Tấm bản đồ trong sách “Hàm Long Sơn” đánh dấu số 3 mà ông Nguyễn Đắc Xuân khẳng định đó là vị trí chùa Thiền Lâm xưa kia và hiện nay.
Trước khi diễn ra hội thảo khoa học “Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế” tổ chức vào cuối tuần qua, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, nhà khoa học đã thực hiện một cuộc điền dã đến chùa Thiền Lâm ở số 150 Điện Biên Phủ, TP Huế. Tại đây, ông Nguyễn Đắc Xuân khẳng định rằng có cung điện Đan Dương được hình thành từ phủ Dương Xuân của chúa Nguyễn và trở thành nơi chôn cất vua Quang Trung.
Cung Đan Dương cạnh chùa Thiền Lâm?
Một tư liệu rất quan trọng mà ông Nguyễn Đắc Xuân viện dẫn để chứng minh rằng linh cữu vua Quang Trung được chôn ở bờ Nam sông Hương đó là “Đại Nam chính biên liệt truyện” triều Nguyễn do Nguyễn Trọng Hợp và các quan chép sử ghi lại sau 50 năm kể từ khi triều Tây Sơn bị diệt vong. Theo đó, lăng nằm quanh trục từ Phu Văn Lâu đến đàn Nam Giao.
“Trong bài thơ “Cảm hoài”, Ngô Thì Nhậm nhắc rằng “cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta”. Như vậy, Đan Dương đã trở thành Đan Lăng sau khi vua Quang Trung chết vì giữ bí mật. Nó nằm ở bờ Nam sông Hương. Trong bài thơ “Mùa xuân ở công quán ghi việc”, công thần Phan Huy Ích thời Tây Sơn viết rằng chùa Thiền Lâm là nhà của thái sư Bùi Đắc Tuyên cũng ở bờ Nam sông Hương. Để thuận tiện cho công việc, thái sư Bùi Đắc Tuyên phải ở gần cơ dinh của vua Quang Trung, vậy nên chùa Thiền Lâm phải gần cung Đan Dương, ở cùng một hướng Nam sông Hương” - ông Nguyễn Đắc Xuân lý giải.
Từ đó, việc nghiên cứu của ông Nguyễn Đắc Xuân bắt đầu chuyển qua hướng đi tìm chùa Thiền Lâm. “Đại Nam nhất thống chí” triều Nguyễn dưới thời vua Duy Tân có viết chùa Thiền Lâm ở xã An Cựu do ông Thạch Liêm (người Trung Quốc) khai sơn. Tuy nhiên, suốt 3 năm trời đi tìm trên đất An Cựu (TP Huế), ông Xuân không hề thấy bóng dáng chùa Thiền Lâm.
Viên đá tảng có nhiều hoa văn cổ được tìm thấy ở chùa Thiền Lâm. Ảnh: Nguyễn Đắc Xuân.
Dù vậy, ông vẫn cho rằng chùa Thiền Lâm khi xưa hiện vẫn còn và nằm ở số 150 Điện Biên Phủ. Các cứ liệu mà ông chứng minh cho kết quả trên gồm lời dẫn trong bài thơ “Kinh Thiền Lâm phế tự cảm tác” của Phan Huy Ích, khẳng định rằng chùa này ở xã Dương Xuân. Trong bản đồ các ngôi chùa ở Huế cuối thế kỷ XIX ở sách “Hàm Long Sơn” có thể hiện chùa Thiền Lâm được chú thích nằm trên trục đường từ sông Lợi Nông lên đàn Nam Giao (hiện là đường Điện Biên Phủ). “Trong “Đại Nam nhất thống chí” triều Tự Đức ghi rằng chùa Thiền Lâm nằm ở ấp Bình An, cạnh các chùa Từ Đàm, Kim Liên, Tuệ Lâm, hiện đang tồn tại. Vậy nên, tôi khẳng định ngôi chùa này ở số 150 Điện Biên Phủ và đang tồn tại”.
Qua quá trình điền dã, ông Nguyễn Đắc Xuân cho biết tại nền chùa Thiền Lâm, các bia biển gốc đều bị đục xóa, nhiều tấm bị chôn sâu dưới đất; dưới đất có hàng ngàn viên gạch vồ, hàng chục viên đá tảng và nhiều tảng đá lạ thường khác. Ông còn ghi nhận trong lúc làm nhà, nhiều người dân cũng bắt gặp những viên gạch vồ, hàng trăm viên đá lát, hiện họ còn sử dụng. Quanh đó có nhiều giếng bỏ hoang mà người dân gọi là giếng “loạn”, mả “loạn” (nhà Nguyễn thường gọi thời kỳ chiến tranh với Tây Sơn là “loạn”). Tại đây cũng có rất nhiều hài cốt chôn tập thể mà chỉ có thời binh biến, loạn lạc mới như vậy.
“Chỉ là tôn xưng”!
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Huy (TP Huế) và một số nhà nghiên cứu khác chưa đồng thuận với kết quả nghiên cứu của ông Nguyễn Đắc Xuân.
Ông Nguyễn Anh Huy cho rằng những chứng cứ thời Tây Sơn đều không chuẩn, kết quả nghiên cứu của ông Nguyễn Đắc Xuân chủ yếu dựa vào các chú thích của Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích. Các văn bản chữ Hán mà ông Xuân dùng không phải là văn bản gốc mà đã qua sao chép và có sai sót. Cụ thể, trong câu “Đan Dương cung điện phụng ngã ?...?... tiên hoàng tàng bảo y chi sơn…”, nghĩa là “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta”, sau chữ “ngã” và chữ “sơn” đều có 2 ô để trống, tương đương với 2 chữ. “Trong các ô để trống đó là chữ gì, chẳng lẽ Ngô Thì Nhậm là một tiến sĩ nho học nổi tiếng mà viết văn xuôi để chữ khi đầy khi vơi như thế? Nếu có chữ trong các ô trống đó thì ý dịch của câu này lại khác. Như thế, nó không đủ chân xác để lấy làm căn cứ” - ông Huy nghi ngờ.
Nhà nghiên cứu này cũng cho rằng ở văn bản nguyên chú của Phan Huy Ích viết về thái sư Bùi Đắc Tuyên có chữ “Tuyên” bị viết sai thành chữ “Nghi” rồi được sửa lại thành chữ “Tuyên”, đây là điều bất thường. Từ đó, ông kết luận thủ pháp không phải của Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích mà có thể do người sau này chép lại nên bị sai và không thể xem đó là chứng cứ khoa học.
Đối với phủ Dương Xuân, ông Nguyễn Anh Huy khẳng định rằng các tài liệu cho thấy vào năm 1775, sau khi chiếm được Phú Xuân từ chúa Nguyễn, quân Trịnh đã đập phá phủ này để lấy gỗ làm củi. Đều này được nhà bác học Lê Quý Đôn chép lại. Ngoài ra, thời triều Nguyễn chỉ gọi triều Tây Sơn là “ngụy” chứ không phải là “loạn”; các viên gạch lạ ở chùa Thiền Lâm là từ chùa Thiền Lâm cũ phá ra, đem vứt khi làm Nam Giao tân lộ vào thời vua Gia Long (đường Điện Biên Phủ hiện nay).
Còn nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh (Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên - Huế) cho rằng cung điện Đan Dương chỉ là tôn xưng trang trọng theo cách mà Ngô Thì Nhậm tôn xưng lăng Đan Dương mà thôi. Theo ông, chỉ có một Đan Lăng là nơi chôn cất Quang Trung; ở đó có cây cối, cảnh trí. Có thể đây có điện thờ chứ không có cung nào khác.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan cũng không thừa nhận những kiến giải của ông Nguyễn Đắc Xuân về cung điện Đan Dương với lý do ông Xuân chỉ dùng tư liệu sử kết hợp với điền dã rồi suy diễn mà không chỉ ra được tư liệu nào khẳng định chắc chắn đó là cung Đan Dương.
(Còn tiếp)
Theo Báo Người Lao Động (9/11/2015).