Đã qua hơn 200 năm từ khi vua Quang Trung băng hà (1792), người dân vẫn không rõ chính xác lăng mộ của vua đang nằm ở đâu. Đã có nhiều cuộc tìm kiếm của hậu thế kéo dài suốt 75 năm qua, tuy nhiên đây vẫn là một câu hỏi bí ẩn chưa có lời giải đáp. Đó cũng là vấn đề gây tranh cãi cũng như tốn nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu trong thời gian dài.
Các hiện vật gạch đá tìm thấy trong vườn chùa Thuyền Lâm. Ảnh: M.T
Về vấn đề này, phải kể đến nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân, người đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu trong suốt 30 năm qua. Nghiên cứu của ông Xuân dựa trên thơ văn của Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích là hai vị cận thần của vua Quang Trung cùng với những ghi chép của người Pháp vào thời điểm vua Quang Trung đang ở kinh đô Phú Xuân.
Dựa trên phần chú thích bài thơ Cảm hoài của Ngô Thì Nhậm có câu: “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta” (cung điện Đan Dương là nơi chôn cất thi hài của nhà vua). Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân đã đi đến kết luận có một cung điện có tên là Đan Dương của vua Quang Trung vốn là phủ Dương Xuân của chúa Nguyễn. Đây là nơi sống và làm việc của vua Quang Trung, cũng là nơi chôn cất thi hài của nhà vua khi qua đời.
Tiếp tục khảo sát thực địa tại ấp Bình An thuộc gò Dương Xuân bao gồm khuôn viên chùa Thuyền Lâm và khu vực xung quanh, ông Xuân tìm thấy nhiều hiện vật như: đá táng, đá lát sàn, gạch vồ, bia đá, đá táng kê cột nhà,… Từ đây ông Xuân kết luận: cung điện Đan Dương nằm tại khu vực chùa Thuyền Lâm, chùa Vạn Phước nay thuộc phường Trường An, TP Huế.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân giới thiệu về một hiện vật đá
phát lộ ở khu vực cận chùa Vạn Phước. Ảnh: M.T
Những quan điểm này của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân nhận được nhiều ý kiến từ các nhà nghiên cứu khác, có ý kiến đồng tình nhưng cũng có những ý kiến phản bác kịch liệt. Trước tình hình này, GS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN cho rằng cần phải có một cuộc khai quật khảo cổ học trên thực địa.
Trước vấn đề này, Bộ VH-TT&DL đã cho phép đào năm hố thăm dò khảo cổ với diện tích 22m2 tại khu vực gò Dương Xuân. Cuộc thăm khảo cổ sẽ do Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế thực hiện dưới sự chủ trì của PGS.TS Bùi Văn Liêm – Viện phó Viện Khảo cổ học.
Ngày 6/10 nhóm thăm dò đã bắt đầu động thổ, dự kiến hôm nay 7/10 sẽ bắt đầu việc đào thám sát. Việc thăm dò khảo cổ sẽ kết thúc vào ngày 15/10. Kết quả của việc thăm dò lần này sẽ tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi liệu đây có phải là cung điện Đan Dương của vua Quang Trung mà từ lâu nhiều người vẫn tranh cãi.
Lê Chung
[Nguồn Báo Gia đình và Xã hội (ngày 7/10/2016) cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất.]