Dấu ấn triều đại Tây Sơn qua Dụ Am Ngâm Lục của Phan Huy Ích

Sinh ra, làm quan dưới thời Lê - Trịnh, mất đi dưới thời vua Minh Mạng, nhưng cuộc đời, sự nghiệp của Phan Huy Ích gắn liền với nhà Tây Sơn. Cùng với Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thiếp, Phan Huy Ích là gương mặt sĩ phu đặc biệt, đã có những ảnh hưởng rất quan trọng đối với hoạt động và thắng lợi của phong trào Tây Sơn. Ông đã tận tụy phục vụ triều Tây Sơn cho đến những ngày cuối cùng và cũng chịu nhiều thử thách bởi triều đại này, nhưng những năm tháng đó mới thực sự là quãng thời gian ông cống hiến tài năng của mình. Không chỉ là một công thần, một nhà ngoại giao tài tình thời Tây Sơn, Phan Huy Ích còn để lại cho hậu thế rất nhiều tác phẩm văn chương. Qua đó, chúng ta có thể nhận thấy những dấu ấn đậm nét của một triều đại Tây Sơn hào hùng với những con người, những khung cảnh lịch sử một thời.

1. Phan Huy Ích tên thật là Phan Công Hậu sinh năm Canh Ngọ (1750), là con trai cả của Tiến sĩ Phan Huy Cẩn (Cận), một danh thần, nhà sử học thời Lê Trung hưng. Do kiêng húy của Tuyên phi Đặng Thị Huệ, về sau ông đổi tên là Huy Ích. Ông là học trò của Ngô Thì Sĩ, được thầy yêu mến gả con gái cho. Mối quan hệ đặc biệt giữa ông và Ngô Thì Nhậm bắt đầu từ đó.

Trước khi đến với triều Tây Sơn, Phan Huy Ích đã làm quan 14 năm dưới thời vua Lê – chúa Trịnh (1773 – 1787). Tháng 5 năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc, xuống Chiếu cầu hiền. Phan Huy Ích cùng Trần Bá Lãm, Ninh Tốn, Vũ Huy Tấn, Đoàn Nguyễn Tuấn… lần lượt ra phục vụ cho triều Tây Sơn. Ông được phái ra Bắc thành, cùng Ngô Thì Nhậm lo công việc ngoại giao với nhà Thanh. Sau mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), Phan Huy Ích lại được vua Quang Trung triệu ra cho cùng Ngô Thì Nhậm trông coi việc ngoại giao: “Việc binh ở Bắc Hà, ta giao cho Ngô Văn Sở và Phan Huy Lân. Việc giao thiệp với Trung Quốc ta giao cho Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích. Mọi việc đều cho phép các ngươi tùy tiện xử trí”. Từ đây, Phan Huy Ích đóng vai trò là một trọng thần trong việc bang giao hòa hiếu giữa hai nước. Đặc biệt, ông là một trong những người quan trọng nhất góp phần cho chuyến đi sứ, đặc biệt năm Canh Tuất (1790) thành công hơn cả mong đợi, có tầm ảnh hưởng lớn đến quan hệ bang giao giữa triều Tây Sơn với triều Thanh sau này. Sau năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, Phan Huy Ích bị bắt cùng với Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thế Lịch, cả ba bị giam cầm, đánh đòn trước Văn Miếu nhưng rồi cũng được tha. Cuối năm 1803, Phan Huy Ích về ẩn ở Sài Sơn, đến năm 1814 ông về quê Thiên Lộc dạy học, năm 1819 lại ra Sài Sơn an dưỡng rồi mất vào năm 1822, thọ 73 tuổi.

2. Song song với những dấu ấn trên hoạn lộ, Phan Huy Ích để lại một khối lượng tác phẩm phong phú. Những tập thơ Nam trình tạp vinh, Cẩm trình kỷ hứng, Thang châu lữ hứng, Vân Sơn khiển hứng, Tinh sà kỷ hành, Cúc thu bách vịnh, Nam trình tục tập, Vân du tùy bút, Tục Vân du tùy bút… phải lên đến hàng nghìn bài thơ chữ Hán, chữ Nôm. Tất cả được Phan Huy Ích cho con cháu tập hợp lại, xếp vào một tập đặt tên là Dụ Am ngâm lục. Điều đáng tiếc là đến nay chỉ còn 531 bài do Phan Huy Ích sáng tác từ năm Canh Dần (1770) đến năm Giáp Tuất (1814) trong tập Dụ Am ngâm lục được lưu truyền lại [1]. Muốn biết hồn thơ, hồn người, không gì khác hơn là đến với những bài thơ trong Dụ Am ngâm lục… 

Đặc biệt, dấu ấn về triều đại Tây Sơn hiện rõ qua rất nhiều bài thơ ông viết. Ngay từ khi Phan Huy Ích còn làm quan dưới thời vua Lê – chúa Trịnh, ông đã có cơ hội tiếp xúc với nhà Tây Sơn. Trong bài Đáo Phú Xuân Thành [2], ông viết:

Mãn lộ biên thân nhạ sứ huy,

Triêu Dương các thượng thụ cơ nghi…

(Đầy đường các quan văn võ đón cờ sứ thần,

Trên gác Triêu Dương được tùy cơ làm việc).

Bài thơ này xuất phát từ sự kiện sau khi đỗ tiến sĩ (1775), ông được Trịnh Sâm ủy nhiệm vào Thuận Quảng trao ấn kiếm và phong tước cho Nguyễn Nhạc – Trưởng hiệu Tây Sơn - làm Lưu thú Quảng Nam tước Cung Quận công. Phan Huy Ích đã ngồi làm việc trên gác Triêu Dương bên bờ Nam sông Hương. Sau lại đi thăm các cảnh ở Thiên Mục, ông còn nhân lúc rỗi mà đi thăm các cảnh ở Thiên Mụ, Hà Khê, Phủ Cam, Phổ Lữ…

Thành Phú Xuân khi đó chỉ là nơi dừng chân cho công việc, nhưng đã để lại rất nhiều ấn tượng đẹp trong lòng Phan Huy Ích.

…Xuân thành sơn thủy đa giai cảnh

Công hạ thường cung phóng lãm kỳ

 (Non nước thành Phú Xuân nhiều cảnh đẹp,

Rỗi việc công thường đi xem cảnh lạ).

Phải đến năm 1788, Phan Huy Ích mới chính thức được Nguyễn Huệ mời đến thành Phú Xuân giúp phong trào Tây Sơn. Từ đây, trong thơ ông những người, những vật dưới triều đại Tây Sơn ngày một xuất hiện nhiều.

Sự hiện diện đầu tiên là những người cùng làm việc với Phan Huy Ích, nhất là trong việc ngoại giao, đi sứ. Đây là một nét đặc biệt trong thơ ông so với nhiều sĩ phu đương thời. Trong thơ ông chúng ta thấy bóng dáng của Vũ Huy Tuấn, Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy Tấn, …hay nhiều nhất là người anh vợ Ngô Thì Nhậm…Lúc thì họa đáp Vũ Công Bộ trên đất khách, khi thì Thư hoài Giản Đoàn Hàn Lâm, có khi Họa đáp Chi Phong Nguyễn Khê, hay Họa tiễn Hình thị Thanh Phái Lê Hầu Phó Hòa Nghĩa Nhậm đều cho chúng ta thấy những công việc Phan Huy Ích trực tiếp thực hiện, lại vừa thấy được sự sống động của một thời lịch sử với những con người cụ thể.

Việt thủy Yên sơn viễn giá nhân

Mai đình tràng vịnh nhất ban xuân

Nhân sinh tế ngộ đa phi ý,

Quân tử giao du cửu tất thân…

…Chu tu thả hỷ liên chinh duệ,

Mỹ cổ tình hoài bán tiệt phần. [3]

Ngô Thì Nhậm lại chiếm một vị trí rất riêng trong thơ Phan Huy Ích. Ngay từ lúc còn dưới chiếu vua Lê chúa Trịnh, Ích đã viết về Nhậm rằng:

Hồ thì anh du chướng vụ hương,

Nhân can nghĩa trụ độc cao tường.

Phiên tù khởi đắc du linh lặc,

Dao lão giai tri hỷ cổn thường.

Quốc hữu phiên hàn trùng bảo cố,

(Chí hồ thì hăng hái xông vào nơi sương mù khí độc,

Nhân là dáo, nghĩa là mũ, một mình vẫy vùng.

Từ trưởng ngoài cõi, há được phép vượt nhạc ngựa dây cương,

Mán mường rừng núi, đều biết mừng thấy uy nghi xiêm cổn.

Nước có bậc giỏi từ hàn, phên dậu thêm vững chắc). [4]

Đó là sự cảm phục của một nhân sĩ với một anh tài chứ đâu chỉ do tình riêng mà ưu ái. Về sau, cùng làm việc dưới thời Tây Sơn, tình cảm của hai người càng thân thiết, từ khi tuổi trẻ, đã nếm mùi đời, cho đến nay râu tóc đã bạc. Phan Huy Ích nhắc đến Ngô Thì Nhậm hầu như trong mọi hoàn cảnh, khi thì làm thơ gửi cho khi đi sứ, lúc thì cùng gửi con cháu được tuyển vào hầu ở Đông cung, hay chỉ đơn giản là ngâm một bài thơ luật gửi cho Ngô Thì Nhậm mong được sửa cho, cũng đủ thấy được sự tôn trọng của Phan Huy Ích với Ngô Thì Nhậm. Phan Huy Ích coi việc đối thơ với Ngô Thì Nhậm như việc Ném ra hòn gạch, đưa về viên ngọc, thu lợi được nhiều [5]. Đối với ông, Ngô Thì Nhậm là người:

Xán xán triều trâm tập thái đường,

Sinh huyền tấn hưởng triệt pha đường.

Đình tiền mai cúc, phương hoa ấm,

Án thượng quỳnh dao, tụng đảo chương.

Thai diệu giáng huy, tiên xuất thế,

Mệnh viên phủ cát, lộc phùng dương.

Hiệu thương trường sử tư văn thọ,

Tích thực, tri công bất lão phương.

(Trâm hốt long lanh họp một nhà,

Bốn bề vang dậy tiếng đàn ca.

Quỳnh dao trên án đầy lời chúc,

Mai cúc quanh thềm rực vẻ hoa.

Thai diệu sáng ngời, tiên hạ giáng,

Mệnh cung tốt đẹp, lộc để da). [6]

3. Người anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ - Quang Trung tất yếu hiện diện qua thơ Phan Huy Ích. Ông không có bài thơ riêng nào về vị minh chủ, nhưng tình cảm của ông với vị anh hùng áo vải cờ đào lại được thể hiện qua nhiều câu trong các bài thơ khác nhau.

Về tài năng, vua Quang Trung là người đã đem đến vận hạnh hanh thông cho dân tộc, để từ nay mỗi người như con cái ông được không như ta giữa chừng gặp buổi gian nan. Về con người, nhà vua đối với ông là một người thánh độ bao hàm (Độ lượng thánh thượng bao dung) [7], vì thế ông dốc sức ra làm việc vì nước – bang giao hoàn cán doanh tiên kiếp (Việc bang giao trọn vẹn, tráp đầy giấy tờ) [8], bởi đã huân khoán hảo thù tân sủng ốc (Dự vào hàng huân quí, cố sao đền đáp ơn mới vua vừa ban xuống) [9].

Phan Huy Ích vốn là người tài năng nhưng không được trọng dụng dưới thời vua Lê chúa Trịnh, mà có lòng chán cảnh làm quan. Ông đã từng lấy cớ bệnh tật xin từ chức mà không được nên từng ở trên thuyền di dưỡng, việc văn án cả tháng không tra xét. Những điều trên đã đổi khác hoàn toàn khi Phan Huy Ích đến với nhà Tây Sơn. Khi giao việc ngoại giao cho Phan Huy Ích, Nguyễn Huệ đã sắp xếp chu toàn mọi việc và giao quyền lại cho tướng Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, có dặn dò: “Phàm những việc giấy tờ trong nước hết thảy giao cho Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích, thư từ đi lại với Tàu thì tùy nghi mà làm, ngoại trừ việc quan trọng, thì không cần phải bẩm báo làm gì”. Điều đó cho thấy sự tin cậy toàn tâm của người anh hùng áo vải cờ đào với Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích. Bên cạnh nhân cách lớn lao thì chính tài dùng người ấy là điểm nhấn thu phục nhân tâm không chỉ Phan Huy Ích mà còn bao người khác. Như chính Ngô Thì Nhậm đã từng viết:

Dùng người rộng rãi, không phân mới cũ thân sơ,

Khiến cho bọn lười biếng tầm thường, cũng được thấy thanh minh thịnh sự. [10]

Phan Huy Ích cũng như vậy. Ông dâng trọn nhiệt huyết, cống hiến tài năng của mình vì nước. Chuyến đi sứ đặc biệt năm 1790, hộ tống vị “quốc vương” Phạm Công Trị qua Trung Quốc dự lễ bát tuần vua Càn Long là dịp để Phan Huy Ích bộc lộ hết tài năng ngoại giao và tài năng văn thơ của mình. Trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, Càn Long vốn nổi tiếng là ông vua văn võ song toàn, giỏi thơ văn. Việc trong lúc xướng họa, Phan Huy Ích là người đề thơ trên quạt của vua Càn Long và được khen ngợi về tài biện bác, văn chương tót vời là “thi diệc gia thỏa” (thơ hay, lời lẽ thỏa đáng) là một minh chứng cho tài năng thơ văn của ông, đồng thời càng làm vinh quang cho nước nhà. Điều này có được là do tài năng của Phan Huy Ích, nhưng cũng đồng thời chứng minh cho tài năng dùng người của vua Quang Trung.

Không chỉ lo việc bang giao, Phan Huy Ích còn được nhà vua giao cho việc giáo đạo cho Tiết chế công Nguyễn Quang Thùy (con vua Quang Trung). Điều này cho thấy nhà vua rất lo lắng việc dạy con thành tài. Cũng qua đó chúng ta định vị được tính cách Nguyễn Quang Thùy: Chân lân hảo khán anh tự mại (Mừng thấy vương tử nhân hậu, có thiên tư anh tuấn hơn người) [11].

Sự kiện quan trọng nhất có lẽ là khi người em trai của Phan Huy Ích dấy binh chống lại nhà Tây Sơn nhưng thất bại; Phan Huy Ích vốn đã chịu không ít dè bĩu của nhiều sĩ phu Bắc Hà không theo nhà Tây Sơn, nay gặp chuyện này càng phải nghe nhiều lời dèm pha. Ông sợ hãi vì có em mắc tội nên dâng biểu trần tình tạ tội. Khi gửi tờ biểu đi rồi ông chuẩn bị mọi việc để chờ nhận tội. Nhưng không ngờ, chẳng bao lâu sau ông nhận được Chiếu cua vua Quang Trung truyền ra rằng: "Tính người ta thiện ác khác nhau, cha còn chưa vừa lòng được với con, huống chi anh đối với em, việc đã không dính líu đến, thì còn có hiềm nghi gì!" và cho vào kinh triều kiến. Khi vào chầu lại được tới trước mặt căn dặn ân cần. Phan Huy Ích quá cảm động nên ông đã cởi mở tâu bầy với nhà vua. Bài thơ Tiến kinh triều yết ngật ky sự đã nói lên nỗi lòng của ông lúc bấy giờ.

Gia môn hà gia sự,

Phong cảnh phát ninh cự.

Thân phận tồn hình tích,

Uyên thông, dữ chiếu thư.

Xu thương vưu dịch nhược,

Uý tạ cánh ôn như.

Cảm kích đàn trung tố,

Quân thiều mộng mỵ mơ.

(Gia đình xảy bao chuyện,

Tình cảnh sống không yên.

Phận tôi tiếng đã mắc,

Ơn trên chiếu vẫn truyền.

Đi vội lòng nơm nớp,

Yên ui ân cần khuyên.

Cảm động bày tấc dạ,

Mơ  màng khúc nhạc tiên).

Chính vì thế mà khi vua Quang Trung mất đi là một mất mát lớn lao. Phan Huy Ích đã viết rằng:

Mộng thành suy cữu vị thi ai,

Cảm trọng di cung thất phụng bồi.

Quốc kế gia tình đa củ kết,

Phong thần nguyệt tịch độc bồi hồi.

Trần hoàn bào ảnh phù sinh huyễn,

Hải điện bình bồng lẽ mộng thôi.

Sắc ngộ tự tàm khuê phân nghị,

Cô tung yếu hướng cố sơn lai.

***

Hồng thiên thủy dự đăng luân các,

Long khứ hà kham vọng Đỉnh Hồ.

Tao tế cơ duyên nan tái đắc,

Tùng kim cơ lữ nhạn thần cô.

(Uyên bay thuở ấy, vẫn còn đau,

Rồng lại đi xa, mất dịp hầu.

Việc nước tình nhà thêm bối rối,

Đêm trăng, sớm gió xiết âu sầu.

Cõi trần thấp thoáng thân trôi nổi,

Góc bể lênh đênh mộng hắt hiu.

Cảnh ngộ không may, tình nghĩa cách,

Quê nhà trở gót muốn từ lâu.

***

Tung mây hồng mới lên hoàng các,

Lánh tục rồng bay ngóng Đỉnh Hồ.

Duyên phận gặp người không thấy nữa,

Đời thần giống chiếc nhạn đơn côi) [12].

Khi về già, triều đại đã thay đổi, Phan Huy Ích vẫn tâm niệm về vị anh hùng Nguyễn Huệ - Quang Trung và những ngày tháng quân thần bên nhau:

Hữu phận thao cổ lý điện đường,

Trì trì thất lậu xuất ngân đường.

Ngự diên dạ triệt kim liên trúc,

Tư viện tình canh Bạch tuyết chương.

Khoáng thế tao phùng giao đắc vũ,

Minh đình giảng hoạch phượng minh dương.

Kinh Sơn bất thị long lai tảo,

Yếu ngã huy hào tảo bất phương.

(Có phận bút nghiên bước lên cung điện,

Tiếng giọt đồng trong nhà chầm chậm vang ra ao bạc.

Tiệc rượu vua ban thâm đêm sáng đuốc sen vàng,

Ở viện Hàn lâm, suốt ngày họa thơ Bạch tuyết.

Cuộc gặp hiếm có ở đời, như giao long gặp mưa.

Ứng đối luận bàn trong triều anh minh, như phương hót phía đông núi.

Rồng kia ví chẳng sớm tới núi Kinh Sơn,

Ắt cần ta vung ngòi bút quét sạch tám phương) [13].

Triều đại Tây Sơn ngắn ngủi, anh hùng Nguyễn Huệ - Quang Trung đột ngột ra đi khi còn dang dở nhiều dự định, nhưng những gì vua Quang Trung đã làm được cũng đủ để lịch sử ghi nhận. Thơ Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm, và hàng loạt các sĩ phu khác kể cả dưới thời Tây Sơn và sau này đều góp phần dựng nên chân dung người anh hùng áo vải cờ đào. Điểm độc đáo của thơ Phan Huy Ích chính là bên cạnh những tâm tư, tình cảm của mình, ông còn gián tiếp cung cấp thêm cho hậu thế ngày nay những thông tin góp phần bổ sung thêm về một vị anh hùng dân tộc còn đặt ra nhiều vấn đề như ngày mất, nơi đặt lăng mộ vua Quang Trung. Ví như trong bài thơ Thu phụng quốc tang, cảm thuật, nguyên dẫn: “Trung tuần tháng 6, tôi được thăng chức Nội các Thị trung ngự sử. Ngày 30 tháng 7 thì vua Quang Trung về chầu trời” [14]. Về ngày tháng mất của vua Quang Trung, cho đến nay vẫn có rất nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, vì Phan Huy Ích là một cận thần đương triều nên những gì ông viết rất đáng tin cậy khi chúng ta xem xét các ý kiến khác nhau ấy.

4. Thơ là ngôn từ. Thơ cất giữ tình cảm tâm hồn. Thơ cũng đồng thời cất chứa những sự kiện dữ liệu lịch sử. Đó là điều không phải ai cũng làm được. Qua thơ Phan Huy Ích, chúng ta “nhìn thấy” một thời lịch sử. Cũng chính qua thơ Phan Huy Ích, chúng ta cảm một tâm hồn, nhân cách lớn – con người luôn “lấy nghĩa làm phương hướng”, chỉ đơn giản muốn dốc lòng cho nước cho đời mà quả ngọt là dấu ấn khắc vào lịch sử dân tộc, lịch sử văn học nước nhà.

Dương Thị Hải Vân - Đặng Vinh Dự

 

Chú Thích:

[1] Theo Ban Hán Nôm (1978), Thơ văn Phan Huy Ích, tập I - Dụ Am ngâm lục, sách I, Nxb KHXH.

[2] “Bài 21 - Đáo Phú Xuân thành”, tập I, Sđd, tr.76 – 77.

[3] “Bài 102 – Họa đáp Vũ Công Bộ”, trong Ban Hán Nôm (1978), Thơ văn Phan Huy Ích, tập II - Dụ Am ngâm lụcNxb KHXH, tr.9-10.

[4] “Bài 32 – Canh Tý xuân hạ kiêm đốc đồng quyến đài tham nhung hoàn cần”, tập I, Sđd, tr. 94-95.

[5] Ban Hán Nôm (1978), Thơ văn Phan Huy Ích, tập III - Dụ Am ngâm lục, Nxb KHXH, tr.12.

[6] “Bài 259”, tập III, Sđd, tr.13-14.

[7] “Bài 85, Văn khiển cảm tác”, tập I, Sđd, tr.181 – 182.

[8] “Bài 177, Hồi trình khải quan”, tập II, Sđd, tr.46 – 47.

[9] “Bài 183, Sơ đông – phụng chỉ tứ dục vận công thần”, tập II, Sđd, tr.57-58.

[10] “Biểu tạ của các quan văn võ cũ triều Lê”. Dẫn theo Mai Quốc Liên (chủ biên và khảo luận) (2001), Ngô Thì Nhậm – tác phẩm, tập I, tr.185.

[11] “Bài 181, Thu phụng chiếu ban giáo đạo Tiết chế công đắc mệnh ngẫu thuật”, tập II, Sđd, tr.55 – 56.

[12] “Bài 190-191, Thu phụng quốc tang, cảm thuật”, tập II, Sđd, tr.73-75.

[13] “Bài 282”, tập III, Sđd, tr.43.

[14] “Bài 190-191, Thu phụng quốc tang, cảm thuật”, tập II, Sđd, tr.73.
Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia