Bình luận về lời phát biểu của Nhà giáo nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh: “Phủ Dương Xuân là đình Xuân Giang trên cánh đồng Bầu Vá, Phường Đúc, thành phố Huế ngày nay”

Sáng ngày 2 tháng 3 năm 2007, Bảo tàng Lịch sử-Cách mạng Thừa Thiên Huế và Chi hội Khoa học Lịch sử Thành phố Huế tổ chức tọa đàm khoa học để nghe tôi báo cáo chuyên đề Đi tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung. Góp một giải pháp. Sau hai tiếng đồng hồ, nghe tôi báo cáo, các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế phát biểu ý kiến. Người phát biểu đầu tiên là nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh (Khoa Văn, Đại học Sư phạm Huế). Những ý kiến mở đầu của TĐV làm cho nhiều người dự tọa đàm rất ngạc nhiên (về nội dung cũng như phong cách phát biểu).

Ngạc nhiên hơn nữa là phát biểu xong, TĐV xách bót rời cuộc tọa đàm để “đi dạy”. Vì thế nhiều người muốn trao đổi với ông không còn cơ hội để thực hiện nên họ hết sức khó chịu.

        Riêng tôi, tác giả của công trình được góp ý, trong lời phát biểu kết thúc cuộc tọa đàm, tôi trân trọng cám ơn những ý kiến đóng góp - dù thuận hay nghịch - đều rất bổ ích. Tuy nhiên, là tác giả một công trình khoa học, tôi xin được quyền bảo vệ những khám phá khoa học của tôi. Nếu TĐV thấy chưa thuyết phục xin ông tiếp tục phát biểu trên những phương tiện truyền thông mà ông thường tham gia.

        TĐV ứng khẩu phát biểu (ghi âm được trên 15 phút). Ông diễn giải thuyết minh nhiều vấn đề, với các sử thần triều Nguyễn, với chính quyền địa phương, với các cơ quan chức năng nghiên cứu, với các nhà nghiên cứu. Đối với công trình nghiên cứu của tôi, ông nhấn mạnh đến hai điểm quan trọng. Tôi xin lược bỏ những đọan không cần thiết trong lời phát biểu của ông và xin phiên tả hai điểm quan trọng đó.

        Ông TĐV, không đồng ý với ý kiến của tôi “Phủ Dương Xuân trên gò Bình An gần chùa Thiền Lâm, chùa Vạn Phước và đã bị triều Nguyễn cho là mất tích”, ông khẳng định:

         […] “Hiện nay Phủ Dương Xuân vẫn tồn tại trên đất làng Dương Xuân phường Đúc Huế. Cư dân ở đó còn có cái hồ ở đó là cái hồ gần vuông còn nguyên vẹn […], trên địa bàn. Vị trí của Phủ Dương Xuân - điện chính hiện nay là đình Xuân Giang còn nguyên vẹn đó, các cây cổ thụ lớn vẫn đang còn. […] Xin trước hết hãy lên điền dã ta sẽ thấy đình Xuân Giang ở đó và cây cổ thụ và hồ vuông ở đó và một hệ thống liên đới. Nên tìm Phủ Dương Xuân ở đó.

        […] “Điểm thứ hai tôi [Trần Đại Vinh] muốn nói một ghi vấn về chùa Thiền Lâm. Có thầy Thích Chơn Trí ở đây. Khi nghiên cứu về chùa Thiền Lâm tôi đã giúp thầy là người tiếp quản chùa Thiền Lâm nghiên cứu lịch sử ban đầu cho đến nay: không kể thầy Chơn Trí thì chùa Thiền Lâm có 19 vị tổ, chúng ta chỉ mới biết 3 vị tổ đầu tiên từ tổ Khắc Huyền, Quả Hoằng, Thanh Thận Chiêu Quả mà thôi. Và, ta cũng chỉ biết thêm 3 đời tổ cuối cùng áp sát thầy Chơn Trí . Vậy thì 16 vị tháp mộ tổ của chùa Thiền Lâm nằm ở đâu. Chùa Thiền Lâm là một đại danh lam, nơi mà chúa Nguyễn đã cho cải tạo xây dựng lớn để mà đón Thích Đại Sán. Dù sau này trở lại Thuận Hóa lần thứ hai, Thích Đại Sán lên ở chùa Thiên Mụ và các liêu xá ở Thiền Lâm được triệt giải đem lên (Thiên Mụ). Vậy thì những cột đá táng, đá tảng này chỉ là đá táng của hệ thống rường cột của chùa Thiền Lâm mà thôi.”

[…]

Đình Xuân Giang ngày nay. Ảnh NĐX

Sau đây là ý kiến của tôi về những phát biểu của ông TĐV liên quan đến công trình nghiên cứu của tôi:

         1. Về phương pháp:.  Cuộc tọa đàm ngày 2 tháng 3 năm 2007, do Bảo tàng Lịch sử-cách Mạng Thừa Thiên Huế và Chi hội Khoa học Lịch sử Thành phố Huế tổ chức là một cuộc tọa đàm khoa học, chỉ mời các nhà nghiên cứu chứ không phải mời độc giả chung chung. Người báo cáo phải dẫn chứng tài liệu, xử lý tài liệu, và từ các tài liệu đã được đánh giá là thật đó đưa đến kết quả nghiên cứu. Do đó người góp ý muốn bác bỏ kết quả nghiên cứu phải chứng minh các nguồn tư liệu đã được sử dụng để đưa đến kết quả đó là dổm hoặc đúng mà hiểu sai. Nếu không loại bỏ được những tư liệu có giá trị lịch sử thì phải chấp nhận kết quả nghiên cứu. Ngược lại, khi muốn đưa ra một thông tin lịch sử khác cũng phải dẫn các tài liệu chính xác. Nếu không có tài liệu lịch sử chứng minh thì mọi thông tin lịch sử đưa ra dù hay ho đến đâu cũng đều vô giá trị. Nếu không thực hiện được những yêu cầu sơ đẳng ấy mà cứ phát biểu thì đó là một “cốt đồng”, một thầy bói “phán ẩu” chứ không phải là một nhà khoa học muốn đóng góp ý kiến đúng và tốt.

          2. Viết về Phủ Dương Xuân trên gò Dương Xuân ấp Bình An tôi căn cứ trên 3 tài liệu lịch sử gốc: tài liệu trong Voyage của Pierre Poivre (nửa thế kỷ XVIII), tài liệu trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (nửa sau thế kỷ XVIII), tài liệu Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn (nửa sau thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX). Bản báo cáo Đi tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung - Góp một giải pháp  của tôi đã in và đưa đến tận tay các thành viên tọa đàm với đầy đủ các tài liệu trên.Trong lúc báo cáo, tôi cũng đã dùng máy chiếu (projecteur) chiếu các tài liệu tham khảo lên màn hình (écran) để các nhà nghiên cứu theo dõi. Ông không đồng ý Phủ Dương Xuân trên gò Dương Xuân của tôi, vậy ông thử bác bỏ ba nguồn tài liệu tôi dẫn chứng trên. Nếu ông không bác bỏ được ba nguồn tài liệu trên mà vẫn cho rằng Phủ Dương Xuân là nơi xây dựng đình Xuân Giang trên cánh đồng Bầu Vá hiện nay nhưng không viện dẫn được bất cứ một tài liệu lịch sử nào thì tôi nghi ngờ tính khách quan trong nghiên cứu khoa học của ông. Phản biện của ông không một chút giá trị nào cả. 

           3. Mười lăm năm không tiến mà lùi: Cách đây trên 15 năm, ông Hồ Tấn Phan cũng đã nhầm cho rằng Phủ Dương Xuân tọa lạc ở khu “Ruộng Phủ” trên cánh đồng Bầu Vá gần đình Xuân Giang (tổ 12, Khu vực IV, kiệt 203 Bùi Thị Xuân, Phường Đúc), (xem H.1.). Tôi đã phải chứng minh sự sai lầm đó của ông Phan trong một cuộc tọa đàm khoa học do Ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 20-2-1992. (Xem Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương.., Thuận Hóa xb 2007, tr. 331-343 ). Lúc đó ít ra ông Phan còn căn cứ trên bài nghiên cứu của L.Cadière, tiếc là ông Phan đọc không kỹ và đọc không hết nên nhầm. Không ngờ sau hơn 15 năm ông TĐV lại “nhầm” tiếp mà không cần một nguồn tài liệu nào cả. Sau trên 15 năm không có gì “tiến” mà ngược lại “lùi” một cách thậm tệ đến thế sao?  Ông TĐV có dám giữ lời hứa sẽ chứng minh “Vị trí của Phủ Dương Xuân - điện chính hiện nay là đình Xuân Giang” không? Nhiều người bạn vong niên của ông và học trò của ông đang mong ông giữ lời hứa đó.

              4. Những thông tin chung quanh chùa Thiền Lâm: Trong bản sách và tài liệu tham khảo của tôi, tôi có kê cuốn Danh lam xứ Huế1  của ông sọan chung với nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông và nhà nghiên cứu Lê Văn Sách. Các ông đã dành hơn 3 trang sách để viết về chùa Thiền Lâm (phần tiếng Việt, từ tr.220 đến tr. 223). Trong phần phát biểu ý kiến trong tọa đàm ngày 3-2-2007, ông nói ông đã giúp Thượng tọa Thích Chơn Trí viết lịch sử chùa Thiền Lâm nên tôi hiểu chính ông là tác giả bài Chùa Thiền Lâm trong sách Danh lam xứ Huế. Để có thể đánh giá được chừng mức tin cậy của những ý kiến ông nói về chùa Thiền Lâm trong cuộc tọa đàm khoa học ngày 2-3-2007 tại Bảo tàng Cách mạng Thừa Thiên Huế, tôi xin nêu vài ý kiến sau đây:

              - Chùa Thiền Lâm là một công trình tôn giáo do các chúa Nguyễn lập nên, thế thì khi viết về chùa Thiền Lâm ông có tham khảo sách Đại Nam nhất thống chí  của triều Nguyễn viết về chùa Thiền Lâm không? Trong sách Danh lam xứ Huế không in sách tham khảo nên tôi không biết các ông có đọc Đại Nam nhất thống chí  hay không? Nếu không thì công việc nghiên cứu của các ông thiếu tài liệu cơ bản. Nếu có tham khảo Đại Nam nhất thống chí đời Duy Tân thì tại sao ông không lý giải được vì sao sách Đại Nam nhất thống chí đời Duy Tân nhà Nguyễn viết Hòa thượng Thạch Liêm (Thích Đại Sán) là vị tổ xây dựng chùa Thiền Lâm mà trong thực tế lại không có chuyện ấy? Và chùa Thiền Lâm nằm ở ấp Bình An xã Phú Xuân lại được Đại Nam nhất thống chí chuyển qua xã An Cựu? Nếu không có một ẩn ý gì thì tại sao lại có sự lạ như thế? Hay ông có tham khảo mà không phát hiện được hai chi tiết quan trọng ấy?

                - Trang 221 sách Danh lam xứ Huế ông viết: “Cuộc chiến giành giật Huế giữa Nguyễn Vương và Quang Toản có thể làm cho chùa hư hỏng, chung quanh khu vực chùa đã phát hiện hầm xác tập thể.” Ông dạy văn học cổ chắc ông đã biết: theo tài liệu của nhà thơ Phan Huy Ích, thì sau khi Bùi Đắc Tuyên bị giết (1795), chùa Thiền Lâm đã trở thành kho chứa than. Thế thì vì lý do gì 6 năm sau đó, vào cuối năm 1801, Nguyễn Vương trở lại Phú Xuân còn có “cuộc chiến giành giật” chung quanh chùa Thiền Lâm và về sau nầy ông còn biết được “chung quanh khu vực chùa [Thiền Lâm] đã phát hiện hầm xác tập thể”.Những người bị chôn tập thể chung quanh chùa Thiền Lâm là ai? Họ làm nhiệm vụ gì ở đó mà bị giết tập thể đến như thế? Ở các chùa khác trong vùng chùa Thiền Lâm hay nói rộng ra là vùng Huế có những hầm xác tập thể ấy không? Tại sao ông không lý giải sự việc thảm khốc ấy? Phải chăng đó là những người lính hộ lăng vua Quang Trung?

               - Vào khoảng những năm 1988-1990, tôi đến nghiên cứu và chụp ảnh những gạch đá do thầy trò Thượng tọa Thích Chơn Trí phát hiện dưới lòng đất sân vườn nền chùa Thiền Lâm hiện nay. Có lẽ trong thời gian đó, ông cũng đến nghiên cứu lịch sử chùa Thiền Lâm. Tại sao trong bài viết về chùa Thiền Lâm trong Danh lam xứ Huế ông không hề đề cập đến những vật liệu lạ vừa được “khai quật” ấy? Ông giải thích như thế nào về việc người xưa không dùng những gạch đá tốt như thế mà lại đem chôn sâu dưới đất?  Ông nghiên cứu chùa Thiền Lâm ông hẳn biết chùa Thiền Lâm trước nằm trên đường Điện Biên Phủ ngày nay giữa hai cây thị (cây phía đông gần lăng tháp Tổ Khắc Huyền, cây phía tây đứng trước sân chùa Thiền Lâm hiện nay), thế thì di tích bị vùi dưới nền chánh điện, sân, vườn chùa hiện nay là di tích gì? 

                - Tại cuộc tọa đàm ông hỏi :“16 vị tháp mộ tổ của chùa Thiền Lâm nằm ở đâu?”. Và ông đã trả lời giữa cuộc tọa đàm là ở những nơi tôi (Nguyễn Đắc Xuân) phát hiện có dấu tích lăng mộ và cung điện trong vùng nghiên cứu của tôi (giữa các chùa Thiền Lâm, Vạn Phước, Diệu Đức, Kim Tiên). Như mọi người đã biết, trên ấp Bình An chỉ có một dung đất xuyên qua chùa Thiền Lâm cũ bị biến động do phải giải tỏa để làm Nam Giao Tân Lộ (Điện Biên Phủ ngày nay). Tháp mộ tổ Quả Hoằng (đời thứ hai) được di dời vào sau chùa Vạn Phước như ta còn thấy ngày nay. Vì lý do gì những tháp mộ của các tổ (theo ông) nằm trên dung đất trước tháp mộ Hòa thượng Quả Hoằng hiện nay mà bị đập phá và chôn sâu dưới đất? Ông TĐV đã giúp cho Thượng tọa Thích Chơn Trí hiểu rõ hiện tượng lịch sử đó chưa?

                   - Trong công trình nghiên cứu của tôi, tôi trưng dẫn gạch vồ, đá táng, đá tảng phát hiện dưới nền chánh điện, trong sân, vườn chùa Thiền Lâm, và nhiều gạch vồ, đá táng, đá tảng, đá lát ở nhiều nơi nữa (như trong vườn nhà ông Nguyễn Hữu Oánh, trên Cồn Bông Sứ, trên nhiều con đường trong ấp Bình An, trong chùa Vạn Phước), với nhiều kích cỡ khác nhau, chứ đâu có riêng gì những gạch đá tại sân vườn chùa Thiền Lâm. Trong công trình của tôi trước hết được chỉ dẫn bởi các nguồn tư liệu: văn học cổ của Việt Nam ( Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm, Lê Ngọc Hân, Nguyễn Đình Hiến) và của Pháp ( Pièrre Poivre, La Bartette, John Barrow .v.v.); văn học dân gian (Vì ai nên nỗi sầu nầy-Chùa Tiên vắng khách, tớ thầy xa nhau; Chiều chiều mây kéo về Kinh- Ếch kêu giếng lọan, thảm tình đôi ta); tài liệu lịch sử (Thực lục, Liệt truyện); địa lý lịch sử (Đại Nam nhất thống chí); thảo mộc học (hoa đại, hoa sứ, trồng ở nơi thờ cúng, lăng mộ vua chúa còn để lại tên Cồn Bông Sứ); ngôn ngữ học (ấp Bình An, mã lọan, giếng lọan) và cả thuật phong thủy (địa điểm nghiên cứu có đầy đủ yếu tố của một nơi cát địa). Thông tin từ các nguồn tư liệu đó đã gặp gỡ tại ấp Bình An đưa đến kết quả công trình nghiên cứu cung điện Đan Dương-Lăng Đan Dương của Hòang đế Quang Trung của tôi. Muốn bác bỏ kết quả công trình nghiên cứu của tôi, người phản biện phải có đủ tư liệu và lý lẽ để bác bỏ tất cả những nguồn tư liệu ấy. Phát biểu phản biện của ông TĐV hôm 2-3-2007 tại cuộc tọa đàm khoa học tổ chức ở Bảo tàng Cách mạng Thừa Thiên Huế chưa đáp ứng được những điều kiện trên. Tôi chờ những phát kiến mới của ông, nếu ông còn giữ lời hứa.. Nếu không ông chỉ là một thầy bói nói khoát, với ý đò không tốt.                                                                            

                                                                                                Gác Thọ Lộc, tháng 3-2007, cập nhật 11-2015.

 

Chú thích:

(1): Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1993.

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia