Tìm lăng mộ vua Quang Trung: Thăm dò cung điện trước Chỉ còn lại dấu vết

Bộ VHTT-DL vừa ký quyết định cho phép Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò tại gò Dương Xuân (Trường An, TP Huế) với diện tích 22 m2, từ ngày 30/9 đến 15/10.

Trước đó ngày 30/10/2015, Sở VHTT-DL Thừa Thiên Huế đã tổ chức hội thảo khoa học cung điện Đan Dương triều Tây Sơn tại Huế.

Tại đây, nhà nhiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, người 30 năm đi tìm kiếm tư liệu, thực địa, cho rằng cung điện Đan Dương được xây dựng gần chùa Vạn Phước, Thiền Lâm, ngay gò Dương Xuân. Dưới cung điện là nơi chôn cất vua Quang Trung.

Theo ông Xuân, sử sách cũng đã ghi cung điện Đan Dương do vua Quang Trung xây dựng.

Khuôn viên chùa Vạn Phước trên gò Dương Xuân. Ảnh VNE

Trao đổi với Đất Việt, ngày 6/10, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân – nhà “Huế học” cho biết: “Lần này việc chính là tìm dấu tích của cung điện Đan Dương, tức là hoàng thành, triều đình vua Quang Trung đóng tại đó.

Nhưng việc đầu tiên là tìm được cung điện, còn khi khai quật rồi sẽ lộ ra dấu vết lăng mộ vị vua này nằm ở đâu. Cung điện này sẽ chứng minh ở Huế cũng có thêm một Hoàng thành của triều đại Tây Sơn, còn lăng mộ vua thì cũng chỉ còn dấu vết, chứ không còn lăng.

Trước đây, cung điện Đan Dương đã bị vua Gia Long chôn xuông dưới 3 tầng đất, giờ chúng ta đưa lên, trong đó có nhiều nhà cửa, vết tích, trong vết tích đó các nhà khảo cổ học sẽ xác nhận được khu vực nào là lăng mộ vua Quang Trung”.

Bên cạnh đó, theo ông Xuân, địa điểm chuẩn bị thăm dò chắc chắn 100% là chính xác, bởi vì cách đây 1 tuần, khi đào đường đặt ống nước cũng đã lồi lên mấy cục đá báng, là hiện hữu của 4 ngôi nhà cổ.

“Đây là một cung điện bị chôn đi, bây giờ gạch ngói thuộc về nhà cửa, đá lát nền, các loại đá báng, đá bám cột sẽ rất nhiều, tôi cũng đã tìm được 7-8 hiện vật.

Chính khu vực cung điện An Dương là địa điểm vua Quang Trung lên ngôi và xuất phát đi đánh đuổi 20 vạn quân Thanh, nên nó oai hùng vô cùng. Một tập đoàn Canada và Mỹ đang làm cuốn phim “Hoàng đế Quang Trung – đại thắng quân Thanh” trong vòng 5 năm, tôi là cố vấn.

Vì thế việc tìm được dấu tích của cung điện An Dương có nhiều ý nghĩa, về cả văn hóa lịch sử lẫn du lịch. Nó thể hiện hào khí Tây Sơn, hào khí của cả một thời đại, đây là một công trình khoa học xưa nay chưa ai làm được”, ông Xuân phân tích.

Chia sẻ về quá trình làm đeo đuổi việc tìm mộ vua Quang Trung, theo ông Xuân, ông là người Huế học, nên những bí ẩn về Huế đều thôi thúc ông nghiên cứu, đây cũng là một trong những bí ẩn.

“Thực sự tôi đã tìm ra cách đây vài chục năm, nhưng do nhiều yếu tố tác động, nên đợi đến Hội thảo khoa học vừa qua thì mới chính thức được thực hiện. Chiều nay, tôi đến thắp hương, khấn khu vực này trước khi đào hố thăm dò”, ông Xuân chia sẻ thêm.

Viện khảo cổ chịu trách nhiệm chính

Trong khi đó, cũng chia sẻ thông tin với Đất Việt, ông Trần Tuấn Anh – Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa, Sở VHTT-DL Thừa Thiên Huế cho hay, lần này các đơn vị phối hợp để đi tìm dấu tích cung đình Đan Dương, chứ không phải tìm dấu vết mộ vua Quang Trung.

Đoàn sẽ khảo sát, đào một 5 hố, rộng 22m2, xem khu vực trước đây nghi là khu cung điện Đan Dương xem có chính xác. 2h chiều ngày 6/10, sẽ tiến hành khởi công làm các thăm dò theo giấy phép của Bộ VHTT-DL.

Hiện vật gạch đá đã phát lộ

Nhiều ý kiến hiện nay cho rằng điện Đan Dương có tồn tại nhưng vấn đề về lăng mộ của vua Quang Trung nằm ở đâu thì còn phải nghiên cứu.

“Viện khảo cổ học sẽ chịu trách nhiệm chính, cùng với Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế. Những hiện vật thu thập được, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế bảo quản, báo cáo Bộ trưởng Văn hóa phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó”, ông Tuấn Anh chỉ rõ.

Cũng trao đổi thêm, ông Cao Huy Hùng – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cho hay, chiều ngày 6/10, các cơ quan đoàn thể mới chính thức làm việc với nhau, khi đó mới lên chương trình làm việc cụ thể, biết được phương án tiến hành ra sao.

Trước đó, tại hội thảo khoa học cung điện Đan Dương triều Tây Sơn, ngày 30/10, GS Phan Huy Lê cho rằng, theo cảm nhận của ông cung điện Đan Dương có tồn tại nhưng vấn đề về lăng mộ của vua Quang Trung nằm ở đâu thì còn phải nghiên cứu.

“Còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu thêm về vua Quang Trung cũng như cung điện Đan Dương xưa”, giáo sư Phan Huy Lê nêu ý kiến

Nguồn : Baodatviet.vn

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia