Huế, ngày 16 tháng 4 năm 2018
Gởi anh Đỗ Bang
Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế
Chào anh Đỗ Bang,
Có lẽ anh bất ngờ khi lá thư nầy đến tay anh.
Anh Bang ơi, để anh khỏi bất ngờ tôi xin nói rõ lý do vì sao tôi viết thư nầy gởi anh đây.
Tôi với anh có nhiều chuyện về văn hóa lịch sử cần phải trao đổi để làm rõ cho giới sử học bây giờ và con cháu sau nầy - không những ở Huế mà còn cho Quảng Trị quê hương của anh nữa - nhưng vì những vấn đề văn hóa lịch sử trong phản biện và phản phản biện đòi hỏi phải có tư liệu, thông tin chính xác để chứng minh chứ không thể nói khang khang lấy được, không phân biệt đúng sai. Vì thế tôi tránh tranh luận với anh trên các diễn đàn. Đó là lý do tôi viết lá thư nầy gởi anh thay cho các cuộc tranh luận không đưa đến đâu. Mong anh hoan hỉ đọc thư.
Anh Bang,
Chắc anh đã biết tôi học Đại học trước anh ra sao, đã tham gia Phong trào đô thị và chín năm kháng chiến như thế nào và sau năm 1975 ngoài nhiệm vụ cán bộ công chức nhà nước tôi là một người cầm bút nghiên cứu tự do của xứ Huế, không ở trong bất cứ một cơ quan nghiên cứu, một trường Đại học nào và cũng chưa từng xin tiền thuế của dân để có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều phản biện cứu vãn Huế được bạn đọc lưu danh – trong đó có nhiều phản biện các nghiên cứu của anh. Có lẽ anh còn nhớ các bài:
1. Lịch sử Phật giáo Thừa Thiên Huế không phải chỉ như thế. [http://www.gactholoc.com/c17/t17-614/do-bang-i-lich-su-phat-giao-thua-thien-hue-khong-phai-chi-nhu-the.html]
2. Về số phận của hai người con của vua Quang Trung và công chúa Ngọc Hân. [http://www.gactholoc.com/c17/t17-615/do-bang-2-ve-so-phan-cua-hai-nguoi-con-cua-vua-quang-trung-va-cong-chua-ngoc-han.html]
3.Bàn thêm để khẳng định: Quốc hiệu Việt Nam ra đời vào năm Giáp tý (1804) [http://www.gactholoc.com/c17/t17-616/do-bang-3-ban-them-de-khang-dinh-quoc-hieu-viet-nam-ra-doi-vao-nam-giap-ty-1804.html]
4.PGS TS Đỗ Bang - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế nhiều khóa mà…như thế sao? [http://www.gactholoc.com/c17/t17-617/do-bang-4-pgs-ts-do-bang-chu-tich-hoi-khoa-hoc-lich-su-thua-thien-hue-nhieu-khoa-manhu-the-sao.html]
Tôi vẫn chờ anh giải đáp những điều tôi nêu lên trong 4 nghiên cứu của anh. Trong thư nầy, tôi chỉ nêu lên một vấn đề khác mà anh đã có một quá trình theo dõi trên 30 năm qua. Chắc anh biết vấn đề gì phải không? Vấn đề Cung điện Đan Dương – sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung ở Huế. Nhớ xưa…
1. Anh với tôi đã từng “cùng một chí hướng với nhiều tâm đắc”.
Chắc anh còn nhớ trong Hội nghị Bảo tồn Di tích Lịch sử và Văn hóa Bình Trị Thiên tháng 1 năm 1985, tôi đã kết luận bài nghiên cứu của tôi :
“Bước đầu, ta có thể kết luận Cung Điện Đan Dương là cung điện được làm dưới thời Quang Trung, sau đó trở thành Đan Lăng là lăng mộ của vua Quang Trung, còn địa điểm tọa lạc ở đâu phải tiếp tục đi tìm”.
Kết luận đó đã được anh trân trọng ghi lại trong sách “Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung”:
(Nguyễn Đắc Xuân không tin lăng Ba Vành là của vua Quang Trung, hướng đi tìm lăng Quang Trung vẫn còn mờ mịt, nhưng may thay tác giả đã tìm được một tín hiệu về chiếc “lăng đỏ”, lăng Đan Dương mà Ngô Thời Nhậm đã ghi chú rõ là “Sơn lăng phụng chứa bảo y của Tiên hoàng ta”[1] dành cho một khổ giấy không nhiều tác giả đã làm rõ tên gọi Đan Dương và dẫn thêm một số tài liệu có liên quan. Cuối cùng Nguyễn Đắc Xuân kết luận “Bước đầu ta có thể kết luận Điện Đan Dương là cung điện được làm dưới thời Quang Trung, sau đó trở thành Đan lăng là lăng mộ của vua Quang Trung còn địa điểm tọa lạc ở đâu phải tiếp tục đi tìm”[2]) [Đỗ Bang, Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung, tr.135-136]
Anh đánh giá cao về khám phá Cung điện Đan Dương của tôi và anh đã định hướng cùng nhau nghiên cứu trong tương lai, tôi hết sức vui. Anh viết:
“Thông báo của Nguyễn Đắc Xuân trong hội nghị Bảo tồn di tích lịch sử văn hóa Bình Trị Thiên tháng 1 năm 1985 về Đan Dương đã gây được sự chú ý của nhiều người và ngay sau đó chúng tôi cho đó là một khả năng mới để cùng nhau tìm kiếm lưu vết của lăng mộ vua Quang Trung trên đất Huế”[3]
Phóng ảnh trang sách “Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung” của Đỗ Bang viết về hướng đi tìm lăng mộ vua Quang Trung ở Cung điện Đan Dương, Sở Văn Hóa và Thông Tin Bình Trị Thiên, 1988, tr.135-136.
Năm 1988, sách in xong anh tặng tôi với lời đề tặng cũng hết sức thân thiết: “Kính biếu anh Nguyễn Đắc Xuân cùng một chí hướng với nhiều tâm đắc.12/12/1988”
Anh nói với giấy trắng mực đen trong sách của anh “chúng tôi cho đó là một khả năng mới để cùng nhau tìm kiếm lưu vết của lăng mộ vua Quang Trung trên đất Huế”. Nhưng anh có thực hiện không? Hay là….?
2. Gần 20 năm là Chủ tịch Hội Sử học TTH chưa bao giờ anh đưa công trình nghiên cứu Cung điện Đan Dương vào chương trình hoạt động của Hội.
Hội KH Lịch sử TTH ra đời tính cho đến nay đã ngót 24 năm (1999-2018), trải qua 5 nhiệm kỳ Đại hội. Trừ nhiệm kỳ thứ nhất 5 năm (1994-1999) anh còn phụ tá cho anh Vương Hồng, tiếp đến anh giữ chức Chủ tịch Hội đến 4 lần (Đại hội II -1999, Đại hội III-2005, Đại hội IV-2010 và Đại hội V (2015-2020) gần 20 năm. Trong suốt 20 năm ấy anh đã cố quên lời cam kết “chúng tôi cho đó là một khả năng mới để cùng nhau tìm kiếm lưu vết của lăng mộ vua Quang Trung trên đất Huế”, không hề nhắc đến một chữ trong chương trình hoạt động của Hội KHLS TTH do anh đứng đầu. Vấn đề lăng mộ vua Quang Trung ở Huế - nhiều vị lãnh đạo xưa nay đều cho rằng “Đây là một món nợ lịch sử tỉnh TTH phải trả. Nhưng chưa biết bao giờ mới trả được!”. Tỉnh nhà lấy tiền thuế của dân Huế nuôi bộ máy Hội Sử học của anh, tại sao Hội do anh đứng đầu ngót 20 năm mà anh lại để món nợ đó ra ngoài hoạt động của Hội? Ai sẽ trả món nợ đó cho tỉnh? Đây là một sự thật hết sức khó hiểu.
Nhưng rồi may sao, tối ngày 27-10-2015, trao đổi với tôi qua điện thoại chung quanh việc chuẩn bị HTKH ngày 30-10-2015 “Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế” anh đã rất thành thật giải thích cho tôi về sự khó hiểu đó rằng :
- “Sở dĩ công trình nghiên cứu Đan Dương của anh chậm là vì anh không chạy!”.
Một đáp án quá bất ngờ. Nghe qua tôi muốn nghẹt thở luôn. Tôi đã phải thét lên:
- “Trời ơi, tôi đã bỏ công sức tiền bạc của gia đình tôi nghiên cứu gần 1/3 thế kỷ được công trình Cung điện Đan Dương là sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung cho lịch sử, cho đất nước, cho Huế - Hội sử học TTH, thành phố Huế, tỉnh TTH phải chạy đến tôi chứ sao tôi phải “chạy”? Chạy ai? Chạy như thế nào xưa nay tôi chưa từng biết? Hay là chạy nhà Tây Sơn học Đỗ Bang – Chủ tịch Hội KHLS TTH?”
Cuộc trao đổi qua điện thoại bị gián đoạn. Và hậu quả…
3. Phá không được cố tình cho chìm xuồng kết quả một hội thảo chưa từng có.
Với sự tài trợ của Vietravel, tỉnh TTH giao cho sở VHTT&DL và Hội KHLS TTH tổ chức HTKH “Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế” vào ngày 30-10-2015 tại UBND tỉnh TTH do GS Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội KHLS VN), TS Phan Tiến Dũng và anh chủ trì Hội thảo. Tôi là báo cáo chính, đúng chủ đề của Hội thảo nhưng anh chỉ cho phép tôi trình bày trong 15 phút cũng giống như tất cả các người mới đọc qua công trình viết vội tham luận tham gia Hội thảo. Tôi phản ứng quyết liệt mới được các anh cho trình bày hết những điểm chính trong công trình nghiên cứu của tôi. Anh đã loay hoay bố trí cho những người anh đã đặt bài liên tiếp lên diễn đàn tham luận phản biện công trình của tôi một cách hồ đồ. Tất cả các tham luận anh bố trí, không có một phản biện nào không bị tôi vạch ra những sai lầm kém cỏi của họ. Tất cả những phản biện và phản phản biện tôi ghi âm đầy đủ và đã in lại trong sách Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn - tiền thân của Cung điện Đan Dương - sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung. Ngày ra sách tôi đã trực tiếp tặng anh. Anh là nhà sử học, chủ trì Hội thảo – là trọng tài anh phải có nhận xét các phản biện và phản phản biện ai đúng ai sai như thế nào, nhưng anh không làm việc đó. Anh chỉ quan tâm tôi trình bày và có nhiều người phản biện. Thế thôi! Sau Hội thảo các anh báo cáo với Tỉnh cũng với tinh thần như thế. Hội thảo được Giáo sư Phan Huy Lê cùng các anh chủ trì nhưng các anh không quan tâm đến kết luận của Giáo sư Phan Huy Lê (thầy của anh). Nếu tôi không ghi âm được kết luận hội thảo của Giáo sư Phan Huy Lê thì coi như Hội thảo sẽ trở về lại điểm xuất phát như báo cáo của các anh gởi lên tỉnh. Kết luận của Giáo sư Phan Huy Lê đã đăng trên báo Văn Hóa Huế (Xuân Bính Thân, 2016, tr.49-53) và báo Huế Xưa Và Nay (số 132, tr.9-16) của Hội KHLS TTH do anh làm Chủ tịch. Kết luận hội thảo GS Phan Huy Lê khẳng định công trình nghiên cứu của tôi về lịch sử chùa Thiền Lâm đúng, không còn gì phải bàn luận nữa. Và, “có Cung điện Đan Dương và cả lăng Đan Dương trong khu vực chùa Thiền Lâm, chùa Vạn Phước. Nhưng cụ thể như thế nào phải khai quật mới xác định được”. Đồng thời Giáo sư chỉ đạo “Biết đến đâu khai thác đến đó chứ không đợi đến kết quả cuối cùng”. Một kết luận quan trọng (giống như đánh giá của học giả Hoàng Xuân Hãn năm 1991) và hướng nghiên cứu khảo sát sắp tới rộng mở quý hóa biết mấy mà các anh đã cố tình bỏ qua. Điều nầy Giáo sư Phan Huy Lê rất khó hiểu. Nhờ có kết luận đó mới có việc khai quật thăm dò gần cuối năm 2016. Công trình nghiên cứu của tôi chứng minh Nguyễn Huệ chiếm Phủ Dương Xuân trên gò Dương Xuân (khu vực chùa Thiền Lâm - Vạn Phước ngày nay) làm Cung điện Đan Dương rồi lăng Đan Dương. Năm 1801 Nguyễn Vương khôi phục Phú Xuân, triệt hạ Cung điện Đan Dương chôn sâu xuống đất. Cuộc khai quật do Viện Khảo cổ thực hiện. Khai quật 5 hố trên gò Dương Xuân, hố nào cũng phát hiện được cổ vật chứng tỏ dưới lòng đất trong vùng chùa Vạn Phước, chùa Thiền Lâm đã từng có nhiều kiến trúc cổ bị chôn vùi chứng tỏ thông tin trong nghiên cứu của tôi đã khớp với thực tế khai quật. Ngày 9-1-2017, tỉnh TTH và Viện Khảo cổ tổ chức hội nghị dưới sự chủ trì của GS Phan Huy Lê, ông Nguyễn Dung – Phó Chủ tịch, PGS.TS Bùi Văn Liêm – Phó Viện trưởng Viện KCH báo cáo kết quả cuộc thăm do gò Dương Xuân. Sau đó Viện Khảo cổ và các ngành chức năng văn hóa lịch sử Quyết định của Hội nghị (ngày 9-1-2017) nói rõ “Tiếp tục khảo sát thăm dò, nghiên cứu khu vực gò Dương Xuân nhằm tìm hiểu diện phân bố cụ thể của di tích”. Anh cũng đến dự và biết rõ kết quả đó.
Thực hiện nội dung Quyết định của Hội nghị (ngày 9-1-2017), Sở Văn hóa Thể thao TTH và Bảo tàng Lịch sử TTH đã có các văn bản xin ý kiến của Tỉnh, với tư cách Phó Chủ tịch TM Chủ tịch UBND tỉnh TTH ông Nguyễn Dung đã ký văn bản số 2010 /UBND-VH ngày 07-4-2017.
Ủy ban nhân dân tỉnh nhận được Công văn số 467/SVHTT-QLDSVH, ngày 28/3/2017 của Sở Văn hóa và Thể thao về việc thăm dò khảo cổ tại gò Dương Xuân (có bản chụp kèm theo).
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung có ý kiến như sau:
1. Thống nhất theo đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao tại Công văn trên; giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với Viện Khảo cổ, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức mở rộng thăm dò khảo cổ tại gò Dương Xuân.
2. Sở Văn hóa và Thể thao làm việc cụ thể với Sở Tài chính về kinh phí bảo quản hiện vật và tổ chức khai quật mở rộng khu vực gò Dương Xuân, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
3. UBND thành phố Huế có kế hoạch chuẩn bị bố trí quỹ đất tái định cư cho một số hộ dân trong khu vực khai quật khảo cổ tại gò Dương Xuân.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Sở Văn hóa và Thể thao kịp thời tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Nhận được Quyết định nầy tôi rất phấn khởi. Khát vọng theo đuổi hơn 1/3 thế kỷ sắp trở thành hiện thực. Tôi lại vận động và được Cty Vietravel nhận lời sẽ tài trợ tiếp cho việc khai quật mở rộng theo quyết định của Tỉnh. Ngày 9-10-2017 sở Văn hóa Thể thao và Bảo tàng Lịch sử TTH đã tổ chức cuộc họp v/v tham gia góp ý kiến kế hoạch mở rộng khảo cổ học khu vực gò Dương Xuân, phường Trường An, thành phố Huế. Thành phần tham dự:
1. Về phía Viện Khảo cổ học Việt Nam: PGS.TS Bùi Văn Liêm - Phó Viện trưởng Viện KCH Việt Nam;
2. Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế: TS. Phan Tiến Dũng – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; PGS.TS Đỗ Bang – Chủ tịch Hội KHLS tỉnh Thừa Thiên Huế; Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân;
3. Đại diện các cơ quan chức năng của tỉnh và thành phố Huế:
- Phòng Văn xã Sở Kế hoạch và Đầu tư: Ông Trương Văn Tân, chức vụ: Trưởng phòng; Phòng Quản lý Di sản Văn hóa: Ông Trần Tuấn Anh, chức vụ: Trưởng phòng; Phòng Kế hoạch Tài chính: Ông Nguyễn Đăng Chính, chức vụ: Chuyên viên; Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao: Ông Hà Xuân Trí, chức vụ: Thanh tra viên;
- Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế: Ông Cao Huy Hùng, chức vụ: Giám đốc;
- Phòng Văn hóa Thông tin thành phố Huế: Bà Phạm Thị Quỳnh Giao, chức vụ: Trưởng phòng;
- UBND phường Trường An: Bà Lê Thị Thanh Nhàn, chức vụ: Phó Chủ tịch.
* Đơn vị chủ trì: Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế
1. Chủ trì cuộc họp: TS. Phan Tiến Dũng – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao.
2. Thư ký: Ông Ngô Minh Thuấn – Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử.
Toàn bộ các thành viên trong cuộc họp đều nhất trí 100% về việc khai quật mở rộng gò Dương Xuân. Nội dung cuộc họp được báo cáo lên Tỉnh. Bản báo cáo được kết thúc như sau: “Phòng Quản lý Di sản Văn hóa phối hợp với Bảo tàng Lịch sử lập các thủ tục trình UBND tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan liên quan cho phép mở rộng khai quật gò Dương Xuân để bổ sung tư liệu về thời đại Tây Sơn trước khi lập hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử văn hóa”.
Tiền mở rộng khai quật Vietravel đã hứa tài trợ, chỉ còn quyết định của Tỉnh và quỹ đất di dời một số hộ nữa là kế hoạch khai quật mở rộng có thể thực hiện được ngay. Nhưng…
Từ sau cuộc Hội thảo 30-10-2015 đến sau nầy, anh tham gia vào các hoạt động chuẩn bị khai quật, khai quật, báo cáo kết quả khai quật và những công việc tiếp theo, anh theo dõi “Món nợ lịch sử của tỉnh” một cách miễn cưỡng thờ ơ. Không thấy trách nhiệm của Hội KHLS TTH ở đâu cả. Thế rồi… anh không những không thực hiện các quyết định của tỉnh và của Bảo tàng Lịch sử TTH, anh …
4. Mượn HTKH để tiến đến kỷ niệm 230 năm vua Quang Trung lên ngôi ở Huế. Anh tổ chức đánh đổ công trình Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn mà tỉnh và ngành văn hóa bảo tàng TTH đang thực hiện.
Ngày 21-1-2017 anh tổ chức HTKH Thuận Quảng Thời Tây Sơn. Anh có mời tôi tham luận nhưng tôi quá bận về những vấn đề lịch sử 50 năm Tết Mậu ở Huế nên không có tham luận. Tuy nhiên tôi vẫn đến tham dự hội thảo. Tôi hết sức bất ngờ là anh đã quá ưu ái dành cho 4 tác giả tham luận và phát biểu bổ sung sau đây:
- Phan Thanh Hải, Diện mạo thành Phú Xuân cuối thế kỷ XVIII qua Quảng Thuận đạo sử tập của Nguyễn Huy Quýnh, Hội thảo kỷ yếu Thuận Quảng Thời Tây Sơn, tr.24 – 30.
- Trần Đại Vinh, Lăng tẩm vua Quang Trung và mối quan tâm tìm kiếm của hậu thế 50 năm qua, Hội thảo kỷ yếu Thuận Quảng Thời Tây Sơn, tr.153 – 162.
- Nguyễn Anh Huy, Mối tương quan giữa chùa Thiền Lâm với phủ Dương Xuân và lăng Đan Dương của Quang Trung, Hội thảo kỷ yếu Thuận Quảng Thời Tây Sơn, tr.163 – 176.
- Trần Viết Điền, Thái Tổ miếu, thờ vua Quang Trung, ở đâu?, Hội thảo kỷ yếu Thuận Quảng Thời Tây Sơn, tr.177 – 184.
Tôi ngạc nhiên:
4.1. Hội thảo có một buổi mà các anh cho phép người nói ngắn nhất là 30 phút, người dài nhất là gần 40 phút. Các tác giả ấy không ai xa lạ mà là những người anh đã mời họ phản biện trong HT ngày 30-10-2015 tại UBND Tỉnh “Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế”. Và những phản biện của họ rất thô thiển, phi khoa học đã từng bị tôi chỉ ra những sai trái của họ và những phản biện ấy tôi đã đăng trong cuốn Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn – tiền thân của Cung điện Đan Dương ….(từ tr.290 đến 316). Phản biện mà không có tài liệu chỉ rặt một đường là giải thích tư liệu của tôi trích dẫn và công bố đã mấy chục năm nay theo ý kiến của các tác giả phản biện. Có người (như Trần Viết Điền) phát biểu hàng chục phút mà cả hội thảo không biết ông ta nói chuyện gì (!). Tổ chức HT như thế chỉ gây nhiễu thông tin chứ không đạt được kết quả gì. Tiếc cho tiền thuế của dân (cũng như của các nhà tài trợ) chi vào những việc bất chính.
4.2. Anh làm chủ tịch Hội KHLS TTH mấy chục năm nay, anh đã duyệt qua bao lần công trình nghiên cứu Phủ Dương Xuân của tôi và nhiều hội viên Hội KHLS TTH, anh biết việc nghiên cứu liên ngành khoa học ra sao mới xác định được Phủ Dương Xuân nằm trên gò Dương Xuân thế tại sao anh lại ưu tiên cho TS Phan Thanh Hải đọc bài Diện mạo thành Phú Xuân cuối thế kỷ XVIII qua Quảng Thuận đạo sử tập của Nguyễn Huy Quýnh – một nghiên cứu khoa học thô thiển, ngớ ngẩn - “Phủ Tiền Dực được chú thích là nằm trên đất Dương Xuân (tức phủ Dương Xuân)”. Bài nghiên cứu như thế làm sao thay đổi được vị trí Phủ Dương Xuân trên gò Dương Xuân của tôi được mà anh đưa hàng đầu cuộc hội thảo. Nhưng nó đã bộc lộ cho khách mời các tỉnh về dự hội thảo thấy cái ông Tiến sĩ Phó Chủ tịch Hội KHLS TTH, Giám đốc TTBTDTCĐ Huế Phan Thanh Hải kém cỏi như thế nào. Hay anh thấy bài nghiên cứu ấy có giá trị nên mới ưu tiên như thế? Nói thêm về lịch sử Phủ Dương Xuân làm gì nữa khi các hội thảo khoa học mà thầy anh là Giáo sư Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội KHLS VN đã khẳng định trong HTKH ngày 30-10-2015 do chính anh là 1 trong ba người chủ trì?
4.3. Tổ chức phản biện: Anh tổ chức “Diễn đàn đối thoại sử học – Đặc điểm Du lịch TTH & Giải pháp phát triển” sau mỗi tham luận anh đều mời các nhà nghiên cứu viết bài phản biện in vào Kỷ Yếu. Không những một phản biện mà có đến hai phản biện, không những các NNC ở Huế mà còn mời cả ngoài Trung ương. Ví dụ như tham luận số 8 “Về phát triển du lịch văn hóa ở TTH” của Nhóm Trần Thị Mai, Đoàn thị Thanh Huyền, Vũ Hoài Phương, Nguyễn Thị Vinh Hương anh mời GS TS Trương Quốc Bình (Hà Nội) và TS Phan Tiến Dũng – Gđ sở VHTT TTH viết phản biện. Nhưng khi tổ chức Hội thảo “HTKH Thuận Quảng Thời Tây Sơn” có đến 4 tham luận chĩa vào công trình nghiên cứu Cung điện Đan Dương của tôi anh không mời bất cứ ai tham gia phản biện và cũng không hề báo cho tôi biết trước để tôi chuẩn bị bảo vệ công trình nghiên cứu của tôi. Theo tôi, anh biết rõ anh không thể chống lại công trình khám phá Cung điện Đan Dương mà từ năm 1991 học giả Hoàng Xuân Hãn đã khẳng định là đúng, GS Phan Huy Lê – chủ trì HTKH Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế (30-10-2015) kết luận là đúng, PGS TS Bùi Văn Liêm – Phó Viện trưởng Viện KCH VN, phụ trách cuộc khai quật thăm dò trên gò Dương Xuân cho biết đã tìm được nhiều cổ vật chứng tỏ có một vùng nhiều kiến trúc và vật dụng đời sống cung đình đã bị chôn vùi…Tất cả những hoạt động phá hoại của anh chỉ lừa được các ngành chức năng ở địa phương chứ không thể che mắt được giới khoa học trong và ngoài nước.
Tôi nhắc lại để anh biết. Công trình nghiên cứu của tôi đã được khẳng định, đã in thành sách, đã phổ biến trong giới khoa học quốc gia và nhiều thư viện nước ngoài. Việc khai quật mở rộng để hoàn thành khu di tích Đan Dương và tổ chức tham quan du lịch là việc của chính quyền, của các ngành chức năng. Sở dĩ việc hoàn thành khu di tích văn hóa lịch sử Đan Dương đến bây giờ vẫn chưa hoàn thành vì sự tham mưu độc ác của anh. Anh không muốn TTH có khu di tích ấy.
Và không những cản trở việc hoàn thành khu di tích Đan Dương mà anh còn vô trách nhiệm với những vấn đề lớn của lịch sử Cách mạng ở Huế từ năm 1954 đến năm 1975. Đặc biệt là sự kiện Tết Mậu thân 1968 lực lượng Cách mạng làm chủ thành phố Huế 26 ngày đêm.
Đây là một chiến công buộc Hoa Kỳ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn Hội nghị, rút quân Mỹ về nước tạo điều kiện đưa đến thắng lợi cuối cùng thống nhất đất nước vào năm 1975. Có được chiến thắng ấy Cách mạng ở Huế cũng đã phải trả một cái giá rất đắc: Lực lượng cách mạng không những bị thiệt hại lớn mà số còn lại phải chạy qua tận biên giới Lào. Các lực lượng Mỹ và VNCH trở lại Huế đã thực hiện một cuộc chiến tranh tâm lý gây ra biết bao điều oan trái, thù hận ly tán lòng người suốt 50 năm qua. Kỷ niệm 50 năm Tết Mậu thân là một dịp để Hội KHLS TTH thực hiện trách nhiệm hàng đầu của mình là tìm hiểu, gặp nhân chứng, nghiên cứu nêu lên giá trị của cuộc chiến tranh, phản biện những điều sai trái của lịch sử đã để lại và xếp sự kiện Tết Mậu thân vào lịch sử để lòng người được yên xây dựng đất nước thời hội nhâp. Với kỷ niệm nầy TP HCM tổ chức Hội thảo, Thành ủy Huế hội thảo, Đại học Huế Hội thảo, Quân Khu 4 hội nghị - gặp mặt những người đã tham gia Huế Xuân 68. NNC Mỹ Mark Bowden cũng tận tụy nghiên cứu gặp hàng trăm nhân chứng từ nhiều phía viết cuốn Huế 1968, A Turning Point of American War in Vietnam, 2017. Nhưng điều lạ nhất là Hội KHLS TTH do anh làm Chủ tịch thì im hơi lặng tiếng. Thậm chí Đại học Huế - nơi tòng sự của anh trước đây tổ chức Hội thảo Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu thân 1968 - Bài học lịch sử, mời anh, anh chỉ đến dự một lúc rồi lấy lý do nầy nọ bỏ về. Người dân TTH đóng thuế nuôi bộ máy Hội KHLS TTH do anh là người đứng đầu, những vấn đề lịch sử quan trọng nhất của TTH cần đến Hội của anh thì anh đứng ngoài? Vì sao vậy? Vì những nhà nghiên cứu quy tụ quanh anh không đủ khả năng nghiên cứu chuyên đề nầy hay là vì anh mắc nợ một vấn đề gì đó trước năm 1975 nên anh phải tránh? Hội của anh đa năng mà! Lịch sử Mậu thân thì Hội anh đứng ngoài nhưng ẩm thực, du lịch.v.v. thì xông vào ẵm việc của các cơ quan văn hóa, du lịch để lấy tài trợ và kinh phí của nhà nước để làm.
Với cái tuổi 81 nầy, còn bao nhiêu việc tôi phải làm nhưng tôi phải tạm dẹp qua một bên để ngồi viết cho anh lá thư nầy. Viết lá thư nầy tôi không có mục đích hơn thua với anh. Hơn ai chứ hơn anh chỉ làm trò cười cho giới nghiên cứu tử tế mà thôi. Tôi viết để anh nhận rõ rằng những trò bịp của anh không thể lừa được người dân Huế mãi nữa đâu. Tôi viết để cho dân Huế có câu trả lời cho câu hỏi “Ông Đỗ Bang có công hay có tội với nghiên cứu lịch sử Thừa Thiên Huế?”
Tôi sẵn sàng đối thoại với anh trên bất cứ phương tiện truyền thông nào về tất cả những vấn đề tôi nêu trong thư. Rất mong anh chấp nhận. Cám ơn anh.
Chúc anh sức khỏe.
Chào anh.
Nguyễn Đắc Xuân
[1] Thơ văn Ngô Thời Nhậm, tập I, Hà Nội, tr.338.
[2] Nguyễn Đắc Xuân, Một vài di tích có liên quan thời Quang Trung ở Huế.
[3] “Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung” của Đỗ Bang viết về hướng đi tìm lăng mộ vua Quang Trung ở Cung điện Đan Dương, Sở Văn hóa và Thông tin Bình Trị Thiên, 1988, tr.135-136.