Lăng mộ Hoàng đế Quang Trung và bí mật lịch sử chưa lời giải (kỳ 2): Vua Quang Trung mất tại cung điện của ông và được giữ bí mật đến 2 tháng

Lên ngôi vua được 3 năm thì Quang Trung mất. Triều đình rối ren dẫn đến triều Nguyễn Ánh đã đánh thắng triều Tây Sơn. Toàn bộ dấu vết Quang Trung/Tây Sơn bị xóa sạch. Lăng mộ vua Quang Trung chôn ở đâu hiện vẫn là một câu hỏi hóc búa.

Vua Quang Trung mất tại cung điện của ông và được giữ bí mật đến 2 tháng

Nhà nghiên cứu (NCC) Nguyễn Đắc Xuân cho hay, dựa trên nhiều nguồn tài liệu như Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam (Viện Sử học), Văn học Tây Sơn (trích lại của Nguyễn Lộc), Đại Nam chính biên liệt truyện (Quốc Sử quán triều Nguyễn), Tây Sơn thuật lược (Vô danh thị), Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung (Đỗ Bang), La Sơn Phu Tử (trích lại của Hoàng Xuân Hãn), Triều đại Quang Trung dưới mắt các nhà Truyền giáo Tây phương (Đặng Phương Nghi), Đại Nam Thực lục Chính biên…

Sau khi lên ngôi vua lấy niên hiệu Quang Trung, vua đã gặp nhiều biến cố. Cụ thể cuối năm 1790, vua Quang Trung đòi nhà Thanh phải trả lại đất 6 châu thuộc Hưng Hóa đã bị nhà Thanh chiếm, nhưng nhà Thanh đáp cương vực đã ổn không thể thay đổi. Năm 1791, bà chính hậu họ Phạm - người được vua Quang Trung sủng ái nhất (mẹ đẻ của Thái tử Quang Toản) - mất, nhà vua đau xót đến “phát điên”. Trong gia đình anh em Nguyễn Nhạc – Nguyễn Huệ mâu thuẫn gay gắt; Nguyễn Nhạc sẵn sàng đem quân ra Phú Xuân khuất phục Quang Trung;

Nguyễn Ánh ở Gia Định lúc bấy giờ đã nắm được thời cơ ấy, đích thân chỉ huy Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Thành dẫn 128 chiến thuyền bất ngờ tiến công lực lượng thủy quân hùng mạnh của Nguyễn Nhạc ở cửa biển Thi Nại (Quy Nhơn). Toàn bộ ghe và khí giới của Nhạc bị đốt cháy, bị phá hủy hoặc bị cướp đi. Sau cuộc bị tấn công chớp nhoáng ấy, binh đội và nhân dân Quy Nhơn - Quảng Ngãi rất nao núng và cho rằng họ đã “đụng phải thần binh”.

Đó là những mối bận tâm làm cho vua Quang Trung mất ăn mất ngủ. Đối phó với tình hình quá căng thẳng ấy, vua Quang Trung đã ngã bệnh. Khi biết mình không thể qua được, ông cho mời hai trọng thần là Trần Quang Diệu và Trần Văn Kỷ đến bên giường bệnh dặn dò mọi lẽ. Vua Quang Trung nói: “Khi ta thác rồi, việc chôn cất phải sơ sài trong một tháng cho xong mà thôi. Bọn ngươi phải phò Thái tử sớm dời về Vĩnh Đô (Nghệ An) để khống chế thiên hạ. Nếu không như thế, thì binh Gia Định đến, bọn ngươi không có chỗ chôn”. Vào ngày 16/9/1792, sau 3 năm lên ngôi thì vua Quang Trung đã băng hà.

Tuy nhiên cái chết của vua được giữ kín bí mật hơn 2 tháng do những thế lực từ nhiều phía mà vua Quang Trung phải đương đầu: phía Bắc là nhà Thanh, phía Nam là quân Gia Định của Nguyễn Ánh, các Thừa sai Thiên chúa giáo ở cách Cung điện của ông vài cây số, và cả với âm mưu tranh giành quyền lực với Nguyễn Nhạc ở Quy Nhơn... sợ sẽ nhân lúc rối ren để tấn công triều đình Tây Sơn.

Tờ tâu của Nguyễn Thiếp viết ngày 17/11 Quang Trung thứ V (1792) gửi cho vua Cảnh Thịnh cho biết trong thời gian quan tài của vua Quang Trung quàng ở nhà mồ thì đường sá trong nước bị cấm nghiêm – trích La Sơn Phu Tử của Hoàng Xuân Hãn ở sách “Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương – Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung” - Nguyễn Đắc Xuân. Ông Xuân đặt câu hỏi “Phải chăng triều Quang Toản cấm đường để giữ bí mật về sự kiện vua Quang Trung đã qua đời?” (ảnh tư liệu Nguyễn Đắc Xuân)

Sau 2 tháng lo tang lễ, chuẩn bị lực lượng đối phó với các thế lực trong Nam, ngoài Bắc, triều Quang Toản thông báo cho thần dân được biết vua Quang Trung đã băng hà để trăm họ chịu tang. Đồng thời cử sứ đoàn Ngô Thì Nhậm sang Trung Quốc báo tang. Ngày vua Quang Trung mất tăng thêm hai tháng. Nơi táng vua Quang Trung báo với nhà Thanh là ở Linh Đường (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Lăng mộ Quang Trung được chôn ngay tại cung điện vua ở có tên Đan Dương?

Muốn cho khỏi bị nhà Thanh khiển trách, càng về sau triều Quang Tuản càng phải giữ bí mật nơi an táng thi hài của vua Quang Trung hơn nữa. Địa điểm nào ở Phú Xuân lúc ấy có thể giữ được bí mật quốc gia ấy? Phải chăng chỉ có những nơi cung điện xưa nay dành cho vua, ít người được đặt chân đến và trong tương lai cũng không được biết đến mới đạt được yêu cầu bí mật ấy thôi.

Theo NNC Nguyễn Đắc Xuân, thông thường một đám tang vua có 2 sự việc không thể giữ bí mật: Một là đoàn đưa tang từ cung vua đến nơi táng vua, không thể cấm thần dân đứng dọc đường chiêm bái vua; hai là nơi táng vua sẽ dựng lên bao nhiêu kiến trúc để cho hàng trăm người ăn ở, thờ phụng, bảo vệ lăng, làm sao giữ bí mật được.

Do đó, triều Quang Toản (con vua Quang Trung) muốn giữ được bí mật tuyệt đối thì không đưa tang vua Quang Trung ra khỏi cung điện – nơi ông vừa qua đời và táng vua ngay trong khuôn viên cung điện của ông – nơi ngoài gia đình và những quan lại thân cạn mới được tới lui. Từ đó cung điện của ông trở thành lăng mộ của ông.

Tượng đài Quang Trung ở chân núi Bân, TP Huế - nơi vua đã làm lễ tế trời rồi thần tốc xuất quân ra bắc đánh tan 29 vạn quân Mãn Thanh giải phóng kinh thành Thăng Long mùa xuân Kỷ Dậu 1789

Một dấu hiệu cực kỳ quan trọng, thuộc dạng “điểm nhấn” trong cuộc tìm kiếm của ông Xuân là dựa vào thông tin Ngô Thì Nhậm (quan Thượng thư bộ Binh của vua Quang Trung) ghi một lời ở dưới bài thơ. Theo đó trong bài thơ “Cảm Hoài” khi năm 1792 Ngô Thì Nhậm sang Trung Quốc báo tang vua Quang Trung và cầu phong cho vua Cảnh Thịnh, ở câu 8 bài thơ: Đan Dương cung điện nhật tam thu (trông về Cung điện Đan Dương một ngày coi bằng ba thu), tác giả đã chú thêm một thông tin cho cụm từ Cung điện Đan Dương ở dưới là “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta”.

“Nhờ Ngô Thì Nhậm nên chúng ta biết được cung điện của vua Quang Trung tên là Đan Dương. Sau khi vua Quang Trung mất, được triều Quang Toản giữ bí mật táng vua ngay trong Cung điện. Từ đó Cung điện Đan Dương trở thành lăng Đan Dương”, ông Xuân đặt giả thiết chính cho cuộc tìm kiếm hơn 30 năm của ông về lăng mộ vua Quang Trung và cung điện Đan Dương. Sau này xoay quanh chữ Đan Dương còn rất nhiều giả thuyết ông Xuân minh chứng là có tên một cung điện Đan Dương của vua Quang Trung.

Nguyễn Ánh vì 9 đời mà trả thù – toàn bộ dữ liệu về Quang Trung/Tây Sơn gần như biến mất

Hai mươi bốn năm nằm gai nếm mật chống phong trào Tây Sơn, khi Nguyễn Ánh khôi phục được Phú Xuân, ông trả thù Phong trào Tây Sơn một cách nghiệt ngã.

Ông Trần Đại Vinh, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên Huế cho biết trong bài chiếu làm lễ hiến phù, vua Gia Long đã tuyên bố “Trẫm vì 9 đời mà trả thù”. Chính sử triều Nguyễn đã ghi về việc quật phá lăng mộ vua Quang Trung của Gia Long. Bên cạnh đó các lăng mộ của gia tộc Tây Sơn ở Nghệ An và Quy Nhơn đều bị khai quật, hủy phá đến mức chỉ trơ hố huyệt sâu, khiến người sau phải gọi là “giếng huyệt”.

Ông Xuân cho hay, Sách Đại Nam Thực Lục Chính biên của Quốc sử quán Triều Nguyễn, Đệ nhất kỷ, Quyển XV, trang 26a cho biết: “Tháng 11 Tân dậu (1801), Nguyễn Ánh đã cho phá hủy mộ giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Huệ, bổ săng (hòm), phơi thây, bêu đầu ở chợ”. Điều đó chứng tỏ lăng mộ vua Quang Trung chỉ còn dấu tích chôn sâu dưới đất, không còn hòm, không còn xương cốt, đầu lâu.

Quốc sử quán Triều Nguyễn, Quyển XV, trang 26a (Ảnh tư liệu của Nguyễn Đắc Xuân trình bày tại Hội thảo “Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế” tháng 10/2015)

Quốc Sử Quán Triều Nguyễn dành trọn Quyển 30 trong Đại Nam Liệt Truyện, Sơ tập, viết về Phong trào Tây Sơn. Sách đã ghi lại việc các lãnh tụ Phong trào Tây Sơn đã bị trả thù như thế nào. Cuối Quyển 30, sách tóm lược những việc vua Thế Tổ (Gia Long) đã “tận pháp trừng trị” nhà Tây Sơn như thế nào. Trang 55b, Quyển viết:

“Thị đông xa giá hoàn Kinh, cáo miếu Hiến Phù, tận pháp trừng trị, quật phá Nhạc Huệ mộ, đào khí hài cốt, u kỳ đầu vu ngục thất, cải Tây Sơn ấp viết An Tây ấp”, Dịch: “Mùa đông ấy (1801) xa giá [của Thế tổ] trở về Kinh (Đô Phú Xuân) , báo cáo ở Tông miếu và dâng hiến tù binh, tội phạm Tây Sơn đều bị giết để trừng trị, đào phá mộ (của Nguyễn) Nhạc, (Nguyễn) Huệ, giã nát và đổ bỏ, nhốt sọ đầu vào nhà ngục, đổi tên ấp Tây Sơn gọi là ấp An Tây”.

Doạn bôi vàng dịch nghĩa ra: “Mùa đông ấy (1801) xa giá [của Thế tổ] trở về Kinh (Đô Phú Xuân), báo cáo ở Tông miếu và dâng hiến tù binh, tội phạm Tây Sơn đều bị giết để trừng trị, đào phá mộ (của Nguyễn) Nhạc, (Nguyễn) Huệ, giã nát và đổ bỏ, nhốt sọ đầu vào nhà ngục, đổi tên ấp Tây Sơn gọi là ấp An Tây” (Ảnh tư liệu của Nguyễn Đắc Xuân trình bày tại Hội thảo “Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế” tháng 10/2015)

Đoạn sử cho biết con người liên quan với Phong trào Tây Sơn đều bị giết, lăng mộ bị quật phá đổ bỏ và cái tên quê hương Tây Sơn cũng bị đổi thành An Tây. Việc đổi tên địa danh liên quan đến Phong trào Tây Sơn cũng bị đổi, ví dụ Phủ Qui Nhơn đổi thành Phủ Bình Định. Ngoài ra, toàn bộ sách vở, tài liệu của thời Tây Sơn bị hủy bỏ, các đồ tự khí bằng đồng bị nấu chảy để đúc thành đồ đồng thời Nguyễn; dời đổi những trị sở mà Tây Sơn đã từng đi qua… Chính vua Quang Trung mất trong thời kỳ độ tuổi sung mãn nhất 40 đã làm cho triều đại của ông xuống dốc và đi đến chỗ cáo chung, phong trào Tây Sơn đã bị trả thù một cách nghiệt ngã.

9 khẩu thần công (Cửu vị thần công là 1 trong 3 Bảo vật quốc gia tại Huế) được cho là vua Nguyễn nấu từ đồ tự khí bằng đồng thời Tây Sơn để đúc

Theo NNC Nguyễn Đắc Xuân, có một trường hợp tương tự mà bất cứ ai cũng có thể kiểm chứng được: Vua Tự Đức cho xây dựng Khiêm Cung để ông sống nghỉ ngơi vui chơi gần hai mươi năm (1864-1883), sau khi mất, ông được táng trong Khiêm Cung. Từ đó Khiêm Cung trở thành Khiêm Lăng, vai trò của Khiêm Cung không còn được nhắc đến nhiều nữa.

Đại Dương

(Còn tiếp...)

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia