Nhân một bài nghiên cứu lịch sử phủ Dương Xuân nhắc lại những yêu cầu trong phương pháp nghiên cứu lịch sử

Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (127), tr.12 đến 17 đăng bài “Phủ Dương Xuân thời chúa Nguyễn qua đối chiếu tư liệu và thực địa” (viết tắt là Phủ X) của NNC Trần Đại Vinh. Phủ Dương Xuân thời chúa Nguyễn ở đâu? Trong hội thảo KH Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ờ Huế ngày 30-10-2015 đã kết luận Phủ ở gân chùa Thiền Lâm phía bắc đàn Nam Giao. Vì thế tôi không trở lại phản biện bài viết của NNC Trần Đại Vinh nữa mà nhân bài viết ây tôi nhắc lại đôi điều về phương pháp nghiên cứu sử học để cung cấp kiến thức cho các bạn trẻ mới bước vào con đường nghiên cứu sử học mà thôi.

1.Nghiên cứu một đề tài lịch sử trước tiên phải biết đề tài đó trước đây đã có ai nghiên cứu chưa.

          - Nếu đã có mà người đi trước nghiên cứu chưa đầy đủ thì mình nghiên cứu bổ sung, nếu người đi trước sai thì mình đưa ra tư liệu phản biện và thay thế bằng nghiên cứu của mình.

         - Nếu chưa ai nghiên cứu thì kết quả nghiên cứu của mình là một đóng góp mới cho sử học.

Về đề tài Phủ Dương Xuân ở gò Dương Xuân, Nguyễn Đắc Xuân nghiên cứu và đã công bố từ năm 1992 : “Phủ Dương Xuân ở phía bắc đàn Nam Giao[1], ông Trần Viết Điền không đồng ý đã phản biện và cho rằng Phủ Dương Xuân cũ tọa lạc tại địa điểm đình Dương Xuân Hạ ngày nay. Bài của ông Điền phổ biến trên internet cũng đã khá lâu. Và, chính NNC Trần Đại Vinh cũng đã “Khẳng định” “Phủ Dương Xuân là đình Xuân Giang trên cánh đồng Bầu Vá phường Phường Đúc TP Huế[2]. NNC Trần Đại Vinh biết rất rõ các nghiên cứu của hai người đi trước và của chính Trần Đại Vinh, thế mà khi nghiên cứu  “Phủ Dương Xuân thời chúa Nguyễn qua đối chiếu tư liệu và thực địa” dẫn trên Trần Đại Vinh không đề cập đến, không hề nhận “sai lầm” cũ của mình để tìm ra cái mới là một điểm thiếu trung thưc;

2. Lịch sử là chuyện của quá khứ, muốn viết chuyện của quá khứ thì phải có tài liệu khoa học. Chỉ được kết luận một vấn đề gì sau khi đã được tư liệu khoa học chứng minh. Ở đây, cả nửa trang dưới trang mở đầu (tức tr.12 t/c Nghiên cứu và Phát triển số 1 năm 2016) và nửa trang trên trang tiếp theo (tức tr.13, tcđd), tác giả Phủ X đưa ra hàng chục vấn đề lịch sử mà không hề có một dẫn chứng tư liệu lịch sử nào cả. Ví dụ sự kiện tác giả “phán” đầu tiên là: “Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần, khoảng năm 1680 phủ Dương Xuân được xây dựng trên một gò đồi của làng, nhìn ra đồng ruộng và bờ sông Hương. Tại đồng ruộng ven sông về sau xây phủ Tập tượng, là nơi luyện tập voi và tượng quân”. Tài liệu nào viết Phủ X nhìn ra đồng ruộng? Nếu không có tài liệu mà khẳng định như thế là võ đoán, phán như thầy bói nói với khách hàng, không có giá trị khoa học;

3.Khi đã tìm được tư liệu khoa học thì phải đọc kỹ tư liệu hiểu cho hết ý nghĩa nội dung hàm chứa trong tư liệu. Tác giả Phủ X trích một đoạn tư liệu của Lê Quý Đôn (nửa dưới tr.13, tcđd) phiên âm và dịch nghĩa như sau:

Nam ngạn chi thượng lưu hữu Dương Xuân phủ, Cam phủ, hựu kỳ thượng Tập Tượng phủ, hựu doanh Trường Lạc điện, Duyệt Võ hiên” (Dịch: Ở thượng lưu về bờ nam có phủ Dương Xuân và phủ Cam. Ở trên nữa có phủ Tập Tượng, lại dựng điện Trường Lạc và hiên Duyệt Võ”.

Vị trí Phủ Cam là vùng nhà thờ Phú Cam ngày nay. Theo nội dung câu văn thì Phủ Cam và Phủ Dương Xuân nằm gần nhau. Ở trên nữa (hựu kỳ thượng), mới có thêm ba phủ Tập Tượng, điện Trường Lạc và hiên Duyệt Võ. Điện Trường Lạc không còn, nhưng nền cũ của điện đã được dân địa phương dựng lên đình Xuân Giang tại cánh đồng Bầu Vá thuộc phường Phường Đúc ngày nay (số 8, trên bản đồ L.Cadière đăng trong bài  Le Quartier des Arènes: II - Souvenirs des Nguyễn  (Khu Hổ Quyền: II. Những Kỷ niệm Nguyễn, BAVH số estháng 7-9 năm 1925). Như vậy địa điểm của phủ Tập Tượng và hiên Duyệt Võ gần đình Xuân Giang hiện nay. Nếu hiểu tài liệu như vậy thì tác giả Phủ X không bao giờ dám viết một cách tùy tiện “Trước hết, nó (Phủ Dương Xuân) phải nằm ở gần nhà thờ Thợ Đúc (khoảng cách chừng một cây số) (dòng 5&6 trên xuống, tr. 15 tcđd). Bởi vì vị trí của Nhà thờ Thợ Đúc được L.Cadière đánh số 24 trên bản đồ, cách xa về phía trên điện Trường Lạc hàng cây số). Tác giả viết “ Chúng tôi đã từng đi điền dã vùng nầy”(dòng 7 tr.15). Bài nghiên cứu thực địa của Trần Đại Vinh mà chỉ viết không khống như thầy địa phán với khách hàng như thế thì người đọc làm sao tưởng tượng cho nổi? Thực địa trở thành dã tưởng. Phải chăng tác giả Phủ X không tiện trưng dẫn tấm bản đồ Khu vực Phương Đúc của Cadière (BAVH 1925)  mà nhà nghiên cứu nào nghiên cứu Khu vực Phường Đúc cũng có, bởi vì tấm bản đồ đó ghi rõ ở gần Nhà thờ Thợ Đúc (số 22) có Đình Làng Dương Xuân (số 24). Cách về phía tây địa điểm cũ của điện Trường Lạc (số 8) hàng cây số. Đình Làng Dương Xuân nầy chắc chắn không phải Đình Làng Dương Xuân hạ từng là nơi tọa lạc Phủ Dương Xuân như kết quả nghiên cứu và điền dã của Trần Đại Vinh .  

H.1.Theo bản đồ Khu vực Hổ Quyền của L.Cadière (BAVH số tháng 7-9 năm 1925) Phủ Cam ở phía tay phải, ở trên nữa (hựu kỳ thượng) có điện Trường Lạc (vòng tròn số 8), Nhà thờ Thợ Đúc (vòng tròn số 22) có Đình Làng Dương Xuân (vòng tròn số 24) ở tít gần giáp phía trái bản đò. Theo Lê Quý Đôn Phủ Dương Xuân gần Phủ Cam phía bên phải, NNC Trần Đại Vinh “khám phá”  cho Phủ dương Xuân chạy tít lên phía bên trái.

4.Nghiên cứu khoa học lịch sử cũng như viết văn mọi chi tiết đều phải phục vụ chủ đề. Chủ đề của bài nghiên cứu là “phủ Dương Xuân thời chúa Nguyễn qua đối chiếu tư liệu và thực địa”. Nội dung nghiên cứu: Tư liệu như thế, điền dã thực địa thấy như thế. Tư liệu và thực địa “khớp với nhau” nên kết luân phủ Dương Xuân như tác giả Trần Đại Vinh đã trình bày ở đoạn II tại giữa trang 13. Toàn bộ phần I chiếm cả trang mở đầu và nửa trang tiếp theo (tcđ d. tr.12 và tr.13) có thể căt bỏ và không ảnh hưởng gì đến nội dung. Tác giả đã chọn nhầm chỗ để giới thiệu kiến thức của mình.

5.Giải một bài toàn xong phải thử để biết trúng hay sai. Nghiên cứu khám phá một bí ẩn của lịch sử cũng phải thử để biết đúng hay sai. Tác giả Phủ X trích dẫn lại nhiều tài liệu (mà trước đây nhiều người đã trích dẫn từ bản gốc), đi điền dã, so sánh các vị trí nghiên cứu, chụp ảnh nhiều hiện vật, đá cổ viết một bài khá dài chiếm đến 6 trang t/c Nghiên cứu và Phát triển (số 1 (127), tr.12 đến 17, đưa đến kết luận: “Chính những đặc điểm trên cho phép nhận định nơi đây (đình Dương Xuân Hạ) có khả năng là mặt bằng của phủ Dương Xuân ngày xưa” (tcđd. tr.16).

Đặt cái kết quả nầy đối chiếu với tư liệu chính thức của nhà Nguyễn viết về phủ Dương Xuân nằm trên gò Dương Xuân xem thử có đúng và có lý không. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí soạn thời Tự Đức, thời Thành Thái biên tập lại và xuất bản vào thời Duy Tân (năm 1910) viết về Gò Dương Xuân có phủ Dương Xuân như sau:

           Sao bản gốc chữ Hán:   

H.2. Dương Xuân cương (Gò Dương Xuân) trích QSQ triều Nguyễn, Đạu Nam Nhất Thống Chí, Thừa Thiên Phủ, tập thượng, tr. 26b

Phan Hứa Thụy phiên âm: “Dương Xuân Cương. Tại huyện Tây bắc thập ngũ lý, cương thế bình quảng, khởi phục la liệt, diên đáng số lý, hứa kỳ nam Nam Giao đàn tại yên, kỳ Tây đa danh lam cổ sát, diệc xưng giai thắng.

         Cẩn án: Dương Xuân cương quốc sơ kiến phủ ư kỳ thử. Hiển Tôn Canh thìn (1700) cửu niên, trùng tu, Tả Thủy cơ khuất địa đắc nhất đồng ấn, hữu văn viết “Trấn Lỗ tướng quân chi ấn”, nhân danh ấn phủ. Tự Kinh binh loạn kim thất kỳ xứ”,

Nguyễn Tạo dịch: “GÒ DƯƠNG-XUÂN. Ở phía tây bắc huyện 15 dặm; thế gò bằng thẳng rộng rãi, chỗ cao chỗ thấp, la liệt dài dặc độ vài dặm; phía nam gò có đàn Nam-Giao, phía tây có nhiều danh-lam-cổ-sát, cũng xưng là nơi giai thắng.

Cẩn Án: Lúc đầu bản triều khai-quốc có dựng phủ ở gò Dương-Xuân nầy. Đời vua Hiển-Tôn năm Canh-thìn thứ 9 (1700) trùng tu, cơ Tả-Thủy, đào đất 1 cái ấn đồng có khắc chữ:“Trấn-Lỗ Tướng-Quân chi ấn” là ấn của Trấn Lỗ Tướng-Quân, nhân đó đặt tên phủ là Ấn-phủ. Từ sau khi bị binh hỏa đến nay, chỗ ấy mất tích không biết ở vào chỗ nào”.

Nhận xét:

  1. Để đi đến kết luận “Đình Dương Xuân Hạ có khả năng là mặt bằng của phủ Dương Xuân ngày xưa” tác giả Trần Đại Vinh trưng dẫn những tài liệu mà nhiều người đã sử dụng, đi điền dã cũng bình thường mà có thể tìm ra được nơi tọa lạc của phủ Dương Xuân tại đình Dương Xuân hạ ngày nay. Thế mà các sử thần triều Nguyễn với tài liệu đầy đủ trong tay, với quyền lực đối với các địa phương phải cung cấp tất cả những thông tin gì của quê hương mà triều đình muốn có, thế mà quý ngài không tim được nơi tọa lạc của phủ Dương Xuân của Liệt thánh nên đành phải hạ bút ghi trong cuốn địa lý lịch sử quan trọng nhất của triều Nguyễn rằng “Từ sau khi bị binh hỏa đến nay, chỗ ấy mất tích không biết ở vào chỗ nào. So với tác giả Trần Đại Vinh, các sử thần triều Nguyễn kém đến thế sao?
  1. ĐNNTC viết: phía nam gò có đàn Nam-Giao tức là gò Dương Xuân – nơi các chúa Nguyễn xây dựng phủ Dương Xuân - ở phía bắc đàn Nam Giao. Cái gò hiện nay là nơi tọa lạc đình Dương Xuân Hạ nằm về phía tây bắc đàn Nam Giao, không phải gò được mang tên gò Dương Xuân như ĐNNTC đã viết. Nên nơi tọa lạc của phủ Dương Xuân cũ không thể tại đình Dương Xuân hạ ngày nay.

Có nhiều cách thử khác, riêng cách thử với tài liệu của ĐNNTC nầy, kết luận “Đình Dương Xuân Hạ có khả năng là mặt bằng của phủ Dương Xuân ngày xưa” của Trần Đại Vinh hoàn toàn sai.

          Bài nghiên cứu của Trần Đại Vinh thiếu trung thực, võ đoán trong nghiên cứu, vì cắt xén tài liệu, nên kết quả là một con số không.

          Một chút kinh nghiệm gởi các bạn trẻ mới bước chân vào nghiệp nghiên cứu lịch sử. Nếu cần sẽ tiếp tục trao đổi thêm.  

                                                                   Gác Nhiêu Lộc (TP HCM), ngày 12 tháng 4 năm 2016

                                                                                                           Nguyễn Đắc Xuân



[1] Nguyễn Đắc Xuân, Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung, Viện Sử học, HN.1992, cột thứ tư, tr.87

  Nguyễn Đắc Xuân, Đi tìm dấu tích Cung điện Đan dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nxb Thuận Hóa, 2007, cột 4, tr.108, tái bản năm 2015, cột 4, tr.118

[2] Nguyễn Đắc Xuân, Đi tìm dấu tích Cung điện Đan dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nxb Thuận Hóa,  tái bản năm 2015,  tr.334

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia