Truyện Chép Về Nguỵ Tây ( Nguyễn Quang Toản )

Quang Toản tên là Trát, mẹ là họ Phạm, người phủ Quy Nhơn. Cùng Hình bộ thượng thư Bùi Văn Nhật, thái sư Bùi Đắc Tuyên là anh chị em cùng mẹ khác cha. Năm 30 tuổi, nguỵ sách lập hoàng hậu, sinh được ba con trai hai con gái, Toản là con đích.

 

Nguyễn Quang Toản

Niên hiệu nguỵ là Cảnh Thịnh, lại đổi là Bảo Hưng ).

         Trước kia, giả vương của nguỵ vào chầu, vua nước Thanh sắc phong cho Quang Thuỳ làm thế tử của An Nam quốc vương, sau biết Thuỳ là con vợ thứ, mới đổi phong cho Toản làm thế tử, cho thêm cái như ý bằng ngọc, hà bao bằng gấm. Năm Nhâm Tí, Huệ chết, Toản mới 10 tuổi, đổi năm sau là năm Quý Sửu làm niên hiệu Cảnh Thịnh năm thứ I (1793) của nguỵ. Sai bọn Ngô Nhậm sang nước Thanh báo tang và xin sắc mệnh. Bọn Nhậm chưa ra khỏi cửa quan, vua Thanh nhận được tin của tổng đốc Lưỡng Quảng tâu báo trước, lập tức xuống chỉ phong làm An Nam quốc vương; phái án sát Quảng Tây là Thành Lâm đến Bắc thành tuyên phong. Toản cũng mượn người khác nhận, sứ nước Thanh trong bụng cũng biết là giả dối.

         Toản đã được tập phong, lấy em là Quang Thuỳ làm khang công, tiết chế các doanh quân thuỷ quân bộ ở Bắc biên, kiêm coi tất cả các việc quân dân; Quang Hãn làm Tuyên công, lĩnh đốc trấn Thanh Hoá tổng trông coi các công việc quân dân; cậu là Bùi Đắc Tuyên làm Thái sư quản đốc trông coi việc trong ngoài. Thái uý là Phạm Công Hưng cùng giữ việc quan trọng về quân quốc. Trung thư phụng chính là Trần Văn Kỷ làm các việc ở trung thư cơ mật, văn thư lệnh thị đều uỷ thác hết cho Thiếu phó là Nguyễn Quang Diệu ( chữ Nguyễn có chỗ chép là chữ Trần ) Hộ giá là Nguyễn Văn Huấn, Nội hầu là Nguyễn Văn Tứ, Tư lệ là Lê Trung thì trấn giữ Nghệ An. Đại tư khấu là Vũ Văn Dũng, Đại tư hộ là Nguyễn Văn Dụng, Thiếu bảo là Nguyễn Văn Danh ( họ với nguỵ ) đại tư mã là Ngô Văn Sở, Hình bộ thượng thư là Lê Xuân Tài, Tuần kiểm là Chu Ngọc Uyển, Tiết độ là Nguyễn Công Tuyết thì trấn giữ Bắc thành. Bãi việc cấp tín bài, đình việc phái đi bắt dân lậu sổ.

          Toản tuổi còn nhỏ, chỉ thích chơi đùa, phàm việc đều ở Đắc Tuyên chuyên quyết, Đắc Tuyên lam uy làm phúc, bừa bãi trong ngoài đều oán cả.

          Năm Quý Sửu, quân ta vây thành Quy Nhơn, Nhạc sai người cáo cấp. Toản sai bọn Phạm Công Hưng đến cứu viện. Quân ta đã lui về, bọn Hưng bèn bức hiếp Nhạc mà chiếm lấy cứ thành. Nhạc vừa xấu hổ, vừa giận, bực tức mà chết. Toản phong cho con Nhạc là Bảo làm Hiếu công, phái người trông coi ( chép rõ ở truyện Nhạc ). Năm Giáp Dần, sai hộ giá là Nguyễn Văn Huấn, điểm kiểm là Trần Viết Kết đánh úp Diên Khánh, quân bị thua dẫn về. Lại sai tổng quản là Nguyễn Quang Diệu, nội hầu là Nguyễn Văn Tứ lại đem quân đến vây, giữ nhau vài tháng. Mùa đông năm ấy, Đắc Tuyên sai Ngô Văn Sở thay Vũ Văn Dũng điều bát quân sự ở Bắc thành, mà triệu Dũng về. Đi đến trạm Mĩ Xuyên, khi ấy phụng chính là Trần Văn Kỷ có tội, phát phối đến trạm sở, mật báo Dũng rằng: Thái sư ngôi to nhất cả các quan, chuyên làm uy  làm phúc, sẽ không lợi cho xã tắc, nếu không mưu tính sớm đi thì sau này hối hận sao kịp. Dũng bèn cùng Phạm Công Hưng, Nguyễn Văn Huấn ( có chỗ chép là Hoá ) mưu tính nói phao lên rằng đến Nam dã tế cờ, nhân ban đêm đem bọn lũ vây Đắc Tuyên ở chùa Thuyền Lâm ( Tuyên lấy chùa làm nhà ở ). Đêm hôm ấy, ngẫu nhiên vì có việc, Tuyên ngủ ở trong phủ của Toản. Dũng vây quanh phủ để bắt. Toản bất đắc dĩ bắt Tuyên đưa cho, Dũng sai giam vào ngục. Ngô Văn Sở là bè lũ của Tuyên, Dũng làm tờ chiếu giả dối sai Tiết chế là Quang Thuỳ đóng gong đưa về Kinh. Lại sai Nguyễn Văn Huấn đem vây Quy Nhơn, bắt con Tuyên là Đắc Trụ giải về, thêu dệt nên tội trạng làm phản, đều dìm xuống nước để giết đi. Toản không thể ngăn cản được, chỉ chảy nước mắt khóc thôi. Quang Diệu đang vây Diên Khánh, nghe tin báo, cả sợ, bảo với thuộc hạ rằng: chúa không có đức kiên quyết, đại thần giết lẫn nhau là biến lớn đấy, biến ở bên trong không yên lấy gì mà chống được người. Ngay ngày hôm ấy giải vây trở về. Dũng cho là Diệu cùng với Đắc Tuyên có tình nghĩa thân gia ( vợ Diệu là Bùi Thị Xuân tức là cháu gái họ của Tuyên ) sợ có biến khác, bèn uỷ cho Công Hưng đem quân đón Quang Diệu để điều đình việc ấy.

         Khi ấy, Nguyễn Văn Huấn giữ Quy Nhơn, nghe tin Diệu về, lại tạ tội trước. Diệu không hỏi gì. Quân đến An Cựu, đóng đồn ở bờ bên Nam sông. Dũng cùng bọn nội hầu là Tứ đóng quân ở bên Bắc sông, đem mệnh lệnh vua để chống cự. Quang Toản lo sợ, không biết thế nào, sai người đi lại yên uỷ dỗ dành để hoà giải. Diệu mới đem người bên tả bên hữu vào yết kiến, cùng bọn Dũng giảng hoà. Diệu xin đem Lê Trung thay Huấn giữ Quy Nhơn mà triệu Huấn về.

         Bấy giờ Toản đã thân làm triều chính, năm ngày có một lần coi chầu. Năm ấy, Thái uý là Công Hưng vì có bệnh chết, bèn lấy Diệu làm Thiếu phó, Huấn làm Thiếu bảo, Dũng làm tư đồ. Nguyễn Văn Danh ( có chỗ chép là Nguyễn Văn Tứ ) làm đại tư mã, gọi là tứ trụ đại thần. Hoặc có người giềm rằng: Diệu uy quyền quá to sẽ có nhiều mưu toàn khác. Toản bị mê hoặc, thu lấy binh quyền của Diệu chỉ lấy bản chức vào chầu hầu thôi. Diệu trong lòng nghi sợ, thường cáo ốm không vào chầu, sai bọn thủ hạ vài trăm người, ngày đêm cầm binh khí để tự vệ. Quang Toản thường sai trung sứ đến uỷ lạo phủ dụ.

          Mùa hạ năm Đinh Tị, quân ta đánh Quy Nhơn chưa lấy được, lại tiến sát đến Đà Nẵng, Câu Đê, Hải Vân ở Quảng Nam. Toản sai Nguyễn Văn Huấn đem hết quân chống cự. Cho Diệu được lại giữ binh quyền đóng giữ cửa biển Noãn Hải. Mùa thu quân ta trở về.

          Năm Mậu Ngọ, tiểu triều là Bảo đánh úp lấy Quy Nhơn, sai người đem lòng thành quy thuận với ta. Quân ta chưa đến, Toản đem quân đến vây thành, bắt Bảo về, đánh thuốc độc giết đi ( chép rõ ở truyện Nhạc ). Sai đại tổng quản là Lê Văn Thanh ( có chỗ chép là đại tư Vũ Tuấn ) giữ Quy Nhơn; thái phủ là Lê Văn Ưng ( có chỗ chép là thái phủ Mân ) nói với Toản rằng: Tiểu triều sinh ra biến loạn là bởi Lê Trung gây nên. Toản triệu Trung đến, sai tráng sĩ trói lại đem chém đi. Lại tin lời thượng thư là Hồ Công Diệu vu thác dèm pha, giết thiếu bảo là Nguyễn Văn Huấn. Từ đấy tướng, tá có lòng lìa bỏ, người nào cũng có lòng nghi sợ. Đại đô đốc Lê Chất là con rể Lê Trung, nhiều lần lập được chiến công, sợ vạ kịp đến mình, bỏ chạy về với ta.

          Năm Kỷ Mùi, quân ta lại tiến đánh Quy Nhơn, Lê Văn Thanh đóng cửa thành, cố chết giữ, Quang Diệu, Văn Dũng đem binh thuyền đến viện trợ. Khi đến Quảng Ngãi, nghe tin quân ta đã lên đường bộ giữ chỗ hiểm. Diệu ở ngoài núi Thạch Tân, Dũng đem quân đi theo đường tắt ở Chung Xá, mưu đánh úp đằng sau quân ta. Đêm có một con nai chạy ra, quân đi trước reo hò truyền lầm là quân Đồng Nai, quân của Dũng sợ chạy tan vỡ, quân ta nhân đấy đuổi đánh, quân của Dũng tự dày xéo vào nhau, chết rất nhiều. Văn Thanh không có quân viện trợ, mới cùng thượng thư là Nguyễn Đại Phác, thiếu uý là Trương Tiến Thuý đem thành xin hàng. Quân ta đã lấy được Quy Nhơn, mới đổi tên thành gọi là thành Bình Định; để lại chưởng Hậu quân là Vũ Tính, Lễ bộ là Ngô Tòng Chu ở đấy trấn thủ. Toản nghe tin Quy Nhơn không giữ được, đem đại binh đi, đến Trà Khúc, giục các tướng ra quân, Trần Viết Kết nói: Nay không thuận chiều gió, xin hãy đưa quân về. Toản để Diệu và Dũng giữ Quảng Nam, Nguyễn Văn Giáp giữ Trà Khúc, rồi trở về.

         Trước đây, trận đánh ở Thạch Tân, quân của Dũng không đánh mà tự tan vỡ, Dũng sợ, cầu xin Diệu giấu việc ấy cho. Từ đấy hai người cố kết với nhau, ước làm bạn sống chết có nhau. Bọn Trần Viết Kết, Hồ Công Diệu, Trần Văn Kỷ, vốn ghét Diệu, cho là Quy Nhơn thất thủ, Diệu dừng quân lại là không có công gì, để làm cớ nói, làm tờ chiếu giả, sai Dũng bắt giết đi. Dũng nhận được thư đưa bảo Diệu, Diệu cả sợ, bèn dẫn binh về Phú Xuân, cắm trại sách ở bên vờ nam sông Hương, nói phao lên là giết giặc ở bên cạnh vua. Toản sai người triệu đến, bọn Diệu đều không chịu nhận mệnh lệnh. Kỷ đổ tội cho Kết và Hồ Công Diệu. Kết trốn, Toản bắt Công Diệu đưa cho Quang Diệu, Diệu mới giải binh vào ra mắt. Toản dụ rằng: bọn người là cột tráng của nước nên vì nước nhà cùng lòng hết sức, để trừ bỏ mối lo ở ngoài, không nên mang lòng ngờ vực, bọn Diệu khóc tạ, lại xin đem quân vào lấy Quy Nhơn. Toản y cho.

          Năm Canh Thân, bộ binh của Diệu tiến sát đến dưới thành, thương khiêu chiến. Vũ Tính giữ chặt lấy thành. Diệu đắp luỹ dài vòng quanh ở bốn mặt, ngoài thành để vây. Dũng lấy hai chiếc thuyền hiệu lớn là Định quốc và hơn 100 chiếc thuyền chiến chận ngang cửa biển Thi Nại. Lại ở bên tả cửa biển lập hai đồn nhỏ ở núi Tam toà tại bên hữu Nhạn Châu, trên đặt súng lớn, dựa chỗ cao bắn xuống phòng thủ rất cẩn mật. Mùa hạ Thế tổ ta cử đại binh đến cứu viện, quân bộ đóng ở Thị Dã, quân thuỷ đóng ở ngoài khơi cửa biển Thi Nại, quân ta đường thuỷ đường bộ không thông nhau, Tính cũng ở trong thành cố giữ để đợi quân cứu viện, giữ nhau lâu lắm. Khi ấy, điển quân Thượng đạo của ta là bọn Lưu Phúc Tường liên kết với Vạn Tượng, Trấn Ninh đánh thành Nghệ An, Thổ ty các trấn từ Thanh Hoá trở ra ngoài đều dấy nghĩa binh để tiếp ứng, đạo trưởng người Tây dương cũng khua dấy các đạo đồ trong nước, chỗ nào cũng nổi lên như ong; những người trung nghĩa ở Bắc thành phần nhiều vượt biển đem lòng thành quy thuận vì quan quân ra sức. Nhân dân các trấn mỗi khi thấy gió nam nổi lên, thì cùng mừng bảo nhau rằng: chủ cũ đã đến đấy. Quang Toản thế ngày càng cùng quẫn, sai người đem nhiều lễ vật đến mời Nguyễn Thiếp. Khi Nguyễn Thiếp đến, hỏi về việc nước, Thiếp nói: không thể làm được nữa. Toản lại hỏi, Thiếp nói rằng: ai chịu theo, Toản nói: trao cho gươm và ấn, ai dám không theo, Thiếp nói rằng: ngay như quân vương không theo thì sao, Toản im lặng. Thiếp lui bảo người bạn thân rằng: cửa biển sông Ngư nước nông, họ Nguyễn trở về làng, núi sông của chủ cũ, không bao lâu lại về chủ cũ cả. Nhân bảo Toản lui giữ Vĩnh Đô (thuộc Nghệ An ) may ra hoặc có thể hoãn được. Toản cũng do dự không quyết.

          Năm Tân Dậu, Thế tổ ta thân đem quân thuyền thẳng vào cửa biển Thi Nại, sai Nguyễn Văn Trương, Tống Phúc Lương lĩnh quân tiền đạo, vào trước đốt đồn thuỷ của nguỵ. Lê Văn Duyệt, Vũ Di Nguy kế tiếp tiến đến. Dũng đốc các quân chống đánh, súng đạn như mưa, Di Nguy ngồi ở đầu thuyền rơi xuống nước chết, quân ta phần nhiều chết và bị thương. Văn Duyệt đốc chiến càng mạnh, nhân chiều gió tung lửa ra đốt hết thuyền Tây Sơn, khói lửa đầy trời Dũng chỉ một mình chạy được khỏi chết. Diệu đã mất thuỷ quân, lại đắp thêm luỹ đất núi đất để bắn đối lại; trong thành dựng nhiều đồn sách để làm kế giữ lâu. Quân ta đánh hàng mấy tuần không thể lấy được. Thế tổ ta bèn để bộ tướng Nguyễn Văn Thành ở lại giữ Thị Dã, cầm cự nhau với Diệu, mà tự đem quân thuyền đánh thẳng vào Phú Xuân. Mùa hạ, ngày mồng một tháng năm, vào cửa biển Tư Dung, nguỵ phò mã là Nguyễn Văn Trị giữ núi Quy Sơn ( tức là núi Linh Thái ) dựng sách gỗ để chống cự. Quân tiền đạo đánh không được. Lê Văn Duyệt, Lê Chất đem vào chục chiếc thuyền chiến vượt qua bờ cát, vào vụng Hà Trung đánh úp phía sau, chia quân nhổ sạch gỗ mà tiến lên. Trị sợ, quân tan vỡ chạy cả. Đại binh tiến đến Trừng Hà bắt đượcTrị và nguỵ đô đốc là Phan Văn Sách, năm trăm quân phải đầu hàng, bèn tiến đến cửa sông Noãn Hải. Toản đem hết quân chống giữ. Quân ta nhân thế thắng tiến lên, quân của Toản trông thấy bóng gió tan vỡ ra trước, đại binh thẳng đến Kinh đô.

          Ngày mồng ba Toản mang đồ báu chạy ra Bắc, vất bỏ sắc ấn của triều đình nước Thanh đã ban cho. Khi vừa ra khỏi cầu Phú Xuân vài dặm thì quân đều chạy tan ra bốn phía. Toản bèn cùng em là Thái tể Quang Thiệu, Nguyên suý Quang Khanh và bọn đại tư mã Tứ, đô đốc Trù cỡi ngựa theo hướng luỹ Động Hải, ngày đêm ruổi đến. Ngày Đoan Ngọ ( tức mồng 5 tháng 5 ) sang qua sông Gianh, quân ta đuổi theo không kịp. Đến Nghệ An, ở lại vài ngày, giấu việc ấy đi, không tuyên bố; lại đi ngựa đến trạm trấn Thanh Hoá, phi báo cho em là Quang Thuỳ đưa quân đến đón.

          Quân ta đã lấy lại được Kinh đô, sai Lê Văn Duyệt, Lê Chất, Tống Viết Phúc vào cứu viện thành Gia Định. Quân chưa đến nơi, gặp trong thành lương ăn hết, lưu trấn là Vũ Tính, hiệp trấn là Ngô Tòng Chu đều chết cả. Diệu và Dũng lại chiếm cứ thành, sai nguỵ đại đô đốc là Trương Phúc Phượng, tư khấu là Định        ( chép thiếu họ ) đem quân dò đường miền trung về cứu viện Phú Xuân. Phượng hết lương ăn, đi đến Nguyên Tả Trạch, đến chỗ quân ta xin hàng. Định xuống đồi cao đánh nhau, thua chạy, chết ở trong sách man. Hạ tuần tháng 5, Toản đến Bắc thành, ở phủ đô của Quang Thuỳ. Khi ấy mưa mãi mấy tuần, ở trước sân nước sâu đến hơn một thước, hốt nhiên nước xuống đất sụt, chiều sâu chiều rộng hơn vài thước. Lầu ba tầng ở Nghệ An cũng vô cớ tự đổ, người đều cho rằng là điềm không lành. Tháng ấy đổi nguỵ hiệu là Bảo Hưng năm thứ I ( 1801), xuống chiếu chỉ nhận lỗi tự trách minh, uý lạo vỗ về quân dân các trấn. Cho Thị trung Đại học sĩ là Ngô Nhậm làm Binh bộ thượng thư; hiệp biện Đại học sĩ là Nguyễn Huy Lịch làm lại Bộ thượng thư, thị trung ngự sử là Phan Huy Ích làm lễ bộ thượng thư, còn các người khác phong cho đều có thứ bậc khác nhau. Đắp gỗ tròn ở ngoài cửa chợ Dừa, xây đền vuông ở hồ Tây, để đến ngày đông chí, hạ chí chia tế trời đất. Thân đến nhà Quốc tử giám khảo khoá học sinh, ai được ưu thì thưởng tiền cho. Sai bọn Nguyễn Đăng Sở sang nước Thanh dâng lễ cống hàng năm, và xin viện trợ. Khi ấy, ta sai Trịnh Hoài Đức đã đến Quảng Đông, nộp sắc ấn của nguỵ Tây, vua Gia Khánh nhận lấy mà đuổi bọn Đăng Sở về. Tháng 8, Toản sai em là Quang Thuỳ kiểm điểm binh mã đến đóng đồn ở trấn Nghệ An. Tháng 11, Toản lưu Quang Thiệu, Quang Khanh ở lại giữ Bắc thành, thân đốc quân lính đến trấn và lính Thanh, Nghệ cộng ba vạn người, tự làm tướng đem quân vào miền Nam. Vợ Quang Diệu là Bùi Thị Xuân cũng đem thủ hạ 5.000 người đi theo. Tiết chế Thuỳ, tổng quản Siêu ( chép thiếu họ ), xâm phạm luỹ Trấn Ninh ( tức cửa ải Quảng Bình ngày nay ); tư lệ Tuyết, đô đốc Nguyễn Văn Kiên xâm phạm luỹ Đâu Mâu; thiếu uý Đặng Văn Đằng, đô đốc Lực ( chép thiếu họ ) liên kết với thuyền giặc Tề Ngôi hơn 100 chiếc dàn ngang sông Gianh, binh thế ở ngoài biển rất đông, quân ta lui giữ Động Hải. Ngày 30 tháng 12, Toản đem hết quân sang qua sông Gianh.

         Thế tổ ta thân đi đánh, đóng lại ở Động Hải, sai Phạm Văn Nhân, Đặng Trần Thường đem bộ binh, Nguyễn Văn Trương đem thuỷ binh, chia đường để chống cự. Năm Nhâm Tuất, mùa xuân, tháng giêng ngày mồng một, quân của Quang Thuỳ tiến sát luỹ Trấn Ninh, quân ta mở cửa luỹ hết sức đánh, đánh lui quân của quân Thuỳ. Toản lại đem hết quân tiến sát đến luỹ Đâu Mâu như kiến bò mà lên, quân ta bắn súng lớn và ném đá lớn xuống làm cho bị thương và chết rất nhiều, Toản sợ muốn rút quân, Thị Xuân nắm cương ngựa lại cố xin lại vây quân đốc thúc đánh, từ sáng đến trưa chưa chịu lui. Chợt nghe thấy thuỷ quân bị Nguyễn Văn Trương đánh thua, mới sợ mà tản chạy cả.

         Ngày mồng 2 , Toản chạy đến Động Cao kịp sang qua sông Gianh chạy ra miền Bắc, những người đi theo không còn được một hai phân mười. 50 chiếc thuyền lương và quân nhu khí giới đều bị quân ta lấy được. Quang Thuỳ đến sông Gianh bị quân ta ngăn trở không sang được, bèn theo đường núi đi tắt, hơn một tuần mới đến Nghệ An, gặp Toản, lại chạy ra Bắc thành.

         Chiến dịch này, Toản đem quân cả nước đến đánh, một trận bị thua, không thể ngóc đầu dậy được. Từ đấy thần khí mất đi, duy ở trong thành tập bắn và ngâm thơ mà thôi. Diệu và Dũng ở Bình Định nghe thấy tin ấy bèn đốc suất bọn lũ là bọn Từ Văn Chiêu, Nguyễn Văn Mân, Nguyễn Văn Giáp, Nguyễn Văn Điểm, Lê Công Hưng đem 3000 binh lính, 80 thớt voi chiến, theo đường miền trên vào Ai Lao, để mưu ra Nghệ An. Khi ấy, quân ta đã sang qua sông Gianh, tiến lấy được đồn Tam Hiệu ở châu Bố Chính; thuỷ quân của Nguyễn Văn Trương đến cửa biển Đầu Nhai đánh phá bảo quân mộc; Bộ quân của Lê Văn Duyệt, Lê Chất đến sông Thăng Long cướp kho Kỳ Lân; trấn thủ Nghệ An của nguỵ là Nguyễn Văn Thận, hiệp trấn là Nguyễn Triêm, thuỷ quân thống lĩnh là Đại, thiếu uý là Đăng bỏ thành chạy đến đồn Tiên Lý ( tức là phủ thành Diễn Châu ngày nay ). Triêm tự thắt cổ chết, Thận chạy đến Thanh Hoá. Đại binh đã lấy được Nghệ An, đặt quan lại để  quy trị. Quang Diệu từ Quy Hợp xuống Hương Sơn, nghe thấy Nghệ An đã phá, bèn qua Thanh Chương sang sông Thăng Long, những người đi theo dần dần tản đi cả. Diệu và vợ là Thị Xuân đều bị quan quân bắt sống được; Văn Dũng cũng bị thổ dân Nông Cống bắt giải. Đại binh đến Thanh Hoá, nguỵ đốc trấn là Quang Bàn và Thận cùng Đằng đều xin hàng. Quân ta nhân thế thẳng tiến lên không ai dám chống cự cả.

          Ngày 16 tháng 6, Quang Toản tự liệu thế không chống được, cùng em là Quang Thuỳ, Quang Thiệu và bọn tư mã Nguyễn Văn Dụng, Nguyễn Văn Tứ, đô đốc Tứ sang qua sông Nhị Hà chạy lên miền Bắc, chạy đến Xương Giang, đêm ngủ trọ lại, dân thôn mưu bắt. Quang Thuỳ tự thắt cổ chết, Tứ và vợ cũng tự thắt cổ chết, Toản bị dân huyện Phượng Nhãn ( tên Chính Thiêm ) bắt được, đóng cũi đưa đến Bắc thành.

          Ngày 23, vua vào thành Thăng Long, quan lại văn võ các trấn tranh nhau đến trước chỗ đóng quân đầu thú. Mùa đông năm ấy, vua về Kinh cáo tế ở Miếu dũng những tù bắt được, đem hết phép để trừng trị, đào phá mộ Nhạc, mộ Huệ đem giã hài cốt vất đi, giam đầu lâu ở nhà ngục, đổi ấp Tây Sơn gọi là ấp An Tây.

          Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) bắt được con Nhạc là Văn Đức, Văn Lương, cháu là Văn Đâu ( con Văn Đức ) đều đem chém ngang lưng. Bấy giờ dòng giống Tây Sơn không còn sót một người nào nữa.

          Kính xét: anh em Tây Sơn chia ra cai trị không cùng thông thuộc với nhau. Nguỵ Nhạc nổi lên từ năm Mậu Tuất (1778) đến năm Quý Sửu thì hết ( cộng 16 năm ). Nguỵ Huệ nổi lên từ Năm Mậu Thân (1788) đến năm Nhâm Tí thì hết     ( cộng 5 năm ), Nguỵ Toản nổi lên năm Quý Sửu (1793) đến năm Nhâm Tuất (1802) thì hết ( cộng 10 năm ), thông tính cộng 25 năm; nhưng từ năm Kỷ Dậu nhà Lê mất, Huệ mới chiếm cứ được nước, tính từ năm ấy đến năm Canh Tuất Quang Toản bị bắt, chỉ có 14 năm thôi.

 

(Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, Quyển 30, Truyện Chép Về Ngụy Tây, Bản dịch của Viện Sử Học, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế 1993, ( tr.530 – tr.540)).

 

 

 

 

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia