Nghiên cứu triều Nguyễn và Huế xưa, trải qua thực tế cuộc sống động chạm đến quá khứ, đến kẻ khuất mặt tôi đã gặp nhiều biểu hiện chứng tỏ ngoài đời sống hiện hữu nầy còn có thế giới tâm linh. Không tin không được. Tôi cũng đã chứng kiến được nhiều kết quả do các nhà ngoại cảm đem lại hết sức giá trị. Rồi qua những cuộc tìm kiếm thực và giả tôi rút ra được thực tế nầy: “Tiềm năng” con người chỉ trong một giờ phút nào đó “bốc đồng” nhập vào thế giới tâm linh và “phán” đúng. Nhưng không phải lúc nào muốn cũng có thể “bốc” được. Và, mỗi người cũng chỉ có “khả năng” trong một thời gian ngắn vài ba năm mà thôi. Nếu những ai không tôn trọng thực tế đó thì họ không sớm thì muộn cũng bị cuộc đời phẫn nộ tặng cho họ một chữ “lừa”. Đồng thời, sở dĩ họ lừa được vì có nhiều khách hàng muốn được họ lừa. Ví dụ hồi tháng 5-2011, ông Nguyễn Hữu Bản – Nguyên TV Tỉnh ủy Trưởng ban Tổ chức TU Nghệ An, Nguyên Bí thư Thành ủy Vinh, bỏ tiền tỷ mở Hội thảo “Hoàng đế Quang Trung với Phượng Hoàng Trung Đô”, mời các nhà nghiên cứu ở Hà Nội, Thành phố HCM và khoảng trên 10 nhà ngoại cảm nổi tiếng tham dự. Về Phượng Hoàng Trung Đô thì tài liệu xưa nay quá đầy đủ có gì mà phải hội thảo. Nội dung quan trọng ông Nguyễn Hữu Bản muốn được các nhà khoa học và các nhà ngoại cảm chứng minh là “Có dấu hiệu lăng mộ vua Quang Trung trên núi Đại Huệ thành phố Vinh”. Và các nhà ngoại cảm đã chứng minh ý muốn của ông Nguyễn Hữu Bản là có cơ sở. Nhưng cuối cùng, không có một nhà khoa học nào vượt qua được tư liệu tôi gởi đến Hội thảo của các đại thần triều Quang Trung như Ngô Thì Nhậm (lăng mộ vua Quang Trung táng trong Cung điện Đan Dương ở Huế), Phan Huy Ích (lăng mộ vua Quang Trung gần chùa Thiền Lâm), vua Quang Toản (lăng mộ Ngọc Hân Công chúa được táng gần lăng Đỏ của vua Quang Trung).v.v. Các nhà ngoại cảm im re. Cuối cùng cuộc Hội thảo đó chỉ còn là mộ kỷ niệm không vui.
Năm 2000, sau trận lụt lịch sử năm 1999, các nhà ngoại cảm trong nước được mời về Huế tế Trời ở Nam Giao để cầu nguyện cho Huế bớt khó khăn. Nhân thể, lãnh đạo địa phương nhờ các nhà ngoại cảm giúp Tỉnh TTH tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung ở Huế. Các nhà ngoại cảm nhiệt tình nhận lời và 2 giờ chiều sẽ đến họp mặt ở KS Festival 15 Lý Thường Kiệt để nói về dấu tích lăng mộ vua Quang Trung. Trong đoàn có nhà sử học DTQ. Ông Q. nói: “A, ở Huế có Nguyễn Đắc Xuân đang nghiên cứu lăng mộ vua Quang Trung, mời đến luôn!”. Tôi may mắn được mời. Đúng 2 giờ chiều hôm đó tôi đến Hội trường khách sạn Festival. Nhưng ngồi chờ hoài không thấy ai đến cả, lãnh đạo địa phương và cả các nhà ngoại cảm. Sau đó tôi hỏi vì sao thì được trả lời: Ông Q. mời ông rồi thì nhà ngoại cảm nào dám phán trước mặt các nhà nghiên cứu như ông!”. “Trời, vô lẽ tôi là người phá đám sao!”.
Ngày 10-3-2007, tôi được mời thuyết trình về việc Đi tìm Dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung ở Huế tại Phòng B 205 ĐH KHXH và NV TP HCM. Người đến dự rất đông. Tôi trình bày xong có một người phụ nữ trẻ đẹp xin phát biểu. Cô cho biết hôm ấy cô và một đồng nghiêp ngoại cảm đi Căm-pu-chia thực hiện một việc tìm kiếm quan trọng nhưng vừa rồi nghe có buổi trình bày về lăng mộ vua Quang Trung, cô và người bạn thay đổi chương trình để ở lại giúp tôi hoàn thành công trình Lăng mộ vua Quang Trung. Nghe chuyện tôi hết sức cám ơn và thành thật thưa với cô rằng: Tôi nghiên cứu lăng mộ vua Quang Trung phải bằng tài liệu chính xác, thông tin tài liệu phải khớp với thực địa, phải phát hiện cho được hiện vật để làm bảo tàng nên tôi không quan tâm đến các thông tin ngoại cảm. Xin cám ơn các chị. Chúc các chị đi Căm-pu-chia mạnh khỏe.
Từ đó đến nay còn có nhiều nhà ngoại cảm khác nhiệt tình muốn giúp tôi nữa. Người mới nhất cách đây mấy tháng. Đây là một cán bộ khoa bảng, từng làm Giám đốc một cơ sở xây dựng cầu đường ở TP HCM. Ông và hai thư ký giúp việc ra Huế lần nầy chỉ với một mục đích chỉ cho tôi biết đích xác lăng mộ vua Quang Trung ở đâu. Ông tự giới thiệu là ông có khả năng gặp gỡ người âm và người âm đó đã báo cho ông biết và ông đã ghi âm. Đoàn của ông được Phòng Di sản sở Văn hóa TT&DL đưa đến nhà tôi. Sau khi nghe ông thuyết minh và mở máy ghi âm cho tôi nghe ông đã nói chuyện với người âm như thế nào. Tôi lại cám ơn và thưa với ông như tôi đã trình bày việc tôi làm bảo tàng với các cô ngoại cảm ở TP HCM năm 2007. Ông khách tỏ ý bất bình rời nhà tôi không kịp để lại một lời chào.
Tôi đã vô tình làm cho nhiều nhà ngoại cảm thất vọng trong ý muốn cộng tác với tôi đi tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung. Nhiều người bạn biết tâm sự của tôi đã khuyên tôi: “Thôi, để cho họ làm ăn, ông thẳng tính quá coi chừng đó!”. Tôi biết nên mong đừng có còn ai muốn “giúp” tôi thêm nữa. Nào ngờ, cách đây mấy hôm một người bạn già ở Quy Nhơn gởi cho tôi đoạn phim “VTV vạch trần nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng về cuộc nói chuyện với vua Quang Trung và gia đình ngài”. Xem phim tôi tá hỏa. Không ngờ cô Bích Hằng tôi từng gặp lại thực hiện một cú lừa táo bạo đến như thế. Độc giả và những người yêu quý vua Quang Trung hãy nghe và xem đoạn ghi từ phim sau đây:
VTV vạch trần NNC Phan Thị Bích Hằng
về cuộc nói chuyện với vua Quang Trung
và gia đình ngài.
Cuộc nói chuyện với cõi người âm của cô Bích Hằng diễn ra tại Bình Định năm 2011 và một cuộc diễn ra cuối năm 2011.
Trước hết xin được nói ngay rằng cũng giống như các cuộc nói chuyện với người âm về tìm mộ. Trước khi về Bình Định, cô Bích Hằng đã tìm hiểu, đọc một số sách và tài liệu về lịch sử có liên quan đến nhà Tây Sơn và ba ngài Tây Sơn tam kiệt. Trên cơ sở đó, cô Bích Hằng đã chọn lọc những chi tiết để phán và làm cho những người xung quanh phải tin. Tuy nhiên, đối với những người tỉnh táo và có kiến thức lịch sử sẽ dễ dàng nhận thấy ngay là kiến thức lịch sử của cô Bích Hằng khá lơ mơ, hầu như chỉ nói dựa vào đối chiếu lịch sử như kiểu đồng ngôn mình xẩm rất tùy tiện. Tôi xin phân tích một số trường hợp cô Bích Hằng thực hiện và nói chuyện với người cõi âm như sau:
- Thứ nhất là cuộc nói chuyện của cô Bích Hằng với hai vị thân sinh của ba anh em Tây Sơn và vua Quang Trung. Trong cuộc nói chuyện với hai vị thân sinh của vua Quang Trung, cô Bích Hằng cho biết hai cụ nói người đời thường nhắc đến Tam kiệt Tây Sơn. Nhưng thật ra các cụ có bốn người con trai: Cậu con cả là Nguyễn Hoa chỉ ở nhà với bố mẹ, mất lúc 19 tuổi, không làm nên công trạng gì. Có đẻ lại một cậu con trai tên là Quang Hiển, được ông bà nuôi, các con nhớ ghi tên để khấn và kêu cho người con cả này. Quả thật khi nghe cô Bích Hằng phán điều này, thấy hầu hết những người xung quanh nhất là các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bình Định đều rụng rời chân tay, khiếp vía. Bởi lẽ, lâu nay dân Bình Định hầu như chỉ biết đến ba anh em Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ). Trong đó Nguyễn Nhạc là anh hai, Nguyễn Huệ là thứ ba, Nguyễn Lữ là thứ tư. Thực ra, việc nhà Tây Sơn có mấy anh em đã từng có những ý kiến khác nhau, giống như người dân Bình Định. Nhiều tài liệu cho rằng, nhà Tây Sơn có ba anh em. Tuy nhiên một số tư liệu lại cho rằng gia đình vua Quang Trung không chỉ có ba anh em mà có khá đông anh em và thứ tự cũng khác nhau. Nhạc thứ hai, Lữ thứ ba, Huệ thứ tư. Một số tài liệu của nhà truyền giáo phương Tây thì ghi tên Nguyễn Lữ là Đức Ông Bay thứ bảy, còn Nguyễn Huệ là Đức Ông Tam thứ tám. Đáng lưu ý tại Hội thảo Tây Sơn Thuận Hóa và anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung tổ chức tại Thừa Thiên Huế vào đầu tháng 6 năm 2008, nguồn tư liệu của triều Thanh, một nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết cho là nhà Tây Sơn có ít nhất bốn anh em trai, anh đầu là Nguyễn Quang Hoa chi tiết này là dựa vào bảng kê khai lí lịch của Nguyễn Quang Hiển gửi quan chức triều Thanh khi đi xứ vào năm 1790. Thế rồi dựa vào thông tin này, thông qua báo chí và mạng, cô Bích Hằng đã nhét vào miệng của vị thân sinh vua Quang Trung để phán. Bởi lẽ thật ra thông tin trên chỉ là một giả thuyết kể về ba anh em nhà Tây Sơn và cũng chỉ là một tài liệu tham khảo. Hơn nữa cũng xin lưu ý rằng, bản kê khai lí lịch của Quang Hiển cũng có thể là đồ giả đánh lừa nhà Thanh. Ngay đến vua Quang Trung cũng dám cho Phạm Công Trị đóng giả để thay mình đi kìa mà.
- Thứ Hai là cô Bích Hằng cho biết, vua Quang Trung nói âu cũng là số mệnh rồi, việc này cũng đã được ghi trong áo bào của vua Càn Long ban tặng: “Xa tâm chiết trục đa tiền thử” có nghĩa là: “Bụng xe gãy trục, nhiều chuột đồng” nhưng khi ghép chữ lại có nghĩa là “Nguyễn Huệ sẽ mất năm Nhâm Tí”. Cho nên, cũng không cần phải oán than nữa. Về cái chết của vua Quang Trung, có nhiều giả thuyết và câu chuyện trích áo bào cũng là một giả thuyết, thậm chí đẫm chất giai thoại. Theo đó nhiều tài liệu sử đều ghi lại, vua Quang Trung chết đều bị bệnh (không cụ thể là bệnh gì). Còn tác giả Hoa Bằng lại cho rằng Ngài chết vì bệnh “huyết thực”, gần đây các nhà nghiên cứu y học phân tích và cho rằng nguyên nhân cái chết của Quang Trung là do xuất huyết não dưới màn nhẫn dẫn đến viêm phổi. Thế nhưng, cô Bích Hằng đã nhét câu chuyện trích chiếc áo bào vào miệng vua Quang Trung. Bởi lẽ nếu đúng như vậy, hóa ra Quang Trung đã biết việc Càn Long ban tặng áo bào và nếu như vậy Quang Trung sẽ oán hận Càn Long, chứ sao lại bảo là “cho nên cũng không cần phải oán than nữa”.
- Thứ ba là Cô Bích Hằng cho biết vua Quang Trung nói: Nhân dịp này, ta cũng muốn mời nhạc phụ của ta là vua Lê Hiển Tông và chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền đến dự đàn lễ này. Lúc sinh thời chưa kịp mời nhạc phụ ta vào Quy Nhơn chơi. Sau đó, vua Quang Trung nói nhạc phụ của ta cứ muốn ta mời cả anh vợ ta vào nữa, không đồng ý ghi là Lê Chiêu Thống mà chỉ được ghi là Lê Duy Kỳ với tư cách là anh vợ thôi chứ không phải là ông anh Hoàng đâu đấy. Oh hay, sao thế, Lê Chiêu Thống (tức là Lê Duy Kỳ) mà lại là anh vợ của vua Quang Trung. Thưa cô Bích Hằng, xin thưa: Lê Duy Kỳ là cháu nội vua Lê Hiển Tông và gọi công chúa Ngọc Hân bằng cô ruột. Vì vậy, vua Quang Trung phải gọi Lê Chiêu Thống (tức là Lê Duy Kỳ) là cháu vợ, chứ tại sao lại gọi là anh vợ, tội quá cô Bích Hằng ơi. Theo cô Bích Hằng, vua Quang Trung nói tiếp: Nhân có nhạc phụ ta vào chơi, ta muốn khởi đàn lễ bằng một trống trận và một màn múa võ Bình Định. Ngày xưa ta thích nghe Ngọc Hân hát quan họ lắm, nếu thu xếp được một màn hát quan họ cho xong thân và quân sĩ của ta nghe thật là toại nguyện. Lạ nhỉ cô Bích Hằng lại nói dở rồi, bởi lẽ cái gọi là trống trận Quang Trung hay trống trận Tây Sơn cho đến nay vẫn chưa xác định chính xác nguồn gốc xuất sứ ra đời. Thậm chí có ý kiến cho rằng, trống trận Quang Trung hay trống trận Tây Sơn là do người đời sau này sáng tác mang tính biểu diễn để ca ngợi công đức của Quang Trung về nhà Tây Sơn.
Điều đáng nói, cô Bích Hằng cho Quang Trung nói muốn khởi đàn bằng màn múa võ Bình Định ư, oh hay cô Hằng có biết hai chữ Bình Định xuất hiện khi nào không? Hai chữ Bình Định này là do nhà Nguyễn đặt sau khi đã được Bình Định nhà Tây Sơn và đất Tây Sơn, tội nghiệp quá cô Bích Hằng ơi.
Nói chuyện của cô Bích Hằng với ba ngài Tây Sơn Tam Kiệt, có khá nhiều điều vô lí, thậm chí nhiều đoạn muốn cười chảy nước mắt, cười vỡ bụng. Tuy nhiên, do cuộc nói chuyện với người cõi âm của cô Bích Hằng lần này khá nhiều và khá dài, nên chỉ xin đề cập đến vài vấn đề. Xin quí vị, cô, bác, các anh chị, các bạn đọc nội dung cuộc nói chuyện ở phần dưới đây:
- Trước hết xin thưa, việc cô Bích Hằng mời được ba đồng chí Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lên để nói chuyện tại đất Tây Sơn Bình Định là điều thật lạ. Bởi ngay nhiều đệ tử nhà Phật cũng từng băn khoăn thắc mắc rằng: Thấy cô Bích Hằng hình như cũng là Phật tử, nhưng hình như cô không hiểu về giáo lí nhà Phật. Bởi lẽ cô Bích Hằng gặp và nói chuyện được với thân sinh của vua Quang Trung và cả ba ngài Tây Sơn Tam Kiệt. Vậy có nghĩa là những oan hồn còn vất vưỡng vì chưa siêu thoát hay sao. Mặt khác, Tây Sơn không phải là đất của Quang Trung và Quang Trung sau khi băng hà được chôn tại đất Phú Xuân đâu phải chôn ở Tây Sơn đất của Nguyễn Nhạc mà cô Hằng gặp được Quang Trung. Hơn nữa, cô Bích Hằng không biết rằng sinh thời ba đồng chí Nhạc, Huệ, Lữ mặc dù cùng chi bộ, nhưng mất đoàn kết nghiêm trọng thậm chí huynh đệ còn tương tàn. Vậy làm sao cùng một lúc có thể lên nói chuyện với cô được? Đáng lưu ý, qua cuộc nói chuyện ba đồng chí Thái Đức Nguyễn Nhạc, Hoàng đế Quang Trung, Đông Định Vương Nguyễn Lữ giống như nhìn thấy hết từng con người, từng đồng chí trên trần gian Bình Định cả chức vụ công việc, từng cảnh vật thậm chí chỉ đạo từng vị trí, từng câu, từng chữ, câu đối liền để tỉnh Bình Định xây dựng đàn tế trời đất.
Theo cô Bích Hằng, Hoàng đế Quang Trung nói: Về nghi lễ thì hỏi ông Định Vương Nguyễn Lữ vì chú ấy là người chữ nghĩa nhất và chú ấy thuộc người Nho giáo .v.v. Ba anh em ta theo ba môn phái võ giờ đã mai một đó là Thái Đức hoàng đế “Hùng kê quyền”; Quang Trung hoàng đế “Yến phi quyền”; Đông Định Vương “Miên quyền (còn gọi là Nhu quyền)”. Còn Thái Đức hoàng đế thì nói chú Lữ vốn nho nhã, mềm yếu nên chú luyện Nhu quyền, đây là môn quyền học của người Miên nên gọi là Miên quyền. Oh hay cũng lạ nhỉ, cô Bích Hằng, Nguyễn Lữ đâu thuộc Nho giáo, sinh thời ông đi tu theo đạo hồi Bani nên mới gọi là thầy tư Lữ đồng thời lâu nay dân Bình Định đã viết “Hùng kê quyền” do Nguyễn Lữ sáng tạo ra đâu có phải là Nguyễn Nhạc. Quả là kiểu nói dựa và suy diễn, lắp ghép tùy tiện. Sinh thời Quang Trung rất coi trọng chữ Nôm và yêu cầu phải sử dụng nó như quốc ngữ, vậy mà cô Bích Hằng lại cho rằng Quang Trung chỉ đạo nói và viết chữ Hán; tiếng Hán như:
Thậm chí Bích Hằng còn cho rằng Quang Trung giải nghĩa mấy từ tiếng Hán rất tào lao như: Đàng này phải bố trí theo thế, các người biết thế gì không? Đó là thế thiên địa nhân, thiên là trời; địa là thần; nhân là con người. Tôi chẳng hiểu là cô Bích Hằng nói gì nữa.
Theo cô Bích Hằng, Hoàng đế Quang Trung nói trước khi cho các người lui, ta dạy rằng muốn xây dựng nghiệp trước tiên phải có lực, khi đó có lực mới tạo ra thế. Nếu không có lực và thế thì có tâm cũng không làm được gì, nên ba anh em lúc nào cũng đan xen vào nhau. Cũng có lúc khích khẩu nhưng chưa bao giờ tương tàn. Cô Bích Hằng cho rằng, Quang Trung nói vậy là trái với lịch sử rồi. Xin thưa, lịch sử cho biết, một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho nhà Tây Sơn sụp đổ nhanh chóng là do nội bộ lục đục và mất đoàn kết nghiêm trọng. Nhiều nguồn sử liệu cho biết, Nguyễn Nhạc không chỉ thông dâm với em dâu của mình (vợ của Nguyễn Huệ) mà còn cản trở bước đi của em mình. Theo đó trước những chiến công thắng lợi củ Nguyễn Huệ ở Bắc Hà, nhất là sau khi Nguyễn Huệ được vua Lê ban tặng phần thưởng đất đai và gả công chúa Ngọc Hân, Nguyễn Nhạc buộc Huệ phải quay trở vào Phú Xuân. Sau đó, cử một đội quân tinh binh ra Bắc Hà để nắn gân cậu em. Nguyễn Huệ cũng không vừa, viết hịch để kể tội Nguyễn Nhạc, rồi đem sáu vạn quân vào vây thành Quy Nhơn và nả pháo vào trong thành cho đến khi Nguyễn Nhạc lên thành than khóc mới chịu rút lui. Thậm chí một số nguồn sử liệu cho biết rằng, khi Quang Trung qua đời, một phái đoàn của Thái Đức hoàng đế ra Phú Xuân để viếng đã bị ngăn lại. Không chỉ có vậy, con cháu Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ trở nên thâm thù giết hại lẫn nhau.
Theo cô Bích Hằng, Đông Định Vương Nguyễn Lữ nói: Tây Sơn Tam Kiệt đúng ra là Tây Sơn Tứ Kiệt, nhưng trời không cho tất cả, không thể là “Tứ tự trùng lạp” nên còn có Tam Kiệt mà thôi. Tất cả ba anh em đều yểu thọ, lạ nhỉ thật ra trong ba ngài Tây Sơn Tam Kiệt chỉ có Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ là yểu thọ, nhưng riêng Nguyễn Nhạc thì không thể gọi là yểu thọ. Bởi lẽ trong số ba ngài tuổi của Nguyễn Nhạc cách xa so với Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Theo đó Nguyễn Nhạc là thứ hai,còn Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ là thứ bảy và thứ tám, nên nhớ Nguyễn Nhạc có con gái lớn gả cho Vũ Văn Nhậm. Nhiều nguồn tư liệu sử ghi rằng, Nguyễn Nhạc qua đời khi đã già yếu.
Về việc xây dựng đàn tế trời đất đang triển khai ở Tây Sơn Bình Định. Theo cô Bích Hằng, Hoàng đế Quang Trung nói ta có hai lộc là hai chức quyền trượng giao cho họ Trần (Trần Bắc Hà Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng BIDV) và họ Nguyễn (Nguyễn Văn Thiệt Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định) để lo việc này cho trọn vẹn. Cũng theo cô Bích Hằng, Đông Định Vương thì nói con cháu nhà Tây Sơn đều chết yểu nên nơi đàn tế nhà Tây Sơn ở dưới chân đàn phải xin tuần hạt cởi qui xin thọ minh hạt, trường thọ như qui, nơi bốn góc ở bốn chân đàn, ai có đủ phúc thì người đó được đặt qui. Nay ta ban cho, đối với Trần Bắc Hà (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng BIDV) thuyền lương của nhà Tây Sơn trao hết về tay ngươi, hiện nay ngươi đang cầm thuyền lương của xã tắc thì người cũng sẽ được phép đặt một con. Đối với họ Nguyễn Hữu Luân (Công ty Phương Trang Đà Lạt Lâm Đồng) mệnh người mong manh lắm nên cho người đặt ở bên Thanh Long một con qui. Đối với Nguyễn Văn Thiệt (Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Định) lấy ấn là một con qui đặt ở bên Bạch Hổ, còn một con nữa dành cho quan Lê Hữu Lộc (Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định) đặt ở cửa Hậu. Mỗi lần lên đàn phải một bên rung chiên một bên thúc trống, lạ quá, nếu đúng đây là lời của Hoàng đế Quang Trung và Đông Định Vương Nguyễn Lữ thì quả là quá siêu. Câu hỏi đặt ra ở đây là? Vì sao Hoàng đế Quang Trung và Đông Định Vương Nguyễn Lữ đã mất cách đây hơn 220 năm, Quang Trung mất năm 1792 con Nguyễn Lữ mất 1787, làm sao có thể biết được họ tên chức vụ nghề nghiệp của các ông. Trần Bắc Hà, Nguyễn Văn Thiệt, Nguyễn Hữu Luân, Lê Hữu Lộc đang sống và làm việc trên cõi trần tục. Trong đó, ông Nguyễn Hữu Luân ở tận Lâm Đồng mà sao Đông Định Vương cũng biết được hay sao? Và làm sao Đông Định Vương đánh giá đạo đức của những người này một cách chính xác rằng: Họ có đủ phúc để cho phép họ đặt con qui tại công trình xây dựng đàn tế trời đất ở Bình Định. Nếu ý kiến trên của Hoàng đế Quang Trung và Đông Định Vương Nguyễn Lữ là có thật, thì sao hai ngài không chỉ luôn vị trí mộ hay chổ ở của ông bà hai ngài song thân cùng với ba ngài Tây Sơn Tam Kiệt, nhất là mộ của Quang Trung vì suốt mấy chục năm nay các nhà khoa học sử học đã phải tốn công tốn sức để nghiên cứu, tìm kiếm, tổ chức hàng chục hàng trăm hội thảo để tìm mộ các ngài.
Nhân đây cũng xin hỏi các ông Vũ Thế Khanh, Vũ Gia Khải, Phạm Minh Hạc, Hàn Vũ Thị, Quan Thị Lê La,… và các ông các bà ở Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người rằng: Nội dung của cuộc nói chuyện với cõi người âm của cô Phan Thị Bích Hằng và thân sinh của vua Quang Trung và ba ngài Tây Sơn Tam Kiệt mà tôi đã nêu ở trên liệu có đúng sự thật hay không? Nếu đúng, thì cơ chế cách thức kĩ năng nói chuyện của người cõi âm như thế nào? Nhân tiện xin hỏi riêng ông Vũ Thế Khánh rằng: Ông từng khoe….
Đường lên dàn tế Trời Đất ở Tây Sơn (Bình Đinh)
Đàn tế Trời Đất ở Tây Sơn (Bình Đinh)
Chú thích: (Hai ảnh trích từ :https://mytour.vn/location/4783-binh-dinh-dan-te-troi-dat-tay-son.html)
Mời các bạn xem đường link của video nói về việc "VTV vạch trần NNC Phan Thị Bích Hằng về cuộc nói chuyện với vua Quang Trung và gia đình ngài" : https://www.youtube.com/watch?v=kKKHeJtQJ2U
NNC Bích Hằng khấn trước tranh Quang Trung