Vẫn chưa xác định được lăng mộ vua Quang Trung

TTO - Kết quả sơ bộ cuộc thăm dò khảo cổ học địa điểm gò Dương Xuân (Huế) do Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế và Viện Khảo cổ học thực hiện tháng 10-2016 đã được báo cáo vào chiều 9-1 tại Huế. (Báo tuổi trẻ, 09/01/2017 20:09 GMT+7)

Nguyễn Đắc Xuân đọc và bình luận (Bình luận của người trong cuộc)

PGS. TS Bùi Văn Liêm báo cáo kết quả cuộc thăm dò khảo cổ học - Ảnh: MINH TỰ

Nguyễn Đắc Xuân bình luận.- Cám ơn nhà báo Minh Tự, trong hàng chục năm qua đã có nhiều bài báo quan tâm đến công trình nghiên cứu Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung của tôi, đặc biệt là bài báo nầy. Kết luận công trình nghiên cứu của tôi là năm 1786 Nguyễn Huệ giải phóng Phú Xuân trong tay ba vạn quân Trịnh. Ông chiếm phủ Dương Xuân làm dinh riêng của mình. Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi lấy niên hiệu Quang Trung, ông chủ trương xây dựng Kinh đô ở Nghệ An, trong lúc chờ đợi, ông sửa chữa phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn thành Cung điện Đan Dương. Năm 1792, vua Quang Trung qua đời, để giữ bí mật, triều Quang Toản đã táng vua ngay trong Cung điện Đan Dương. Cung điện Đan Dương thành lăng Đan Dương. Mùa hè 1801, Nguyễn Vương (sau nầy là vua Gia Long) về Phú Xuân, “vì chín đời mà trả thù”, lăng Đan Dương bị quật phá chôn sâu xuống đất, cấm dân chúng suốt thế kỷ XIX không được đến đây. Đại Nam Nhất Thống Chí của Triều Nguyễn viết “Từ khi binh loạn (Nguyễn Huệ giải phóng Phú Xuân), phủ Dương Xuân mất tích”. Như vậy, muốn tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung trước hết phải tìm dấu tích của phủ Dương Xuân-tiền thân của Cung điện Đan Dương. Sau hơn 1/3 thế kỷ, tôi đã tìm được dấu tích phủ Dương Xuân – tiền thân của Cung điện Đan Dương ở trên gò ấp Bình An (gò Dương Xuân cũ) gần chùa Thiền Lâm và chùa Vạn Phước thuộc P. Trường An, TP Huế ngày nay. Đợt khai quật thăm dò khảo cổ học gò Dương Xuân vừa qua chỉ chú trọng đến việc xem thử trên vùng khai quật nầy có biểu hiện gì chứng tỏ ở đây đã từng có những kiến trúc, những biểu hiện của đời sống xưa đã bị vùi lấp xuống đây hay không. Kết quả khai quật của 5 hố thăm dò quả đã có như báo chí đã tận mắt thấy và Viện Khảo cổ đã công bố như các báo đã phản ánh. Cuộc khai quật thăm dò vừa qua có đề cập gì đến lăng mộ vua Quang Trung đâu mà “đã xác định được” hay “chưa xác định được lăng mộ vua Quang Trung” ? Cái giá trị của công trình nghiên cứu, kết quả cuộc khảo cổ học thăm dò và kết luận của GS Phan Huy Lê – nguyên chủ tịch Hội KHLS VN bước đầu đã tìm được dấu vết của phủ Dương Xuân-tiền thân của Cung điện Đan Dương. Qui mô của nó như thế nào còn phải tiếp tục khai quật. Tìm được Cung điện Đan Dương thì việc tìm dấu tích lăng Đan Dương không khó nữa. Chiếc xe đã tìm được thì cái bu-gi của nó ở đâu đó thôi. Vì thế, tôi cho rằng cái tít bài báo “Vẫn chưa xác định được lăng mộ vua Quang Trung” không phản ảnh được nội dung bài báo. 

Cuộc thăm dò khảo cổ mà giới sử học và đông đảo người dân Việt Nam chờ đợi vì nó liên quan đến việc tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung.

Gò Dương Xuân có diện tích khoảng 1ha, nằm ở phía tây nam TP Huế (ngay phía phải chùa Từ Đàm) - nơi nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân xác định là khu vực từng tồn tại Cung điện Đan Dương của vua Quang Trung, khi vua băng hà thì an táng tại đây, trở thành lăng Đan Dương.

Để làm sáng tỏ xác định của ông Xuân, từ kiến nghị của Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã cho phép thực hiện một cuộc thăm dò khảo cổ học tại khu vực gò Dương Xuân từ ngày 6 đến 15-10-2016.

Sau gần ba tháng nghiên cứu, chỉnh lý tư liệu thu thập từ cuộc khai quật, chiều 9-1, đoàn thăm dò khảo cổ học đã có báo cáo sơ bộ. 

Sơ đồ khu vực gò Dương Xuân - nơi đã tiến hành cuộc thăm dò khảo cổ học - Ảnh: MINH TỰ

Nhiều phát hiện quan trọng

PGS.TS Bùi Văn Liêm - viện phó Viện Khảo cổ học - cho biết tại năm hố thăm dò với tổng diện tích gần 24m2 đã phát hiện nhiều di tích, hiện vật và kiến trúc.

Trong đó, phát hiện ba cụm di tích liên quan đến mộ hỏa táng, cùng một chum sành bị vỡ có khả năng của một ngôi mộ đất có quan tài là chum sành. Phát hiện một di tích nền hoặc móng bằng cát, sỏi có thể liên quan đến nền móng của kiến trúc hoặc lớp tạo mặt bằng kê chân đá tảng, là chân cột trong kiến trúc.

Phát hiện hằng trăm hiện vật bằng đồng, sắt, sứ, sành, đất nung, ngói, thủy tinh, vôi vữa, xương, vỏ sò, trong đó nhiều nhất là hiện vật gốm sứ (337 mảnh).

Phát hiện quan trọng nhất là kiến trúc đá có chiều rộng hơn 5,5m, dày 0,6-0,65m, các viên đá xếp chồng lên nhau, có hai điểm bắt góc và hiện tượng giật cấp của các lớp đá. Kiến trúc này có thể liên quan đến một kiến trúc lớn, rất có thể là móng của tường hoặc thành.

Dựa vào tổng thể di tích, tư liệu địa tầng, các mảnh sứ có ghi niên đại, các mảnh sành, gạch, ngói, bước đầu có thể đoán định niên đại của di tích gò Dương Xuân nằm trong khoảng từ thế kỷ 17 đến 19 kéo dài đến đầu thế kỷ 20.

Theo PGS.TS Bùi Văn Liêm, cuộc thăm dò này đã cung cấp những tư liệu quan trọng nhưng vẫn chưa thể xác định cụ thể các di tích, hiện vật thuộc về thời kỳ nào, chủ nhân là ai.

Vì vậy, đoàn công tác kiến nghị tiếp tục mở rộng diện tích thăm dò khảo cổ học tại hố thăm dò số 5, nơi đã phát hiện ra kiến trúc đá có qui mô khá lớn, để tìm hiểu diện phân bố, qui mô móng đá, công năng của kiến trúc này.

Tiếp tục nghiên cứu khu vực gò Dương Xuân nhằm tìm hiểu diện tích phân bố cụ thể của di tích, thu thập các hiện vật trên và trong lòng đất.

Tiếp tục nghiên cứu các tồn nghi Cung điện Đan Dương, về: vị trí, qui mô, niên đại, và những thông tin về triều Tây Sơn ở Huế...

Từ phát hiện kiến trúc đá này, các nhà khảo cổ kiến nghị cần mở rộng diện tích thăm dò khảo cổ để làm rõ hơn các thông tin liên quan - Ảnh: MINH TỰ

Cần khảo cổ thêm địa điểm khác thuộc gò Dương Xuân

Kết quả của cuộc thăm dò khảo cổ học bước đầu vẫn chưa cho thấy những tín hiệu quan trọng liên quan đến lăng mộ vua Quang Trung nên các nhà nghiên cứu vẫn còn băn khoăn.

PGS.TS Nguyễn Văn Đăng - trưởng khoa Lịch sử Trường đại học Khoa học Huế - cho rằng kết quả vẫn còn quá mờ. Những di tích, hiện vật được phát hiện thuộc thời kỳ nào, có phải là dấu hiệu của lăng mộ vua Quang Trung hay không?

Nguyễn Đắc Xuân bình luận.- Có lẽ Tiến sĩ  Nguyễn Văn Đăng nghe không hiểu hết nội dung Báo cáo của PGS.TS Bùi Văn Liêm – Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học tại Hội nghị và cũng chưa đọc tập tư liệu Báo cáo sơ bộ Kết quả thăm dò khảo cổ học địa điểm Gò Dương Xuân 10/2016 mà Ban tổ chức Hội nghị đã chuyển tận tay ngay khi Tiến sĩ Đăng vừa đến Hội nghị, và hình như Tiến sĩ Đăng cũng chưa xem kỹ các tủ trưng bày hiện vật khảo cổ học ngoài hành lang Hội trường cho nên đã phát biểu mang tính cảm tính thiếu tinh thần khoa học. Xin có lời bình luận sau đây:

1. PGS TS Nguyễn Văn Đăng nhận xét “Kết quả vẫn còn quá mờ” ?

Trả lời: Khai quật 5 hố trên 5 địa điểm xa nhau, chọn những nơi không ảnh hưởng đến cây cảnh, đường đi, sinh hoạt của cư dân trên Gò Dương Xuân mà đã thu được kết quả như trong trang 16 Báo cáo mà Tiến sĩ Đăng đang có trong tay là:

- “Di vật: Đồ đồng (2 hiện vật-tiền đồng); Đồ sắt (4-câu liêm ?); Gốm sứ (337-hiện vật và mảnh); Sành (471-mảnh); Đất nung (4-hiện vật); Gạch ngói (930-hiện vật và mảnh); Thủy tinh (22-mảnh); Vôi vữa (6-mảnh); Xương (4-mảnh); Vỏ sò (1-mảnh)”.

Đặc biệt là hiện vật hố đào thứ 5: 

“Kiến trúc đá H5 chiều rộng trên 5,50m theo chiều Đông-Tây, dày 0,6-0,65m, các lớp đá còn lại được xếp chỗ 2 lớp, chỗ 3 lớp đá, mỗi viên đá có kích thước trung bình (35cm dài, 25cm rộng và 22cm dày). Đã tìm thấy hai điểm bắt góc phía Tây và phía Đông, hiện tượng dật cấp của kiến trúc đá 10cm. Chiều dài theo hướng Bắc-Nam, chưa thể xác định còn kéo dài về hướng Nam, phía chùa Thiền Lâm. Từ quy mô bước đầu nhận định, lớp đá hố 5a và 5b có thể liên quan đến kiến trúc lớn, rất có thể là móng tường, móng thành phần trên đã bị các hoạt động của cư dân hiện đại xâm lấn”. (Báo cáo tr. 16).

PGS.TS Nguyễn Văn Đăng - trưởng khoa Lịch sử Trường đại học Khoa học Huế đòi hỏi thêm những gì nữa thì mới rõ?

2. PGS TS Nguyễn Văn Đăng hỏi: “hiện vật được phát hiện thuộc thời kỳ nào ?”

Trả lời: Báo cáo đã báo cáo rõ:

Về niên đại: Dựa vào tổng thể di tích, tư liệu địa tầng, các mảnh sứ có ghi niên đại, các mảnh sành, gạch ngói… bước đầu có thể đoán định niên đại di tích gò Dương Xuân tập trung từ Thế kỷ XVII đến Thế kỷ XIX kéo dài đến đầu Thế kỷ XX. Chúng ta chờ sự hỗ trợ phân tích niên đại 14C”. (tr.16). 

Nếu đã đọc báo cáo thì ông Tiến sĩ  trưởng khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học Huế không dám hỏi câu nầy.

3. PGS TS Nguyễn Văn Đăng hỏi: “có phải là dấu hiệu của lăng mộ vua Quang Trung hay không?” Công trình nghiên cứu của tôi “Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn – tiền thân của Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung. Đợt khai quật thăm dò khảo cổ học vừa qua xem thử trên gò Dương Xuân có những dấu hiệu gì chứng tỏ ở đó từng có những kiến trúc, sinh hoạt đời sống của người xưa bị chôn vùi xuống đất hay không. Và cuộc khảo cổ đã thu lượm được kết quả nêu trên. Cái tên báo cáo và trong nội dung báo cáo không hề đặt ra vấn đề lăng mộ vua Quang Trung.

Tìm được dấu tích phủ Dương Xuân tiền thân của Cung điện Đan Dương xong rồi mới tiến đến tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung. Chuyện đó còn chờ vào cuộc khai quật nữa. Cho nên TS Nguyễn Văn Đăng hỏi “có phải là dấu hiệu của lăng mộ vua Quang Trung hay không?” trong Hội nghị nầy là lạc đề.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đề nghị nếu cuộc thăm dò này nhằm trả lời cho một giả thiết về lăng mộ vua Quang Trung của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, thì cũng nên thăm dò khảo cổ cả địa điểm khác cùng nằm trên gò này là đình Dương Xuân Hạ - nơi mà một giả thiết khác cũng đã đặt ra đó là địa điểm của phủ Dương Xuân (trong ba giả thiết về lăng mộ vua Quang Trung tại Huế).

Nguyễn Đắc Xuân bình luận.- NNC Nguyễn Xuân Hoa – một trí thức Huế chay, thành viên của TT Nghiên cứu Huế, từng làm Chánh Văn phòng UBND TP Huế nhiều nhiệm kỳ, làm Phó Giám đốc rồi Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TTH hàng chục năm, đã viết, đã chủ trì nhiều Hội thảo KH Lịch sử văn hóa Huế, cho nên có thể nói không ai có nhiều tài liệu cổ vật Huế bằng ông, không ai hiểu Lịch sử văn hóa Huế bằng ông. Cho nên nhiều người rất bất ngờ khi nghe ông phát biểu ý kiến trong Hội nghị báo cáo “Kết quả sơ bộ cuộc thăm dò khảo cổ học địa điểm gò Dương Xuân” ngày 9-1-2017 tại sở VHTT&DL. Trong băng ghi âm còn ghi nhiều ý kiến của ông, tôi sẽ bình luận tiếp sau, ở đây tôi chỉ xin bình luận trao đổi với ông ý kiến của ông đã được báo Tuổi Trẻ đăng trên đây.

Ông NNC Nguyễn Xuân Hoa được mời đến Hội nghị để nghe báo cáo “Kết quả sơ bộ cuộc thăm dò khảo cổ học địa điểm gò Dương Xuân” và cho ý kiến về thành quả, ý nghĩa và giá trị của những hiện vật thu thập được. Nếu ông chứng minh được những gì cuộc khai quật khảo cổ thu lượm được không liên quan gì đến phủ Dương Xuân – Cung điện Đan Dương đã bị quật phá và không giúp gì cho việc tìm kiếm dấu tích lăng Đan Dương sau nầy, vì thế ông đề nghị “nên thăm dò khảo cổ cả địa điểm khác”.  Đằng nầy, ông chưa phản bác gì được kết quả của cuộc khai quật mà đã đề nghị nên “thăm dò khảo cổ cả địa điểm khác cùng nằm trên gò này là đình Dương Xuân Hạ” là một điều thiếu lô-gic, rất khó hiểu. Việc khai quật khảo cổ học mang tầm quốc gia sao lại dễ dàng như việc đã ăn món Huế ở Không Gian Xưa rồi cũng nên ăn món Huế ở Vườn Ý Thảo cho công bằng vậy!

Ông Hoa từng làm Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TTH, hẵn ông đã biết với tư cách nhà nước muốn đi khảo sát một địa điểm lịch sử ít nhất phải có hồ sơ thông tin khả tín về địa điểm ấy, huống chi Viện khảo cổ học của nhà nước Trung ương muốn khảo cổ một địa điểm phải trải qua biết bao giai đoạn: hồ sơ nghiên cứu khoa học, đã được cấp tỉnh xác định (phần nhiều phải trải qua hội thảo khoa học), địa phương trình với Bộ Văn hóa, Bộ Văn hóa đồng ý, Viện khảo cổ học mới vào cuộc. Công trình nghiên cứu của tôi bước đầu đã được Viện Sử học in năm 1992, đã trải qua nhiều cuộc trình bày trong và ngoài nước, đã đưa lên Internet hàng chục năm, được các nhà nghiên cứu lão thành (như học giả Hoàng Xuân Hãn) đánh giá đúng, đã tái bản hai lần (2007 và 2015), đã được đánh giá đúng trong Hội thảo ngày 30-10-2015, được Hội Sử học đề nghị với tỉnh TTH xin bộ Văn hóa cho khai quật, được các nhà Khảo cổ học Việt Nam nghiên cứu thảo luận kỹ trong giới khảo cổ, được Vietravel tài trợ… rồi mới có cuộc khảo cổ khai quật hồi tháng 10-2016. Vậy căn cứ vào hồ sơ khoa học nào đã được thực hiện, để ông Hoa đề nghị với Viện Khảo cổ học khảo cổ địa điểm đình Dương Xuân Hạ một cách dễ dàng như thế? Một vấn đề lịch sử quan trọng như thế (không những đối với tỉnh TTH mà còn đối với cả nước) vì sao suốt hàng chục năm làm Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin, ông không hề đưa đề tài nầy vào chương trình hoạt động của Sở do ông phụ trách?

Ông Hoa đề nghị: “nên thăm dò khảo cổ cả địa điểm khác cùng nằm trên gò này là đình Dương Xuân Hạ - nơi mà một giả thiết khác cũng đã đặt ra đó là địa điểm của phủ Dương Xuân.” Xin ông Hoa cho biết giả thiết đó của ai? đặt ra ở đâu? từ lúc nào? đã được Sở - nơi ông đã làm giám đốc hàng chục năm xác nhận chưa? Phải chăng ông căn cứ vào hai bài viết của Trần Đại Vinh và Nguyễn Anh Huy đăng trên TC Nghiên cứu và Phát triển của Sở KH&CN TTH sau đây:

Trần Đại Vinh- Phủ Dương Xuân thời chúa Nguyễn qua đối chiếu tư liệu và thực địa, số 1 (127) 2016, tr.12 đến tr.17;

Nguyễn Anh Huy –Về Phủ Dương Xuân của chúa Nguyễn, số 3 (129) 2016, từ tr.50 đến tr.67.

Nếu chỉ có hai bài nầy thì cũng chính trên Nghiên Cứu và Phát Triển của Sở KH&CN TTH, tác giả Nguyễn Đình Đính ở Nhóm Nghiên cứu Đan Dương đã có bài Phủ Dương Xuân thời chúa Nguyễn trao đổi cùng hai nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh và Nguyễn Anh Huy [số 4 (130) 2016, từ tr.145 đến 153]. Bài trao đổi nầy chứng minh kết luận của hai tác giả cho rằng phủ Dương Xuân ở đình Dương Xuân hạ ngày nay là sai. Không cần phải trích dẫn dài dòng, lý luận vòng vo, chỉ cần đưa ra một chi tiết trong Đại Nam Nhất Thông Chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn rằng “Phía Nam gò (nơi có phủ Dương Xuân) có đàn Nam Giao” là đủ rồi. Đình Dương Xuân còn đó (C), đàn Nam Giao (A) còn đó. Lên Đình Dương Xuân Hạ rút la bàn ra xem thì thấy ngay Đàn Nam Giao (A) nằm ở phía Đông Nam đình Dương Xuân Hạ, chứ không phải phía Nam như Đại Nam Nhất Thống Chí viết.

Vì thế mà hai tác giả Trần Đại Vinh và Nguyễn Anh Huy không bảo vệ được kết quả nghiên cứu của hai ông. Không ngờ NNC tiêu biểu của Huế như NNC Nguyễn Xuân Hoa lại đem cái kết quả sai lầm ấy đề nghị Viện Khảo Cổ Học VN vào cuộc thì thật đáng buồn.  

ThS Nguyễn Văn Quảng (khoa Lịch sử Trường đại học Khoa học Huế), người đã tham gia cuộc thăm dò khảo cổ vừa rồi, cũng đồng ý kiến như ông Hoa, cho rằng nên thăm dò thêm điểm ở đồng Bàu Vá (tức đình Dương Xuân Hạ).

Nguyễn Đắc Xuân bình luận.- ThS Nguyễn Văn Quảng đồng ý kiến như ông Hoa, cho rằng nên thăm dò thêm điểm ở đồng Bàu Vá (tức đình Dương Xuân Hạ). Đồng Bàu Vá là một bãi ruộng, đình Dương Xuân Hạ trên gò cao, hai nơi cách nhau, không thể tức được. Tôi không rõ Nguyễn Văn Quảng sai hay nhà báo Minh Tự ghi nhầm. Nhiều đọc giả thắc mắc chuyện nầy. ThS Nguyễn Văn Quảng “đồng ý kiến như ông Hoa, cho rằng nên thăm dò thêm điểm…”, trên đây tôi đã bình luận ý kiến của ông Hoa nên không bình luận thêm ý kiến nầy của ThS Nguyễn Văn Quảng nữa. Song, ThS Nguyễn Văn Quảng là “người đã tham gia cuộc thăm dò khảo cổ vừa rồi”, nói đúng hơn là người đã cộng tác với Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế trước đó trong việc nghiên cứu thực địa ấp Bình An/gò Dương Xuân để tỉnh TTH xin khai quật 5 hố. Cho nên, không ai hiểu tình hình khai quật ở đây bằng ThS Nguyễn Văn Quảng. Khi ThS Nguyễn Văn Quảng đề nghị nên khai quật một chỗ khác nữa, tức là địa điểm và kết quả khai quật vừa rồi không có giá trị. Rất mong ThS trình bày cụ thể nó không có giá trị chỗ nào để GS Phan Huy Lê và Viện khảo cổ học VN xem lại kết luận của mình. Nếu không trình bày được thì ThS mắc nợ giới nghiên cứu Huế và các sinh viên ngành khảo cổ học của ThS. Mong lắm thay!

Cả ông Nguyễn Dung - phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và ông Phan Tiến Dũng - giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao của tỉnh - đều xác định việc tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung là “món nợ lịch sử” mà hậu thế phải trả.

Nguyễn Đắc Xuân bình luận.- Được nghe các vị lãnh đạo cao nhất về Văn xã ở tỉnh TTH tuyên bố “việc tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung là “món nợ lịch sử” mà hậu thế phải trả”, tôi hết sức mừng. Như vậy, công việc nghiên cứu Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung của tôi trên 1/3 thế kỷ qua đã góp phần cho tỉnh trả món nợ lịch sử nầy. Dù kết quả nghiên cứu của tôi chưa đủ để các vị lãnh đạo tỉnh TTH và Thành phố Huế có một lời thăm hỏi, cám ơn, nhưng được biết công cuộc nghiên cứu của mình đã được chấp nhận để tiếp tục cho đến kết quả cuối cùng tôi rất mãn nguyện. Bây giờ, chỉ còn chờ xem chủ trương, kế hoạch, con người, tài chính của tỉnh chuẩn bị trả món nợ lịch sử của tỉnh. Được chờ là còn hạnh phúc.

Ông Phan Tiến Dũng cho biết sẽ kiến nghị Bộ Văn hóa - thể thao - du lịch cho phép tiếp tục mở rộng diện tích thăm dò khảo cổ học và nghiên cứu cho cho đến khi tìm thấy các thông tin khoa học quan trọng liên quan đến lăng mộ vua Quang Trung cũng như triều đại Tây Sơn ở Huế.

GS Phan Huy Lê (nguyên chủ tịch Hội khoa học lịch sử VN), người theo dõi rất kỹ cuộc tìm kiếm lăng mộ vua Quang Trung ở Huế suốt gần 40 năm qua, cho rằng ông tin tưởng tuyệt đối giả thiết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, rằng gò Dương Xuân là nơi từng tọa lạc Cung điện Đan Dương của vua Quang Trung.

Đây là nơi tọa lạc ngôi chùa Thiền Lâm - nơi làm việc của các quan cận thần của vua Quang Trung là Bùi Đắc Tuyên, Phan Huy Ích.

Các tư liệu văn học, lịch sử thời Tây Sơn xác định Cung điện Đan Dương là lăng mộ vua Quang Trung là những tư liệu có độ tin cậy cao.  

GS Lê đề nghị cần tiếp tục mở rộng diện tích khảo cổ ở chỗ kiến trúc đá đã xuất lộ, và mở thêm hai rãnh kéo dài từ đỉnh gò Dương Xuân (chùa Vạn Phước) xuống chân gò là suối Tiên.

Cảm tạ.- Giá trị khoa học của một công trình nghiên cứu khám phá lịch sử quốc gia, căn cứ vào kết luận của các ngành chuyên môn. Công trình nghiên cứu của tôi, đã được các ngành chức năng quốc gia công nhận và đề nghị tiếp tục khai quật khám phá cho đến kết quả cuối cùng. Mọi ý kiến ngược chiều không ảnh hưởng gì đến kết quả nêu trên nữa. Những phản biện, góp ý trong Hội nghị là rất cần thiết, phản biện và phản phản biện. Phản biện đúng là góp phần cho công trình phải giải quyết, phản biện sai được phản biện, phản biện bác bỏ. Nhưng lâu nay, và chính trong bài báo nầy, phần lớn báo chí chỉ đưa góp ý, phản biện một chiều làm cho người đọc không biết đâu là sự thực. Vì thế, tôi đã phải bình luận một cách thẳng thắn có lẽ sẽ làm cho nhiều người khó chịu trách móc, nhưng vì khoa học, vì sự thực lịch sử, tôi kính mong độc giả thông cảm. Xin cảm tạ nhà báo Minh Tự và báo Tuổi Trẻ, nhờ có bài báo nầy mà tôi có cơ hội giải bày được những điều tôi muốn với các nhà nghiên cứu thế hệ tôi, tránh cho các thế hệ sau đi vào chủ đề nầy khỏi nhầm. Mong được sẻ chia. NĐX 

Minh Tự

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia