Bà vãi Vân Dương

Chúa Nguyễn Phúc Khoát (Võ Vương) có 18 con trai và 12 con gái. Người con gái trưởng phương danh là Ngọc Tuyên[1], nổi tiếng nhất trong các hoạt động giúp nhà Nguyễn. Mẹ bà người họ Tống, bà hạ giá cho quan Chưởng cơ Nguyễn Cửu Thống.

Năm Giáp Ngọ (1774), Trịnh Sâm sai Hoàng Ngũ Phúc vào đánh Phú Xuân, ông Thống chết, bà rất đau buồn bèn cạo đầu đi tu ở Vân Dương[2], hiệu là Vân Dương ni cô. Vì thế người ta gọi là bà vãi Vân Dương

                   

Hoàng nữ Ngọc Tuyên con gái trưởng của chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát/Hoạt,

được Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên viết tiểu sử tại Quyển II,  từ tr. 40b. TL của NĐX

 

Hơn mười năm sau, quân Tây Sơn chiếm Phú Xuân khỏi tay quân Trịnh (1786), lăng tẩm của dòng họ Nguyễn bị quật phá tan tành (1790), bà rất đau xót. Từ đó bà nuôi chí chống lại Tây Sơn. Bà sai người con rể là Nguyễn Đức Tuấn (cũng có tên là Duệ) bí mật đi khuyến dụ nhân dân Định Môn, Kim Ngọc, Cư Chánh tìm mọi cách bảo vệ các tôn lăng. Nguyễn Ngọc Huyên, người làng Cư Chánh đã làm theo lời bà và đã thành công trong việc giữ gìn được một phần hài cốt của Nguyễn Phúc Luân (thân sinh Nguyễn Anh) để sau này lập công với Gia Long.

Năm Tân Hợi (1791) bà cử người thân tín (tên Thiện) theo thuyền buôn vào Gia Định tâu cho Nguyễn Vương  biết sự động tĩnh và binh lực của Tây Sơn ở Phú Xuân, đồng thời dâng lên tập Hoài Nam Ca Khúc của Hoàng Quang (người xã Thái Dương) sáng tác, nội dung cho Vương biết lòng dân vẫn còn có người hướng về dòng họ Nguyễn. Được tin ấy Nguyễn Vương rất vui mừng, cử ngay người về Phú Xuân, ẩn trú trong nhà bà để hoạt động. Nguyễn Đức Tuấn được giao tiền bạc đi chiêu dụ dân chúng, nhất là binh tướng của Tây Sơn. Nguyễn Vương còn giao cho bà nhiều giấy tờ khống chỉ có dấu triện của Nguyễn Vương (tức Nguyễn Anh) để bà tùy cơ điền tả vào mà ban cấp.

Việc làm của bà không may tiết lậu ra ngoài. Quân Tây
Sơn đến vây nhà. May mắn lúc ấy người của Nguyễn Vương đi vắng, không bắt được ai, quân Tây Sơn lấy một ít của cải của bà rồi rút đi.

Năm Đinh Tỵ (1797), quan bộ binh của Tây Sơn là Nguyễn Đại Phát đi trấn thành Qui Nhơn, bà dò biết ông Phát đã mệt mỏi với nhà Tây Sơn, liền sai Nguyễn Đức Tuấn đi theo tiễn chân. Đến đoạn đường vắng, Đức Tuấn đọc cho ông Phát nghe một câu của ông Khóai Triệt ngày xưa:

- “Thời hồ thời hồ bất tái lai “

(Thời gian và cơ hội không trở lại lần thứ hai)

Hiểu ý, ông Phát “ngúc đầu“ một cái rồi hai bên bái biệt nhau. Về sau ông Đại Phát theo Nguyễn Vương.

Ông Lê Chất, người quê Phù Mỹ (Qui Nhơn) là một đô đốc có tài của Tây Sơn. Khi nội bộ nhà Tây Sơn rối loạn, ông lấy làm buồn, giả vờ chết rồi trốn lên ẩn tại núi Trà Đồng (!). Biết chuyện bà Ngọc Tuyên sai người đến khuyến dụ, Lê Chất về đầu Nguyễn Vương và sau trở thành công thần nhà Nguyễn được phong chức tước Quận công.

Năm Canh thân (1800) quân Tây Sơn tập trung vây thành Qui Nhơn, thành Phú Xuân bỏ trống. Bà Tuyên cho người khảo sát tình hình, vẻ bản đồ chỉ thị hình thể  cửa biển Tư Dung (tức Tư Hiền) và cửa Eo (tức Thuận An) giao ông Phạm Hữu Tâm theo đường núi vào tìm nơi đóng quân của Nguyễn Vương, giao tận tay cho Vương. Do tin tức của bà  Tuyên nên Nguyễn Vương mới có ý định đánh Phú Xuân trước khi giải vây thành Qui Nhơn.

Như trên đã tường thuật, quan bộ binh của Tây Sơn là Nguyễn Đại Phát, qua sự vận động khéo léo của người nhà Ngọc Tuyên, đã ngầm theo Nguyễn Vương, cho nên khi vào trấn thành Qui Nhơn, bề ngòai ông là quan Tây Sơn nhưng trong lòng thì đã nghĩ đến chuyện khác. Biết rõ thâm tâm ông, bà Ngọc Tuyên nhờ Đoàn Văn Cát khiến chị của Đại Phát cầm sắc chỉ của Nguyễn Vương vào Qui Nhơn dụ Phát đầu thú quân Nguyễn. Nhận được sắc chỉ, Đại Phát cùng với Tổng quân Lê Văn Thanh xin nạp thành Qui Nhơn.

Bà Ngọc Tuyên là tai mắt của Nguyễn Anh tại Phú Xuân, bà đã lập nhiều công lớn đối với người sáng lập ra triều Nguyễn.

Khi khôi phục được Phú Xuân, Nguyễn Vương đã cho rước bà đến ngay thuyền Ngự, hai cô cháu ôm nhau khóc nức nở.

Bà được Nguyễn Vương trọng thưởng. Sau khi lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long, nhà vua vẫn thường lui tới thăm phủ của bà ở Vân Dương. Đến năm Gia Long thứ VIII (1809), bà mất, thọ 72 tuổi, an táng tại làng Dương Xuân.

Lai lịch và hành tung của bà Ngọc Tuyên góp một ít tư liệu lịch sử cho việc nghiên cứu sự suy tàn của nhà Tây Sơn.

(Viết theo Tiên Nguyên Loát Yếu Phổ, Đại Nam Liệt truyện Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả)

Hoàng Nữ Ngọc Tuyên.

          Mẹ là Tả cung tần Tống thị. Ngọc Tuyên lấy tiết chế chưởng doanh Nguyễn Cửu Thống. Sự biến năm Giáp Ngọ (1774) Thống đã chết, bà ở lại xã Vân Dương (thuộc huyện Hương Thủy) cắt tóc đi tu, người ta gọi là sư cô Vân Dương. “Giặc” Tây Sơn vô lễ phạm đến lăng tẩm liệt thánh, bà mật sai con rể là Nguyễn Đức Tuấn cùng sư già thân tín bí mật đến các xã Định Môn, Kim Ngọc, Cư Chánh, ngầm dặn người dân (sở tại) theo dõi tùy tiện tìm cách bảo hộ lấy hài cốt. Cho nên người xã Cư Chánh Nguyễn Ngọc Huyên, lén lấy được hài cốt lăng Cơ thánh đem giấu một nơi sạch sẽ. Năm Tân Hợi (1791) bà ngầm sai người thân tín, tên là Thiệu, đáp thuyền buôn vào Gia Định, đem việc ấy tâu lên. Lại đem tình hình giặc động tĩnh ra sao, binh lương nhiều, ít thế nào, tâu bày từng việc một... Lại sao chép và tiến lên bài Hoài nam khúc do Hoàng Quang, người xã Thái Dương đã soạn để trình bày cho biết lòng dân nhớ mong.

        Được thư của bà viết, Thế tổ cao hoàng đế rất vui lòng. Bấy giờ vua sai người đi lại trinh thám tình hình giặc đều bí mật cư trú ở nhà bà. Bà lại lấy của nhà giao cho Nguyễn Đức Tuấn đi chiêu dụ những lương dân trung nghĩa và bè đảng ngụy khiến họ qui thuận. Vua cũng sai người đưa mật dụ và giấy đóng ấn để trống giao cho bà tùy tiện viết chỉ sai, chỉ truyền để cấp cho người làm việc. Sau, việc lộ liễu. Ngụy đô đốc Dật đem quân đến vây nhà. May sao những người được mật sai bấy giờ không ở đó. Giặc tầm mãi, không bắt được ai bèn cướp của cải mà đi. Năm Đinh Tỵ (1797) Binh bộ Nguyễn Đại Phác, đến trấn thành Quy Nhơn. Đức Tuấn có quen Phác, biết Phác ngầm có ý qui phục. Đến lúc Phác đi, bà sai Đức Tuấn đi tiễn, dọc đường, đọc câu “thời hồ! thời hồ, bất tái lai” (1) của Khoái Triệt, Phác gật đầu đi. Ngụy đô đốc Lê Chất, là tướng giỏi của giặc. Lúc có việc bè đảng, Chất giả chết, rồi ngầm về ẩn nấu ở núi Trà Bồng, phủ Qui Nhơn. Bà được tin, bèn sai người thân tín tên là Hậu, đi dụ Chất về hàng. Bà lại cho do thám biết giặc đem hết quân đi Quy Nhơn, còn đô thành thì trống rỗng, bèn vẽ hình thế đồn sở cửa biển Tư Hiền và Thuận An, mật sai bọn Phạm Hữu Tâm và Nguyễn Khả Bằng đi đường miền Thượng đến hành tại(2) đem việc tâu lên. Năm Kỷ Mùi (1799) mùa hạ, Đoàn Văn Cát sai chị của Phác là Thị Huấn mang sắc chỉ vào thành (Qui Nhơn) dụ hàng. Phác được sắc chỉ, lập tức cùng tổng quản Lê Văn Thanh đem thành Quy Nhơn ra hàng. Năm Tân Dậu (1801) mùa hạ, vua lấy lại được Kinh thành cũ, lập tức sai Tống Phúc Lương đi đón bà đến thuyền ngự. Bà khóc lạy, vua cũng khóc. Từ đấy, vua thường đến chơi nhà bà, ban thưởng rất hậu. Đầu năm Gia Long (1802) ưu cấp cho lương bỗng hàng năm, và làm cho phủ đệ ngay tại chỗ bà đang ở. Lại cho bà được tự mộ người lập đội thường ban làm tùy binh. Gia Long năm thứ 3 (1809) bà mất thọ 72 tuổi. Vua sai quan sửa việc tang, táng ở xã Dương Xuân, cấp cho năm người coi mả. Sau, lấy chỗ ở làm đền thờ, mỗi năm đến ngày giỗ, cấp 30 quan tiền. Tự Đức năm thứ 3 (1850) ấm thụ cho chắt là Ân làm bá hộ, coi việc thờ cúng.

____________

(1) Thời cơ! Thời cơ! Nếu bỏ qua thì nó không trở lại nữa.

(2)  Chỗ ở của vua chúa trong khi đi đường.

 

 


[1] Trước đây trong sách Chuyện Các Bà Trong Cung Nguyễn (tập 1) chúng tôi đọc nhầm tên bà là Ngọc Huyên, nay xin sửa lại cho đúng với Nguyễn Phúc tộc Thế phả. Xin cáo lỗi cùng bạn đọc NĐX

[2] Nay thuộc xã Thủy Vân huyện Hương Thủy tỉnh Thừa Thiên. 

 

Các bài viết khác:
Vietravel
Khách sạn Midtown
Phú Đạt Gia