Sách Đại Nam Nhất Thống Chí thời Duy Tân viết về Chùa Kim Tiên có chi tiết mới hơn:
Ở ấp Bình-An[1]. Tương-truyền chùa nầy do Hòa-thượng Bích-Phong [2] làm ra, đời vua Thế-Tôn [3] bản triều trùng tu, sơn thiếp xanh vàng rực rỡ, trước dựng lầu Vọng-Tiên, qui chế tráng lệ. Sau gặp nạn binh-hỏa [4] bỏ hoang phế nay người trong ấp [5] nhân theo nền cũ làm lại; trước chùa có giếng xưa [6] sâu hơn 30 thước, nước rất trong sạch. Tương truyền xưa có tiên-nữ ban đêm tắm ở giếng ấy, nên cũng có tên là Giếng tiên. (Thừa Thiên Phủ,Tập Thượng,tr. 86)
KIM TIÊN TỰ, Đại Nam Nhất Thống Chí (Thời Duy Tân), Quyển II, Thừa Thiên, từ dòng 7, trang 43b
Chú giải:
[1] Ấp Bình An : Tên địa danh Bình An mới có từ đầu triều Nguyễn. Trước đó thuộc vùng lâm lộc của xã Dương Xuân.
[2] Hòa thượng Bích Phong.- Chưa tra cứu được tiểu sử. Người cùng thời có Thiền sư Giác Phong (? – 1741) khai sơn chùa Báo Quốc;
[3] Vua Thế Tôn.- tức Thế Tôn Hiếu Võ Hoàng đế, thường gọi là Võ Vương (1738-1765) – người cho xây dựng lại chùa
[4] Nạn binh hỏa.- tức chiến tranh với Nhà Tây Sơn từ năm 1786 đến năm 1801
[5] nay người trong ấp.- Nay tức là thời điểm soạn thảo lại bộ Đại Nam Nhất Thống Chí dưới triều Thành Thái (1889-1906)[1] và xuất bản Duy Tân (1907- 1916) đầu thế kỷ XX
[6] trước chùa có giếng xưa. Giếng xưa tức là Giếng Tiên. Giếng Tiên hiện nay vẫn còn tại vị trí phía nam của hông sau chùa Kim Tiên. Chứng tỏ chùa Kim Tiên chúa Võ Vương (cuối thế kỷ XVIII) xây mặt về hướng nam. Chùa Kim Tiên hiện nay quay mặt về hướng tây.
Chùa Kim Tiên ngày nay
Bình luận
Qua văn bản sự tích chùa Kim Tiên ở ấp Bình An viết chưa đầy 80 từ (chữ Hán) trong ĐNNTC dẫn trên ta thấy trong 80 từ ấy ẩn chứa nhiều vấn đề mà các nhà nghiên cứu từ trước đên cuối thế kỷ XX chưa ai hiểu một cách đầy đủ. Nghiên cứu kỹ 80 từ viết về lịch sử chùa Kim Tiên trong Đại Nam Nhất Thống Chí triều Duy Tân tôi thấy có những thông tin sau:
1. Cái tên ấp Bình An: Tên địa danh Bình An mới có từ đầu triều Nguyễn. Trước đó địa phương nầy thuộc vùng lâm lộc của xã Dương Xuân. Qua nghiên cứu lịch sử được biết những nơi từng liên hệ sâu sắc với Phong trào Tây Sơn, về sau thuộc về nhà Nguyễn đều được đặt lại tên mới. Để thể hiện tinh thần đã lập lại hòa bình, nhà Nguyễn thường dùng hai từ Bình, hoặc An hoặc Bình An. Ví dụ như ấp Tây Sơn đổi thành An Tây, phủ Quy Nhơn thành phủ Bình Định. Chỉ qua một việc đổi tên ấy chứng tỏ địa phương có chùa Kim Tiên nầy ở trong vùng có liên hệ với Tây Sơn Nguyễn Huệ.
2. “Đời vua Thế Tôn bản triều trùng tu, sơn thiếp xanh vàng rực rỡ, trước dựng lầu Vọng-Tiên, qui chế tráng lệ” Chứng tỏ chùa Kim Tiên là chùa của chúa Võ Vương tức là chùa nhà nước. Chùa mà có “lầu Vọng Tiên, qui mô tráng lệ”. Chí có vua chúa mới có đủ tiền xây dựng tráng lệ như thế, mới có lầu không phải để vọng Phật mà để vọng người đẹp (vọng tiên). Thời Võ Vương ở chung quanh phủ Dương Xuân (cung điện Mùa Đông) của chúa Nguyễn Phúc Khoát/Hoạt có nhiều chùa nhưng không ngôi chùa nào được chúa cho trùng tu đặc biệt đến như thế.
3. “Sau gặp nạn binh-hỏa bỏ hoang phế nay người trong ấp nhân theo nền cũ làm lại”. Thông tin nầy mới có trong Đại Nam Nhất Thống Chí được soạn thảo lại thời Thành Thái - Duy Tân. Chữ nay nầy ám chỉ thời biên soạn lại sách tức cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Chứng tỏ suốt gần thế kỷ XIX chùa Kim Tiên tồn tại với một cái nền cũ. Có hai câu hỏi được đặt ra:
3.1. Theo ĐNNTC, sau binh hỏa, chùa Khánh Vân ở xã Lựu Bảo, chùa Quang Bảo ở xã Kim Long được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu quyên tiền trùng tu (tr.85, 86); chùa Báo Quốc bị Tây Sơn chiếm làm kho chứa diêm tiêu (thuốc súng) được Hiếu Khương Hoàng hậu quyên tiền làm lại (tr.86); chùa Quốc Ân được Hòa thượng Mật Hoằng trùng tu (tr.87), chùa Từ Lâm cùng ở ấp Bình An với Kim Tiên được Thái trưởng Công chúa Ngọc Nghĩa trùng tu (tr.88), chùa Viên Giác cùng ở ấp Bình An được Diên Phươc Công chúa (chị vua Tự Đức) trùng tu, chùa Thiền Lâm ở ấp Bình An (từng bị Bùi Đắc Tuyên thời Tây Sơn chiếm ở) được Thừa Thiên Cao hoàng hậu trùng tu và nhiều chùa khác sau binh hỏa đã được các bà trong Nội, các Công chúa quyên tiền trùng tu như chùa Đông Thuyền, chùa Thiên Thai Nội (tr.88, 89). Chùa Kim Tiên là một cái chùa nhà nước tráng lệ đặc biệt như ĐNNTC đã viết, vì sao sau ngày hòa bình lập lại, chùa Kim Tiên lại bị bỏ hoang, không được trùng tu?
3.2. Chùa Kim Tiên của nhà nước không những tráng lệ, lại ở giữa một vùng có nhiều chùa tháp nổi tiếng, vì sao các bà Hoàng hậu các công chúa triều Nguyễn ái mộ Đạo Phạt trùng tu chùa chiền khắp nơi sao lại không ngó nghĩ tới? Dân chúng địa phương cũng phải đợi đến gần một thế kỷ sau binh hỏa mới dám xây dựng lại? Phải chăng nơi đây đã bị cấm? Vì sao cấm? Tây Sơn/Nguyễn Huệ liên hệ với chùa Kim Tiên hệ trọng đến như thế nào mà làm cho nhà Nguyễn phải đối xử khắt khe đến vậy?
4. “trước chùa có giếng xưa. Giếng xưa tức là Giếng Tiên. Giếng Tiên hiện nay vẫn còn tại vị trí phía nam của hông sau chùa Kim Tiên. Chứng tỏ chùa Kim Tiên thời chúa Võ Vương trước binh hỏa (cuối thế kỷ XVIII), xây mặt về hướng nam. Chùa Kim Tiên hiện nay quay mặt về hướng tây.
Đây là một vấn đề lịch sử rất quan trọng mang tính tâm linh đã ẩn kín hơn hai thế kỷ nay. Phải chăng đã đến lúc phải khám phá?
Nguyễn Đắc Xuân