin thấu cõi minh dương (61)!

THAM KHẢO. – Câu cuối có bản chép là “xét-soi xin thấu cõi dương-gian”. Nhưng, chữ “gian” không vào vần của bài này. Vậy theo bản chữ cũ chép là “minh dương”.

CHÚ DẪN.

 (1) Trung tinh: Ngôi sao giữa trời. Theo thiên Nguyệt-lệnh Kinh Lễ, các sao trong đám “Nhị-thập bát tú” thường vẫn lần-lượt đóng ở giữa trời. Bất kỳ sao nào, khi đã đóng ở giữa trời, thì đều gọi là trung-tinh. Câu này nói việc ông Nguyễn-Huệ mới lên ngôi vua.

(2) Vẻ thụy: Vẻ của điềm lành

(3) Thái-bạch: Tức là sao Mai, sáng nào cũng mọc ở phương đông. Chữ Thái-bạch đây ví như ông vua.

(4) Sáu cung: Chỗ ở của Hoàng-hậu và các phi-tần. Theo sách Chu-lễ, hậu-đình của thiên-tử chia ra sáu cung, đằng trước một, đằng sau năm. Hoàng-hậu ở cung đằng trước, phu-nhân trở xuống ở các cung đằng sau.

(5) Cương thường: Tức là tam cương (vua, cha, chồng) và ngũ-thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Những chữ “cương thường” đặt liền nhau, nghĩa cũng giống như chữ “luân-lý”.

(6) Bến Nhị: Bến Nhị-hà.

(7) Bái-việt: Lá cờ nhiều mầu và lưỡi tầm sét, đồ dùng đi đường của các vị đế-vương. Câu này nói việc ông Nguyễn-Huệ ra Bắc-hà.

(8) Chín châu: Trong đời nhà Hạ, nước Tàu chia làm chín châu. Câu này mượn điển đó để nói cả nước.

(9) Cầu Ngân: Cầu sông Ngân-hà. Sách Hoài-nam tử chép rằng: Mỗi năm, cứ đến đêm mồng bẩy tháng bẩy, những con ô-thước lấp sông Ngân-hà làm thành cái cầu, để sao Khiên-ngưu qua sông hội-họp với sao Chức-nữ. Vì vậy, người ta hay mượn điển ấy để nói việc vợ chồng lấy nhau. Câu này chỉ về việc vua Quang-trung kết duyên với Công-chúa Ngọc-hân.

(10) Ỷ la: Nhiễu và là. Đoàn Ỷ-la tức là đám người ăn mặc choang-chóe.

(11) Đôi nước: Chỉ về nhà Lê và nhà Tây-sơn.

(12) Hôn cấu: Dâu gia, vợ chồng.

(13) Quan sơn: Cửa ải và núi non.

(14) Tôn Chu: Tôn-trọng nhà Chu. Trong đời Xuân thu, thiên-tử nhà Thu tuy đã không còn thế-lực, vua Hoàn nước Tề và vua Văn nước Tấn vẫn cứ tôn trọng nhà Chu. Câu này mượn điển đó để nói vua Quang-trung vẫn có ý tôn trọng nhà Lê.

(15) Thân hiếu: Gần-gặn giao hiếu với nhau.

(16) Thế cả về Hán: Hán-sử chép rằng: Khi Chiêu-Hà đến dụ Kinh-Bố về với Hán-vương, có nói: “Nay thế cả thiên-hạ đã về nhà Hán”. Câu này mượn điển đó để nói đại-thế trong nước đã về nhà Tây-sơn.

 (17) Hỗn đồng: Dồn lại làm một.

(18) Cách chính: Thay đổi chính-quyền. Câu này chỉ việc nhà Lê mất nước.

(19) Hưng vương: Gây nên cơ nghiệp làm vua. Câu này chỉ việc nhà Tây-sơn nổi dậy.

(20) Thành Xuân: Thành Phú-xuân, kinh-đô của vua Quang-trung lúc ấy, tức là xứ Huế bay giờ.

(21) Long kỳ: Cờ rồng, cờ của vua.

(22) Tề trị: Tề gia trị quốc (Tề nhà, trị nước).

(23) Cung Hữu: Chỗ ở của Ngọc-Hân công-chúa.

(24) Định phất: Cánh gà và áo tơi xe có nạm long chim chả (Đồ dùng của các vợ vua).

(25) Nhà vàng: Sách Hán-Vũ-cố-sự chép rằng: Khi chúa Vũ-đề còn làm thái-tử, nàng Trưởng công-chúa hỏi ngài muốn lấy Át-Kiều hay không? Ngài đáp: Nếu được Át-Kiều sẽ dùng nhà vàng mà chứa. Câu này mượn điển đó để nói ân tình của vua Quang-trung đối với mình.

(26) Du tử: Tên hai thứ cây, người ta thường trồng ở đường nhà quê. Câu này nói vua Quang-trung không động-chạm đến lăng tẩm nhà Lê.

(27)Trưng thường: Tế tổ về mùa thu gọi là trưng, về mùa đông gọi là thường. Câu này nói miếu mạo của nhà Lê nhờ vua Quang-trung mà không bao giờ thiếu sự cúng-tế.

(28) Hạc-thược tước hoa: Hạc-thược là cái khóa hình con hạc, tước thoa là cái thoa hình con sẻ, hai thứ đồ dùng của các phi-tần. Bài Lục-cung tạ biểu của Giang-Tổng có câu: hạc thược thần khải tước hoa hiểu ánh: khóa hạc sớm mở, thoa sẻ năng soi. Bốn chữ này dùng theo điển đó.

(29) Cung quế: Sách Nam-đô-yên-hoa ký chép rằng: Vua Hậu-chủ làm cho nàng Trương-lệ-Hoa một tòa cung ở sau điện Quang-chiếu. Cung ấy, cửa tròn như hình mặt trăng, che cửa bằng thủy-tinh, sân sau có nếp cửa võng son phấn, trong sân chỉ trồng một cây quế, ngoài ra không có vật gì khác. Hai chữ “Cung quế” gốc-gác ở đó.

(30) Nội tắc: Một thiên trong sách Lễ-ký, dậy về nết-na công việc của đàn-bà con gái.

(31) Chung tư: Tên một thơ trong kinh Thi, thơ ấy khen vua Văn-vương nhiều con.

(32) Phái Lam: Phái của sông Lam, chỉ về dòng-dõi nhà Lê.

(33) Thiên-hoàng: Ao trời, chỉ về dòng họ nhà vua, gốc ở câu “chia dòng nước Nhược, khoi phái ao trời” trong một bài văn của Tào-Thực. Câu này tác-giả nói mình lấy vua Quang-trung đã sinh mấy con..

(34) Vị-ương: Tên một tòa cung của vua nhà Hán.

(35) Cần-miễn: Siêng năng cố-kỉnh

(36) Cực lạc: Tức là cực-lạc thế giới (thế giới rất vui) chỗ ở của A-di-đà-phật. Những người học về đạo Phật vẫn mong tới đó. Vì ấy người ta hay nói tới chữ ấy để nói sự chết.

(37) Hảo cầu: Tốt đôi

(38) Buồng đào: Buồng treo màn đỏ, chỗ ở của đàn-bà

(39) Thần ngự: Tức là vua ngự

(40) Cảnh-dương: Tên cung của các vua miền Nam trong đời Lục-triều. Tề-thư chép rằng: Vũ –đế nước tề treo một quả chuông ở cung Cảnh-dương, ra lệnh cho các cung-nhân hễ nghe cung ấy nổi một hồi chuông thì phải trở dậy trang điểm. Câu này mượn điển đó để nói việc vua chết. Bởi vì vua chết nên cung Cảnh-dương không có hồi chuông giục bọn cung nhân trang điểm như mọi ngày.

(41) Kết phát: Kết tóc. Tục đời Hán, vợ chồng lấy nhau, trong đêm hợp-cẩn, người nọ kết tóc cho người kia. Thơ của Lý-Lăng có câu: “Kết phát vi phu phụ ân nghĩa lưỡng bất vong: Kết tóc làm vợ chồng, ân nghĩa cùng không quên”. Vì vậy người ta hay dùng chữ kết tóc để nói về việc nhân-duyên.

(42) Đoạn trường: Đứt ruột

(43) Nhà sương: Chỗ ở của đàn-bà góa chồng.

(44) Cung trâm: Cuốn sách ghi lời răn bảo các người trong cung.

(45) Tiếng chi phất: Tiếng của vua nói.

(46) Đình chỉ: Mệnh lệnh của vua đưa xuống sân chầu

(47) Thúy hoa: Lá cờ riêng của vua.

(48) Hang núi: Hang và núi. Tống-sử chép rằng: khi vua Thần-tôn qua đời, những người ở núi sâu hang thẳm, ai cũng chạy chọt thương khóc. Câu này mượn điển đó để nói lòng dân thương xót vua Quang-trung.

(49) Trâm thoa: Cái trâm và cái thoa, đồ trang sức của đàn-bà

(50) Chân du: Cuộc đi chơi thật, tức là chết

(51) Cưỡng bảo: Tã lót, chỉ về trẻ con thơ-ấu

(52) Di thể: Hình thể còn lại. Theo kinh Lễ, thân mình là di thể của cha mẹ. Đây nói mấy đứa con nhỏ của vua Quang-trung.

(53) Ngày thoi: Tức là ngày tháng đi lại mau như thoi đưa.

(54) Bóng khích: Bóng chỗ hẻ. Sách Sử-ký của Tư-mã-Thiên có câu: “ Đời người như bóng bạch câu qua chỗ hẻ”, ý nói cuộc đời không mấy chốc. Vì vậy người ta hay dùng chữ đó để nói người đời ngắn ngủi.

(55) Ngự tọa: Chỗ ngồi của vua.

(56) Thái-thủy: Chưa rõ lấy điển ở đâu. Có người bảo Thái-thủy là con sông đi đưa đám ma, nhưng ở các sách chưa thấy chỗ nào nói vậy.

(57) Tiên hương:  Làng tiên, tức là cõi chết.

(58) Hoàng toàn: Suối vàng, chỉ về dưới âm-phủ. Tả truyện: Lúc Trịnh-bá bất bình với mẹ, có thề rằng: Nếu không tới chốn suối vàng, thì mẹ con không trông thấy nhau. Vì vậy người ta hay dùng chữ đó để chỉ về cõi âm-phủ.

(59) Biệt duệ: Ống tay áo trong lúc lâm-biệt. Người ta tiễn nhau đi xa, thường hay nắm tay áo nhau mà nói chuyện, lúc rời cái tay áo ra tức là lúc sắp phải xa nhau. Vì vậy người ta mới dùng chữ ấy để nói cảnh ly-biệt.

(60) Hoàng-thủy: Nước vũng. Tả truyện có câu: “rau khe, nước vũng, có thể đem cung tước vương, tước công”. Câu này dùng chữ đó để chỉ về chén nước cúng.

(61) Minh dương: Âm-phủ và dương-gian.

GIẢI THÍCH. - Bài này có thể chia làm nhiều đoạn.

Đoạn đầu bốn câu, tóm tắt ý của cả bài. Đại để tác giả nói rằng: Vua Quang-trung mới lên ngôi báu, như ngôi sao ở giữa trời, mới rạng vẻ ngọc trên chín từng mây, các nước vừa được thấy cảnh tốt đẹp, bỗng chốc ngài đã tạ thế, như đám mây đen che vừng Thái-bạch, khiến cho tất cả sáu cung, đều vì buồn rầu mà nhạt mùi hương. Trong lúc kẻ khuất người còn, tấm lòng bà đau đớn như sợi tơ dứt, nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng, giọt lệ rơi xuống như hạt châu xa.

Từ câu thứ năm trở đi là đoạn thứ hai, bà nhắc lại những việc đã qua. Bắt đầu kể lúc vua Quang-trung kéo quân ra Bắc-hà, bấy giờ thuyền ngài thuận buồm tới bến sông Nhị, cuộc hội cờ quạt lừng lẫy đồn khắp mọi nơi. Rồi duyên trời run-rủi, vua Lê gả bà cho vua Quang-trung, khi ấy đoàn là-lượt trong đám đưa dâu, đón rể của hai nước, thật là rực-rỡ tưng-bừng. Vì hai bên đã thành ra nghĩa dâu-gia, bà liền chẳng quản quan-sơn cách trở, tức thì theo chồng vào Nam. Bấy giờ vua Quang-trung cũng sẵn lòng tôn-phù nhà Lê, như các vua Tề-Hoàn, Tấn-văn tôn phù nhà Chu, cho nên ngài đã tỏ tình giao hiếu, định rõ bờ-cõi của hai nước. Chỉ vì ngoài Bắc bị Nguyễn Hữu Chỉnh gây loạn, khiến cho đại thế trong nước đã về nhà Tây Sơn, cũng như đại thế trong đời Hán-Sở giao tranh đã về nhà Hán, ngài không thể để cho cuộc thống nhất còn chừa một phương Bắc-hà nên phải phái quân bắt Nguyễn Hữu Chỉnh, làm cho vua Chiêu-thống phải bỏ nước mà chạy. Hồi ấy lòng bà tuy vẫn đau-xót về sự mắt thấy cơn thay đổi chính quyền của nhà Lê, nhưng thân bà lại nhờ vua Quang-trung mà được gặp một cơ hội xây dựng đế-nghiệp, nên bà cũng tạm khuây-khỏa. Từ khi theo ngọn cờ rồng vào thành Phú-xuân, bà thường được nghe vua Quang-trung dạy bảo về đường tề gia, trị quốc. Đến khi được vua Quang-trung phong làm Hữu-cung hoàng-hậu thì ngài quý bà chẳng khác gì Hán-Vũ đế quý nàng Át-kiều mà cho ở trong nhà vàng. Danh phận của bà nhờ ngài vun trồng đủ điều đã đành, nền-nếp của nhà bà ngày xưa lại được ngài che-chở cho không thiếu cách gì. Ngài cấm không ai được động đến lăng tẩm nhà Lê , ấy là ân sâu của ngài thấu đến cỏ cây. Ngài cắt người ra coi việc cúng-tế đền miếu của nhà Lê, ấy là lộc nặng của ngài đã khiến cho nén hương ngọn khói cũng được thơm tho. Như vậy, thật nhờ được có ngài mà bà và nhà bà mọi nỗi đều trọn-vẹn, mọi đường đều vẻ-vang. Bởi vậy, bà phải giữ-gìn nết-na trong cung quế, lúc nào cũng theo đúng lời dạy của thiên Nội-tắc. Và nhờ trời, bà lại sinh được hai con, vậy là dòng dõi nhà Lê ở sông Lam lại có cháu ngoại, gộp vào dòng dõi của nhà Tây-sơn vậy. Tuy rằng công-đức của ngài, bà chưa báo đáp chút nào, nhưng từ trước đến sau lúc nào bà cũng được ngài ban ơn. Từ đây trở xuống là đoạn thứ ba ý nói: Bây giờ giữa lúc ngài đương siêng-năng việc nước như vua Hán đốt đuốc ở cung Vị-ương mà làm việc ban đêm thì bỗng xe mây của ngài đã xa chơi miền cực-lạc của đức phật Di-đà, khiến cho mối duyên hảo-cầu giữa ngài và bà thành ra nửa chừng dở dang. Than ôi, từ khi ngài mất, buồng đào của bà như bị gió lạnh, đàn cầm, đàn sắt đều phải rã-rời; cung đỏ của bà như bị sương pha, vẻ phấn mặt gương đều phải hoen ố. Vừa mới ngày nào bao nhiêu cuộc vui vầy múa hát, bà vẫn còn nhớ rành rành, mà nay đã vắng bóng thần-ngự của ngài, bao nhiêu buổi chầu-chực hầu-hạ, bà vẫn tưởng như phảng-phất trước mặt, mà nay ở cung Cảnh-dương là chỗ ở của ngài, đã không có hồi chuông giục các cung-nhân trở dậy trang điểm như xưa! Nghĩ đến tình xe tơ kết tóc trong bẩy năm trời, ruột bà thật như đứt thành trăm đoạn. Khi mở cánh cửa mà gió đến quyển sách răn-bảo cung-nhân còn như thấy tiếng ngài văng-vẳng trến gối, khi tựa trước hiên đối bóng trăng soi mà ngẫm đến những chỉ dụ ban xuống sân chầu còn như thấy bóng cờ thúy hoa của ngài bay phấp-phới bên tường. Chắc rằng trong khi ngài mất dẫu đến nhân-dân ở nơi hang sâu núi thẳm cũng phải phàn-nàn, mà đến cỏ hoa là giống vô tình cũng phải sụt-sủi nhỏ nước mắt. Bà cũng muốn liều bỏ trâm-hoa mà chết để được theo ngài đến cõi chân-du, dù một trăm cái thân da trắng tóc dài cũng không đoái tiếc. Chỉ vì hai chút con nhỏ còn đương trong ủm-lót, nó cũng đều là hột máu của ngài còn lại, không thể dứt tình mà bỏ cho được. Mấy câu dưới đây là đoạn kết, đại ý than rằng: Ngày tháng mau chóng, đời người không được bao lâu. Bây giờ thuyền ngài đã khuất, xe ngài đã tới làng, nghĩ đến cảnh ngài ở suối vàng xa cách, bà càng ngao-ngán, nghẹn-ngùng cho cuộc ly-biệt. Lậy xin kính dưng một chén rượu nhạt, mong ngài xét-xoi đến cho.

PHÊ BÌNH. – Cả bài ý nghĩa rõ-ràng, lời lẽ trải-truốt, dùng điển cũng đắc-thể và xác-đáng. Văn-tế như vậy là hay. Nếu có thể chê, người ta chỉ chê về chỗ kém vẻ thương xót, đọc lên không thấy cảm động, đó là tật chung của lối văn cổ-điển. Song một người đàn-bà mà có văn tài bậc này, chẳng cứ ở Ta, ngay như ở Tàu là nước văn-học phát-đạt, cũng ít thấy lắm.

Ngô Tất Tố ( 1894-1954)

THAM KHẢO

Câu “ Xót thay máy tạo bất-bằng” có bản chép là “máy tạo đất bằng”, chữ “đất bằng” ấy không có ý nghĩa gì.

Câu “ Trên giường nào ngại, giữa giòng nào e” có bản chép là “trên rừng nào ngại”, chữ “rừng” ấy không có ý nghĩa gì.

Câu “ Chữ tình thấm chưa trút được đi” có bản chép là “ chưa thoát được đi”, chữ “thoát” cũng có ý nghĩa.

Câu “Nỗi sinh-cơ có thấu cho chăng”, hai chữ “sinh-cơ” không có ý nghĩa gì, e nó là chữ sao lầm.

Câu “Thiên duyên lạnh lẽo, đêm đông biên-hà” chưa rõ nghĩa gì, có lẽ cũng là lầm. Nếu lấy văn-thế làm bằng mà so câu này với câu “uyên-ương chiếc bóng, phượng-hoàng lẻ đôi” ở dưới, thì chữ “Thiên duyên” và chữ “đêm đông” của câu này phải là tên cái gương. Nếu chữ “nhìn gương” ở câu trên mà do chữ “nhìn hương” lầm ra, - vì ở trên đã nói gương rồi- thì những chữ đó phải là tên những nén hương. Vậy hãy ghi tạm lại đó, để chờ tra-khảo.

 

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia