Việc khảo cổ gò Dương Xuân ở phường Trường An, dựa trên các công trình nghiên cứu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân ở Huế.
Theo quyết định của Bộ VH,TT&DL, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên- Huế sẽ phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành đào 5 hố thăm dò khảo cổ tại 5 vị trí ở khu vực gò Dương Xuân với diện tích 22m², thời gian thăm dò kéo dài đến ngày 15-10 và kết luận chính thức từ cuộc thăm dò khảo cổ sẽ được báo cáo lên Cục Di sản văn hóa.
Một số di vật vừa được người dân phát hiện.
Được biết, thời gian qua, đã có nhiều nhà nghiên cứu, khoa học vào cuộc tìm kiếm để lý giải bí ẩn cung điện Đan Dương và lăng mộ vua Quang Trung song vẫn chưa có kết luận chính thức.
Trong số đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã có hơn 20 năm nghiên cứu về dấu tích cung điện Đan Dương- sơn lăng của hoàng đế Quang Trung.
Trao đổi với PV Báo CAND trước buổi công bố quyết định thăm dò khảo cổ gò Dương Xuân, ông Xuân cho biết, do vào thời vua Gia Long đã cho tiêu hủy toàn bộ tài liệu, thông tin ghi chép liên quan đến nhà Tây Sơn nên việc tìm kiếm thông tin về lăng mộ vua Quang Trung rất khó khăn.
Sau thời gian dài nghiên cứu tư liệu, ông Xuân đã phát hiện một số bài thơ của 2 vị cận thần vua Quang Trung là Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích có nhắc đến cung điện Đan Dương.
Bên cạnh đó, các ghi chép của một số người Pháp vào thời điểm vua Quang Trung sinh sống ở kinh đô Phú Xuân cũng đề cập đến vấn đề này.
“Trong bài thơ “Cảm hoài” thuộc tập thơ đi sứ sang Trung Quốc (năm 1793) của Ngô Thì Nhậm có câu kết rằng: “Đan Dương cung điện nhật tam thu” với lời chú là : “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta”.
Đây là thông tin vô cùng quý giá do bậc tiền nhân để lại, khẳng định có cung điện Đan Dương của vua Quang Trung và sau khi vua chết thì nơi này trở thành nơi an táng của nhà vua”, ông Xuân lý giải.
Ông Nguyễn Đắc Xuân cùng các nhà nghiên cứu khảo sát tại gò Dương Xuân.
Ông còn cho biết, nhiều tư liệu của Ngô Thì Nhậm cũng đã nhắc đến lăng Đan Dương, ví như bài thơ “Khâm vãn Đan Dương lăng” (Kính viếng lăng Đan Dương); bài “Sóc vọng thị tấu nhạc, Thái tổ miếu, cung ký” có câu “Đan lăng thức mục tử vân thâm” hoặc bài “Tòng giá bái tảo Đan Lăng, cung ký”...
Từ những thông tin quý giá qua việc nghiên cứu tư liệu lịch sử, ông Xuân đã tự mình đi khảo sát thực địa và phát hiện ra nhiều viên đá tảng, đá khối từ đầu thế kỷ XX đến nay, trong đó nhiều nhất là dưới nền đất lòng chùa Thiền Lâm ở phường Trường An.
Gần khu vực này, năm 1925, gia đình ông Nguyễn Hữu Oánh còn đào được 4 tấm đá được cho là sử dụng vào các công trình xây dựng thời Tây Sơn.
Vào năm 1988, ông Xuân cùng một số nhà nghiên cứu đã tiến hành khai quật thăm dò ở vị trí góc vườn phía Tây nhà bà Nguyễn Thị Liên (số 63/13/12 Điện Biên Phủ, phường Trường An, TP Huế) và phát hiện một lớp thành dày ở độ sâu 1,5m. Theo ông Xuân, những dấu hiệu nói trên là của một cái huyệt mộ đã bị quật phá và đây rất có thể là lăng mộ vua Quang Trung.
Ông Xuân còn cho biết, phủ Dương Xuân tức cung điện mùa Đông của các chúa Nguyễn đã được vua Quang Trung tiếp quản và chuyển thành cung điện Đan Dương.
Đây là nơi sống và làm việc của nhà vua trong thời gian ở Phú Xuân và cũng là nơi chôn cất thi hài của nhà vua Quang Trung khi băng hà vào năm 1792.
Ngoài được sự tán đồng của nhiều nhà khoa học, giới nghiên cứu thì quan điểm và công trình nghiên cứu của ông Nguyễn Đắc Xuân liên quan đến lăng mộ vua Quang Trung cũng nhận được nhiều ý kiến phản biện trái chiều.
Tuy nhiên, trong văn bản gửi UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế vào tháng 4-2016 về việc đề nghị điều tra khai quật khu di tích Dương Xuân, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử việt Nam khẳng định: “Có nhiều di tích kiến trúc cũ, giếng nước cổ, rất nhiều di vật từ bia đá đến các loại gạch, ngói, đá kê chân cột, một số đồ gốm, những tấm đá cỡ lớn được nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và người dân phát hiện tại vùng chùa Thiền Lâm, chùa Vạn Phước (ở TP Huế)... nhưng đến nay vẫn chưa có một cuộc điều tra khảo cổ học nào để xác định niên đại các di tích, di vật này... và vùng đất này có thể tiến hành khai quật khảo cổ học”.
Chính vì thế, việc thăm dò khảo cổ tại gò Dương Xuân lần này ít nhiều sẽ giúp các chuyên gia, nhà nghiên cứu, khoa học tìm ra những tư liệu chuẩn xác để xác định nơi đây có từng tồn tại cung điện Đan Dương hoặc lăng mộ vua Quang Trung hay không...
Tại buổi công bố quyết định khảo cổ khu vực gò Dương Xuân, PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết, trong ngày 7-10, sẽ tiến hành bóc lớp mặt đầu tiên ở 2 hố tại chùa Vạn Phước và tiếp đến là các điểm khảo cổ còn lại tại chùa Thiền Lâm và nhà người dân phường Trường An, để tìm dấu tích của cung điện Đan Dương.
“Nếu có những phát hiện mới thì đơn vị sẽ đề xuất các cấp thẩm quyền cho mở rộng diện tích khai quật, qua đó tìm những tư liệu lịch sử thiếu hụt về thời Tây Sơn để bổ sung vào quốc sử dân tộc, đồng thời có biện pháp bảo tồn các giá trị di sản”, PGS.TS Bùi Văn Liêm khẳng định.
Anh Khoa
báo CA Tp HCM