Quang Trung-Nguyễn Huệ vị hoàng đế của tình yêu

Quang Trung-Nguyễn Huệ là một người anh hùng dân tộc bách chiến bách thắng, sự nghiệp quân sự của ông chói lọi trong sử sách. Bên cạnh cuộc đời xông pha tên đạn ở chốn trận mạc. Quang Trung-Nguyễn Huệ còn cómột đời sống tình cảm nồng nàn, cháy bỏng hiếm thấy trong tiểu sử của các anh hùng dân tộc khác ở Việt Nam.

Căn cứ trên tài liệu hiện có, chúng ta biết được Quang Trung-Nguyễn Huệ có ba người vợ:

Người thứ nhất (chưa biết họ tên) đã ở lại Quy Nhơn khi Nguyễn Huệ  cầm quân ra giải phóng Phú Xuân (1786), nhưng có lẽ con bà là Nguyễn Quang Thuỳ đã theo cha trong chuyến đi lịch sử ấy.

Người thứ hai họ Phạm đã bồng con là Quang Toản theo chồng ra Phú Xuân. Khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế bà được phong là Vũ Hoàng Chính hậu. Khi Quang Trung mất (1792) con bà được kế vị lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh.

Người thứ ba là công chúa Ngọc Hân con gái vua Lê Hiển Tông. Nguyễn Huệ cưới công chúa sau khi ông đã hoàn thành nhiệm vụ diệt Trịnh phù Lê (mùa thu năm 1786). Sau khi Nguyễn Huệ lên ngôi, Ngọc Hân được phong làm Bắc cung Vũ Hoàng hậu.

Vua Quang Trung và công chúa Ngọc Hân

Trong ba người vợ ấy, bà Ngọc Hân là người hoàng tộc, trẻ, (lúc lấy Nguyễn Huệ bà mới 16 tuổi), đẹp, đức hạnh, giỏi thơ văn và cũng là người vợ có mặt bên cạnh Quang Trung-Nguyễn Huệ vào lúc lâm chung.

Ở  đời người ta thường hay nói: “Có mới nới cũ” Quang Trung-Nguyễn Huệ không thế. Tuy sống bên cạnh bà Ngọc Hân nhưng tình cảm của Quang Trung-Nguyễn Huệ đối với hai bà trước vẫn nồng nàn thủy chung.

Đối với bà họ Phạm, Nguyễn Huệ rất quý mến. Có lẽ vì thế mà ông đã phạm sai lầm là đưa nhiều người bà con dòng họ của bà vào giữ những chức vụ quan trọng của triều đình. Năm 1791 bà Chính hậu họ Phạm đau nặng Quang Trung-Nguyễn Huệ lịnh cho tất cả các danh y và ngự y phải cứu chữa cho bà. Khi các thầy thuốc Việt Nam chịu bó tay. Quang Trung-Nguyễn Huệ quy trách nhiệm cho những  người thầy thuốc đã không tích cực chữa cho bà từ khi bà mới nhuốm bệnh, đến khi bà trọng bệnh thì thúc thủ, thật đáng trách. Vì quá thương bà Chính hậu Quang Trung-Nguyễn Huê đã hành động vượt ra ngoài khuôn khổ của triều chính. Ông cho người đi lùng sục tìm một thầy thuồc người Tây phương hoạt động bí mật trong các khu người Công giáo đưa về chữa bệnh cho bà vợ chính của ông. Sau  một thời gian người ta đã mời được ông Girard vào nội. Quang Trung-Nguyễn Huệ đã tiếp đãi ông Girard rất nồng hậu. Nhưng tiếc thay, bệnh tình của bà Chính hậu đã quá trầm trọng cả thầy thuốc Tây  y cũng chịu  bó tay. Vào khoảng tháng 3 bà Chính hậu vĩnh biệt ông. Quang Trung-Nguyễn Huệ đau đớn hết sức. Ông  nổi giận với tử thần, trách móc số phận. Lời lẽ của ông nổi sóng nổi gió giữa triều đình Phú Xuân. Nguyễn Huệ yêu cầu nhân dân (ở cả miền Bắc) tiến vải tốt, sapï, trầm hương, nhựa trám để chế thành chất mát tích (mastique) thật bền để ướp xác bà Chính hậu cho được lâu. Thi hài bà Chính hậu được giữ lại trong Nội đến gần ba tháng.

Đối với công chúa Ngọc Hân, một trang tài sắc tuyệt vời - Theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí - Nguyễn Huệ đã yêu bà trước khi vua Lê có ý định chọn ông làm phò mã. Từ khi kết duyên với Quang Trung-Nguyễn Huệ cho đến lúc nhà vua mất, bà đã được sống trong niềm hạnh phúc vô bờ, bà được nhà vua rất mực thương yêu quí mến.

Chính vì tình yêu của Quang Trung-Nguyễn Huệ đã làm cho cuộc đời của Ngọc Hân có ý nghĩa lớn lao. Bởi thế, khi Qang Trung-Nguyễn Huệ  đột ngột qua đời làm cho bà Ngọc Hân đau đớn muốn quyên sinh theo chồng:

“Quyết liều mong vẹn chữ tòng 

Trên rường nào ngại, giữa giòng nào e”

Và, quả thật nếu không vì hai người con còn quá nhỏ thì bà  cũng đã chết với Quang Trung-Nguyễn Huệ.

Trong lịch sử thế giới. Cuối thế kỷ thứ XVIII ở Pháp cũng có một danh tướng có nhiều chiến công hiển hách và cũng có một đời sống tình cảm được sử sách đề cập đến nhiều. Vị tướng ấy là Napoléon Bonaparte. So sánh đời sống tình cảm của Quang Trung-Nguyễn Huệ với Bonaparte ta thấy có những điểm đáng chú ý:

Quang Trung-Nguyễn Huệ có ba người vợ, một bà vì hoàn cảnh đặc biệt không được sống gần ông, còn hai bà họ Phạm và họ Lê luôn ở bên ông. Bà nào ông cũng thương như  nhau. Napoléon thì khác. Ông yêu Joséphine rồi tôn nàng lên làm Hoàng Hậu Đức Giáo hoàng phản đối, ông bắt giam  Giáo hoàng. Sau ông ly dị Joséphine để lấy con vua nước Aïo là Marie Louise. Khi Napoléon thất thế, Marie đã làm nhiều chuyện đồi bại không xứng đáng là một Hoàng hậu nước Pháp. Marie còn bị người đời chê trách là một kẻ cướp chồng, Napoléon là một kẻ bạc tình.

Sau khi vua Quang Trung mất, bà Ngọc Hân đã sống hết sức chung thủy với chồng. Hai tác phẩm  văn học của bà đã giúp cho hậu thế hiểu sâu tài năng và đức độ của Quang Trung hơn. Bà đã sống vì sự nghiệp Quang Trung và cuối cùng bà đã mất với nguyện vọng được chôn bên cạnh lăng mộ Quang Trung-Nguyễn Huệ.

Xem thế mới thấy tư cách đạo đức của hai bà công chúa hoàn toàn khác nhau. Tư cách đạo đức  của hai bà do sự giáo dục của hoàng gia Việt Nam và hoàng gia Aïo, nhưng chắc chắn không thể bỏ qua yếu tố xác lập bởi tình cảm của hai ông chồng Quang Trung và Bonaparte.

Chúng ta tự hào Việt Nam có một ông vua anh hùng bách chiến bách thắng, riêng tuôíi trẻ Việt Nam cũng tự hào chính ông vua anh hùng trên trận mạc ấy lại là một hoàng đế của tình yêu.

Nguyễn Đắc Xuân

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia