Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung ở Huế

Đã rất nhiều năm qua, việc tìm kiếm lăng mộ hoàng đế Quang Trung vẫn là vấn đề trăn trở và nhiêu khê của giới sử học ở Huế. Đại để là có 2 địa điểm được giới nghiên cứu mổ xẻ, tranh cãi nảy lửa là: Lăng Ba Vành và cung điện Đan Dương.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã bỏ ra 30 năm để đi tìm những dấu vết cung điện Đan Dương - nơi được cho là lăng vua Quang Trung. Ảnh: Đ.K

Kỳ 1: Bí ẩn cung điện Đan Dương thời Tây Sơn

 Đâu là nơi vua Quang Trung được chôn cất?

Với ý tưởng “sống cái nhà, già cái mồ”, người dân Việt ước mong làm sao tìm cho được dấu tích lăng mộ vua Quang Trung để hằng năm thắp cho ông một nén hương. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã bỏ ra trên 30 năm để trả lời câu hỏi có hay không cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế. Ông Xuân đã lý giải rất công phu trong các công trình được in thành sách dày hàng trăm trang.

Theo nghiên cứu của ông Xuân và những cứ liệu lịch sử, thời chúa Nguyễn mặc dù xây dựng thủ phủ của xứ Đàng trong ở Kim Long (dưới chân chùa Thiên Mụ ), nhưng do bất tiện là hằng năm bị lụt lội nên vào năm 1680, chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687) cho xây dựng một hành cung ở địa điểm kín gió, cao ráo ở trên gò Dương Xuân bên bờ nam sông Hương. Hành cung được đặt tên là phủ Dương Xuân.

Qua thời gian, phủ Dương Xuân không ngừng được trùng tu, mở rộng. Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) sùng đạo Phật nên cho lập thêm một ngôi chùa nhỏ ở gần phủ, về sau mang tên chùa Thiền Lâm. Hòa thượng Thích Đại Sán từ Trung Quốc được chúa mời sang hoằng dương đạo Phật và trú tại chùa Thiền Lâm. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Hoạt (1738 - 1765), phủ Dương Xuân được nâng cấp thành một cung phủ nguy nga tráng lệ.

Vào mùa đông năm 1749, Chúa tiếp nhà buôn Pháp nổi tiếng Pierre Poivre tại đây. Đây cũng là lần đầu tiên một cung phủ của chúa Nguyễn được ghi chép, mô tả tỉ mỉ trong kỉ hành của một người phương Tây. Năm 1774, Thuận Hóa - Phú Xuân dưới thời chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765 - 1777) lọt vào tay quân Trịnh. Nhiều cung phủ hai bên bờ sông Hương bị phá dỡ lấy gỗ làm củi đốt. Riêng phủ Dương Xuân không bị phá vì là nơi đồn trú của quan quân chúa Trịnh.

Năm 1786, Nguyễn Huệ từ thúc quân Tây Sơn ra giải phóng Phú Xuân và lên lập hành dinh ở phủ Dương Xuân. Sau cuộc “phù Lê - diệt Trịnh”, Nguyễn Huệ dẫn quân trở về Phú Xuân mang theo nhiều vàng bạc châu báu và công chúa Lê Ngọc Hân. Để cất giữ của cải, Nguyễn Huệ cho xây quanh phủ Dương Xuân một bức thành cao trên 6m. Ông ở trong phủ với bà vợ chính họ Phạm, còn công chúa Ngọc Hân trú ở chùa Kim Tiên. Nguyễn Huệ cho đại trùng tu Phủ Dương Xuân.

Đến cuối năm 1788, ông lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung, công chúa Ngọc Hân được phong Bắc cung Hoàng hậu, phủ Dương Xuân được xây dựng lại và được đặt tên là cung điện Đan Dương. Vua Quang Trung ngã bệnh và mất vào ngày 29.7.1792. Để giữ kín sự kiện này với những lực lượng thù địch, triều Quang Toản (vua Cảnh Thịnh, 1792 - 1795) đã quyết định bí mật táng vua Quang Trung ngay trong khuôn viên cung điện Đan Dương. Từ đó, cung điện Đan Dương trở thành lăng Đan Dương của vua Quang Trung.

Vì sao cung điện Đan Dương bị xóa sổ?

Sau những biến cố lịch sử, những bí mật chung quanh lăng Đan Dương không còn được giữ nữa. Năm 1799, Hoàng hậu Lê Ngọc Hân qua đời và được an táng cạnh lăng Đan Dương theo nguyện vọng của bà. Nhưng sau đó, bà được bí mật đưa về chôn cất ở làng Nành (Bắc Ninh) dưới danh nghĩa là một người bình dân. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, sau 24 năm nằm gai nếm mật chống Tây Sơn, khi Nguyễn Ánh trở về lại Phú Xuân, ông đã trả thù nhà Tây Sơn một cách nghiệt ngã.

Sách Đại Nam thực lục chính biên của Quốc sử quán triều Nguyễn, Đệ nhất kỉ cho biết: “Tháng 11 Tân Dậu, hủy Tây Sơn tặc Nguyễn Văn Huệ mộ, trác quan lục thi kiêu kì thủ vu thị” (dịch là phá hủy mộ giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ, bổ săng (hòm), phơi thây, bêu đầu ở chợ). Lăng mộ vua Quang Trung đã bị hủy, nhưng lăng mộ đó ở đâu thì không thấy ghi lại trong Thực Lục. Phải đợi đến hơn 50 năm sau (1852), Nguyễn Trọng Hợp và các sử thần viết bộ Đại Nam chính biên liệt truyện (sơ tập) có hé lộ thông tin lăng mộ vua Quang Trung được táng ở bờ Nam sông Hương.

Trong Đại Nam Liệt Truyện (sơ tập), viết về triều Tây Sơn có ghi lại rằng, việc lãnh tụ phong trào này đã bị trả thù thế nào và tóm lược những việc mà vua Gia Long đã “tận pháp trừng trị” nhà Tây Sơn. Cùng với đó, những con người liên quan đến triều Tây Sơn đều bị giết, lăng mộ bị quật phá đổ bỏ và cái tên quê hương Tây Sơn cũng bị đổi thành An Tây…

Như đã nói ở trên, mặc dù nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân tìm thấy những cứ liệu về sự tồn tại của một cung điện Đang Dương - nơi được cho là lăng mộ vua Quang Trung, nhưng do nó đã bị đập phá, vết tích không còn nữa nên việc xác định địa điểm của cung điện này vẫn là một bí ẩn. Mới đây, Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên - Huế, Hội Khoa học lịch sử tỉnh đứng ra tổ chức hội thảo để nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân trưng ra những gì mình có được về sau mấy mươi năm đi tìm vết tích cung điện Đan Dương trên thực địa. Và cũng như những cuộc hội thảo đã diễn ra trước đó, lần này những tranh cãi gay gắt giữa các nhà nghiên cứu - những người nặng nỗi niềm với một bí ẩn của lịch sử VN - lại nổ ra. (Báo LĐ&ĐS sẽ thông tin vào kỳ tiếp theo).

Lăng Ba Vành là lăng vua Quang Trung?

Cũng là một người đã nhiều năm bỏ công đi tìm lăng mộ vua Quang Trung, ông Trần Viết Điền - thầy giáo dạy Vật lý ở Huế - khẳng định, lăng Ba Vành ở đồi Thiên An (phía Tây TP.Huế ) thuộc thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế chính là lăng mộ vua Quang Trung. Nguyên nhân: Lăng Ba Vành được cho là lăng Đức ý hầu Lê Quang Đại - một vị quan dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát. Nhưng ông Điền đã đưa ra rất nhiều chứng cứ quan trọng để chứng minh rằng, lăng Ba Vành không phải là lăng mộ của vị quan họ Lê mà chính là lăng mộ vua Quang Trung.

Ông tìm đến khảo cổ học và đã chứng minh gạch xây lăng Ba Vành chính là gạch thời Tây Sơn. Tìm đến phong thuỷ để chứng minh đất lăng Ba Vành chính là một cát địa chỉ dành riêng cho đế vương. Sử dụng kinh dịch và nhiều cứ liệu lịch sử để chứng minh từ cổng tam quan, tân nguyệt trì (ao trăng non trước lăng), 9 con rồng... ở lăng Ba Vành là lăng một hoàng đế. Tuy nhiên, cho đến nay, các luận chứng chứng minh lăng Ba Vành là lăng vua Quang Trung của ông Điền chưa được công nhận.

Đăng Khoa

Nguồn báo lao động (08.11.15)

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia