Các bộ sưu tập có rất ít tư liệu chính thống (tức là của chính những người của phong trào Tây Sơn viết ra) ngoài những thư từ của Nguyễn Huệ - Quang Trung viết cho La Sơn Phu Tử, những bài hịch mang tên nhà vua, những văn thơ của Ngô Thì Nhậm, của Phan Huy Ích, của Công chúa Ngọc Hân… Còn toàn là của những phía đối nghịch với phong trào Tây Sơn. Ví dụ của các sử thần Lê Trịnh (như Hoàng Lê Nhất Thống Chí), của các sử thần nhà Nguyễn (Tây Sơn thuật lược, Đại Nam chính biên liệt truyện, Đại Nam Thực lục tiền biên, ...), của triều đình Mãn Thanh, của các giáo sĩ Tây phương…
Vua Quang Trung (Phù điêu)
Vì lòng đối nghịch hận thù, các nguồn tư liệu nầy (ngoài phần chính thống) đã xuyên tạc, bóp méo sự thực làm cho chúng ta khó lòng phục hồi đúng lại được sự nghiệp “giúp dân dựng nước” và chân dung của những người anh hùng trong phong trào Tây Sơn mà người nổi bậc nhất là Nguyễn Huệ - Quang Trung. Tuy nhiên, không ai có thể lấy bàn tay mà che được ánh sáng mặt trời. Trong mớ tư liệu xuyên tạc, bóp méo có ý đồ ấy vẫn để lộ ra “lòng khâm phục”, “sự sợ hãi” trước sức mạnh của chính nghĩa.
Để đáp ứng yêu cầu của bạn đọc gần xa, đặc biệt là bạn đọc ở Bình Định, tôi xin trích nguyên văn một số tư liệu mô tả chân dung người anh hùng tiêu biểu của phong trào Tây Sơn là Nguyễn Huệ - Quang Trung!
*
* *
Tại chùa Bộc (Hà Nội) có một pho tượng cổ và một đôi câu đối:
“Đông lý vô trần, đại địa sơn hà lưu đống vu,
Quang Trung hóa Phật, tiểu thiên thế giới chuyển phong vân”.
(Dịch nghĩa: Trong hang không bụi, lưu nêu cột giữa non sông rộng lớn. Giữa sáng thành Phật, chuyển gió mây trong thế giới cỏn con).
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng pho tượng trên là tượng vua Quang Trung. Đôi câu đối hai bên pho tượng vừa ngụ ý là vua Quang Trung anh hùng cái thế, vừa dùng danh nghĩa tôn giáo để gìn giữ cho pho tượng khỏi bị vua quan triều Nguyễn phá hoại. Tượng vua Quang Trung ấy ẩn vào hình dạng một tượng Phật. Sở dĩ pho tượng được người ta nghĩ đó là tượng vua Quang Trung vì cái dáng hiên ngang của pho tượng, ví dụ mình mặc triều phục mà chân thì một trong hia một nằm ngoài hia. Nhiều nhà nghiên cứu cho pho tượng Quang Trung ở chùa Bộc là “một di sản văn hóa đáng quý”.
Một sử gia đầu triều Nguyễn không có cảm tình với Nguyễn Huệ viết cuốn Tây Sơn thuật lược đã phát họa chân dung của nguyễn Huệ như sau:
“Tóc của Nguyễn Huệ quăn, mặt có mụn, một con mắt nhỏ, nhưng cái tròng rất lạ, ban đêm ngồi không có đèn, thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu, lúc lâm trận chế thắng, uy anh hùng lẫm liệt cho nên mới bình định được phương Bắc và dẹp yên được phương Nam, hướng đến đâu thì không ai hơn được …”.
(Vô Danh Thị, Tây Sơn Thuật lược,
bản dịch của Tạ Quang Phát, QVKĐTVHXH, SG, tr.17)
Chính sử của triều Nguyễn cũng xác nhận gần đúng như thế: “Nguyễn Văn Huệ là em Nhạc, tiếng nói như tiếng chuông to, mắt lập loè như ánh điện, là người giảo hoạt, đánh trận rất giỏi, người người đều sợ Huệ”.
(Đại Nam liệt truyện (sơ tập), q.30, Ngụy Tây, tr.17b,
bản dịch của Tạ Quang Phát, Phủ QVKĐTVHXH, SG.1970)
Đại Nam liệt truyện CB, q.30, tr.17b viết:
“Nguyễn Văn Huệ là em của Nhạc, tiếng nói như chuông to mắt lập lòe như ánh điện, là người thông minh giáo hoạt, giỏi chiến đấu, người người đều kinh sợ”
Điện sáng từ mắt vua Quang Trung có vẻ huyền hoặc quá, chưa thấy ai đã từng có, và cũng chưa nghe ai giải thích vì sao. Phải chăng vì uy danh binh nghiệp của Nguyễn Huệ mà làm cho mọi người có cảm tưởng như thế chăng? Và chính vì thế mà đã có nhiều công trình nghiên cứu về “thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ”. Nguyễn Huệ không những có tài quân sự mà còn có tài “xem tướng”. Liệt truyện đã từng chép lời Nguyễn Huệ nói về một bề tôi của ông: “Vũ Văn Nhậm, ta vốn biết hắn ắt làm phản, thì quả nhiên”.
(Đại Nam liệt truyện (sơ tập), q.30, Ngụy Tây, tr.28b)
Bằng một trí tuệ thiên bẩm, Nguyễn Huệ không những tính toán được “phương lược” để thắng giặc mà tính luôn cả việc phải làm sau khi chiến thắng và sắp đặt cả người làm việc ấy. Trước khi đánh quân Thanh Nguyễn Huệ đã nói với Ngô Thì Nhậm rằng:
“Nay ta tự coi đốc tướng sĩ, phương lược tiến đánh đã tính sẵn rồi. Chẳng quá mười ngày có thể đuổi được giặc Thanh. Nhưng nghĩ nó là nước lớn, gấp mười nước mình, sau khi thua một trận ắt lấy làm thẹn mà cố báo thù. Như thế thì việc binh đao không bao giờ dứt, thật không phải phúc cho dân, lòng ta không nỡ làm vậy. Tới lúc đó, chỉ có một cách nói thật khéo thì mới ngăn được cái ngòi chiến tranh, việc ấy phi Ngô Thì Nhậm không ai làm nổi. Đợi mười năm nữa, ta đủ thì giờ gây nuôi, nước giàu quân mạnh thì ta có sợ gì nó”.
(Hoàng Lê Nhất Thống Chí, T.1, Nxb Văn học, HN.1978, tr.256)
Lời của Nguyễn Huệ luôn có cơ sở thực tế. Chính một người Việt cùng thời với Nguyễn Huệ như một cung nữ cũ của vua Lê, khi nghe Lê Chiêu Thống đã đưa Tôn Sĩ Nghị về Thăng Long, đã từ Trường an (Sơn Nam) ra nói với Thái hậu:
“Cứ xem những lời trong bài hịch thì thấy Ngài (Tôn Sĩ Nghị) buộc cho ta nhiều lắm, mà Ngài thì cứ lượn lờ trên sông, chỉ dùng thanh thế dọa nạt, không biết Nguyễn Huệ là bậc anh hùng lão thư và giỏi cầm quân. Coi ông ra Bắc vào Nam thật là thần xuất quỷ nhập không ai có thể dò biết. Y bắt Nguyễn Hữu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Vũ Văn Nhậm như giết con lợn, không một người nào còn dám trông thẳng vào mặt. Nghe lệnh của ông, ai cũng mất cả hồn vía, sợ hơn sấm sét. E rằng bất nhất y sĩ lại ra, quân Tôn Tổng đốc còn có cái lo bên trong, địch sao cho nổi”.
(Hoàng Lê Nhất Thống Chí, nt, tr. 252)
Đúng như thế, lúc đánh giặc Nguyễn Huệ hết sức dũng cảm. Mặc dù chống Nguyễn Huệ đến cùng, các sử thần nhà Nguyễn cũng phải nhận: “Khi chỉ huy trận đánh quân Thanh, Nguyễn Huệ cỡi voi đốc xuất quân sĩ xông pha vào lửa đạn đến nỗi khi tiến vào thành Thăng Long, chiến bào của vua Quang Trung biến thành màu đen xám vì thuốc súng”.
(Đại Nam liệt truyện (sơ tập), q.30, Ngụy Tây, tờ 34b)
“Nguyễn Huệ là một dũng tướng mà lại rất nhân hậu. Khi bọn Nguyễn Trang đến nộp đầu Trịnh Khải, Nguyễn Huệ đã nói: “Đáng tiếc cho một hảo nam tử, lúc đầu, nếu sớm đầu hàng thì hẳn không mất phú quý, sao lại khổ tử hủy mạng”.
(Hoàng Lê Nhất Thống Chí, nt, tr. 87)
Cảm động nhất là đối với Phan Huy Ích. Hãy nghe Phan tự thuật: “Vừa qua, tôi vì có em mắc tội, lòng nơm nớp lo sợ khi ở Bắc thành dâng biểu trần tình tạ tội, nhận được chiếu truyền: “Tính người ta thiện ác khác nhau, cha còn chả được lòng với con, huống chi anh đối với em, việc đã không dính líu đến, thì còn có buồn nghĩ gì”, và cho vào kinh triều kiến. Khi vào chầu lại được tới trước mặt căn dặn ân cần, bây giờ tôi mới dám cởi mở tâu bày. Ở triều về kinh ghi bài nầy:
“Gia đình sao sinh nhiều việc?
Tình cảm muốn yên không xong.
Phận làm tôi đã có dấu vết
Đấng sáng suốt lại ban chiếu thư.
Khi tới lui càng thấy sợ hãi,
Lời an ủi lại ôn tồn.
Cảm kích,tấc thành xin giải hết
Trong mơ, vẫn vẳng nhạc quân thiều”
(Thơ văn Phan Huy Ích, Nxb KHXH, 1978, tr.68)
Ngoài tinh thần mưu trí, dũng cảm, nhân hậu, Nguyễn Huệ còn là một lãnh tụ liêm khiết. Cái đạo đức của chủ tướng đã ảnh hưởng lớn đến quân sĩ. Các cố đạo Tây phương có mặt ở Việt Nam lúc ấy rất căm thù quân Tây Sơn, thế mà họ cũng thấy được rằng:
“Những người Nam hà nầy (quân Nguyễn Huệ) đã áp dụng sự xử án khắc nghiệt - mới thất tố cáo chẳng cần đợi xét xử lôi thôi, họ đã đem chém đầu những bọn trộm cướp. Người ta rất lấy làm thích sự xử phạt như vậy và sự liêm khiết của quân Tây Sơn. Vì họ không cướp bóc ai mà chỉ chặt đầu (những tên tội phạm) mà thôi”.
(Thư ngày 11.7.1786 của giáo sĩ Le Roy viết cho Blandin ở Paris,
trích lại trong Sử Địa số 13/SG,1969, tr.212)
Các giáo sĩ Tây dương rất kính phục tài dùng binh và tính liêm khiết của Nguyễn Huệ đã đành, họ còn phải công nhận: “Nguyễn Huệ là một người rất tình cảm. Khi bà vợ cũ của ông đau nặng, ông đã không ngại bọn thầy thuốc Tây dương mà đã cho mời một người vào chữa. Người có tên là Girard. Khi người thầy thuốc nầy vào thì bà đã mất. Girard đã chứng kiến nổi đau khổ của Nguyễn Huệ “đến cùng cực về việc ông Girard không được mời đến kịp thời”. Nhiều tài liệu khác còn cho biết Nguyễn Huệ đau đớn la hét như muốn nổi cơn điên.
(Archives des Missions Etrangères, Coch, Vol. 746, p. 361,
trích lại của Sử Địa số 13, tr. 212).
Không những các giáo sĩ thấy Nguyễn Huệ là một người tình cảm mà chính sử thần triều Nguyễn cũng thấy. Có lẽ vì thế mà Liệt truyện đã thuật lại chuyện trong phòng the của Nguyễn Huệ và Ngọc Hân có liên quan đến quốc sự rằng:
“Ngọc Hân công chúa vốn không ưa tự tôn (cháu nội của vua được lên ngôi) thầm đem một vài việc xấu của Duy Kỳ nói với Huệ. Huệ nghi ngờ hoãn việc hành lễ lên ngôi. Cả triều đình (nhà Lê) e ngại kinh hãi. Các vị trong tông thất nhà Lê đổ tội cho Ngọc Hân. Ngọc Hân sợ, xin Huệ lập Duy Kỳ lên ngôi. (Vì yêu Ngọc Hân) Huệ bằng lòng”.
(Đại Nam liệt truyện, nt, tờ 24a)
Đọc đoạn sử nầy chắc có người sẽ bảo “Nguyễn Huệ” cũng “nhẹ dạ” trước giai nhân. Không đâu. Một người từng tuyên bố một cách tự tin rằng:
“Nơi nào ta mang quân đến, nơi đó quân thù bị đánh tan tành”.
(Hịch của vua Quang Trung gửi nhân
dân hai tỉnh Quảng Ngãi và Quy Nhơn)
thì không bao giờ nghe lời giai nhân một cách vô căn cứ. Nguyễn Huệ là một người ít học, tuy có nhiều chiến công lẫm liệt nhưng vẫn mang tiếng là xuất thân ở chốn núi rừng quê mùa. Thế mà Nguyễn Huệ cũng tự biết mình là một-nói theo ngôn ngữ hiện đại - “thần tượng” của thời bấy giờ. Ngô gia văn phái của đất Bắc hà có tường thuật trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí một đoạn văn sau:
“Công chúa lúc mới về còn có vẻ bẽn lẽn e thẹn, nhưng sau rồi cũng quen. Hôm vào làm lễ yết các vị tiên hoàng đế ở nhà Thái miếu, Bình (tức Nguyễn Huệ) và công chúa gióng kiệu cùng đi, lúc lễ xong lại gióng kiệu cùng về.
Bình chợt hỏi công chúa:
-“Con trai con gái nhà vua, đã có mấy người được vẻ vang như nàng?”
Công chúa đáp:
-“Nhà vua ít lộc, các con trai con gái ai cũng nghèo khó. Chỉ riêng thiếp có duyên, lấy được lệnh công, ví như hạt mưa, bụi ngọc bay ở giữa trời, được sa vào chốn lâu đài là sự may mắn của thiếp mà thôi!”.
(Hoàng Lê Nhất Thống Chí, Nxb Văn học, HN.1978, q.1,tr.135)
Những đặc điểm của Nguyễn Huệ - Quang Trung nêu trên thật độc đáo, nhưng người đời cũng có thể hiểu được. Người ta sẽ vô cùng kính phục đến mức khó hiểu khi đọc những lá thư của Nguyễn Huệ gửi cho Nguyễn Thiếp để cầu hiền.
Nếu không vì một lòng vì dân vì nước thì không bao giờ Nguyễn Huệ viết được những dòng về mình rằng:
“… Quả đức sinh ở chỗ hẻo lánh, học ở sự nghe trông. Gặp thời thế nầy, bất đắc dĩ phải khởi binh. Những người giúp việc trong nhất thời đều là kẻ chiến đấu mạnh bạo. Trong lúc dùng quân, không thể không xâm chiếm tàn phá. Đạo trị dân đại để có nhiều điều cứng cõi và phiền nhiễu… Ấy là tội quả đức chưa biết cầu hiền để giúp đỡ.”
(Thư ngày 13.9 (1787) của Nguyễn Huệ gửi cho Nguyễn Thiếp,
trích lại trong La Sơn Phu tử của HXH, Minh Tân, Paris, tr.106)
Nguyễn Huệ có chính sách cầu hiền và quyết tâm “cầu” cho được. Xem đó như một yếu tố “quyết định” cho sự thành công của ông. Sở dĩ Nguyễn Huệ thu được lắm nhân tài như Trần Văn Kỷ, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích… vì ông thành tâm và đặt nhân tài đúng chỗ. Cũng chính vì lẽ đó mà ông già Nguyễn Thiếp khó tính “năm lần bảy lượt từ chối mọi lời mời cũng phải xuống núi giúp vua dựng nước”. Tác giả La Sơn Phu tử cho biết:
“Ngày 14 tháng 8 năm 1791, Nguyễn Văn Thiếp vào Phú Xuân hợp tác với vua Quang Trung. Cụ làm một bài tấu bàn về ba việc mà bậc đế vương nên biết:
“Một là bàn về quân-đức”, Nguyễn Thiếp khẳng định: Từ xưa thánh hiền chưa có ai không bởi sự học mà có đức”.
“Hai là bàn về nhân tâm. Dân là gốc nước, gốc vững nước mới yên”
“Ba là luận học-pháp”. Học cho rộng rồi ước lược cho gọn, theo điều học biết mà làm. Họa may nhân tài mới có thể thành tựu; nhà nước nhờ đó mà vững yên”.
(Hồ Xuân Hương, Sđd, tr.144,145,146)
Có lẽ vì thế mà tác giả Tây Sơn thuật lược viết đoạn văn nầy để chứng minh rằng Nguyễn Huệ đã thực hiện lời răn của “thầy”.
“Huệ đặt quan Bí thư, mỗi tháng sáu lần chầu để giảng giải kinh sử…
Một ngày nọ Huệ hỏi quan Bí thư:
- Trong sách có chép việc gì ?
Quan Bí thư thưa:
- Sách sử chép sự tích thiện ác của đế vương và lý do hưng phế để đời sau biết mà soi xét răn dè.
Huệ hỏi:
- Như thế từ xưa đã có ai đánh Tàu chưa ?
- Thưa, nước ta có Trần Hưng Đạo đánh Tàu ở sông Bạch Đằng, Lê Thái Tổ đánh ở thành Đông quan, nhưng đều đánh chúng tiến sang chứ chưa có tiến sang Tàu mà đánh chúng.
Huệ nói:
- Ta nay sẽ đánh Tàu để ngươi xem.
Sau đó Huệ xuống lịnh cho công viện vá lại chiến y, rồi lại gửi cho Gia thiếp của các đại thần cất giữ, hẹn ngày nào đủ hai mươi vạn chiếc áo để ban cấp cho quân sĩ thì ngày ấy sẽ đánh lấy lại hết đất lưỡng Quảng”.
(Tây Sơn thuật lược, tr.16)
Một trong những người được Nguyễn Huệ mời giảng sách là Ngô Thì Nhậm. Vị tiến sĩ lỗi lạc đất Bắc hà nầy đã mô tả một buổi giảng sách trong một bài thơ chữ Hán được dịch nguyên nghĩa như sau:
“Tảng sáng chưa tan sương canh năm
Tiếng gà eo óc, thấu cung Thượng Dương
Nơi ngự tọa, thị vệ gươm vàng đã sắp đặt
Chỗ đình thần, hàng ban áo gấm vừa chỉnh tề
Truyền đạt lời vua, mưu mô chiến lược
Tuyên đọc chế cáo, quốc kế biên phòng”
(Ngô Thì Nhậm, Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm,
Nxb, KHXH, HN.1978, tr. 214)
Ngoài những buổi đọc sách chính thức (một tháng 6 kỳ) mỗi lần rãnh rỗi vua Quang Trung lại mời các quan đại thần vào hỏi chuyện. Ngô Thì Nhậm cho biết những đêm mất ngủ, vua ngồi dậy pha trà mời ông vào giảng sách, đọc thơ, hay bàn quốc sự.
Ngô Thì Nhậm kể:
“Năm Tân Hợi (1790), sau tiết tiểu hàn hai ngày, trời lạnh buốt, mưa như trút. Hàng bên trái, quan nội các là tôi và Trực Lượng hầu, bên phải quan hộ Hiến Thành hầu và Kinh Thân hầu, bốn viên vào hầu. Vua ôm lò ngự hương, mặt rồng vui vẻ, cho các bầy tôi ngồi, mời uống trà, thung dung hỏi việc nước”.
(Ngô Thì Nhậm, Sđd, tr.222)
Tinh thần cầu học của thiên tài Nguyễn Huệ thật đáng quý. Là một võ tướng uy danh lẫm liệt, chưa từng nếm mùi thất trận bao giờ, thế mà mọi lời nói, mọi bài viết ở bất cứ nơi đâu, nhà vua đều nhờ những văn thần giỏi nhất sửa chữa, trau chuốt cho đúng với vị trí của ông. Ngô Thì Nhậm xác nhận điều đó:
“Bề tôi hàn mặc đi hỗ giá giắt theo bút mực,
Ghé xem nét bút của vua mà chuốt lời văn”.
(Ngô Thì Nhậm, Sđd, tr.208)
Chúng tôi chưa tìm được một bài thơ nào của vua Quang Trung, nhưng qua nhiều tư liệu khác nhau tôi thấy nhà vua rất thích thơ văn. Điều đó không ai hiểu hơn Ngô Thì Nhậm. Ngô Thì Nhậm viết:
“Thuyền ngự đến cửa biển Tư dung (Tư hiền) dừng lại, sai quan lên các núi ở cửa biển thị sát trận địa để đặt đồn trú. Từ Thần theo hầu thuyền ngự, vua sai làm thơ tức cảnh, một bài đường luật, một bài quốc âm dâng vua xem. Vua rất thích”.
(Ngô Thì Nhậm, Sđd tr.212)
Vì số trang hạn chế của một tờ bài viết, chúng tôi không thể trích nhiều hơn nữa. Những nét của bức chân dung Nguyễn Huệ - Quang Trung nêu trên cũng đã cho chúng ta những nét khái quát về người anh hùng vĩ đại của dân tộc ta. Mỗi nét có thể triển khai thành một công trình, việc nầy đã có và chắc chắn sẽ có thêm nhiều công trình nữa. Để khép lại mấy trang tư liệu nầy, tôi xin mượn lời của công chúa Ngọc Hân - người yêu quý nhất của Nguyễn Huệ - Quang Trung nói về con người và sự nghiệp của Nguyễn Huệ - Quang Trung.
“Nghe trước có dâng vua Thang Võ
Công nghiệp nhiều tuổi thọ thêm cao
Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước biết bao công trình”
(Ai tư vãn)
Nguyễn Đắc Xuân
(Nguồn Văn Hóa Bình Định, Lễ hội kỷ niệm 215 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, Số 28 [Tháng 1,2,3-2004], tr.72-81)
[*] Để được bạn đọc tin cậy tôi xin trích nguyên văn tư liệu gốc, do đó cách xưng hô và quan điểm của các tác giả cổ đã không được như ý muốn của chúng ta. Có gì sơ suất kính mong bạn đọc lượng thứ.
Tài liệu tham khảo:
Đại Nam liệt truyện (sơ tập), q.30, Ngụy Tây, bản gốc chữ Hán;
Đại Nam liệt truyện (sơ tập), q.30, Ngụy Tây, bản dịch của Tạ Quang Phát, Phủ QVKĐTVXHX, SG.1970.
Hoàng Lê nhất thống chí, t.1, Nxb Văn học, HN.1978.
Hoàng Xuân Hãn, La Sơn Phu tử, Minh tân, Paris 1952.
Tập san Sử Địa số 13/SG.1969.
Thơ văn Phan Huy Ích, Nxb KHXH, HN.1978.
Vô Danh Thị, Tây Sơn thuật lược, Phủ QVKĐTVHXH, SG (?).
Và nhiều tài liệu điền dã khác.