Thăm dò lăng mộ vua Quang Trung: Nhiều dấu tích nhưng chưa thể kết luận

Kết thúc 10 ngày thăm dò dấu tích lăng mộ vua Quang Trung tại khu vực gò Dương Xuân, những hiện vật, những tầng đất, đá thu được đối với các chuyên gia khảo cổ vẫn đang là bí ẩn, chưa thể khẳng định được điều gì.

Từ công trình của nhà nghiên cứu (NNC) Nguyễn Đắc Xuân cho rằng, cung điện Đan Dương có Đan lăng của Hoàng đế Quang Trung dựa trên quần thể kiến trúc của phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn, tọa lạc ở gò Dương Xuân, khu vực chùa Thuyền Lâm, chùa Vạn Phước hiện nay (phường Trường An, TP. Huế), mấy ngày qua, Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đã tiến hành mở hố thám sát khảo cổ học tại đây.

Kết thúc 10 ngày thăm dò dấu tích lăng mộ vua Quang Trung tại khu vực gò Dương Xuân, những hiện vật, những tầng đất, đá thu được đối với các chuyên gia khảo cổ vẫn đang là bí ẩn, chưa thể khẳng định được điều gì.

Đại diện Viện Khảo cổ học cùng các đơn vị liên quan công bố một số thông tin sau 10 ngày thăm dò dấu vết lăng mộ vua Quang Trung tại khu vực gò Dương Xuân. Ảnh: Phan Thành

Hơn 30 năm đi tìm bí ẩn

Dẫu chưa có kết luận chính thức nhưng theo NNC Nguyễn Đắc Xuân, những gì đã khai quật được trong mấy ngày qua chứng tỏ những cứ liệu lịch sử ông chứng minh lâu nay là có cơ sở. “Những mảnh sành vỡ, chén bát, chuôi kiếm và đĩa cổ, mảng bê tông vôi, những viên gạch xếp, hai cái chum, móng thành – có thể là nền của một công trình kiến trúc… Cho thấy có một vùng kiến trúc, đời sống cao cấp đã bị chôn vùi dưới đất. Điều đó khớp với công trình nghiên cứu của tôi về phủ Dương Xuân, cung điện Đan Dương”, ông Xuân cho biết.

Với NNC Nguyễn Đắc Xuân, cuộc khảo cổ này chấm dứt giai đoạn nghiên cứu suốt 36 năm qua của ông và mở ra một giai đoạn mới. Ông chia sẻ: “Sáu hố được khai quật đều có biểu hiện, dấu vết nên tôi rất trông đợi kết luận của đoàn khảo cổ có sự gặp gỡ với nhận định của tôi. Tôi cũng hy vọng TP. Huế sẽ có thêm một địa điểm lịch sử quan trọng của đất nước và góp phần phát triển văn hóa – du lịch của tỉnh nhà. Theo GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội KHLS Việt Nam, nghiên cứu tới đâu thì nên đưa vào khai thác phát huy ý nghĩa và giá trị di tích tới đó. Vì vậy, sau khi công bố, có thể hình thành một tour du lịch ở đây”.

Những dấu tích đầu tiên

Theo sát nhóm thăm dò những ngày qua, chúng tôi mới hiểu được sự nhiệt huyết, tỉ mỉ công việc đi tìm dấu tích được NNC Nguyễn Đắc Xuân cho là cung điện Đan Dương của vua Quang Trung và là nơi chôn cất thi hài của vua sau khi băng hà. Năm hố thăm dò được các chuyên gia Viện Khảo cổ học, Bảo tàng lịch sử tỉnh, các cán bộ bộ môn Nhân học - Khảo cổ - Văn hóa Du lịch thuộc khoa Lịch sử - Trường đại học Khoa học (ĐH. Huế) lần lượt cho mở tại chùa Thuyền Lâm, chùa Vạn Phước và hai nhà dân quanh đó. Những bí mật dưới lòng đất được các chuyên gia thăm dò bóc dỡ để tìm kiếm những dấu tích đầu tiên. Ở những hố này, nhiều  mảnh gạch, sành, sứ, lớp vôi vữa, tầng đá... được các chuyên gia phát hiện và bảo quản cẩn thận phục vụ cho việc nghiên cứu.

PGS.TS Bùi Văn Liêm, Viện phó Viện Khảo cổ học (bìa phải) – người chủ trì đợt thăm dò đang quan sát phát hiện nhiều tảng đá chồng lên nhau tại hố thăm dò số 5. Ảnh: Phan Thành

Đặc biệt, tại hố số 3 ở nhà ông Nguyễn Hữu Oánh và hố thăm dò số 5 ở số nhà số 13/120 Điện Biên Phủ (TP. Huế), các chuyên gia khảo cổ đã phát hiện những lớp đất, đá khác thường. Cụ thể, tại hố thăm dò số 3 ở nhà ông Nguyễn Hữu Oánh, nằm cạnh chùa Thuyền Lâm và cách hố số 5 khoảng 50m, xuất lộ một vật kiến trúc hình như một đoạn tường màu vàng pha trắng. Trong khi đó, ở hố số 5, nhiều tảng đá chồng lên nhau nằm ở độ sâu chừng 40cm cũng được các chuyên gia phát hiện, ở đoạn cuối còn có những lớp vôi vữa tiếp nối. Ngay sau đó, đoàn thăm dò đã quyết định cho mở hố phụ sang cạnh nhà một hộ dân khác để tiếp tục tìm kiếm các dấu tích. Và điều bất ngờ là ở hố phụ, đoàn đã phát hiện nền đã xếp chồng lên nhau, có hình dạng như bức tường thành. Như vậy, tổng chiều rộng của nền đá 5,5m, riêng chiều dài vẫn còn phát triển. Những phát hiện thăm dò ban đầu cho thấy tín hiệu tốt. Nền đá ở hố số 5 biểu hiện được từng có sự xuất hiện của một kiến trúc lớn. Cũng đáng kể đến trong đợt thăm dò lần này là phát hiện được một chiếc đĩa có đường kính khoảng 10cm dưới độ sâu 1,4 ở hố trước chùa Vạn Phước. Chiếc đĩa bị vỡ một phần vành miệng và xuất hiện chữ “Nhật” được viết bằng chữ Hán với một vài họa tiết đơn giản ở mặt trước. Để đảm bảo cho quá trình nghiên cứu lâu dài sau này, tất cả đều được các chuyên gia giám sát, theo dõi địa tầng, hiện vật, ghi lại nhật ký một cách đầy đủ, rõ ràng.

Tiếp tục nghiên cứu, công bố sau 3 tháng

Theo các chuyên gia, mỗi hố được đào ở một độ sâu khác nhau nhưng có điểm chung đó là đào đến sinh thổ (tầng đất chưa có sự tác động của con người) rồi mới dừng lại. PGS.TS Bùi Văn Liêm, Viện phó Viện Khảo cổ học, người chủ trì cuộc thăm dò cho biết, những hiện vật phát hiện ban đầu vẫn chưa rõ ràng nên chưa thể đánh giá, hay nhận định gì được. Đến chiều 15/10, khi công bố kết thúc đợt thăm dò, tất cả 4 hố thăm dò ở chùa Thuyền Lâm, chùa Vạn Phước và nhà ông Nguyễn Hữu Oánh đã chính thức được lấp lại như hiện trạng ban đầu. Riêng ở hố số 5 tại số nhà 13/120 Điện Biên Phủ (TP. Huế) và hố phụ cạnh đó sẽ được lấp theo phương án bảo tồn bằng cách phủ một lớp bạt rồi lấp cát.

Theo ông Liêm, những hiện vật thu được trong quá trình mở các hố thăm dò gồm đồng, sắt, gốm, sành, sứ…thể hiện được sự liên quan của con người ở các giai đoạn khác nhau. Cụ thể ở giai đoạn nào thì chưa khẳng định được, bởi tất cả chỉ là những phát hiện ban đầu, nên không thể kết luận chính thức điều gì. Những di vật này sẽ được các chuyên gia nghiên cứu làm sạch, chỉnh lý, phân tích mẫu, so sánh đối chiếu…khi đó mới tạm xét nó ở giai đoạn nào. Bên cạnh đó, cũng vẽ lại toàn bộ tư liệu hiện trường từ mặt bằng, hạ tầng, di tích, di vật để phục vụ cho việc tiếp tục nghiên cứu sau này. “Chúng tôi sẽ xử lý theo tinh thần khảo cổ, chuyên môn của ngành. Những lớp đá xếp tầng ở hố số 5 đến thời điểm này được xem là một nền đá, chưa thể kết luận được gì. Sau 3 tháng hoàn tất cảc công việc như đã nói trên, chúng tôi sẽ thông tin đến báo chí và bà con nhân dân được biết”, ông Liêm nói.

Dựa theo chính sử và các ghi chép của nhân chứng đương thời, NNC Nguyễn Đắc Xuân đi đến kết luận phủ Dương Xuân trên gò Dương Xuân ở phía bắc đàn Nam Giao, tọa lạc gần chùa Thiền Lâm (tên gọi xưa của chùa Thuyền Lâm), mất tích từ cuộc biến loạn Tây Sơn năm Bính Ngọ 1786 (tức cuộc Tây Sơn giải phóng Phú Xuân năm 1786). Từ một chú dẫn trong bài “Cảm hoài”, Ngô Thì Nhậm cho biết “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta”. Căn cứ vào tài liệu này, NNC Nguyễn Đắc Xuân cho rằng Đan Dương là tên của một cung điện tương ứng với cung điện được nhiều người trước đó đã mô tả là cung điện Mùa Đông - tức Phủ Dương Xuân của chúa Nguyễn Phúc Khoát. Phan Huy Ích cho biết, dinh phủ của Thái sư Bùi Đắc Tuyên (triều Quang Toản) là chùa Thiền Lâm. Khi ông ở tại công quán chờ làm việc “bọn tiểu giám giữ lăng thường đến hầu”. Với thông tin quý hiếm này, ông Xuân cho rằng: Lăng được triều đình cử người canh giữ đó là của Hoàng đế Quang Trung, có địa chỉ rất gần với chùa Thiền Lâm.

Từ những đặc điểm mà các tư liệu mô tả, NNC Nguyễn Đắc Xuân tiến hành khảo sát thực địa tại khu vực này. Tại đây, ông đã tìm thấy nhiều hiện vật, gồm: bia đá, đá táng, đá lát sàn, gạch vồ và nhiều kích cỡ, kiểu thức trang trí khác thường là phế tích của những công trình kiến trúc cổ, rất có khả năng đây là khu di tích quan trọng của triều Tây Sơn đã bị triệt phá. Kết nối các tư liệu lịch sử, NNC Nguyễn Đắc Xuân cho rằng: có một cung điện tên là Đan Dương của Quang Trung vốn là cung điện mùa đông của các chúa Nguyễn. Phủ Dương Xuân dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát qua thời “binh loạn” bị “mất tích” là vì triều Tây Sơn chọn làm cung điện, có tên là Đan Dương. Khi vua Quang Trung qua đời, do bối cảnh chính trị nhạy cảm nên triều đình đã giữ bí mật, và an táng ông ngay trong cung điện, từ đó cung điện Đan Dương trở thành lăng Đan Dương.

 

Minh Hiền – Phan Thành

(Nguồn baothuathienhue.vn số ra 17.10.16)

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia