Đó là ý kiến của PGS.TS Bùi Văn Liêm, Viện phó Viện Khảo cổ học – người chủ trì cuộc thăm dò dấu vết lăng mộ vua Quang Trung với Báo Thừa Thiên Huế Online chiều 11/10, sau khi phát hiện một số tảng đá tại hố thăm dò số 5 ở một nhà dân (số 13/120 Điện Biên Phủ, TP. Huế).
Nhiều tảng đá xếp chồng với nhau được phát hiện tại hố số 5
Cụ thể, ở hố này, sau khi đào lớp đất bề mặt xuống sâu chừng 40cm, các chuyên gia phát hiện nhiều tảng đá xếp chồng với nhau theo hình chữ L. Ở đoạn cuối những tảng đá này xuất hiện các lớp vôi. Ngay sau đó, đoàn thăm dò cho đào mở rộng hố để tiếp tục thăm dò, nghiên cứu.
Trao đổi với Thừa Thiên Huế Online, ông Liêm cho rằng, tất cả chỉ là những phát hiện ban đầu, chưa rõ ràng nên không thể kết luận chính thức điều gì. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, đối chứng các lớp đá, hiện vật, vôi vữa với nhau”, ông Liêm nói.
Như vậy, sau gần một tuần có mặt tại Huế, đoàn thăm dò của Viện Khảo cổ học cùng Bảo tàng Lịch sử tỉnh và các cán bộ bộ môn Nhân học - Khảo cổ - Văn hóa Du lịch thuộc khoa Lịch sử - Trường đại học Khoa học (ĐH Huế) đã cho mở toàn bộ 5 hố thăm dò tại khuôn viên hai chùa Thuyền Lâm, Vạn Phước và nhà dân gần đó. Quá trình mở hố đều có sự giám sát, theo dõi địa tầng, hiện vật, ghi lại nhật kí… của các chuyên gia.
Thừa Thiên Huế Online sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về quá trình thăm dò này.
Một số hình ảnh được ghi lại chiều 11/10:
PGS.TS Bùi Văn Liêm, Viện phó Viện Khảo cổ học (bìa phải) quan sát lớp đá sau khi đào từ bề mặt xuống khoảng chừng 40cm
Các chuyên gia thăm dò khảo cổ tỉ mỉ trong từng chi tiết khi mở hố thăm dò số 5
Một chuyên gia nghiên cứu lớp đất đào lên ở hố thăm dò
Toàn cảnh hố số 5 - nơi phát hiện ra các lớp đá
Phan Thành
(Nguồn thuathienhue.vn - 11.10.16)