Với góp ý phản biện của Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan

Cám ơn anh đã có lời phát biểu phản biện công trình nghiên cứu Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung của tôi. Đây là một công trình không thuộc loại khóa luận hay luận án đưa ra chấm điểm để cho đậu hay đánh hỏng một ai đó. Như ông cụ Nguyễn Hữu Đính miệt mài nghiên cứu lăng Ba Vành, tôi làm Lăng Đan Dương không phải để đi thi mà chỉ có một mục đích là làm rõ vai trò của Phú Xuân-Huế trong lịch sử VN, đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn hóa du lịch của thành phố Huế.

Vì thế không thể làm dỏm thiếu cơ sở khoa học được. Đó là trường hợp công trình Lăng Ba Vành đã bị loại bỏ vì thiếu cơ sở khoa học. Về công trình nghiên cứu của tôi đã in ba lần (1992, 2007, 2015), đã trình bày ở Pháp, Mỹ, TP HCM, Hà Nội, đã đưa lên Internet 8 năm qua (giaodiem.net, gactholoc.net), từng được tán thành bởi cụ Hoàng Xuân Hãn (Pháp), nhà sử học Lê Thành Khôi (Pháp), nhà sử học Trần Anh Tuấn (Mỹ), và mới đây kết luận của GS Phan Huy Lê kết thúc Hội thảo mà anh vừa dự, tôi vẫn muốn được góp ý phản biện tiếp. Những ý kiến công nhận công trình nghiên cứu của tôi như thế cũng đã đủ. Điều tôi mong muốn tiếp tục là những ý kiến phản biện chống lại công trình nầy. Qua đó tôi có dịp học thêm, biết được nhân tình thế thái, kiểm chứng được trinh độ, đạo đức nghiên cứu của người cùng thế hệ mình và sau mình, Tất cả những khó khăn và thuận lợi tôi đã trải qua sẽ được lưu lại cho đời sau.

Để đạt được giá trị chân thực, tôi đã ghi lại lời phát biểu rất hùng hồn của anh trong hội thảo vừa rồi. Vì lỗ tai của ông già trước ngưỡng tám mươi không được khỏe nên nhiều chỗ sợ không trung thực với anh nên tôi xin phép được gởi đến anh bản ghi và xin anh gạch bỏ những chỗ sai sót và anh cũng có thể thêm vào những ý mà anh muốn nói nhưng thời gian trong hội thảo không cho phép. Sau khi nhận được bản văn chính thức của anh rồi tôi sẽ xin hầu những điều anh nhắc nhủ tôi trong hội thảo. Và, không có gì thú vị hơn cho giới nghiên cứu Huế, anh hãy mở cuộc tranh luận về đề tài nầy (và cả chuyện Lăng Ba Vành) trên tập san Nghiên Cứu Huế của anh. Nếu anh thấy một hai năm mới ra được một số tập san thì tôi xin phép anh cho phép tôi mở ngay diễn đàn tranh luận đó trên http://gactholoc.net của tôi hoặc trên Websites .cungdiendanduong.net nầy.

Chúng ta cùng tuổi (1937), tuy tôi học sau anh nhưng cũng cùng trường (Đại học Văn khoa, Đại học Sư phạm Huế), cùng trong Phong trào đấu tranh yêu nước ở đô thị, cùng được người trong nước biết tiếng là các nhà nghiên cứu Huế, mong anh hãy cùng tôi chứng tỏ cho những người tin tưởng chúng ta khỏi hụt hẫng.

Mong sớm được nhận lại ý kiến phát biểu của anh.

Rất quý mến.

Nguyễn Đắc Xuân

 

Hội thảo khoa học Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế tổ chức tại UBND tỉnh TTH, chiều ngày 30-10-2015.

Góp ý phản biện của nhà sử học Nguyễn Hữu Châu Phan

( Ghi lại từ phim Truyền hình TRT và đã đã gởi lại cho NNC Châu Phan xem lại)

          “Tôi có nhận xét như thế này:

Anh Nguyễn Đắc Xuân chưa bao giờ đưa ra sử dụng một tài liệu trực tiếp nào, tôi xin nói trực tiếp, tư liệu trực tiếp chỉ đích danh để chứng minh rằng đó là Cung điện Đan Dương tại Phú Xuân, phủ Dương Xuân mà tôi chỉ thấy trong sách anh từ những tư liệu nói chung chung của các sử gia, các nhà du hành khi nhìn thấy như vậy. Rồi từ tư liệu đó, anh suy diễn ra và áp đặt theo chủ quan của an. Tôi trích đơn giản như vậy, tôi thì yếu về nghiên cứu lịch sử….người ta nói đơn giản rằng Quang Trung đã đến đó mở rộng cung điện, xây thành quách mở rộng cung điện. Thì anh Xuân nói rằng đó là cái dinh riêng của ông. Người ta nói, tôi nghe rõ ràng đó là cung điện riêng của ông. Chính tác giả chỉ rằng ông nói như vậy, mở rộng cung điện. Cung điện đó chắc chắn là cung điện của phủ Phú Xuân. Anh đưa ra rõ và đã có tư liệu, đã có tư liệu thì anh Xuân thường thường dùng tư liệu và với chủ quan của anh, anh suy diễn ra và áp đặt điều đó làm chính, chứ không phải anh không đưa tư liệu. Anh có một vài tư liệu, nhưng xin anh chỉ đích danh tư liệu nào chứng minh rằng, đó là một điểm đáng tin, đó là phủ Dương Xuân, không có. Tôi cũng nói nữa, suy nghĩ của anh rất chủ quan và sai. Người ta ghi trong quyển Đại Nam thực lục  rằng: “tán vu Hương giang chi nam” thì anh lại diễn ra là tán ở bờ nam sông Hương, trật.

Rồi có đoạn anh nói, dòng sông Hương gần phía nam sông Hương cũng trật.

 Người ta nói rằng Hương Giang chi nam, anh nói rằng chỉ đường Nam Giao đó là, khu vực đó là khu vực như vậy, không phải. Các lăng của vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức trong sử đều ghi là Hương giang chi nam  hết, chứ không phải “chi nam” đó là trên đường trục Điện Biên Phủ đâu.

Tôi xin trực tiếp một tư liệu nữa mà chính anh suy diễn. Anh thấy ở đó có những cái giếng cổ, mà người ta gọi là “giếng loạn” và anh cũng thấy những mã hoang. Cái mã đó mà anh gọi là “mã loạn” rồi từ đó suy ra. Vậy đây là mã của quân đội, của kẻ thù của nhà Nguyễn, người bại trận bị chôn ở đó mà sau đó người ta gọi là mã nói chung, chứ không phải như vậy.

Nếu anh tra từ điển thì loạn nay không phải như vậy, cái mã loạn không phải như vậy, giếng loạn không phải như vậy. Chính ở anh, đã nói rồi, tôi đề nghị anh nghiên cứu lại, từ “loạn” đó có phải đó là loạn Tây Sơn không, không phải như vậy đâu. Anh suy luận không đúng. Mà thực, nếu tôi kê ra rằng trang nào cũng như vậy, trang nào anh cũng luận suy như vậy. Anh có đưa tư liệu, thậm chí tôi biết anh có cả tủ tư liệu, nhưng cũng thấp, có tư liệu đúng chỉ rằng đó là lăng Đan Dương nhưng anh lại đưa câu này, ông này, ông nọ rồi suy diễn ra. Tôi có một đôi lời như vậy, xin cảm ơn tất cả”.

*

*         *

Trong năm qua tôi gặp NNC Nguyễn Hữu Châu Phan nhiều lần, tôi có dịp hỏi về những ý kiến phản biện công trình nghiên cứu Cung điện Đan Dương trong Hội thảo cuối tháng 10-2015 của ông có thay đổi gì không, ông đều trả lời không có ý kiến gì khác. Vậy tôi xin tiếp nhận ý kiến phản biện của  NNC Nguyễn Hữu Châu Phan và kèm theo nhận xét của tôi sau đây:

Nguyễn Đắc Xuân tiếp nhận ý kiến phản biện của NNC Nguyễn Hữu Châu Phan và xin được trao đổi lại cho rõ:

Nguyễn Hữu Châu Phan (NNC NHCP).- “Anh Nguyễn Đắc Xuân chưa bao giờ đưa ra sử dụng một tài liệu trực tiếp nào, tôi xin nói trực tiếp, tư liệu trực tiếp chỉ đích danh để chứng minh rằng đó là Cung điện Đan Dương tại Phú Xuân, phủ Dương Xuân mà tôi chỉ thấy trong sách anh từ những tư liệu chung, tư liệu nói chung chung của các sử gia, các nhà du hành khi nhìn thấy như vậy.

Nguyễn Đắc Xuân (NĐX).- Đoạn trích trên, NNC NHCP đưa ra 2 vấn đề:

1.Tư liệu trực tiếp chỉ đích danh để chứng minh rằng đó là Cung điện Đan Dương tại Phú Xuân

Thưa ông Châu Phan, Cung điện Đan Dương thời Quang Trung cũng như tất cả những vật chất, phi vật chất gì liên quan đến thời Tây Sơn đều đã bị chính sách “tận pháp trừng trị” của nhà Nguyễn giết sạch, phá sạch, đốt sạch, cấm nhắc đến. Bởi thế hơn một thế kỷ qua các nhà nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam (trong đó có cụ Nguyễn Hữu Đính) và cả ở nước ngoài đã dày công nghiên cứu nhưng cho đến nay vẫn chưa xác định được dấu tích lăng mộ vua Quang Trung ở đâu. Thế làm sao tôi có thể có được “tư liệu trực tiếp chỉ đích danh để chứng minh rằng đó là Cung điện Đan Dương tại Phú Xuâncủa vua Quang Trung. Nếu có được tài liệu đó thì cần gì phải dày công nghiên cứu mấy chục năm nay nữa. Nếu có tài liệu đó thì các tác giả công trình nghiên cứu Lăng Ba Vành và Trung tâm Nghiên cứu Huế của ông là những người có đủ điều kiện và hoàn cảnh để thủ đắc nó từ lâu rồi. Nhưng thưa ông Phan, trong nghiên cứu lịch sử khi không có tài liệu trực tiếp người ta cũng có thể đi đến đích bằng tài liệu giáng tiếp. Ở Huế chắc ai cũng biết: Thời thơ ấu Chủ tịch Hồ Chí Minh từng học trường Quốc Học. Các nhà nghiên cứu làm gì có tài liệu trực tiếp như hình ảnh, sách vở học sinh, sổ điểm, học bạ.v.v. của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc còn mang tên Nguyễn Sinh Cung. Các nhà nghiên cứu biết được việc đó qua tài liệu gián tiếp như hồi ký của người cùng học một lớp như Lê Thanh Cảnh, thư phúc đáp của Hiệu trưởng Chouquet gởi cho Khâm sứ Pháp năm 1908 nói về nhân thân của Nguyễn Sinh Côn – học sinh trường Pháp Việt Đông Ba và trường Quốc Học. Chuyện không có tài liệu trực tiếp thì dùng tài liệu gián tiếp để nghiên cứu thông thường quá phải không ông Phan?    

2. “Tôi chỉ thấy trong sách anh từ những tư liệu chung, tư liệu nói chung chung của các sử gia, các nhà du hành khi nhìn thấy như vậy”;

NĐX.- Lịch sử là chuyện đã qua. Muốn biết chuyện đã qua phải có tư liệu. Đi tìm Cung điện Đan Dương của vua Quang Trung suốt mấy chục năm tôi mới tìm được những thông tin của những người cùng thời như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, John Barrow, La Bartette, trước đó có Thích Đại Sán, Lê Quý Đôn, Pierre Poivre, Jeames Bean,  J.Koffler…sau có L.Cadière, các sử thần triều Nguyễn. Tất cả những trích dẫn đó trong tham luận của tôi ông đang có trong tay, đều có nguồn, xuất xứ cụ thể. Xin ông cho biết trích dẫn nào là nói chung chung, không cần thiết. Tôi xin hỏi NNC phụ trách TT Nghiên cứu Huế, chủ biên tập san Nghiên Cứu Huế cho biết trích dẫn của các sử gia nào, nhà du hành nào không có giá trị trong việc đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương ?          

NNC NHCP.- “Rồi từ tư liệu đó, anh suy diễn ra và áp đặt theo chủ quan của anh Xuân. Tôi trích đơn giản như vậy, tôi thì yếu về nghiên cứu lịch sử..

NĐX.- Trong nghiên cứu nói sai một từ, viết sai một từ có thể làm thay đổi nội dung kết quả nghiên cứu từ trái sang phải. Với tham luận của tôi ông đang có trong tay xin ông dẫn chứng cho tôi một câu nào, một đoạn nào chứng tỏ tôi đã suy diễn, đã áp đặt. Nếu không dẫn chứng được thì chỉ có thể hiểu là ông đã chụp mũ phương pháp nghiên cứu của tôi. Ông tự nhận mình “Yếu về nghiên cứu lịch sử”. Một người “Yếu về nghiên cứu lịch sử” như ông mà đi phê phán một công trình nghiên cứu lịch sử trên 30 năm, đã trải qua bao nhiêu hội thảo khoa học, đã được các nhà nghiên cứu bậc thầy của ông tán thành thì có giá trị gì không ? Phê phán như thế với mục đích gì? 

NNC NHCP.- Tôi nhủ khi người ta ghi trong quyển Đại Nam thực lục ghi rằng: “táng vu Hương giang chi nam” thì anh lại diễn ra là tán ở bờ nam sông Hương, trật. Rồi có đoạn anh nói, dòng sông Hương gần phía nam sông Hương cũng trật. Người ta nói rằng Hương Giang chi nam, anh nói rằng chỉ đường Nam Giao đó là, khu vực đó là khu vực như vậy, không phải. Các lăng của vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức trong sử đều được ghi là Hương giang chi nam hết, chứ không phải “chi nam” đó là trên đường trục Điện Biên Phủ đâu!

NĐX.- Ông tham luận đoạn nầy hơi ẩu. Đại Nam Thực Lục làm gì có chi tiết mộ Huệ “táng vu Hương Giang chi nam”. Chi tiết đó được trích chính thức trong Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, sơ tập. Q.30 “Ngụy Tây”, tr. 43a, dòng thứ nhất (bên phải) rằng: “Quang Toản tự ngụy vị, thập nguyệt, táng vu Hương Giang chi nam” Dịch: Quang Toản nối ngôi, tháng 10 an táng ở phía nam sông Hương”[1]

Ông cho tôi biết trong cuốn sách sử  thuộc Đông, Tây, Kim, Cổ nào có ghi “Các lăng của vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức trong sử đều được ghi là Hương giang chi nam hết”. Trong tủ sách gia đình nổi tiếng của ông chắc chắn có bộ Đại Nam Nhất Thống Chi do Nha Văn Hóa Bộ QGGD xuất bản ở SG năm 1960. Ông tra hộ tôi mục Sơn Lăng trong tập Kinh Sư từ tr.53 xem thử có ngôi lăng nào được ghi tọa lạc tại “Hương Giang chi nam” không? Tôi hỏi ông vì tôi không tìm thấy trong cuốn địa lý lịch sử quan trọng bậc nhất của triều Nguyễn ấy đều không thấy điều ông đã phát biểu một cách quả quyết ở Hội thảo. Tôi chỉ thấy sách ghi:

 “Lăng Thiên Thọ (tức lăng Gia Long) ở Thọ Sơn, xã Đình Môn huyện Hương Trà” (Sđd tr.56),

“Hiếu Lăng (tức lăng Minh Mạng) ở núi Cẩm Kê ấp An Bằng, huyện Hương Trà” (tr. 56).

(Huyện Hương Trà thì chắc chắn không thể qua bờ nam sông Hương được). 

“Xương Lăng (lăng Thiệu Trị) Ở xã Cư Chánh huyện Hương Thủy” (tr.57);

 “Khiêm Lăng (tức lăng vua Tự Đức) ở Khiêm Sơn thuộc xã Dương Xuân Thượng” (tr. 58).

Tôi chờ ông giải đáp ý kiến tham luận nầy của ông trên Tập san Nghiên Cứu Huế sắp tối của ông. Dám không ? Hay tự thú “yếu về nghiên cứu lịch sử” nên “chém vè” ?.                              

NNC NHCP.- “Người ta nói rằng Hương Giang chi nam, anh nói rằng chỉ đường Nam Giao Điện Biên Phủ đó là..”

NĐX.- Ông nói lắp bắp thụt lui thụt tới tôi căng tai hết sức, chú ý hêt sức mới hiểu được ý ông. Có phải ông thắc mắc là tại sao sử viết “Hương Giang chi nam” mà tôi lại suy diễn nhập vào đường Nam Giao - Điện Biên Phủ ngày nay. Có đúng vậy không? Nếu đúng vậy tôi xin thưa: Để có thể đặt giả thiết “lăng vua Quang Trung (tạm gọi là X) được táng trên trục bắc nam (từ Phu Văn Lâu lên đàn Nam Giao) tôi đã phải làm một cuộc khảo sát trên sử sách đối chiếu với thực địa hết sức công phu như tôi đã trình bày trong sách Đi tim dấu tích Cung điện Đan Dương …xuất bản lần đâu 2007 từ tr. 45 đến tr.47, tái bản năm 2015 từ tr. 51 đến tr.53. Hiện nay sách đã hết, nhiều đệ tử của ông đã nghe ông “phản biện một cách gay gắt” nhưng chưa được đọc công trình nghiên cứu của tôi. Đề phòng ông “chém vè”, tôi trích lại chuyện tôi đã thực hiện việc nầy như thế nào để những người quan tâm khỏi bị hụt hẫng.          

Ngày xưa các sử thần viết sử rất ngắn, gọn và dùng từ rất chính xác. Muốn hiểu khi nào các sử thần triều Nguyễn dùng chữ “nam” như “nam sông Hương”, “phía nam Kinh Thành”, các từ ấy giống nhau và khác nhau như thế nào tôi đã phải đọc kỹ bộ sách Đại Nam nhất thống chí (tập Kinh sư và Thừa Thiên Phủ) của Quốc Sử quán triều Nguyễn. Qua thống kê, so sánh, tôi thấy:     

a) Địa điểm thuộc thì lấy huyện lỵ làm gốc: Sông Thọ Lộc (Đập Đá qua Phường Vỹ Dạ ngày nay) ở phía Bắc huyện  (Hương Thủy) 17 dặm; cửa sông ở bờ phía nam Hương Giang thuộc xã Thiên Lộc [Thừa Thiên Phủ, t.Thượng tr.63]; Gò Thiên Mụ ở phía tây nam huyện Hương Trà độ 5 dặm [Thừa Thiên Phủ, t.Thượng  tr.56];   

b) Địa điểm các huyện thì lấy phủ lỵ (Thừa Thiên) làm gốc: Huyện Phú Vang ở phía đông nam phủ 8 dặm... [Thừa Thiên Phủ, t.Thượng, tr.25] ; Huyện Quảng Điền ở phía  bắc phủ 57...  [Thừa Thiên Phủ, t.Thượng  tr.27]

c) Địa điểm thuộc Kinh thành Huế lấy Kinh thành làm gốc: Chùa Diệu Đế ở ấp Xuân Lộc ngoài Kinh thành [Kinh sư, tr. 87]; Thuyền xưởng (trước trường Quốc Học ngày nay) ở bờ phía nam Hương Giang ngoài Kinh thành. [Kinh sư, tr. 86]

Qua bản khảo sát, tôi rút ra được nguyên tắc: định phương hướng của một địa danh căn cứ vào một trong ba địa điểm gốc: huyện lỵ, phủ lỵ, và Kinh thành.

Bờ nam sông Hương rất dài, nhưng nó được cắt ra thành nhiều đoạn để phụ thuộc vào Kinh thành hay huyện lỵ quản lý nó về phương diện hành chính. Vậy:

- Những di tích thuộc Kinh thành nằm phía nam sông Hương cũng gần với “hướng phía nam Kinh thành”. Ngồi trong Kinh thành viết “phía nam sông Hương” cũng có thể hiểu “phía nam Kinh thành”. X (táng vu Hương Giang chi nam) nằm ở hướng chính nam Kinh thành.

Thế cùng nằm ở hướng chính Nam Kinh thành, có những di tích nào  thuộc Kinh thành?

Nghiên cứu thư tịch và khảo sát trên thực địa, chúng tôi thấy các sử thần triều Nguyễn dùng từ “phía nam” đối với Kinh thành trong những trường hợp cụ thể  như sau:

- Phu Văn Lâu: Ở chính trung quách phía nam ngoài Kinh thành. [Kinh sư, tr. 86]

- Thuyền xưởng (bờ sông từ nhà bia Chiến sĩ trận vong trước trường Quốc Học đến Hotel La Résidence 5 Lê Lợi ngày nay). Theo L. Cadière, (BAVH, 1-6/1933, p.130), ở bờ phía nam Hương Giang ngoài Kinh thành. [Kinh sư, tr. 86.

- Miếu lịch Đại đế vương, ở xã Dương Xuân (?) phía nam ngoài Kinh thành. [Kinh sư, tr. 35]

- Đàn Nam Giao, ở xã An Cựu, phía nam ngoài Kinh thành...[Kinh sư, tr. 32]

 Khảo sát trên thực địa, nhận thấy tất cả những địa điểm trước Kinh thành được xếp ở phía chính nam ngoài Kinh thành đều nằm trên hoặc hai bên đường trục nối liền hai điểm Phu Văn Lâu và đàn Nam Giao (tức đường Điện Bên Phủ ngày nay).

Vì thế mà hai cồn Giã Viên (bãi Dương Xuân xưa) và Cồn Hến (Phú Xuân xưa) tuy ở phía trước hai bên Kinh thành nhưng Đại Nam nhất thống chí lại xếp vào vị trí “phía tây nam trước Kinh thành” (Dương Xuân-Cồn Dã Viên) và “đông nam trước Kinh thành (Phú Xuân-Cồn Hến)”.

X nằm ở vị trí “phía nam sông Hương”, cũng có thể xem gần với hướng “phía nam Kinh thành" - Vì thế tôi đặt giả thiết (xin nhấn mạnh là giả thiết) X cũng nằm gần trục Phu Văn Lâu - đàn Nam Giao (đường Điện Bên Phủ).

Ông NHCH thấy thế nào ? Tôi có suy diễn áp đạt gì không ? Ông không đọc công trình nghiên cứu của tôi mà ông đã có trong tay, tại sao trong một hội nghị khoa học nghiêm túc, quan trong như vậy ông lại phát biểu một cách võ đoán như vậy ? Võ đoán như vậy với mục đích gì ?     

NNC NHCP.- Tôi xin trực tiếp một tư liệu nữa mà chính anh suy diễn. Anh thấy ở đó có những cái giếng cổ, mà người ta gọi là “giếng loạn” và anh cũng thấy những mã hoang. Cái mã đó mà anh gọi là “mã loạn” rồi từ đó suy ra. Vậy đây là mã của quân đội, của kẻ thù của nhà Nguyễn, người bại trận bị chôn ở đó mà sau đó người ta gọi là mã nói chung, chứ không phải như vậy. Nếu anh tra từ điển thì loạn nay không phải như vậy, cái mã loạn không phải như vậy, giếng loạn không phải như vậy. Chính ở anh, đã nói rồi, tôi đề nghị anh nghiên cứu lại, từ “loạn” đó có phải đó là loạn Tây Sơn không, không phải như vậy đâu. Anh suy luận không đúng.

 NĐX.- Thưa ông NHCP các cuốn sách Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương của tôi và tham luận về đề tài nầy đã in trong Kỷ yếu Hội thảo ông đều có trong tay. Ông hãy chỉ cho tôi chỗ nào tôi nói mã loạn, giếng loạn. Trong sách cũng như trong Kỷ yếu tôi dẫn chứng 4 chữ “loạn” chồng lên trên gò ấp Bình An có nguốn gốc như sau:

“ Binh loạn” trong Đại Nhất Nhất Thống chí (Tự kinh binh loạn kim thất kỳ xứ”.

“Núi loạn” Tùng Thiện Vương gọi gò ấp bình An là “loạn son”;

“Giếng loạn” và “mã loạn” do dân địa phương, đặc biệt là ông Nguyễn Hữu Oánh cháu 4 đời của vị khai canh vùng đất gò Bình An nói với tôi.

Bốn chữ “loạn” nầy do sử sách viết và dân chúng báo cho tôi biết và tôi phải tìm hiểu nội dung của chúng chứ tôi có tự nói ra đâu!

Ông bảo tôi tra từ điển chữ “loạn”. Rời ơi, là người cầm bút ngần tuổi nầy (bát tuần) mà chưa hiểu được ý nghĩa của từ “loạn” sao (?). Đây không phải là nghĩa chữ “loạn” , đây là một hiện tượng, một sự kiện lịch sử chồng chất trên một cài gò (hay có người gọi là núi). Chuyện nầy từ điển làm sao biết được. Ông không đọc sách, không nghiên cứu thực địa, phát biểu với cái giọng dạy sử học sinh trung học làm sao ông hiểu được nội dung của hiện tượng, sự kiện “loạn” ấy. Tôi tin trong tủ sách lớn của gia đình ông có cuốn Phương Đình Địa Dư Chí (trong bộ Đại Nam Phương Dư Chính Biên) của Nguyễn (văn) Siêu, do Nxb Tự Do xuất bản ở SG trước năm 1975. Ông lật xem trang 127 sẽ đọc được điều ông chưa hề biết:

Biến loạn năm Bính Ngọ, Tây Sơn chiếm giữ (năm Giáp Ngọ quân Trịnh xâm lấn xe Thừa Dư ngự về phía nam đến năm Bính Ngọ, Tây Sơn Nguyễn Huệ lại chiếm giữ) ”. [2]

Ông thấy chưa? Loạn đó là “biến loạn năm Bính Ngọ 1786) Tây Sơn giải phóng Phú Xuân trong tay 3 vạn quân Trịnh.

Thưa ông Phan, phản biện của ông (và của một số người nghiên cứu khác) đối với công trình nghiên cứu Cung điện Đan Dương – sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung của tôi ở Hội thảo ngày 30-10-2015 vừa qua dù rất hùng hồn, gay gắt đánh đổ hoàn toàn nhưng cuối cùng Giáo sư Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội KHLS VN tổng kết Hội thảo đã kết luận: Vấn đề chùa Thiền Lâm là Cung đình của đầu Triều Quang Toản là đúng không có gì phải bàn nữa. Còn Cung điện Đan Dương và cả lăng Đan Dương ở trong khu vực chùa Thiền Lâm và chùa Vạn Phước cũng có, nhưng cụ thể như thế nào cần phải khai quật khảo cổ học để xác định. Với kết luận đó những phản biện trái chiều coi như không còn gì để nhắc lại nữa. Nhưng tiếc thay nhiều nhà báo không dự đến lúc kết thúc Hội thảo, không nghe được kết luận đó nên cứ tường thuật chuyện tranh cải gay gắt chưa đưa đến kết quả gì. Và có lẽ, chính ông Nguyễn Hữu Châu Phan: Một là không đồng ý với kết luận của Hội thảo, hai là không nghe Kết luận của Hội thảo nên ông vẫn giữ ý kiến phản biện một cách võ đoán của ông. Vì thế mà tôi phải có bài tiếp thu phản biện rất mất thì giờ nầy. Tranh luận một vấn đề không còn cần thiết nữa là việc mất thời gian vô ích. Nhưng dù sao đây cũng là một kỷ niệm không thể quên trên con đường nghiên cứu hơn 1/3 thế kỷ dành cho Cung điện Đan Dương – một dấu tích lịch sử quý báu trên đất Huế của tôi. Cám ơn bạn đồng niên, đồng song, đồng cầm bút nghiên cứu Huế Nguyễn Hữu Châu Phan.    

 

 


[1] Quốc sử quán Triều Nguyễn, Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, Nhà Tây Sơn, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc tránh Văn Hóa, Sài Gòn 1970,tr.174-175.

[2] Trích dẫn H.6.7. sách Phương Đình Dư Địa Chí của Nguyên [Văn] Siêu do Tự Do ở Sài Gòn xuất bản trước năm 1975, nội dung trích dẫn nầy cũng có thể gặp lại Nguyễn Văn Siêu Phương Đình Dư Địa Chí do Nxb Văn Hóa Thông Tin, HN 2001. tại tr.201-202.

 

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia